Để được sống có tự do và trách nhiệm... - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
4 tháng 4, 2012

Để được sống có tự do và trách nhiệm...

Chu ThậpMỗi năm, cứ đến mùa chay của Kitô giáo thì tôi lại nghiệm ra một điều: càng kiêng cữ thì càng thèm! Cuộc sống không chỉ đơn giản chỉ có “ba cái lăng nhăng nó quấy ta” như cụ Tú Xương đã phải “xưng thú” với bà tú. Như sóng biển khơi trùng trùng điệp điệp, trừ được cái này thì cái khác lại trồi lên. 


Đa số những kiêng cữ của tôi đều gắn liền với sức khỏe. Vì muốn sống khỏe, sống lâu và nhứt là để khỏi phải trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội, tôi thấy mình thành công một cách dễ dàng trong việc đối đầu với những cái “lăng nhăng”. Cũng may, nhờ tiến bộ của khoa học, tôi được giải tỏa khỏi nhiều sự thèm khát mà lâu nay tôi cứ phải kìm hãm. Chẳng hạn như trứng gà. Trước đây tôi cứ phải “đấu tranh tư tưởng” mỗi khi nhìn thấy trứng. Nay những khám phá mới lại bảo rằng tôi có quyền ăn “thả giàn” mà chẳng phải sợ “mỡ máu” (cholesterol xấu) gia tăng dẫn đến các bệnh về tim mạch. Khi biết có “quyền” thì tự dưng không cần ăn “phụ trội” tôi vẫn thấy bớt thèm. 

Mới đây, trên báo mạng “Calitoday”, tôi lại được giải thoát thêm khỏi một mặc cảm khác khi đọc được một bài viết về ích lợi của rượu bia. Từ hơn 20 năm nay, cũng vì lý do sức khỏe, tôi đã thề thốt bỏ rượu bia và tôi đã thành công. Nhưng ý chí của tôi đã không thể đè bẹp được sự thèm khát trong tôi. Thấy bạn bè chén chú chén anh mà tôi thấy nóng ran cả người. Nhấp vài giọt vẫn thấy ngon và có khi còn ngon hơn cả cái thời còn sung sức. Nhưng nghĩ đến những tác hại của rượu chè, tôi lại đành nhìn bạn bè để cười trừ và xin được “tha” cho. 

Bài báo mà tôi đọc được trên Calitoday viết rằng nếu uống chừng mực thì rượu bia mới có ích lợi cho sức khỏe. Theo bài báo, những nghiên cứu mới cho thấy cường độ đặc của xương cao hơn ở những người uống từ một đến 2 lon bia mỗi ngày, nhứt là bia làm bằng lúa mạch. Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh rằng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim giảm đi 31 phần trăm nơi những người uống bia chừng mực, trong khi nguy cơ này lại tăng cao ở những người uống quá nhiều. 

Cũng theo kết quả nghiên cứu, bia ngăn ngừa và làm giảm việc cấu thành sạn thận đến 40 phần trăm, bởi vì calcium trong bia sẽ giúp cho xương được cứng hơn và không gây sạn trong thận. 

Điều đáng chú ý là bài báo khẳng định rằng bia có tác dụng chống lão hóa. Dựa vào một thống kê so sánh 11 ngàn phụ nữ lớn tuổi thì những vị uống một lon bia mỗi ngày có trí óc trẻ hơn đến 18 tháng tuổi so với những người không uống bia. 

Ngoài ra, lại càng là một tin mừng hơn khi bài báo viết rằng bia giúp giảm nguy cơ bị ung thư, tiểu đường, tăng trưởng chất bổ trong cơ thể, giúp chống liệt não, giảm bệnh cao huyết áp và nhứt là gia tăng tuổi thọ... 

Theo bài báo, kết quả trên đây dựa vào sự tổng hợp của hơn 50 nghiên cứu tại Hoa kỳ cũng như nhiều nước Âu châu. (x. Calitoday 23/3/2012) 

Thời buổi khoa học này, người ta luôn “nói có sách mách có chứng”. Tôi tin tưởng ở những kết quả nghiên cứu khoa học. Nhưng tôi cũng thú nhận rằng gần đây, tôi bắt đầu ngờ vực về tính thuyết phục của khoa học. Chỉ riêng về bệnh tật và thuốc chữa trị, hôm nay người ta bảo thế này, ngày mai người ta lại nói ngược lại. Những lý thuyết khoa học đã từng ngự trị cả thế kỷ nay lại bị lung lay. Đừng nói gì đến thuyết tiến hóa mà cho tới nay nhiều nhà khoa học tên tuổi vẫn chưa chịu chấp nhận (x. John Ashton, in six days, why scientists choose to believe in creation), ngay cả thuyết tương đối của người được bầu là nhà khoa học vĩ đại nhứt của thế kỷ 20 là Albert Einstein nay cũng bị đặt lại vấn đề (x. Lê Tất Điều, Ngày tàn của một ảo ảnh, Việt luận, 24/2/2012). Tưởng vững như bàn thạch và sẽ vĩnh viễn ngự trị trong không gian khoa học và cách suy nghĩ của con người, nay thuyết này xem ra đang bị đào thải. Sở dĩ có chuyện “động trời” này là vì mới đây Tổ chức Nghiên Cứu Hạt Nhân Âu Châu gọi tắt là CERN (European Organization for Nuclear Research) có trụ sở gần Geneve, Thụy sĩ, đã chứng minh được rằng những hạt vi mô “Neutrinos” đã có thể vượt qua tốc độ ánh sáng. Như vậy “lệnh cấm tuyệt đối” của Einstein không cho bất cứ vật thể nào trong vũ trụ được phép vượt qua tốc độ của ánh sáng đã bị đánh đổ và do đó thuyết tương đối được xây dựng trên “lệnh cấm” này cũng bị lung lay. 

Các lý thuyết khoa học xem ra cũng giống như sóng biển. Lý thuyết này xuất hiện, chi phối cách suy nghĩ và nghiên cứu khoa học một thời gian rồi...chết. Lý thuyết kia lại trồi lên và đảo lộn những lý thuyết đến trước. Vũ trụ vật chất vẫn mãi mãi là một bí ẩn mà trí khôn con người xem ra không thể nào múc cạn. 

Cái thế giới thuần vật chất là vũ trụ vẫn mãi là một bí ẩn đã đành, mà cái tiểu vũ trụ vừa là vật chất vừa là tinh thần là con người lại càng phức tạp và không ngừng vượt khỏi tầm tay với của chính trí khôn con người hơn. Khoa học càng tiến bộ thì châm ngôn “dủ học dủ ngu” lại càng đúng. Thành ra, tự cho mình có thể chọc thủng được bức màn bí ẩn của con người và giản lược mọi sinh hoạt của con người vào chiều kích khoa học là một thái độ ngạo mạn, nếu không muốn nói là ngu xuẩn. 

Tôi có ý nghĩ ấy khi đọc được bài tiểu luận của chuyên gia tâm thần học Tanveer Ahmed được đăng trên báo The Sydney Morning Herald số gần đây. Theo tác giả, ngày nay, những nỗ lực tìm kiếm những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đều đặt nền tảng trên ý niệm cho rằng kinh tế học cũng là một bộ môn khoa học giống như vật lý và sinh hóa học, nghĩa là cũng có thể cân lường, đong đếm...Cái nhìn này cũng lại xuất phát từ quan niệm cho rằng mọi sinh hoạt của con người cuối cùng đều giản lược vào hoạt động trong não bộ. Người ta cho rằng từ tình yêu, ý thức, đến ý thơ, niềm tin tôn giáo, cuộc sống xã hội... xét cho cùng cũng chỉ là một chuỗi những hoạt động của “gen” và các tế bào não. Giản lược những cảm xúc và tâm tình cao quý nhứt trong con người thành những bản năng hoàn toàn như nơi thú vật tưởng là chuyện “cường điệu” nhưng lại là cái nhìn trổi vượt về con người trong đầu thế kỷ 21 này. Phim ảnh, báo chí không ngừng cổ võ cho quan niệm xem mọi sinh hoạt của con người đều được quyết định từ trong bào thai. Không thiếu cái giọng điệu cho rằng “cứ 4 đứa trẻ sinh ra thì có một đứa mang sẵn trong người cái “gen” không chung thủy”; có những người “bẩm sinh” là kẻ giết người (natural born killer)...Có sống đạo đức được cũng là do “gen” di truyền. Mà có phạm tội ác thì cũng chỉ là do bẩm sinh. Phân tách cho đến cùng, trong con người chẳng có tự do và trách nhiệm gì cả! 

Sở dĩ có cái nhìn giản lược như thế là vì một phần do ảnh hưởng của thuyết tiến hóa, do những khám phá về hệ “gen” di truyền trong con người. Trong 2 hoặc 3 thập niên vừa qua, cuộc nghiên cứu về não bộ và tác động của não bộ đối với cách hành xử của con người đã trở thành một trong những ngành nghiên cứu hàng đầu. Chúng ta biết rằng trong não bộ có trên 100 tỷ tế bào thần kinh và mỗi một tế bào lại liên kết với hàng ngàn tế bào bên cạnh. Chúng ta cũng biết đến nhiều trung tâm chức năng khác nhau trong não bộ, mỗi trung tâm có trách nhiệm và bổn phận khác nhau.Thần kinh học là ngành có nhiều khám phá kỳ thú nhứt. Không có một tuần lễ qua đi mà các nhà khoa học không loan báo một khám phá mới liên quan đến thần kinh hệ. Chính vì vậy mà hiện nay nhiều sinh hoạt khác của con người cũng bắt đầu gắn liền với hai chữ “thần kinh”. Muốn làm những quyết định kinh tế tốt thì cần phải quan tâm đến hoạt động của não bộ. Ngay cả một số triết gia cũng liên kết hai chữ “đạo đức” với thần kinh hệ. 

Tưởng hai chữ “thần kinh” chỉ giới hạn trong giới hàn lâm và nghiên cứu. Nay người ta cũng áp dụng nó vào việc soạn thảo các chính sách chính trị, kinh tế và xã hội. Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã thành lập nguyên một bộ chuyên áp dụng những hiểu biết của khoa thần kinh học vào việc soạn thảo các chính sách. Tại Anh quốc, một trong những việc đầu tiên mà thủ tướng David Cameron thực hiện khi lên cầm quyền là thiết lập Đơn vị nhận thức về hành xử (Behavioural Insight Unit), tức một nhóm chuyên gia đặc trách về việc soạn thảo chính sách dựa trên những khám phá của môn thần kinh học. Tại Hoa kỳ, tổng thống Barack Obama dường như cũng chạy theo khuynh hướng ấy để đề ra các chính sách về xã hội. 

Theo ông Ahmed, nỗ lực không ngừng để tìm hiểu và đào sâu bản chất con người là điều đáng ca ngợi. Nhưng sẽ là điều nông nổi khi xử dụng khoa thần kinh học và thuyết tiến hóa để tìm hiểu sự sống con người hay đề ra chính sách xã hội. 

Tác giả viết rằng những ai muốn xử dụng khoa học để giải quyết những vấn đề thực sự của con người thường phải giản lược chúng thành những vấn đề “kỹ thuật”, nghĩa là như một bài toán mà giải đáp đều có thể tìm thấy nếu theo đúng một quy trình. 

Tác giả kết luận: “Khi tiến trình này được áp dụng cho con người, dù là trong kinh tế, sức khỏe tâm thần hay những ứng dụng thời thượng của khoa thần kinh học, thì kết quả không thể tránh khỏi là con người bị xem như đi thụt lùi.” (x. The Sydney Morning Herald, 10-11/3/2012) 

Dĩ nhiên, “thụt lùi” từ con người xuống hàng súc vật. Sau năm 75, người Việt nam chứng kiến cái bước “thụt lùi” ấy rõ rệt và đau đớn hơn ai hết. Câu nói đầy mỉa mai “người xuống làm súc vật để cho súc vật lên làm người” hẳn đã diễn tả được cái thực trạng ấy một cách bi thảm. Những kẻ tự cho mình có sứ mệnh “giải phóng” đã dựa vào thuyết tiến hóa được tiếp thu một cách ngu xuẩn và chủ nghĩa vô thần được tuyên xưng một cách cuồng tín để tước đoạt nhân phẩm của người đồng bào ruột thịt của mình. Kết quả của bước “thụt lùi” ấy là gì nếu không phải là điều mà tác giả Hà sĩ Phu gọi là “cuộc tổng khủng hoảng về nhân cách”, luân thường đạo lý bị bứng khỏi lòng người, ý thức về thiện ác hoàn toàn bị xóa bỏ, tính tham lam và độc ác được khuyến khích đến mức tối đa...Những người trong nước còn có chút ý thức về thiện ác cứ phải gào lên đến khàn cổ để báo động về tình trạng “tụt hậu nhân cách”, “xuống cấp đạo đức”...Quả thực, cái phần “người” trong “con người” hầu như đã bị xóa sạch để nhường chỗ cho phần “con”, tức thú tính. 

Ở những ngày trước kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư “Đen”, làm sao mà tôi không nghĩ đến cái “lỗ hổng đạo đức” ấy trong xã hội Việt nam hiện nay. Bởi vì nó không chỉ là cái “lỗ” nữa nó đã trở thành một “vực sâu không đáy” nuốt trôi đi không biết bao nhiêu tư cách con người. 

Riêng tôi, sống những ngày “chay tịnh” để chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh, tôi cảm thấy phải ý thức hơn về “nhân phẩm”, tức tư cách con người của mình. Tôi tin như Kinh Tin Kính rằng con người vẫn mãi mãi là một “huyền nhiệm” mà chẳng có “thước đo” nào có thể vừa và cũng chẳng có bộ môn khoa học nào có thể khám phá và hiểu cho đến cùng. Với tôi, cũng chẳng có khám phá khoa học nào quan trọng cho bằng sự kiện nhân cách, địa vị và phẩm giá con người được tôn trọng và ghi chép trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nhân cách hay phẩm giá cao cả của tôi mang lại cho tôi tự do và đồng thời cũng đòi hỏi tôi phải có trách nhiệm. Với tôi, mục đích của chay tịnh, tức tiết độ trong cách ăn uống, phục sức và nhứt là suy nghĩ và đối nhân xử thế, là để giúp tôi quý trọng chính mình, được sống có tự do và trách nhiệm hơn, bởi vì sống là tiến tới chứ không phải “thụt lùi” trong nhân cách. 

Đến tuổi này, liệu có “muộn màng” để thấy rằng được làm Người là một Ân sủng? 

Chu Thập 


Nguồn: vietluan.com.au
Để được sống có tự do và trách nhiệm... Reviewed by Hoài An on 4/04/2012 Rating: 5 Chu Thập -  Mỗi năm, cứ đến mùa chay của Kitô giáo thì tôi lại nghiệm ra một điều: càng kiêng cữ thì càng thèm! Cuộc sống không chỉ đơn ...

Không có nhận xét nào: