Giáo hội Nam Hàn và giáo hội Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 5, 2012

Giáo hội Nam Hàn và giáo hội Việt Nam

VRNs (12.05.2012) – Sài Gòn – Cách đây gần một tháng, đài Vatican có đề cập đến sự phát triển mạnh mẽ của Giáo Hội công giáo Nam Hàn. Theo đài Vatican, số Kitô hữu từ năm 1960 đến năm 2010 tăng từ 2% đến 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu công giáo, tức được khoảng 5,4 triệu, số linh mục từ 250 đến 5.000. Hàng năm có rất đông người xin gia nhập Giáo hội Công giáo. Mỗi giáo xứ có từ 200 đến 400 Kitô hữu theo Công giáo. Hồi năm 2008, số tín hữu công giáo đã vượt 10% tổng số dân Nam Hàn và gia tăng 3% mỗi năm. Theo thống kê của giáo hội Nam Hàn, số người lãnh bí tích Rửa Tội đã là 154.000 người. Trong 10 năm qua, số tín hữu Nam Hàn đã gia tăng từ 3 đến hơn 5 triệu, khiến cho giáo hội Nam Hàn là giáo hội tiến triển mạnh nhất Á châu.

Bởi đâu giáo hội công giáo Nam Hàn phát triển một cách kỳ diệu như vậy?

Đó là do hàng giáo phẩm Nam Hàn đã có một chính sách ưu tiên dành cho việc truyền giáo. Giám mục Nam Hàn chi tiêu rất nhiều cho việc truyền giáo. In rất nhiều sách giới thiệu Thiên Chúa cho người Nam Hàn lâu nay theo đạo Phật và đạo ông bà là hai hệ thống khôn ngoan nhân loại và triết lý sống, chứ không phải là hai tôn giáo. Do đó đã có nhiều sách dành cho đạo Phật và đạo ông bà để ca ngợi hai đạo làm người đó và đồng thời nói đến Công giáo là một tôn giáo, tôn thờ Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và con người, con người sống nhờ Ngài và có bổn phận thờ Ngài. Công giáo còn đề cập đến tình thương bao la của Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài là Chúa Giêsu để cứu độ nhân loại. Nhờ đó mà người đi đạo Phật và đạo ông bà vừa giữ đạo làm người của mình theo hệ tư tưởng đạo Phật, lại thờ Chúa trong đạo công giáo.

Cũng trong chính sách truyền giáo, Hội đồng Giám mục Nam Hàn đã vận động giáo dân đi vào việc truyền giáo, đem Tin Mừng của Chúa Kitô cho người Nam Hàn. Giới trẻ hăng say truyền giáo cho bạn bè ngoài Công giáo. Trong các họ đạo, việc truyền giáo và dạy tôn giáo được giáo dân đảm trách. Ở Nam Hàn, tôn giáo là một chuyện nghiêm chỉnh bắt buộc các tín hữu phải dấn thân.

Hiện nay giáo hội Nam Hàn đang sống chương trình gọi là “Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, có nghĩa là mọi tín hữu trong giáo hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm 2020 số tín hữu công giáo đạt tỉ lệ 20% tổng số dân Nam Hàn.

Thật phấn khởi khi hàng giám mục Nam Hàn ý thức về việc truyền giáo và nỗ lực hy sinh tiền bạc, thì giờ để đào tạo những giáo dân truyền giáo, thúc đẩy việc truyền giáo, mặc dầu giáo hội Nam Hàn chỉ mới bắt đầu vào thế kỉ 18, túc là sau Việt Nam 300 năm.

Thấy sự phát triển kì diệu của giáo hội Công giáo Nam Hàn, tôi không thể không nghĩ đến giáo hội Công giáo Việt Nam.

Người Việt Nam được các vị thừa sai ngoại quốc truyền đạo vào thế kỉ 15, trước Nam Hàn 300 năm. Máu tử đạo đã đổ ra trên đất nước này. Việc truyền giáo của các nhà ngoại quốc đã được thực hiện một cách kì diệu. Nhưng từ khi giáo hội Việt Nam lập hàng giáo phẩm Việt Nam, không còn bóng dáng các vị thừa sai ngoại quốc, thì việc truyền giáo cho trên 80 triệu người Việt Nam mà đa số theo đạo Phật và đạo ông bà như bên Nam Hàn, không được tiếp tục. Đó đây có chăng chỉ truyền giáo cho người Thượng. Còn đại đa số người Kinh không còn bóng dáng của người Công giáo truyền giáo.

Nếu giáo dân Công giáo Nam Hàn năng nổ trong việc truyền giáo, coi như việc ưu tiên, đó là nhờ hàng giáo phẩm đặt ưu tiên một là truyền giáo và dành mọi phương tiện, tiền bạc, nhân sự vào việc truyền giáo.

Ở Việt Nam, mỗi năm có lễ truyền giáo theo lịch giáo phận, có quyên tiền để giúp truyền giáo, có bài giảng truyền giáo, cũng vẫn có ủy ban truyền giáo trong Hội đồng Giám mục. Nhưng rồi, chẳng còn gì, chẳng có ưu tư để tổ chức quy mô việc truyền giáo như ở Nam Hàn. Các cha chánh xứ lo việc bổn đạo, lo cho nhiều hội đoàn đạo đức, nhưng không có hội đoàn nào chỉ lo việc truyền giáo cho người giữ đạo Phật, đạo ông bà. Giáo lý cũng chưa được trao phó cho giáo dân – chưa đào tạo giáo dân đi truyền giáo. Trong các họ đạo cũng có lễ Rửa Tội dịp Giáng sinh, Phục Sinh. Nhưng đại đa số nếu không phải hầu hết là những người sắp lập gia đình với người Công giáo. Ít thấy người xin rửa tội vì được truyền giáo. Giáo hội Công giáo Việt Nam không dành nhiều chi phí cho việc in sách vở cho người ngoài Công giáo và ít chi phí để nâng đỡ giáo dân làm việc truyền giáo chuyên nghiệp, cần có tiền bạc để dành tất cả thì giờ cho việc truyền giáo.

Ngoài việc Hàng giáo phẩm không quan tâm hỗ trợ việc truyền giáo, tình trạng Hàng giáo phẩm im lặng trước bất công, đàn áp của chế độ cộng sản, người ngoài không còn thiện cảm với giáo hội Việt Nam. Do đó, giáo hội Việt Nam không phát triển được như giáo hội Nam Hàn.

Mong Hội đồng Giám mục Việt Nam ý thức ưu tiên truyền giáo, dành mọi sức lực cũng như tiền bạc, để đẩy mạnh việc truyền giáo như giáo hội Nam Hàn. Đàng khác các giám mục Việt Nam cần phải lên tiếng bảo vệ nhân quyền và tôn giáo. Có như vậy, người ngoài Công giáo mới có thiện cảm với giáo hội Công giáo. Nhờ đó, họ tìm đến giáo hội.

Lm. Chân Tín

Giáo hội Nam Hàn và giáo hội Việt Nam Reviewed by Hoài An on 5/12/2012 Rating: 5 VRNs (12.05.2012) – Sài Gòn – Cách đây gần một tháng, đài Vatican có đề cập đến sự phát triển mạnh mẽ của Giáo Hội công giáo Nam Hàn. Th...

Không có nhận xét nào: