Phan Bội Châu - Nhà văn hoá - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
21 tháng 4, 2012

Phan Bội Châu - Nhà văn hoá

Nguyễn Đình Chú - 1. Người Việt Nam ở thế kỷ XX này, không một ai không quý trọng Phan Bội Châu. Và chúng ta đã đến với Cụ Phan ở tư cách một vị lãnh tụ của các phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ, “một bậc anh hùng, một vị thiên sứ được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn kính” (Nguyễn Ái Quốc, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, 1925), “một nhân vật vĩ đại” trong lịch sử giải phóng dân tộc trước Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tôn Quang Phiệt, Phan Bội Châu và một giai đoạn chống Pháp của nhân dân Việt Nam, 1958)… Chúng ta cũng đã đến với cụ Phan ở tư cách nhà văn lớn tiêu biểu nhất cho nền thơ ca yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ, “Một nhà văn, nhà thi sĩ đầu tiên đã sáng tác theo tinh thần…lãng mạn cách mạng trong văn học nước nhà” (Đặng Thai Mai, Văn thơ Phan Bội Châu, 1958), một cây bút viết nên những “câu thơ dậy sóng” (Tố Hữu, Theo chân Bác, 1970), “những bài thơ…viết ra từ bầu nhiệt huyết, bằng tất cả óc tim” (Lê Duẩn, Văn nghệ, số 52 (658) ngày 18-12-1976). Trong đó “có cả một pho tình cảm vĩ đại, không có một tí mập mờ nào về hai phương diện ghét và yêu”“cả một tư tưởng rất đẹp đẽ, tiền đồ của nước Việt Nam nhất định sẽ độc lập thống nhất và quang vinh” (Đặng Thai Mai, Sđd)…Nhưng có lẽ chúng ta chưa quen lắm với một Cụ Phan-nhà văn hóa lớn, nếu chưa muốn nói là vĩ đại của đất nước trong thế kỷ XX nói riêng, trong lịch sử nói chung.

2. Nói đến nhà văn hóa Phan Bội Châu, trước hết phải nói đến sự kết hợp giữa hai phương diện chính trị và văn hóa trong phạm vi một nhà cách mạng. Phan Bội Châu tựa như Nguyễn Trãi ngày trước, Hồ Chí Minh ngày sau, là những nhân vật lịch sử vĩ đại, tiêu biểu vẻ vang nhất cho sự kết hợp này. Trong lịch sử, có rất nhiều bậc anh hùng, nhà cách mạng lừng danh, nhưng đã không có sự kết hợp vẻ vang đó. Phan Bội Châu, trước khi là lãnh tụ của các phong trào giải phóng dân tộc, đã là người nổi tiếng khắp nước về Hán học, có tri thức thuộc phạm trù trung đại và mang tính chất khu vực. Khi trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp thì Cụ lại có quá trình song song phát triển giữa hai nhân cách chính trị và nhân cách văn hóa theo hướng toàn cầu. Sự chuyển biến tư tưởng của Phan Bội Châu từ chỗ chưa ra khỏi ảnh hưởng của phong trào Cần vương, đến chỗ ngả theo chế độ quân chủ lập hiến, rồi chế độ dân chủ tư sản và cuối cùng, ít nhiều còn mon men đến trước ngưỡng cửa cách mạng xã hội chủ nghĩa, xét cho cùng là sự phát triển văn hóa trên phương diện chính trị. Không có sự phát triển văn hóa đó, không có sự phát triển chính trị kia. Sự phát triển văn hóa trong chính trị, hay nói khác đi là sự phát triển chính trị mang tính chất văn hóa này trong thực tế là kết quả của quá trình học hỏi, đón nhận tư tưởng, những chính kiến, những học thuyết của nhân loại bao gồm từ tân thư thuộc phạm vi văn hóa phương Tây tiến bộ trong thời đại cách mạng tư sản, tác phẩm của Khang-Lương (Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu), chủ nghĩa tam dân của Tôn Dật Tiên, học thuyết mácxít. Riêng với học thuyết mácxít, Phan Bội Châu đón nhận nó từ tư cách nhà văn hóa hơn là nhà chính trị. Phan Bội Châu vừa ca ngợi Mác, Lênin, vừa ca ngợi Khổng, Mạnh, Tôn Trung Sơn, Găngđi, Rutxô (Rousseau), Moongtexkiơ (Montesquieu)…Cũng như Hồ Chí Minh sau đó đã cùng một lúc ca ngợi chúa Jésu, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên, Mác (xem: Những mẩu chuyện hoạt động của Hồ Chủ tịch, bản dịch Trung văn, Thượng Hải, 1949). Nhân cách văn hóa đã tạo cho Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh sự tiếp cận đa chiều, đa dạng đó, trong khi, nếu là nhà chính trị đơn thuần thì dễ thường bị ngừng ở thế độc canh, độc đạo. Cuộc đời chính trị của Phan Bội Châu, nếu không có trình độ văn hóa-chính trị này thì giỏi lắm chỉ là một Phan Đình Phùng, một Tống Duy Tân thứ hai mà thôi. Chính Phan Bội Châu trong lời bào chữa trước phiên tòa đề hình chiều ngày 23-11-1925 tại Hà Nội, đã nói: “Trước sau tôi vẫn chủ trương dùng văn hóa mà phản đối chính trị, văn hóa không xong tôi mới dùng tới võ lực”. Câu nói này có phần khôn khéo trong cách tự bào chữa, nhưng về cơ bản vẫn đúng sự thật. Việc Cụ Phan chủ trương Đông du, đưa thanh niên ưu tú ra nước ngoài nhằm đào tạo nhân tài cứu nước, việc Cụ phối hợp với phong trào Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục trong nước theo hướng nâng cao dân trí, phát triển thực nghiệp và còn như muốn tiến hành cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng; việc Cụ hăng hái, say sưa viết sách, sáng tác thơ văn để tố cáo tội ác của thực dân Pháp trên trường quốc tế (đặc biệt là sau khi có lời khuyên của Lương Khải Siêu) và cũng là để cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của nhân dân ta…rõ ràng là hoạt động vừa mang tính chất chính trị, vừa mang tính chất văn hóa, hai thứ gắn quyện với nhau. Chính đó là điều cho phép khu biệt Phan Bội Châu với các nhà Cần vương lớp trước, mặc dù nhiều lãnh tụ Cần vương là những nhà trí thức lớn. Ở đây quả có nhiều vấn đề tự giác hay chưa tự giác về vai trò của văn hóa trong chính trị cứu nước.

Di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở thôn Sa Nam, xã Đông Liệt,thị trấn Nam Đàn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

3. Mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa ở Phan Bội Châu cũng không phải là một sự nhịp bước sóng đôi đơn giản. Sách báo macxít từ lâu đã cho rằng: về chính trị, từ sau khi viết Pháp-Việt đề huề chính kiến thư (1918), tức là sau đại chiến thế giới I, Phan Bội Châu, ít nhiều cũng đã rơi vào trạng thái chao đảo giữa cách mạng và thỏa hiệp. Đặc biệt là từ sau 1925, bị bắt về giam lỏng ở Huế, thì với Cụ Phan là chấm dứt cuộc đời cách mạng.

Đúng bề ngoài là như vậy, nhưng vấn đề còn lại không đơn giản như vậy. Bởi từ góc nhìn văn hóa lại còn thấy rằng ở Phan Bội Châu khi viết Pháp-Việt đề huề chính kiến thư, trình độ tư duy mang tính chất văn hóa lại chưa hẳn là sự tụt hậu, thậm chí còn ngược lại, nếu không nói là cao hơn trước. Ở đây, thiết tưởng cần phân biệt hai khái niệm: đường lối chính trị và tư duy chính trị, vốn có quan hệ khăng khít với nhau, nhưng không phải là một. Đường lối chính trị là sự hoạch định có tính toán cụ thể về mục tiêu đấu tranh gần và xa cùng với phương thức chủ đạo nhằm thực hiện mục tiêu đấu tranh đó. Tính đúng đắn của đường lối chính trị dĩ nhiên phải chịu sự kiểm nghiệm của thời gian trong đó có lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, dân tộc sẽ là đá thử vàng. Tư duy chính trị là thuộc khả năng hiểu biết, phân tích, dự báo xu thế phát triển của lịch sử thuộc phạm vi đất nước và thế giới. Trong điều kiện số phận của từng quốc gia đã chịu sự chi phối gay gắt của các mối quan hệ quốc tế vốn rất chằng chịt, rất phức tạp do mưu đồ lợi ích của dân tộc, tinh thần quốc gia chủ nghĩa hẹp hòi quy định, thì trình độ tư duy chính trị với nội hàm như trên thường có sự cao thấp rõ rệt. Và ngay ở một nhà chính trị, một nhà cách mạng, tư duy chính trị cũng không phải là một cái gì nhất thành bất biến ngay cả khi với họ, đường lối chính trị đã được khẳng định dứt khoát. Nếu quan niệm như thế thì thấy, ở Phan Bội Châu, càng về sau ngay cả khi không còn điều kiện hoạt động cách mạng, tư duy chính trị vẫn còn tồn tại và có sự phát triển đáng ghi nhận, ít ra ở mặt này hay mặt khác. Cứ so sánh kiểu tư duy chính trị của Phan Bội Châu về Nhật Bản ở thời cụ tiến hành Đông du với thời viết Pháp-Việt đề huề chính kiến thư (1918), kể cả thời gửi cho Bộ trưởng thuộc địa Pháp (tháng 10-1931), và thời đối thoại với Toàn quyền Varen (24-2-1937) sẽ thấy càng về sau, nhờ một trình độ tư duy chính trị mang tính văn hóa cao hơn mà Cụ Phan nhìn thẳng vào bản chất và dự đoán chính xác con đường đi của Nhật Bản hơn. Ngày trước, Cụ tư duy về nước Nhật theo quan điểm màu da, “cùng một họ da vàng”, từ đó rơi vào ảo tưởng “cùng họ thì phải giúp nhau” để rồi phải vỡ mộng. Nay Cụ tư duy theo cách nhìn Nhật Bản trong tương quan thực tiễn mang tính cạnh tranh sinh tồn của Nhật Bản trong khu vực, của Nhật Bản trên thế giới mà từ đó nổi lên âm mưu bành trướng theo con đường phát xít hóa như lịch sử đã cho thấy. Không riêng gì khi nghĩ về Nhật Bản, mà khi nghĩ đến đất nước của mình cũng vậy. Ngày trước cách nghĩ của Cụ ít nhiều không tránh khỏi sự đơn giản. Bởi chủ yếu nghĩ về đất nước vẫn là trong tương quan với thực dân Pháp để hoạch định đường lối đấu tranh chống Pháp, giành độc lập. Sau này Cụ nghĩ về đất nước không chỉ trong tương quan Việt Nam-Pháp, mà còn nhiều tương quan khác. Việt Nam với thế giới. Pháp với thế giới. Ngay với Pháp ngày trước Cụ hầu như chỉ nghĩ Pháp là một, một thực dân chiếm Việt Nam. Nay Cụ đã tiến tới chỗ phân biệt thực dân Pháp với Pháp dân quyền. Ở Cụ, đường lối đấu tranh về sau quả có thay đổi so với trước. Sự thay đổi đó chính là kết quả của sự thay đổi tư duy chính trị đó của Cụ. 

Tìm hiểu sâu vào tư duy chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách khách quan khoa học, chúng ta dễ có thêm cơ sở khoa học để nghĩ về sự thay đổi trong tư duy chính trị và cũng là đường lối chính trị của Phan Bội Châu ở giai đoạn sau một cách thỏa đáng hơn. Ít ra, cũng tránh được phần nào sự giản đơn trong cách nghĩ cũ mà đó đây thường gặp. Trong Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa (1921), Phan Bội Châu có đoạn viết: “nay tôi xin quốc dân ta nên đổi cái óc chỉ biết nhìn gia tộc như đời xưa đi mà thay vào đó cái óc biết nhìn quốc gia; nên bỏ cái chủ nghĩa cũ kỹ dã man cách mạng mà mưu toan chủ nghĩa mới mẻ văn minh cách mạng”. Cõ lẽ đã đến lúc, các nhà khoa học nên tìm hiểu nghiêm túc, kỹ lưỡng hơn về cái gọi là “văn minh cách mạng”, “văn hóa cách mạng” mà cụ Phan từng nói đến cách đây hơn 70 năm.

4. Sự thật là sau khi bị bắt giam lỏng ở kinh đô Huế, cuộc đời cách mạng của Phan Bội Châu, xét ở phương diện hành động là dấu chấm hết. Phan Bội Châu trở thành “con voi già” (tên bài thơ của Phạm Huy Thông) nơi Bến Ngự với cảnh sống đìu hiu trong tâm trạng đầy uất nghẹn. Nhưng lại có một sự thật hiển nhiên là với Phan Bội Châu lúc này, bị mất mùa cách mạng nhưng lại được mùa thơ ca, được mùa học thuật, được mùa văn hóa. Rõ ràng là con người văn hóa của Phan Bội Châu như trên đã nói là có mặt cả trước khi con người cách mạng, chính trị xuất hiện và sau đó cùng sóng đôi với con người cách mạng-chính trị, nhưng thực sự trỗi dậy bề thế, đảm bảo các tiêu chí nghiêm ngặt mà người đời, mà thế giới vẫn quan niệm về một nhà văn hóa lớn, một học giả lớn, chính từ cảnh ngộ “con voi già” này.

5. Tầm vóc của nhà văn hóa Phan Bội Châu trước hết được đo bằng khối lượng và chất lượng của trình độ chiếm lĩnh tri thức văn hóa dân tộc, khu vực đã đành mà còn là nhân loại, thế giới, so với lịch sử và đương thời, nếu chưa muốn nói tới hậu thế. Dễ dàng thấy được ở Phan Bội Châu đã diễn ra quá trình chiếm lĩnh tri thức văn hóa từ phạm vi khu vực đến phạm vi toàn cầu theo cả hai chiều không gian và thời gian ngày càng mở rộng. Đã là nhà văn hóa lớn, để chiếm lĩnh tri thức văn hóa nhân loại thông thường trong thời cận hiện đại, ắt hẳn phải có trình độ ngoại ngữ, không như ở thời trung đại, với các nhà văn hóa như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú … thì chưa có ngoại ngữ gì ngoài chữ Hán. Với Phan Bội Châu, thì ngoài chữ Hán cổ, chắc chắn còn hơn các cụ tiền bối ở kim văn (Trung văn hiện đại). Mà kim văn Trung Quốc rõ ràng là có vai trò truyền tải tri thức thế giới rất lớn, chứ không như cổ văn. Chưa thấy chỗ nào nói là Phan Bội Châu biết Nhật văn, Triều văn, nhưng ngoài việc giao du, tiếp xúc với người Nhật, người Triều Tiên, rất có thể cụ cũng đã làm chủ một phần Hán văn vốn chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong kho tàng sách báo Nhật văn, Triều văn. Cũng chưa thấy sách báo nào nói cụ Phan có biết tiếng Pháp. Nhưng thực tế lại có hiện tượng: trong một số tác phẩm của mình cụ đã chua thêm chữ Pháp (thậm chí có chỗ còn chua chữ Anh). Đặc biệt là tác phẩm Thiên hồ! Đế hồ(1923), tác giả đã-bên cạnh lời chữ Hán-ghi rất nhiều lời Pháp văn ở trình độ tiếng Pháp đáng kể. Phan Bội Châu, về cơ bản, vẫn chưa vượt hẳn ra ngoài phạm trù các nhà văn hóa trung đại của đất nước vốn có hạn chế là chưa quan tâm đến vấn đề ngoại ngữ. Hạn chế này xét cho cùng là hạn chế của sự giao lưu văn hóa ở Việt Nam trong thời trung đại. 

Thế hệ nhà văn hóa lớn có tân học như Trương Vĩnh Ký trước Cụ, Nguyễn Ái Quốc sau Cụ. Sẽ khắc phục những hạn chế đó của tiền nhân dĩ nhiên là nhờ được sống trong bối cảnh văn hóa hiện đại khác. Với Phan Bội Châu, cũng cần nói thêm là chúng ta chưa hình dung được thật cụ thể về phương diện chiếm lĩnh văn hóa nhất là văn hóa phương Tây, thế giới. Nhưng qua Phan Bội Châu- toàn tập do GS. Chương Thâu biên soạn thì thấy khối lượng tri thức của Cụ quả là lớn lao vô cùng, vượt lên trình độ văn hóa trung đại, và so với các học giả đương thời, cũng không phải có nhiều. Không kể phần văn hóa phương Đông trong đó có Nho giáo, Phật giáo, Lão-Trang, Chu dịch… vốn đã quen thuộc với Phan Bội Châu, chỉ kể về văn hóa phương Tây và thế giới thì thấy cụ đã đến với các triết gia cổ đại Hy Lạp như Aristote ở quan niệm “nhân loại sinh lai thị xã hội động vật” (loài người từ khi sinh ra đã là động vật có tính xã hội), Platon ở học thuyết “lý tưởng quốc”, Anaximandre ở thuyết “vô cùng lượng”. Đến Thomas More, Descartes, Bacon, Copernic, Galilee, Rousseau, Montesquieu, Fichte, Heisemberg, Darwin, St Simon, Auguste Comte, Fourier, Proudhon, Henri Georges, Adam Smith, Karl Mark, Einstein, Calyers, Gakhounine, Mustapha Kemel, Guillaume…Qua Phan Bội Châu-Toàn tập, cũng thấy Phan Bội Châu đã ít nhiều biết đến các loại hình khoa học hiện đại của thế giới: xã hội học, triết học, kinh tế học, luận lý học, tâm lý học, sinh lý học, bệnh lý học, tự nhiên khoa học (science naturelle), xã hội khoa học (science sociale), chủ nghĩa xã hội khoa học… riêng về học thuyết xã hội chủ nghĩa những gì Phan Bội Châu đã nói đến trong cuốn Xã hội chủ nghĩa (có người dự đoán là viết trong khoảng thời gian từ 1928-1934), nếu đem so với một số sách báo giới thiệu chủ nghĩa Mác cùng thời hoặc sau đó ít lâu ở nước ta thì cũng dễ thấy công phu tìm hiểu của Phan Bội Châu. Cũng như xem Lược truyện Liệt Ninh, vĩ nhân của nước Nga đỏ do Phan Bội Châu viết in trên Binh sự tạp chí, Hàng Châu, Trung Quốc 1921 sẽ thấy ở thời điểm đó quả chưa có người Việt Nam nào hiểu biết nhiều, viết kỹ về Lê Nin như cụ Phan. Điểm qua đôi nét về khối lượng tri thức văn hóa như trên, ít nhiều có thể thấy Phan Bội Châu đã chiếm lĩnh được một bộ phận tri thức tiêu biểu đáng kể của lịch sử văn hóa nhân loại ở mức độ không dễ gì có nhiều so với trình độ của các nhà văn hóa Việt Nam đương thời.

6. Tầm vóc nhà văn hóa Phan Bội Châu cuối cùng lại được đo bằng chính những công trình học thuật mà Cụ đã để lại muôn đời cho đất nước. Xin cứ từ bộ sách Phan Bội Châu-Toàn tập gồm 10 tập, tổng cộng khoảng 5770 trang in (dĩ nhiên là còn tác phẩm bị thất lạc như: Phật học đăng, Lịch sử triết học phương Đông) mà luận giải. Rõ ràng là qua đây, thấy trong các công trình của nhà văn hóa Phan Bội Châu, có đủ thể loại: chính trị học, triết học, văn học, đạo đức học, sử học… mà ở lĩnh vực nào, Cụ cũng có những đóng góp đáng quý. Về chính trị học, Cụ là tác giả viết sách báo tuyên truyền cách mạng vào loại ít ai sánh kịp. Văn tuyên truyền cách mạng của Cụ có tác dụng lớn lao như thế nào, điều đó mọi người đã biết. Về sử học, chưa cần gọi Cụ là sử gia, nhưng cuốn Việt Nam quốc sự khảo cũng đã đưa đến cho người đọc một cách viết sử mang dấu ấn cá nhân bởi ở đây, lịch sử dân tộc đã được viết bằng nhiệt huyết hiếm có và bằng một cách tiếp cận riêng: lịch sử của công cuộc dựng nước giữ nước và cứu nước. Về đạo đức học, qua các tác phẩm như Cao đẳng quốc dân, Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri cũng thấy Cụ Phan là một nhà đạo đức học có đóng góp mới vào hệ thống công trình đạo đức học của nước nhà. Nét nổi bật trong các công trình đạo đức học của Cụ là ý muốn thiết tha xây dựng cho đất nước một nền đạo lý trong đó có sự kết hợp cao độ tư đức và công đức, mà trong công đức thì đạo đức vì nước vì dân là trên hết. Nội dung đạo đức học trong các công trình của Cụ Phan thường có sự khích lệ hướng tới sự cao cả đi đôi với thái độ nghiêm khắc phê phán những điều sai trái, tệ hại nhất là những sai trái, tệ hại bất lợi cho vận nước vận dân. Có thể nói, Cụ Phan là thuộc trong số người Việt Nam xưa nay yêu nước thương dân nhất, nhưng không ai như Cụ Phan, thẳng thắn vạch rõ những tệ nạn, kém cỏi của nhân dân đến mức như thế, trong khi Cụ thiết tha xây dựng đạo lý. Về văn học, vốn là một bộ phận của văn hóa, như ở Cụ Phan, do khối lượng sáng tác quá lớn và đa dạng, cho nên từ lâu đã được tách riêng để bàn luận và hướng tới một kết luận gần như không bàn cãi gì rằng: Phan Bội Châu là nhà văn tiêu biểu nhất cho dòng văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX. Về triết học, rất tiếc là công trình Phật học đăng, Lịch sử triết học phương Đông hiện đang bị thất lạc, nhưng với những gì Cụ để lại đã cho phép khẳng định rằng: Phan Bội Châu là một nhà Đông phương học, một học giả bề thế. Trong đó nổi bật lên là các công trình Khổng học đăng, Quốc văn Chu dịch diễn giải, Nhân sinh triết học, Xã hội chủ nghĩa… Có người thấy Phan Bội Châu lúc mới bước chân vào con đường cách mạng cứu nước, đã viết trong bài Xuất dương lưu biệt (1905), hai câu thơ: “Non sông đã chết sống thêm nhục, Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”, nay (khoảng từ 1929-1935) viết Khổng học đăng cho là rơi vào tình trạng “lại giống”. Người viết này từ lâu đã không nghĩ như vậy. Bởi thấy với hai câu thơ trên, chưa thể nói là Cụ đã từ giã Nho giáo. Bởi thấy với Khổng học đăng, Phan Bội Châu đã để lộ hai điều thật là quý hiếm trong học thuật: sự am hiểu cặn kẽ, sâu sắc Khổng học và tư thế học thuật vững chãi đầy bản lĩnh đối với những giá trị văn hóa, tinh thần của phương Đông cổ truyền. Kết luận này ít nhiều đã có so sánh với nhiều công trình nghiên cứu Khổng giáo trong và ngoài nước trong sáu chục năm qua trong đó đáng tiếc là sự trao đảo, xô bồ, của không ít học giả mà nguyên nhân sâu xa chính là sự tấn công áp đảo của phương Tây trên phương diện văn minh vật chất, khoa học kỹ thuật kéo theo sự áp đảo, tấn công trên phương diện văn minh tinh thần đối với phương Đông từ thế kỷ XIX trở đi.[1] Nói thế này đã đúng chưa: cho đến nay cùng với Nho giáo của Trần Trọng Kim, Khổng học đăng (2 tập, 918 trang) của Phan Bội Châu vẫn là hai công trình học thuật có quy mô lớn nhất và cũng đáng tin cậy nhất về Nho giáo ở nước ta, mặc dù mỗi công trình có vẻ riêng của nó và với cả hai, không phải không có hạn chế này khác khi giải mã Nho giáo. Quốc văn Chu dịch diễn giải (2 tập 993 trang) cũng là một công trình học thuật sáng giá của Phan Bội Châu. 

Trước cách mạng tháng Tám, Ngô Tất Tố cũng viết về Kinh dịch, sau này ở Sài Gòn trước 1975, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần cũng viết về Kinh dịch và gần đây Lê Văn Quán, Bùi Văn Nguyên cùng nhiều người khác đều đua nhau viết về Kinh dịch. Dù vậy thì Quốc văn Chu dịch diễn giải của Phan Bội Châu vẫn là công trình có quy mô chuyên sâu ít ai sánh kịp. Xin mượn lời cụ Mính Viên tức là cụ tiến sĩ-chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sau đây để nói về giá trị công trình học thuật của Phan Bội Châu: “Ký giả có một người bạn tinh thâm Hán học trên 20 năm du lịch nước Nhật, nước Tàu, cùng học giả Đông Tây giao thiệp cũng nhiều, nay tuổi già không muốn chen mình vào cuộc đời đáng chán này, xoay lại đóng cửa đọc sách, làm bạn cùng mấy bậc danh triết đời xưa. Trong lúc thong thả, nhân xem bản Chu dịch dịch ra quốc văn, lấy tư tưởng cao thượng dung hợp, mà giải thích theo lối vũ trụ quan, nhân sinh quan, phát triển được nhiều điều tinh diệu và thích hợp với lẽ tiến hóa. Thuở lai, nhiều người xem bộ Chu dịch như thứ sách chỉ dùng về việc bói, việc số, đã không có ích gì cho đời, mà lại dẫn người đời vào cõi mê tín. Nay có bản sách này, không khác gì dọn gai gốc mà thấy đường bằng, vẹt mây mà thấy mặt trời, làm cho chân tướng của triết học bị che lấp mấy trăm đời, nay được bày tỏ một cách sáng suốt, giá trị của bản sách này không phải là ít” (lời giới thiệu của Quốc văn Chu dịch diễn giải). Nhân sinh triết học, cũng rất tiếc là chưa được sưu tầm đăng tải trọn vẹn nhưng chừng ấy còn lại trong Phan Bội Châu-Toàn tập (tập 4, từ trang 181 đến trang 221), cũng chứng tỏ tác giả đã quan tâm tìm lời giải đáp như: “Vì sao có con người?”, “Người là giống gì?”, “Người so với động vật thời thế nào?”, “Người so với trời đất thời thế nào?”, “Loài người có ngày tiêu diệt không?”, “Các bộ phận thuộc về nhân loại sở hữu” gồm: “nhân thể” (corps humain), “nhân tính” (caracteres humain), “nhân dục” (desir humain), “nhân cách” (personnalite), “nhân sự” là gì? Trong từng vấn đề đó, ở mức độ nhất định, tác giả đã cố gắng tìm hiểu cách lý giải của các triết gia, các nhà khoa học Đông Tây, kim cổ, kể cả cách lý giải của tôn giáo. Xã hội chủ nghĩa là cuốn sách do Cụ Phan viết để giới thiệu chủ nghĩa Mác mà cách viết vẫn thể hiện phong cách học giả dù rằng cuốn sách chỉ hơn 50 trang. Bởi ở đây, cùng với việc giới thiệu nội dung chủ yếu của học thuyết mácxít như: thặng dư giá trị, giai cấp đấu tranh, lao động chuyên chính, kinh tế học, phương pháp xã hội cách mạng, tư bản luận…còn là việc tìm hiểu những mầm mống tư tưởng xã hội chủ nghĩa ít nhiều mang tính chất không tưởng từng có trong lịch sử Đông, Tây, từ Khổng Tử, Platon, đến Thomas More (Utopia), Auguste Comte, St. Simon, kể cả những biến dạng của học thuyết xã hội chủ nghĩa sau Mác như Bakhounine, Tôn Dật Tiên, Phan Bội Châu đã tìm hiểu lịch sử hình thành và sự biến dạng đó trong khuynh hướng kết luận: “ở trong các nhà xã hội học, ông (tức K.Mác-NĐC ghi thêm) thật đáng là một vị tiên sư, sở dĩ chúng ta nghiên cứu xã hội chủ nghĩa, chỉ cần nghiên cứu Mã Khắc Tư (K. Mác) chủ nghĩa là xong rồi”. Chẳng những thế mà tác giả còn viết: “Chúng ta nghĩ đến đó, bất giác hô lên rằng: Xã hội chủ nghĩa vạn tuế! Xã hội chủ nghĩa vạn tuế!”.

Tất cả những gì đã trình bày trên đây, người viết tự xem là đã bước đầu trên con đường khoa học nhằm làm rõ tư cách nhà văn hóa lớn, cũng có thể nói là vĩ đại của Phan Bội Châu trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc nói chung, ở thế kỷ XX nói riêng. Chỉ mong được sự chỉ bảo của các bậc thức giả, các bạn đồng nghiệp từng tôn kính và say mê Phan Bội Châu.

Đồng Xa, Hà Nội

Chú thích: 

[1] Xem: Nguyễn Đình Chú-Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa tinh thần. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (20), 1995.

Phan Bội Châu - Nhà văn hoá Reviewed by Hoài An on 4/21/2012 Rating: 5 Nguyễn Đình Chú - 1. Người Việt Nam ở thế kỷ XX này, không một ai không quý trọng Phan Bội Châu. Và chúng ta đã đến với Cụ Phan ở tư các...

Không có nhận xét nào: