VRNs (08.04.2012) – Huế – Công trường Dự án Khách sạn-Nhà nghỉ Angsana
(Angsana Hotels & Resorts), tọa lạc tại thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh,
huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế -nơi có rất nhiều công nhân người
Việt đang lao động- xem ra là chốn tung hoành của một tổ chức xã hội đen
hơn là một công trường xây dựng đúng nghĩa.
Ngoài việc thường xuyên bị các công ty
nhà thầu phụ chạy làng không trả tiền, quỵt lương bổng, công nhân còn bị
các quản đốc người Hàn Quốc đối xử rất thậm tệ: chửi bới, ăn hiếp, đánh
đập. Họ làm việc nhưng không biết mình sẽ làm được đến bao lâu. Nếu ai
phản ứng thì lập tức bị đuổi việc. Nhiều công nhân vì thế phải im lặng
nhẫn nhục, cắn răng chịu đựng. Sau đây là một số sự kiện làm bằng chứng.
Nhà thầu chính tại đây là công ty GS E&C (Hàn Quốc) với ông Kim Yong Tae
làm giám đốc công trường. Theo anh Nguyễn Đức Hải, tài xế đưa đón ông
ta cho biết: ông rất có máu cờ bạc, thường đến khu Crowne Plaza (Shilver
Shores cũ) và khu Furama Resort ở thành phố Đà Nẵng để đánh bạc. Khi ăn
thì ông vui vẻ, còn khi thua về là ông gây gổ với công nhân, thậm chí
gây gổ với cả nhân viên văn phòng, chửi họ như chửi con vật.
Khu Khách sạn-Nhà nghỉ Angsana
này là công trình 5 sao, nhưng nhiều kỹ sư cho biết nó bị rút ruột rất
nhiều và xây dựng không đúng với kỹ thuật. Gạch rất mềm do nung chưa
tới, tường dễ vỡ vì vật liệu dỏm. Do đó công nhân thường xuyên lâm phải
tai nạn. Khi tai nạn lao động xảy ra thì công ty chỉ chở nạn nhân đến
bệnh viện rồi để cho gia đình họ lo, vì đa số công nhân ở đây – một số
từ miền Bắc vào- đều không có hợp đồng lao động. Nhiều người sau đó
không thấy trở lại công trường nên chẳng ai biết tình hình sức khỏe của
họ ra sao.
Vào ngày 12-2-2012 có mấy người Hàn Quốc
thuộc công ty TOP (là nhà thầu phụ nhận lại của công ty GS), đi taxi từ
Đà Nẵng ra đến công trường Angsana, đồng hồ báo 650.000 đồng phí chuyên
chở. Xuống xe, những người Hàn Quốc này bắt taxi chở một số công nhân
khác vào lại Đà Nẵng với giá 350.000đ. Tài xế taxi không chịu, nói là
những người này không phải khách đã thuê xe của anh nên nếu vào lại thì
phải trả 500.000đ. Nhưng vì chẳng biết nói làm sao cho mấy tay Hàn Quốc
“trùm sò” này hiểu, tài xế taxi liền vào nhờ anh Nguyễn Văn Trung (là
tài xế và chủ xe đang hợp đồng chở người Hàn Quốc tại công trường) nói
giùm. Không biết tiếng Hàn, anh Trung chỉ ra dấu 5 ngón tay, ý nói
500.000 đồng. Vậy là một người Hàn Quốc của công ty TOP liền gây sự với
anh. Vốn là chủ xe, anh Trung không sợ và nói lại, tay này liền chạy vào
văn phòng GS nói sao đó với đồng hương. Lập tức bảy tám người Hàn chạy
ra. Nghĩ là do ngôn ngữ bất đồng, anh Trung tránh mặt. Thế là đám người
ấy chạy vào bót của bộ đội biên phòng (do công ty GS thuê bảo vệ công
trường), chửi bới bộ đội như chửi con của họ. Lực lượng bộ đội ở đây là
của đồn biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, làm việc
dưới sự sai khiến của những người Hàn, nhằm đàn áp các công nhân phản
đối họ. Hễ ai phản đối là bị bộ đội đuổi ra khỏi công trường, có khi còn
bị bắt về trạm để tra khảo. Chẳng hạn có lần làm việc 3-4 tháng nhưng
không được nhận lương, công nhân lên tiếng đòi hỏi thì lập tức bị bộ đội
tống ra khỏi công trường.
Trở lại chuyện của anh Trung tài xế và chủ xe. Anh vừa chạy xe ra khỏi cổng thì bị tay Hàn Quốc hồi nãy chận lại và đập mạnh vào xe của anh. Quá tức tối, anh kháng cự. Hai ngày sau đó anh Trung bị Công ty GS ra lệnh cho lực lượng bộ đội biên phòng cấm xe anh vào công trường. Riêng ông Kim Yong Tae ra lệnh cho nhà thầu phụ đang thuê xe của anh phải cắt ngay hợp đồng với anh.
Mới đây, hôm 26-03, vào lúc 6g30 sáng, có một người Hàn Quốc thuộc công ty TOP xô xát với một công nhân, liền bị công nhân vây quanh rất đông đánh lại. Không tìm ra kẻ xô xát với tay Hàn Quốc này, ông Kim Yong Tae liền buộc các tài xế phải tường trình tố cáo. Bị họ từ chối, ông liền ra lệnh cho bộ đội biên phòng lấy hết giấy tờ của các tài xế vốn trước đây đã nộp trong hồ sơ xin việc ở công ty Kim Châu Duy. Các tài xế biết được liền yêu cầu thiếu tá Nguyễn Hồng Giang thuộc đồn biên phòng cửa khẩu phải đứng ra giải quyết theo pháp luật. Thế nhưng ông Giang xem ra chỉ muốn làm theo lệnh của ông Kim Yong Tae là phải đuổi hết các tài xế đang phục vụ ở công ty GS.
Xin mở dấu ngoặc là hiện nay Trung Cộng đã và đang đe dọa vùng biển Việt Nam, nhưng bộ đội biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây vẫn bám đít người Hàn Quốc để đàn áp công nhân lao động Việt. Đây là điều cần phải lên án, bởi lẽ nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, thế nhưng tại đây họ chỉ lo bảo vệ người Hàn để kiếm tiền, chỉ lo bị đuổi việc như giới công nhân, đang khi họ đã được lãnh lương hằng tháng từ tiền thuế của dân chúng.
Hiện nay tập thể tài xế đang làm việc tại công trường Angsana Hotels-Resorts chưa biết ngày nào sẽ bị lực lượng bộ đội biên phòng dưới lệnh của ông giám đốc Kim Yong Tae tống khứ ra khỏi công trường. Dù vậy, họ vẫn đứng lên đấu tranh quyết đòi lại công bằng cho họ và cho tất cả các công nhân đang làm việc tại nơi này.
Nhóm phóng viên FNA Khối 8406 tường trình từ Lăng Cô
Dưới đây là đơn khiếu nại của tập thể các tài xế và công nhân Việt Nam.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
—————
ĐƠN XIN CỨU XÉT KHẨN CẤP
Kính gửi: Ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tôi tên là Nguyễn Trọng Quân, 42 tuổi. Hiện ngụ tại thôn An Cư Đông I, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện tôi đang là tài xế lái xe cho công ty DV-TM du lịch Kim Châu Duy, Địa chỉ: 271 Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng.
Đại diện tập thể tài xế lái xe các công ty và tập thể công nhân lao động tại công trường xây dựng Angsana Hotel & Resorts, xin phản ánh đến quý ông một việc như sau:
Hiện công ty chúng tôi đang hợp đồng đưa đón công nhân viên của công ty GS là nhà thầu xây dựng công trình xây dựng khu du lịch Angsana Hotels& Resorts tọa lạc tại thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do ông Kim Yong Tae làm giám đốc công trường.
Kính thưa quý ông, sau 14 tháng làm việc đưa đón công nhân viên của công ty GS, tôi thường xuyên có mặt tại công trường, chứng kiến cách đối xử của nhà thầu chính công ty GS và các nhà thầu phụ công ty TOP, công ty TECHCOVINA, công ty HAVINA v.v… là những công ty của người Hàn Quốc, đã đàn áp đối xử bất công với những công nhân là người Việt Nam đang làm thuê cho họ tại công trường này.
Kính thưa quý ông, hằng ngày công nhân VN đến đây làm việc cho các công ty trên, họ đều bị đối xử như những người nô lệ, thường xuyên bị những người Hàn Quốc chửi bới thậm tệ, thậm chí còn đánh đập. Đa số công nhân đến đây làm cho họ đều không được ký hợp đồng lao động hoặc bảo hiểm (trừ những nhân viên văn phòng). Mặc dù công nhân đã nhiều lần yêu cầu họ ký hợp đồng lao động, vẫn không được họ đáp ứng. Vì lẽ đó những người Hàn Quốc của các công ty trên mặc sức đàn áp công nhân lao động Việt Nam. Nếu có công nhân nào phản ứng lại việc làm sai trái của những người Hàn Quốc thì lập tức họ lệnh cho lực lượng bộ đội thuộc đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây đang hợp đồng làm kinh tế thuê cho công ty GS, đuổi công nhân ra khỏi công trường không cần lý do.
Kính thưa quý ông, công nhân thường là những người địa phương từ thị trấn Lăng Cô đến thị trấn Phú Lộc, và những người từ các nơi xa xôi đổ về. Họ là những người lao động chất phác, nên mỗi khi bị đối xử bất công như vậy họ đều im lặng để được làm việc. Song rất nhiều người làm từ 3-4 tháng cho một số công ty như công ty TOP, đến nay vẫn chưa được trả lương. Nhưng khi công nhân tập trung lại yêu cầu họ trả lương thì bị ông giám đốc công trường Kim Yong Tae và ông quản lý công trường tên Wow Song Cho công ty GS người Hàn Quốc chửi bới và có vài công nhân còn bị hai ông đó xách cổ áo đòi đánh và đuổi ra khỏi công trường.
Kính thưa quý ông, mới đây vào lúc 6g35 phút ngày 27-3-2012 tôi và một số anh em tài xế chuyên lái xe đưa người Hàn Quốc và nhân viên văn phòng của các công ty đến công trường Angsana Hotel & Resorts, khi vào công trường anh em tài xế chúng tôi thấy nhà để xe do công ty GS bố trí cho chúng tôi đỗ xe hơn một năm rưỡi nay, bị rào lại bằng thép B40; anh em tài xế chúng tôi mở thép B40 để đưa xe vào nhà xe trước sự chứng kiến của ông giám đốc công trường Kim Yong Tae. Thế nhưng trong lúc chúng tôi đang mở rào thì có một sự xô xát xảy ra giữa những người công nhân VN và một người Hàn Quốc thuộc công ty TOP gần nhà đỗ xe, sự việc xảy ra chưa đầy một phút. Sau khi có sự xô xát xảy ra, ông KimYong Tae ra lệnh cho một số nhân viên văn phòng và công nhân của công ty GS, cũng như lực lượng bộ đội Biên phòng mỗi người viết môt bản tường trình về sự việc xô xát giữa công nhân và người Hàn Quốc của công ty TOP nói trên, trong số đó có người vừa mới đến công trường. Có rất nhiều người chưa đến nhưng ông đều bắt họ viết tường trình nộp cho ông một cách phi lý. Qua phiên dịch tôi được biết ông nói ai không viết thì ông đuổi việc. Vào lúc 8g cùng ngày ông Kim Yong Tae cho gọi các tài xế vào gặp ông, ông cũng bắt mỗi người viết một bản tường trình về việc xô xát trên và phải cho ông biết những người công nhân nào xô xát với ông Hàn Quốc của công ty TOP. Thấy việc làm của ông rất vô lý, vì trong lúc chúng tôi mở rào để đưa xe vào cũng như khi việc xô xát xảy ra đều có ông Kim Yong Tae chứng kiến, nên anh em tài xế chúng tôi không viết. Nay ông cho gọi người chủ xe của chúng tôi ra gặp ông vào chiều ngày 28-3-2012 tại công trường, ông yêu cầu chủ xe của chúng tôi phải cho nghỉ việc hết các tài xế đang lái xe của công ty Kim Châu Duy phục vụ tại công trường Angsana Hotel & Resorts. Nếu chủ xe chúng tôi không đuổi việc chúng tôi thì ông sẽ cho cắt hợp đồng thuê xe.
Kính thưa quý ông, nay anh em tài xế chúng tôi rất hoang mang vì mình sẽ bị nghỉ việc một cách phi lý do sự áp đặt của những người Hàn Quốc, tôi viết đơn này gửi đến quý ông mong được quý ông cấp thiết cứu xét và nhanh chóng can thiệp cho anh em tài xế chúng tôi cũng như những người công nhân lao động ở đây. Những người Hàn Quốc này cố tình vi phạm luật lao động của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đối xử bất công với công nhân lao động người Việt Nam tại công trường.
Chúng tôi đặt niềm tin vào quý ông và mong quý ông sớm vào cuộc bảo vệ anh em công nhân để chúng tôi được yên tâm làm việc, không còn cảnh bị đuổi việc một cách phi lý.
Trong khi chờ đợi được quý ông cứu xét và can thiệp, tôi xin gửi nơi đây lòng biết ơn./.
Lăng Cô, ngày 29-3-2012
Kính Đơn
Nguyễn Trọng Quân
Phụ lục
Khu du lịch sinh thái Laguna Huế
Thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
Laguna Huế là khu du lịch sinh thái sẽ có 7 khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng, hơn 1.000 căn hộ cao cấp, khu spa, khu mua sắm, trung tâm hội nghị quốc tế, sân gôn, các địa điểm giải trí, cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch, hứa hẹn sẽ là địa điểm nghỉ dưỡng lí tưởng dành cho du khách.
Vị trí
Dự án Khu du lịch sinh thái Laguna – Huế được xây dựng tại thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô
Quá trình thực hiện dự án
Dự kiến, việc xây dựng sẽ được triển khai theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 được khởi công xây dựng gồm 2 khách sạn 5 sao và các nhà nghỉ (Banyan Tree Resort: 120 phòng; Angsana Resort: 320 phòng; Laguna Holiday club: 180 phòng).
Giai đoạn 2 sẽ tiến hành sau khi khởi công giai đoạn 1, bao gồm việc đầu tư xây dựng 2 khách sạn 5 sao với quy mô mỗi khách sạn 400 phòng, sân golf quốc tế 18 lỗ, trung tâm và hội nghị triển lãm, khu mua sắm cùng với hệ thống nhà ở xung quanh.
Giai đoạn 3 sẽ xây dựng 3 khách sạn, trong đó có một khách sạn 320 phòng, 1 khách sạn 400 phòng, đặc biệt có 40 villa và 1 khách sạn 210 phòng siêu cao cấp “6 sao”, dự kiến giai đoạn này sẽ hoàn thành vào cuối 2011
Giai đoạn 4 của dự án sẽ đầu tư 470 khu biệt thự để bán.
Tháng 3,4 năm 2011 : Nhà thầu đang tiến hành thi công cơ sở hạ tầng, các căn villa, phần móng các hạng mục như Spa block…
Thông tin quy hoạch chung
- Tên dự án: Khu du lịch sinh thái Laguna Huế
- Loại hình dự án: Khu du lịch sinh thái
- Địa chỉ: Thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
- Quy mô: gồm khu khách sạn cao cấp với 2000 phòng, 1000 căn hộ cao cấp cùng nhiều địa điểm giải trí khác
- Diện tích: 280 ha
- Số vốn đầu tư: 875 triệu USD
- Hiện trạng dự án: Đang triển khai
- Ngày khởi công: 1/8/2009
- Ngày hoàn thành: 2014
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Banyan Tree (Singapore)
Không có nhận xét nào: