TS Nguyễn Quốc Quân cùng gia đình. |
Võ Tấn - Lần đầu tôi gặp anh là khoảng 1985-86 trong dịp đi công tác ở Bắc Cali... Anh PD giới thiệu tôi với anh và chúng tôi chỉ mỉm cười, gật đầu chào nhau, không hỏi han gì thêm... vì cả hai đều rõ một quy ước bất thành văn ngày ấy: Những người đấu tranh thường ít ai nói về quá khứ, về cái tôi, mà hay tập trung vào việc làm trước mắt, vào nỗ lực đóng góp cho đại cuộc còn rất nhiều thử thách, gian lao (vả lại, sau thảm cảnh xảy đàn tan nghé hồi 1975 thì chúng ta xem như...“mất hết chỉ còn nhau”, hà cớ gì mà đem kể lể chuyện dĩ vãng - thường là buồn nhiều hơn vui - ngày trước ?)...Sau đó bẵng đi một thời gian dài, chúng tôi mới lại gặp nhau, tất nhiên cũng trong một công tác của tổ chức...Lần này, tôi được bố trí về tá túc non 1 tuần tại ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng của anh, chị và hai cháu...Gần gũi nhau hơn vì có nhiều dịp trao đổi nhưng tuyệt nhiên chúng tôi vẫn không hề nói chuyện ngày xưa, lúc còn ở bên nhà, chắc do bàn thảo về chuyện chung, về công tác e còn không đủ thì giờ, nói gì đến mạn đàm chuyện đời thường...
Phải đến khi tham dự một đại hội 5-6 năm trước, tôi mới...phát hiện ra anh không những là chiến hữu của tôi mà còn là một bạn...đồng nghiệp với nghề “godautre” nữa...Trong một thoáng tình cờ khi nhắc đến những địa danh đất nước, anh và tôi mới biết là hai người đều từng ở tỉnh Rạch Giá, và đều có thời đi dạy học ở vùng đất cực nam của quê hương...Anh và tôi vốn là dân cư kỳ cựu của Sài gòn nhưng anh lại về dạy toán cấp 3 ở Rạch Sỏi, phần tôi - thày giáo toán lý - bị đời đưa đẩy khỏi đất liền nên khăn gói xuôi về “trấn nhậm” nơi hải đảo Phú Quốc xa xôi... Anh hơn tôi mấy tuổi đời và chịu đựng “nghề” dạy dưới mái trường XHCN được những...5 năm trước khi bỏ cuộc, tìm đường vượt biển, còn tôi chỉ đứng lớp chưa đầy một niên khóa đã âm thầm từ giã bảng đen, phấn trắng và lũ học trò hiền hậu, giản đơn của vùng biển đảo tít tắp đó...để ra đi tìm tự do như một thuyền nhân mấy mươi năm trước...
Dù rất yêu ngành giáo dục nhưng trong môi trường xa lạ, phức tạp của xứ người cộng với nếp văn hóa thực dụng nơi này, rất hiếm khi các thày cô giáo người Việt tỵ nạn chọn trở lại nghề cũ...Phần anh quyết định tiếp tục...dùi mài kinh sử, thâm cứu môn toán ở miền đông cho đến khi đạt được học vị PhD, nhưng “ông Trạng” họ Nguyễn này, thay vì lo đi tìm một đời sống sung túc với kiến thức rộng rãi ngần ấy, lại chọn con đường gai góc, nhiều thử thách của một người đấu tranh toàn thời cho đất nước, cho dân tộc, đem trọn tuổi thanh xuân cống hiến cho đại nghĩa...
Ngoài khả năng nhận thức sâu sắc, lý luận cao, những cá tính cần thiết của một người thuộc thành phần lãnh đạo, anh có lối trình bày vấn đề thật dí dỏm, minh diễn tài tình những khái niệm trừu tượng, khô khan khiến ai có dịp gặp gỡ, trao đổi, hầu hết đều tâm phục, khẩu phục, nhất là quý mến sự thẳng thắn, bình dị của anh...
Do bởi thói quen ít nói về chính mình và tính khiêm tốn cố hữu, cho đến khi anh tiết lộ qua một cuộc phỏng vấn trên TV mới đây, nhiều bạn hữu vẫn chưa hề biết anh vốn có quan hệ thân tộc với tiếng hát lẫy lừng vượt thời gian Thái Thanh... Kế thừa giòng máu chuộng thi văn của mẹ, anh yêu mến và thuộc rất nhiều thơ Việt Nam, nhất là dòng thơ Phùng Quán... Nghe anh chậm rãi đọc “..Có những phút ngã lòng...Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…” mới hình dung được nơi anh một tâm hồn yêu thơ đầy khí phách, vững tin vào ngày mai, vào chính khả năng vực dậy của mình khi đối diện với mọi gian nan, trở lực, mới mường tượng được tầm ảnh hưởng lớn lao của thơ văn ẩn tàng trong huyết quản anh - con trai của giọng ngâm bất hủ HĐ từng nổi tiếng một thời...
Mấy năm trước, trong một chuyến công tác ở quê nhà, anh sa vào tay bè lũ gian ác đang còn cầm quyền (nhưng chẳng bao giờ có chính nghĩa) và chúng đã phải trả tự do cho anh sau những nỗ lực giải cứu từ mọi giới, mọi nơi... Rồi anh trở ra đây, về lại với gia đình, chân bước đi tự hào, đầu ngẩng cao, vì đã bảo toàn trọn vẹn khí tiết trong lúc bị bọn “cáo chồn” vây bủa...Nhưng trái với dự đoán của bè lũ ở Bắc Bộ Phủ, sau khi được tự do, anh vẫn quyết định đi tiếp con đường tranh đấu cho đất nước, với nhiệt tình sâu đậm hơn trước, thay vì chọn cuộc sống an phận với vợ con...
Có lẽ từ ngữ “can đảm” khó thể diễn đạt được đầy đủ tâm huyết của anh...Trong anh, còn là tấm lòng yêu đồng bào, là tình quê hương dạt dào, là nỗi xót xa trước sự sa đọa của thế hệ trẻ trong một xã hội băng hoại do cái ác cố tình hình thành và duy trì...Anh đi vào nơi hung hiểm với tâm bồ tát dàn trải, không hận thù cay độc, chẳng đòi nợ máu xương ai. Trái lại, anh góp phần mưu tìm quyền sống cho ra sống mà mỗi người Việt đều phải được hưởng (nhưng bị chối bỏ từ biết bao năm nay)...Anh đang đi và đang sống như một vị thừa sai với sứ mạng rao giảng thông điệp dân chủ, công bằng, tự do, đánh thức lòng yêu nước, nghĩa đồng bào và trách nhiệm công dân nơi mỗi người Việt cho dù đang sống trong nước hay tha hương nơi xứ người...
Mới cách đây vài tuần, bè lũ Mafia đỏ lại ra lệnh cho cầm giữ anh ngay tại sân bay mà không hề đưa ra được chứng cớ gì để giam cầm anh. Khi được tin, bè bạn trong chính giới khắp nơi, cùng với rất nhiều đồng bào ta đều lập tức lên tiếng phản đối, đòi hỏi chúng trả tự do ngay cho anh và tạo áp lực liên tục lên bạo quyền...Một lần nữa anh lại có dịp đối đầu với xích xiềng chuyên chính, với trù dập, với thủ đoạn của chế độ hắc ám và tôi tin anh sẽ lại chiến thắng vì bóng tối (của u minh CS) phải lùi bước trước ánh sáng của chính nghĩa đấu tranh, và cái ác của tập đoàn gian manh, xảo trá tất phải bị khuất phục khi đối đầu trước cái dũng của một nhà giáo, một kẻ sĩ, đi đấu tranh cho dân, cho nước.
Cảm tạ đời cho tôi được biết, được tiếp tục làm bạn chiến đấu của anh trong những năm tháng qua và những ngày trước mặt...Mong hồn thiêng sông núi luôn chở che cho những đứa con xứng đáng còn âm thầm miệt mài tiến bước trên con đường đấu tranh còn lắm thử thách, hay đang kiên trì tranh đấu trong ngục tù toàn trị để sớm được tự do hầu tiếp tục sự nghiệp dở dang: tháo gỡ độc tài, canh tân đất nước.
Võ Tấn
Không có nhận xét nào: