Mùa Xuân Miến Ðiện - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 4, 2012

Mùa Xuân Miến Ðiện

Lê Phan(NV) - Hôm 1 tháng 4, ngày cá tháng 4, tôi nhận được một text message từ Rangoon. Người bạn đồng nghiệp gửi đi vỏn vẹn có một dòng “Ước gì bạn có mặt ở đây!” Và kèm theo là một tấm hình trong cái sân tiêu điều của trụ sở đảng NLD, đảng của bà Aung San Suu Kyi, nơi những ủng hộ viên của bà đang khùng điên vì sung sướng trước kết quả bầu cử.

Ít nhất tôi biết message đó không phải là một “cá tháng 4”. Dân chủ quả đã đến với Miến Ðiện.

Nhưng chính những nhà báo đã từng ra vào Miến Ðiện, mà hồi xưa là toàn đi lén, là những người vẫn còn chưa dám tin những gì xảy ra là sự thật. Một người bạn đồng nghiệp khác, đã từng chứng kiến cuộc đàn áp thời thập niên 1980, nay về hưu sống ở Chiang Mai bên Thái Lan tỏ ra phân vân “Tôi vẫn còn tự hỏi không biết chuyện cũ có xảy ra hay không? Tôi đã chứng kiến cảnh đàn áp sau cuộc tổng tuyển cử năm 1990, liệu những gì đang xảy ra có thể là sự thật hay không?”

Như Simon Long của The Economist đã viết những gì xảy ra ở Miến Ðiện là một sự toàn thắng của hy vọng đối với kinh nghiệm. Sau cùng như vậy là đảng của bà Suu Kyi đã thắng 43 trong số 44 ghế của cuộc bầu bổ túc mà họ tham dự. Lần trước, trong cuộc bầu cử năm 1990, đảng thắng 60% số phiếu và 80% số ghế trong Quốc Hội, nhưng chính quyền quân phiệt từ chối chấp nhận kết quả đó. Bà Suu Kyi, bị quản thúc tại gia hầu suốt hết khoảng thời gian đó, nhưng ngày lại càng được mến chuộng hơn. Theo kết quả bầu cử lần này có nơi đảng thắng đến 90% và ở đơn vị bầu cử nghèo nàn nằm kế bên thành phố Rangoon nơi bà ra ứng cử, có lẽ bà đã thắng 100%.

Và như Giáo Sư Timothy Garton Ash của Viện Ðại Học Oxford đã viết nếu bà Suu Kyi là một Nelson Mandela của Á Châu thì phải chăng bà đã gặp được Tổng Thống F.W. de Klerk qua Tổng Thống Thein Sein. Ở nhiều khía cạnh, bà Suu Kyi quả là một Nelson Mandela. Cũng như ông Mandela, bà đã trải qua bao nhiêu năm tháng tù đày nhưng không thù oán. Ở một khía cạnh khác bà là một Vaclav Havel của Miến Ðiện. Những điều bà đã viết đã dựng lên một lập trường và chủ thuyết vững chãi cho sự đối lập của bà.

So sánh với bà cả về đạo đức lẫn trí tuệ thì vị cựu tướng tên là Thein Sein chẳng có gì để có thể sánh được. Nhưng những gì ông đã làm trong một năm cầm quyền quả đã làm cho tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Ông đã trả tự do cho không những chỉ có bà Suu Kyi mà còn cả trăm tù chính trị khác, kể cả một số thành viên quan trọng của thế hệ 88, nhóm phong trào sinh viên đã tổ chức thành công cuộc chiến thắng trong cuộc bầu cử lần trước của đảng NLD. Hơn thế, ông còn trả tự do cho một số các nhà sư lãnh đạo cuộc cách mạng áo cà sa hồi năm 2007. Quân đội có vẻ như đã rút lui về Naypyidaw, thủ đô mới hào nhoáng mà họ dựng lên trong rừng. Tự do phát biểu và hội họp bùng nổ, mặc dầu căn bản pháp lý thì vẫn còn chưa có. Những nhà tranh đấu đã được đẩy từ bóng tối nhà tù ra trước ánh sáng của các phóng viên nhiếp ảnh.

Ðiều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là ông Thein Sein đã dám chấp nhận sự tức giận của Trung Quốc, quốc gia vốn đã đỡ đầu Miến trong những năm gần đây, khi ông ngưng việc xây dựng đập thủy điện Myitsone, một đập thủy điện mà điện tạo nên sẽ được gửi sang cho Trung Quốc xài còn dân Miến sẽ gánh chịu những hậu quả môi trường. Ông cũng đã tìm cách tổ chức các cuộc ngưng bắn với các nhóm sắc tộc thiểu số, mặc dầu cuộc chiến vẫn tiếp tục. Ông cũng đã cho phép đảng NLD trở lại đăng ký trở thành một đảng chính thức mặc dầu chính quyền đã nói đảng không còn tư cách pháp lý nữa. Chưa hết, trong tuần rồi, ông đã ra lệnh thả nổi đồng kyat, một quyết định mà nhiều quốc gia khác, phú cường hơn, chưa dám làm.

Nếu cách đây bốn năm, khi cuộc tranh đấu hoàn toàn bất bạo động của các vị tăng ni hồi năm 2007, đã bị đàn áp một cách vô cùng tàn bạo, thì không ai có thể tin được. Dĩ nhiên mỗi cuộc cách mạng nhung, mỗi chuyển đổi qua điều đình, đòi hỏi có những nhân vật ở cả hai bên, bên chính phủ cũng như bên đối lập, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy của sự hợp tác. Sau cùng, phải chăng Miến Ðiện đã có hai người sẵn sàng cùng nhau nhảy bài tango cho tương lai của đất nước?

Những người biết chuyện kể là khi Daw Suu Kyi gặp U Thein Sein, hai bên đã tìm được sự liên kết đó. (Daw và U là hai tiếng xưng hô kính nể, người Anh thường dịch là Lady và Sir.) Bà Suu đã bênh vực cho ông tướng cởi áo, trông có vẻ thư sinh hơn là võ biền này. Bà nói bà hoàn toàn tin tưởng ở vào “ước muốn chân thành của ông cho cải tổ dân chủ”. Và ông đã thuyết phục bà trở lại chính trường, công nhận ma lực chính trị và sức hấp dẫn kỳ diệu cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế của bà. Tất cả những gì đã đạt được ở Miến Ðiện cho đến hôm nay như vậy là nhờ niềm tin giữa một ông tướng trông dáng dấp thư sinh đeo mắt kiếng và người con gái của vị anh hùng dân tộc.

Dĩ nhiên cả hai đều đã chấp nhận những nguy cơ rất lớn. Nhà chiêm tinh của chế độ, một điều mà các ông tướng hoàn toàn tin tưởng, được biết đã tiên đoán là U Thein Sein sẽ lâm bệnh vào Mùa Hè năm nay. Căn bệnh đó có thể là chính trị, nếu các ông tướng, vốn đã làm giàu trên xương máu của nhân dân, cảm thấy bị đe dọa. Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, tư lệnh quân đội đã khuyến cáo là vị thế đặc biệt của quân đội, được ghi rõ trong Hiến pháp năm 2008, phải được tôn trọng.

Daw Suu Kyi cũng đang đối diện với nhiều vấn đề. Kỳ vọng của dân chúng và khả năng thần thánh của bà làm nên phép lạ có lẽ chỉ có thể thua cái núi vấn đề kinh tế và xã hội mà Miến đang phải đối diện. Trong khi vận động tranh cử bà đã bảo với dân chúng, lúc nào thắng cử bà sẽ trở lại nghe những gì họ muốn bà làm. Nhưng liệu bà sẽ có hoàn toàn bất lực, mắc kẹt trong các ủy ban Quốc Hội ở thủ đô Naypyidaw hay không? Liệu bà có biết nhu cầu của nhân dân nhưng bó tay không làm gì nổi hay không? Một số bạn bè đang lo sợ là bà sẽ trao đổi một sự bất lực nay cho một sự bất lực khác.

Giáo Sư Timothy Garton Ash đặt niềm tin vào sức mạnh dân chủ mà ông nói đã nhanh chóng được thức tỉnh ở Tiệp Khắc, nhưng ông cũng thực tế đặt niềm tin vào tăng chúng Phật Giáo. Họ là một lực lượng tiềm tàng, có mặt khắp nơi và họ có đủ khả năng để giúp tạo nên một cuộc cách mạng dân chủ mà toàn thể nhân dân Miến ao ước.

Nền dân chủ Miến Ðiện vừa mới thành hình nay trông cậy vào hai cặp vai gầy gò của ông tướng và phu nhân. Chiến thắng của đảng NLD trong cuộc bầu cử bổ túc vừa qua là chiến thắng cả cho hai người. Nhưng nó cũng lại là một điều sỉ nhục cho quân đội và đảng USDP mà họ dựng lên. Ngay đến cả bốn ghế ở thủ đô Naypyidaw nơi toàn là công chức và quân đội thế mà họ cũng không thắng. Nghe đâu một số sĩ quan cấp tá đã tỏ vẻ bực tức. Ðiều lo ngại là họ có thể đẩy ông Thein Sein sang một bên như ngày xưa họ đã đẩy ông Khin Nyunt sang một bên nếu họ cảm thấy quyền lợi của họ bị đụng chạm.

Chính vì thế Mùa Xuân Miến Ðiện đang rực nở nhưng vẫn còn có những mối lo của một cơn giá lạnh cuối mùa có thể làm chết những cành hoa vừa mới nở. Daw Suu Kyi đã cố giữ không cho các đảng viên của mình quá hăng say men chiến thắng. Bây giờ chỉ hy vọng các ông sĩ quan cũng để cho đất nước được hưởng một “thời đại mới” như bà đã tuyên bố.

Kẻ đứng ngoài chỉ xin cầu trời phật lần này hãy để cho dân tộc Miến tìm được hạnh phúc.

Mùa Xuân Miến Ðiện Reviewed by Admin on 4/08/2012 Rating: 5 Lê Phan(NV) - Hôm 1 tháng 4, ngày cá tháng 4, tôi nhận được một text message từ Rangoon. Người bạn đồng nghiệp gửi đi vỏn vẹn có một dòng...

Không có nhận xét nào: