Ảnh minh họa về nạn hối lộ
AFP photo
|
Đỗ Hiếu - Báo chí Việt Nam nói có trên 69 % doanh nghiệp tự nhận là nạn nhân của nạn tham nhũng. Để giải quyết thông suốt mọi việc, cách hay nhất là lót tay, hối lộ, quà cáp, mời cơm các quan chức, theo thông lệ chung.
Phải hối lộ mới xong việc
Những số liệu vừa được nêu lên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Thanh tra Chính phủ công bố trên các phương tiện truyền thông, qua cuộc nghiên cứu, khảo sát, phỏng vấn, trao đổi với trên 270 doanh nghiệp, đang hoạt động tại khắp ba miền đất nước.
Phần lớn các doanh nghiệp đều nói sẵn sàng hối lộ các viên chức, cán bộ là để mau được việc, tiết kiệm thời gian, tránh phiền toái. Những người khác cần được lót tay là cán bộ ngân hàng, cán bộ lo đấu thầu và cán bộ tín dụng, để được dễ dàng vay mượn vốn làm ăn, thông qua nhanh chóng mọi thủ tục, giấy tờ.
Trên 80% doanh nghiệp tham gia hội luận này đều cho rằng, tham nhũng, đút lót có thể chiếm trên dưới 5% tổng số chi phí hàng năm. Vấn nạn này gây hậu quả tai hại cho sự phát triển kinh tế và hoạt động doanh thương, đồng thời làm suy giảm niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, ảnh hưởng đến cuộc sống của xã hội.
Theo các chuyên gia thuộc Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam và Thanh tra Chính phủ thì các doanh nghiệp chấp nhận đưa hối lộ vì thấy cái lợi trước mắt, nhưng về lâu dài, tình trạng này sẽ làm hỏng các hoạt động kinh doanh, khiến doanh gia không có khả năng cạnh tranh, vì họ quen phụ thuộc vào việc đưa hối lộ, với quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Ở Việt Nam, chuyện tham nhũng, đưa phong bao, phong bì, là phổ biến, nói 61% doanh nghiệp hối lộ, không biết có chính xác hay không, nhưng có lẽ tới 100%.
(Ông Bùi Kiến Thành)
Từ Hà Nội, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tư vấn tài chánh của chính phủ, nói lên quan điểm của mình về tình trạng doanh nghiệp “bôi trơn”, để tạo mọi dễ dàng trong việc làm ăn của họ:
“Ở Việt Nam, chuyện tham nhũng, đưa phong bao, phong bì, là phổ biến, nói 61% doanh nghiệp hối lộ, không biết có chính xác hay không, nhưng có lẽ tới 100%. Không làm việc gì mà không có bôi trơn, cho tiền cho bạc với mọi cấp, những con số thống kê đưa ra, không hoàn toàn chính xác đâu.”
Vậy chuyện lót tay đó ảnh hưởng ra sao đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, nếu so sánh với các đối tác thương mại khác trên thị trường khu vực và quốc tế, ông Bùi Kiến Thành nói thêm:
“Doanh nghiệp phải tính thêm các chi phí hối lộ, tuy không phải là chi phí chính thức, nhưng đẩy giá thành sản phẩm và dịch vụ lên cao hơn, có thể nói là từ 5% tới 10 hay 20%, như vậy doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp khắp thế giới, Doanh nghiệp ở Singapore, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản hay những nơi khác không có chi phí quan hệ như vậy, không bị tham nhũng, tự nhiên giá thành sản phẩm của người ta thấp hơn, hàng hóa dễ cạnh tranh hơn. Con Rồng Việt Nam làm sao mà bay lên được khi tham nhũng vẫn còn.”
Khó giải quyết tận gốc
Ảnh minh họa. AFP photo |
Nhà nước Việt Nam cần phải làm gì trước thực trạng đó, hầu giải tỏa những hiện tượng gây lắm tai tiếng lâu nay, ông Bùi Kiến Thành giải thích:
“Thực trạng đó là cả một vấn đề của đất nước Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ là các vị lãnh đạo cấp cao cũng đã biết rồi, nên trong những tuần qua, tháng qua, phía lãnh đạo đảng cộng sản đã đặt ra vấn đề là phải bài trừ tham nhũng tận gốc, làm sạch chế độ này, để các doanh nghiệp có thể hoạt động tốt, đất nước có thể cạnh tranh được với tất cả quốc gia khác trên thế giới, lúc ấy việc phát triển đất nước mới thành công.”
Cũng nói về thói quen hay thông lệ trao phong bì, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty lữ hành Lửa Việt ở Saigon góp ý qua câu chuyện với RFA:
“Tôi cho rằng chuyện đó rất phổ biến, còn bao nhiêu phần trăm thì chưa có ai điều tra, thăm dò, các con số chỉ có ý nghĩa tương đối thôi. Về phía các quan chức thì họ coi chuyện nhũng nhiễu là chuyện bình thường.”
Tuy nhiên, ông Mỹ cũng nói lên sự thật từ cả hai chiều, phía người trao lẫn người nhận hối lộ:
“Người ta (cán bộ) không đòi, nhưng người cho (doanh nhân) cảm thấy như thế mới được, đặc biệt là đối với khu vực nhà nước, khó có thể tránh được chuyện hối lộ vì đồng lương họ luôn luôn lạc hậu, so với thị trường cho nên họ phải tìm những cách khác để kiếm tiền thôi. Tham nhũng có nhưng tôi nghĩ là không đến nỗi nào, phải nói là có cả hai phía, thứ nhất là có những viên chức xấu, nhũng nhiễu, thứ hai là về phía doanh nghiệp, muốn thoải mái thì cứ đưa phong bì, tức là vô hình chung đã làm hư hỏng những viên chức.”
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế Trung ương, thì kết quả nghiên cứu này chỉ phản ảnh một phần nào của sự thật hàng ngày, vì tình trạng tham nhũng trong xã hội Việt Nam ngày nay còn tệ hại hơn nhiều so với những con số được công bố trên báo chí và diễn đàn.
Tôi cho rằng chuyện đó rất phổ biến, còn bao nhiêu phần trăm thì chưa có ai điều tra, thăm dò, các con số chỉ có ý nghĩa tương đối thôi. Về phía các quan chức thì họ coi chuyện nhũng nhiễu là chuyện bình thường.
(Ông Nguyễn Văn Mỹ)
Về phần dư luận thì mong rằng, muốn chống tham nhũng hữu hiệu, nhà nước cần có một hệ thống bảo vệ người tố cáo tham nhũng, nếu cảm thấy an toàn, họ mới mạnh dạn lên tiếng phanh phui hiện tượng tiêu cực, sái pháp luật. Quan chức bị tố cáo nếu xác nhận tội phạm thì cần phải được xử lý nghiêm khắc.
Các tác giả soạn thảo bản báo cáo về hành động “lót tay” của doanh nghiệp, khuyến cáo chính phủ Việt Nam cần tăng thu nhập hợp pháp cho các cán bộ, viên chức nhà nước, tăng cường pháp luật, tính cách nghiêm minh về hình thức chế tài, thúc đẩy đạo đức, phẩm giá con người, trong đời sống xã hội.
Được biết vào năm ngoái, một cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “bảo vệ người chống tham nhũng”, có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, để tạo điều kiện cho người dân thêm mạnh dạn và tích cực tố giác tệ nạn này, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy có hành động gì cụ thể. Mặt khác, luật phòng chống tham nhũng cũng vạch rõ là các quan chức lãnh đạo đảng và chính phủ Việt Nam, hàng năm phải kê khai tài sản. Quy định này đã được chấp hành nghiêm chỉnh chưa? Cho đến nay câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ.
Không có nhận xét nào: