Thụy My - Hãng tin AFP dẫn thông tin từ báo chí Việt Nam hôm nay 09/05/2012 cho biết, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đang yêu cầu có lời giải trình chính thức về việc hai phóng viên của đài bị công an đánh đập khi đang hành nghề trong vụ cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24/4.
Theo báo Tuổi Trẻ, hai phóng viên bị "hành hung dã man" là các ông Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, đã làm đơn gởi đảng Cộng sản và các viên chức địa phương đề nghị làm rõ trách nhiệm những người nào đã ra lệnh đánh đập và bắt giữ họ.
Bà Nguyễn Lan Hương, trưởng ban thư ký biên tập và thính giả của VOV nói rằng nhà báo Phi Long khi đến chụp ảnh đã bị hành hung một cách dã man. Nhà báo Ngọc Năm can thiệp thì bị một nhóm người trong đó có cả công an mặc cảnh phục "tấn công" và còng tay lôi đi, tạm giam trong vài giờ. Công an cũng tịch thu thẻ nhà báo, thẻ Đảng và tra hỏi ông Ngọc Năm, sau đó có xin lỗi và thả ông ra.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết Đài Tiếng nói Việt Nam đã gởi văn bản báo cáo cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, khẳng định hai phóng viên trên do lãnh đạo Đài cử đi, và có điện thoại cho công an tỉnh Hưng Yên về việc này, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời.
Một video clip trên YouTube cho thấy hai nhà báo này bị một nhóm cảnh sát mặc cảnh phục và an ninh mặc thường phục đánh đập kể cả bằng gậy gộc, trong vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang hôm 24/4. Xin nhắc lại, hôm đó khoảng 700 nông dân đã phải đối mặt với hàng ngàn cảnh sát cơ động vũ trang tiến vào cưỡng chế, sử dụng cả hơi cay và bắn đạn thật chỉ thiên. Khoảng 20 nông dân đã bị bắt.
Nông dân huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên phản đối việc công ty tư nhân Việt Hưng được giao 500 hecta đất cho dự án EcoPark, được quảng cáo là "khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc", nhưng không thương lượng với người dân để đền bù thỏa đáng, trong khi đất đai là nguồn sống chính của họ.
Các vụ tranh chấp đất với chính quyền địa phương tại Việt Nam ngày càng nhiều, vì đất đai được xem là thuộc "sở hữu toàn dân", và các quy định về quyền sử dụng đất đai không rõ ràng, cũng như không được tôn trọng.
Không có nhận xét nào: