Một thời để làm thinh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 4, 2012

Một thời để làm thinh

Chu Thập - Hôm nay là ngày mà các tín hữu Kitô Việt nam cũng như tại hầu hết mọi nơi trên thế giới gọi là “Thứ Sáu Tuần Thánh”. Ở Úc, ngày này được gọi là “Good Friday”, một ngày nghỉ lễ (Public Holiday). Tôi không biết “good” có đồng nghĩa với “thánh” không. Nhưng cứ sự thường, “good” chỉ có nghĩa là tốt đẹp mà thôi. Ngày tưởng niệm Chúa Giêsu chết được gọi “Good” (tốt) là phải, bởi vì ra đường thấy đâu đâu cũng có người lên đường đi nghỉ lễ Phục Sinh và sinh hoạt có khi lại còn náo nhiệt hơn ngày thường. Trái với bầu khí vui chơi nhộn nhịp này, vào các nhà thờ ở Việt nam, nhứt là ở miền Bắc hay khu “Bắc kỳ di cư” ở miền Nam, người ta chỉ thấy toàn một mầu tang chế buồn thảm: nhà thờ trắng xóa khăn tang, giọng “ngắm nhân tài” hay “ ngắm đứng” nghe thật não nuột! 


Ở những nước nói tiếng Anh, người ta còn gọi Ngày thứ sáu tuần thánh là “Black Friday” (thứ sáu tối đen). Kiểu nói này xem ra gợi hình và gần với Kinh Thánh hơn cả, bởi vì Kinh Thánh viết rằng khi Chúa Giêsu tắt thở thì “bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu (3 giờ chiều), thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ 9. Mặt trời ngưng chiếu sáng” (Lc. 23,44-45). Tại Phi luật tân, quốc gia có đông người công giáo nhứt Á châu, thứ sáu tuần thánh đúng là một ngày “tối đen”. Ở quốc gia mà Đạo công giáo được người Tây ban nha mang đến ngang qua ngã Mễ Tây Cơ cùng với vô số tập tục lỉnh kỉnh của Châu Mỹ Latinh này, Thứ Sáu Tuần Thánh được tuân giữ một cách triệt để nhứt. Không kể đến những vụ đóng đinh “thật sự” được tổ chức tại một làng quê cách thủ đô Manila khoảng 60 cây số về hướng Bắc cũng như cảnh những người trùm đầu, mình trần, đi chân không giữa cái nắng trên 35 độ C, dùng roi sắt quất vào người cho đến khi máu chảy đầm đìa...cả nước Phi luật tân hầu như chìm ngập trong “tăm tối” của ngày thứ sáu tuần thánh. Ở một nước mà tiếng động cơ máy nổ đủ loại hoạt động suốt ngày đêm, tạo ra một thứ ô nhiễm âm thanh khủng khiếp, người ta có cảm tưởng như mọi thứ đều ngưng lại trong ngày thứ sáu tuần thánh, cứ như là bị “black out” (cúp điện) toàn diện. Công sở, hãng xưởng, trường học, chợ búa, hàng quán đóng cửa đã đành, mà các phương tiện di chuyển công cộng cũng chẳng có hay bị hạn chế tối đa. Bình thường, cứ 4, 5 giờ sáng, người dân Phi đã thức giấc và tuốn ra các ngã đường. Nhưng hôm nay, người ta kiêng cữ đến độ không dám ra khỏi nhà. Bốn bề yên lặng. Tôi có cảm tưởng như mỗi năm người dân hải đảo vốn thích ca hát ồn ào này dành ngày thứ sáu tuần thánh để tập sống thinh lặng. Sống và làm việc tại Phi luật tân một thời gian, tôi nhận thấy đây là “bài học” cần thiết hơn bất cứ môn học nào. 

Bài học vỡ lòng mà người Việt nam nào cũng phải học là “học ăn, học nói...” Tôi thấy chẳng có cha mẹ nào dạy con phải học “im lặng” cả. Mãi cho đến khi lên Trung Học, bắt đầu tập làm văn “nghị luận”, học sinh mới được dạy để bình câu “lời nói là bạc,thinh lặng là vàng”. Đây là dịp để làm quen với bao lời dạy của các bậc thánh hiền Đông Tây về sự thinh lặng. Nhìn chung, ở đâu và thời nào con người cũng đề cao và trân quý sự thinh lặng. Ở Á đông, những người có tham vọng ra “làm quan” thường tìm một nơi hẻo lánh để ở ẩn chờ thời. Bên trời Tây, các bậc thức giả hay nhà khoa học cũng giam mình trong thinh lặng để nghiền ngẫm và nghiên cứu. Gặp lúc buộc phải lên tiếng nói nhưng lại im lặng, thì im lặng có thể là một thái độ ích kỷ, hèn nhát hay thiếu trách nhiệm. Nhưng im lặng, nhứt là khi bị bịt miệng, có khi lại là tiếng nói mạnh mẽ, hùng hồn hơn cả. 

Mới đây, cuốn phim “câm” và trắng đen có tựa đề “The Artist” (người nghệ sĩ) đã gây chấn động tại thủ đô điện ảnh Hollywood. Sự kiện cuốn phim “câm” này đạt được nhiều giải thưởng tại liên hoan phim Cannes, Pháp, 7 giải BAFTA tại Anh Quốc và giựt được đến 20 giải Oscar tại Hoa kỳ hôm 26 tháng 2 vừa qua, cho thấy giá trị và ý nghĩa của cuốn phim. Sau khi nhận giải Oscar, đạo diễn của phim “The Artist” là ông Michel Hazanavicius đã so sánh tiếng nói với sự thinh lặng như sau: “Tiếng nói hữu dụng, nhưng chỉ hữu dụng thôi. Tuy nhiên, nó cũng làm giảm giá trị của truyền thông. Khi một đứa trẻ không biết nói, cười với bạn, làm bạn xúc động, khác với cái cười của người lớn. Ngay cả với những người bạn yêu, không phải lúc nào bạn cũng dùng lời nói để biểu lộ những việc quan trọng. Tôi nghĩ khi bạn không cần phải nói, đó mới thực sự là sức mạnh” (x. Đinh Từ Thức, The Artist, Oscars và Cộng sản, Việt luận 23/3/2012). 

Cuốn phim “câm” và trắng đen này không thể không gợi lại cho những người say mê điện ảnh những cuốn phim “câm” của Charlie Chaplin (1889-1977) vào thời kỳ phôi thai của nghệ thuật thứ bảy. Diễn viên kiêm đạo diễn người Anh mà lúc nhỏ chúng ta quen gọi là “Charlot” này đã mang lại cho chúng ta không chỉ những trận cười “nghiêng ngả”, mà còn khơi gợi những suy tư nhức nhối về thân phận con người, khiến chúng ta không chỉ cười mà còn muốn khóc là khác. Không cần một lời nói, thiên tài điện ảnh này đã khiến chúng ta cười ra nước mắt theo đúng nghĩa. Ông đã thể hiện đúng chức năng của “phim ảnh”: nói mà không cần phải dùng lời nói! Bởi lẽ, như đạo diễn Hazanavicius đã nói, lời nói “cũng làm giảm giá trị của truyền thông”. 

Ở thời đại thông tin toàn cầu này, cứ tưởng “nghe-nhìn” (audio-video) là hoạt động chính, nhưng dường như con người lại nói nhiều hơn nghe nhìn. Theo tôi, một trong những hình ảnh tiêu biểu nhứt của thời đại thông tin toàn cầu này chính là chiếc điện thoại di động. Hãy thử gia nhập vào một đoàn người đang chen chúc nhau trên những đường phố nhộn nhịp nhứt của những thành phố lớn. Hình ảnh dễ thấy nhứt vẫn là cảnh người người vừa đi vừa áp điện thoại di động vào tai để nói. Vừa đi vừa khoa tay múa chân vừa cười cười nói nói, họ chen chúc trong đám đông mà y như chỗ không người. Không gì buồn cười bằng khi nghe có tiếng người đang nói sau lưng mình. Quay lại thấy họ đang nói chuyện với ai đó, nhưng thoạt nhìn cứ tưởng như họ đang nói “xàm” một mình. Truyền thông mà cứ như “độc thoại”. Ở thời đại mà những phương tiện truyền thông ngày càng tối tân tưởng có sức “nối mạng” làm cho con người ở xa gần gũi với nhau hơn, trong thực tế lại càng làm cho con người đang sát gần nhau trở nên xa lạ hơn. Nếu có “liên kết” với nhau thì cái mạng lưới ấy có khi cũng chỉ là một thế giới ảo. Trong thế giới ấy, càng muốn “nói”, càng muốn “giải bày” thì con người lại càng cô đơn hơn. 

Bớt nói để biết lắng nghe hơn: đó là nguyên tắc thực tiễn mà ông Dale Carnegie đã đề ra trong cuốn sách “Đắc nhân tâm” (How to win friends and influence people). Trong chương tư (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), Dale Carnegie kể lại rằng một hôm ông được mời dự tiệc. Trong câu chuyện trao đổi sau bữa tiệc, một người phụ nữ muốn ông kể về những danh lam thắng cảnh ở Âu Châu. Biết người đàn bà này vừa mới thực hiện một chuyến du lịch ở Phi Châu, ông Carnegie chỉ nói vài câu rồi gợi ý cho bà kể lại chuyến đi. Ông ghi lại rằng người đàn bà liền thao thao bất tuyệt trong 45 phút đồng hồ mà chẳng còn ngó ngàng gì đến những thắng cảnh ở Âu châu nữa. Ông thấy rằng người đàn bà này “chỉ muốn gặp được người chăm chú nghe để bà có cái vui được dịp nói về mình và những kỷ niệm của mình”. Theo ông, có vô số người như người phụ nữ này. “Tất cả chúng ta đều muốn diễn thuyết khi có người chăm chú nghe ta”. 

Trong một bữa cơm tối khác, Carnegie cũng lân la đến gần một nhà thực vật học nổi tiếng. Ông gợi ý cho nhà khoa học này nói về những kiến thức khoa học của mình. Thế là bài lecture (giảng huấn) của nhà khoa học kéo dài cho đến nửa đêm. Carnegie đành xin phép ra về. Sau đó, có người cho hay rằng khi ông “vừa ra khỏi phòng, nhà thông thái đó quay lại nói với ông chủ nhà rằng Carnegie là một người “ăn nói có duyên”. Kỳ thực, trong suốt buổi nói chuyện, ông chỉ là người gợi chuyện cho nhà thông thái “bày tỏ” kiến thức của mình. 

Tác giả kể lại rất nhiều giai thoại như thế và kết luận rằng “người nói chuyện với ta quan tâm tới những thị dục, những vấn đề của họ trăm phần thì chỉ quan tâm đến ta, đến nỗi thắc mắc của ta một phần thôi. Bệnh nhức răng dày vò người đó hơn là cảnh đói kém làm chết cả triệu dân Trung quốc. Một cái nhọt tai ở cổ người đó làm cho người đó lo lắng hơn bốn chục nạn động đất ở Châu Phi. Lần sau, có nói chuyện với ai, xin bạn nhớ tới điều đó”. 

Thinh lặng là để lắng nghe và lắng nghe trước tiên là lắng nghe người khác. Có khi thinh lặng chỉ là mồ chôn của sự cô đơn. Người ta thinh lặng là chỉ để “bế quan tỏa cảng” với người khác hay để gậm nhấm những buồn phiền, nỗi đau hay cơn giận của mình. Một cánh cửa đóng sầm lại: đó là hình ảnh chúng ta thường thấy về sự thinh lặng này. Dù có được thực thi với một kỷ luật sắt hay trong một bầu khí trang nghiêm đến đâu, một sự thinh lặng như thế chỉ gia tăng sự cô đơn của con người mà thôi. Trong một số tu viện Kitô giáo, thinh lặng luôn được xem là quy luật nghiêm nhặt nhứt. Có những tu viện, mỗi năm các tu sĩ chỉ được nói chuyện một ngày. Có người lại bi thảm hóa đời sống tu trì đến độ tưởng tượng ra rằng mỗi năm các tu sĩ chỉ được phép nói một câu. Thành ra mới có chuyện kể rằng trong một tu viện nọ, phải ăn cái món “súp” mặn chát, mà các tu sĩ phải “cắn răng” chịu đựng. Năm đầu, khi được nói một câu, một vị tu sĩ hình như chỉ chờ có bấy nhiêu để “dành” cái câu nói “quý báu” cho người phụ trách nhà bếp: “Súp mặn quá”. Vậy mà đâu vẫn vào đó. Người phụ trách nhà bếp, có lẽ vì muốn cho các anh em của mình tiến tới trong “đàng nhân đức” chăng, vẫn cứ mạnh tay cho muối vào súp. Chờ đúng một năm sau, nhân đức có gia tăng cho anh em tu sĩ không thì không rõ nhưng nhà bếp lại cũng nhận cái “đặc ân” năm ngoái: “Súp vẫn mặn”

Chuyện nghe như đùa. Nhưng trong cái thế giới nhỏ bé của một tu viện, có khi người ta thinh lặng không phải để ra khỏi chính mình và lắng nghe tiếng nói của người khác hay tu tập thêm một thứ nhân đức siêu phàm nào, mà chỉ để gậm nhấm nỗi đau khổ và cô đơn của mình. 

Thinh lặng là để lắng nghe người khác. Nhưng để có thể lắng nghe người khác, con người cũng cần phải biết lắng nghe chính mình. Người ta có thể bịt tai để không nghe người khác hay những ồn ào náo nhiệt của thế giới bên ngoài, nhưng không ai có thể chạy trốn khỏi tiếng nói lương tâm của mình. Ở đó, trong thẩm cung của cõi lòng, ta nghe được phán quyết về những hành vi của mình cũng như mệnh lệnh “hãy làm điều thiện và tránh điều ác”. Đây là tiếng nói mà tôi vẫn nghe được khi dạo bước trong vườn vào buổi sáng sớm hay lúc chiều tà. Đó là những giây phút tôi trân quý nhứt, bởi vì trong khung cảnh thanh vắng và khi mọi sự đã lắng đọng, tôi thấy mình mới có thể trở về với chính mình và lắng nghe được tiếng nói sâu thẳm từ nội tâm. 

Lắng nghe người khác, lắng nghe tiếng nói sâu thẳm của lương tâm, là người tín hữu Kitô, tôi cũng luôn được mời gọi để lắng nghe tiếng nói của Chúa. Mẹ Teresa Calcutta (1910- 1997) người nữ tu gốc Albani suốt một đời tận tụy phục vụ những người thấp bé và khốn khổ nhứt trong xã hội, đã nói: “Chính trong thinh lặng của cõi lòng mà Thiên Chúa nói. Nếu bạn tìm kiếm Ngài trong cầu nguyện và thinh lặng, Ngài sẽ nói với bạn. Lúc đó, bạn sẽ biết rằng bạn là hư không. Và chỉ khi nào bạn ý thức được sự hư không, trống rỗng của bạn, Thiên Chúa mới có thể lấp đầy bạn bằng chính Ngài. Những tâm hồn cầu nguyện là những tâm hồn biết thinh lặng” (trích trong Mother Teresa, In the Heart of the World: thoughts, Stories and Prayers). Mẹ cũng khuyên: “Chúng ta cần phải tìm kiếm Chúa và Ngài không thể tìm gặp trong nơi ồn ào, náo nhiệt. Chúa là bạn của thinh lặng. Hãy nhìn thiên nhiên: cỏ cây, bông hoa đều lớn lên trong thinh lặng. Hãy nhìn trăng sao và mặt trời: chúng di chuyển trong thinh lặng...” 

Thật vậy, ngay cả sự kiện Chúa Phục sinh cũng xảy ra trong thinh lặng.Thinh lặng giúp con người trở nên chín chắn và trưởng thành trong suy nghĩ để từ đó sẵn sàng và nhứt là dám lên tiếng. 

Chu Thập 


Một thời để làm thinh Reviewed by Hoài An on 4/12/2012 Rating: 5 Chu Thập - Hôm nay là ngày mà các tín hữu Kitô Việt nam cũng như tại hầu hết mọi nơi trên thế giới gọi là “Thứ Sáu Tuần Thánh” . Ở Úc, n...

Không có nhận xét nào: