Danluan - Nếu có một từ ngắn gọn nói lên đặc tính của người Việt Nam, có lẽ đó là sự duy cảm. Cái văn hóa làng xã từ bao đời đã gắn bó người Việt với nhau, hun đúc ngày một đậm đặc đặc tính này của người Việt, và cũng bởi ảnh hưởng sâu rộng của Khổng giáo, với các quy tắc ứng xử xã hội bằng đạo đức và thiên kiến. Con người “sống tình cảm” là 1 trong những tiêu chí được đánh giá cao trong thang giá trị của người Việt. “Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”. Quan niệm làm việc và hành xử theo tình cảm, bất kể nó có logic hay không vẫn còn ngự trị một cách vững chắc trong tâm khảm người Việt. Cấp dưới phải được lòng cấp trên để được nâng đỡ, “du di” nếu xảy ra sai phạm. Rốt cuộc, một “hệ thống tình cảm” bao che cho nhau hình thành xuyên suốt. Sự duy cảm ấy khiến cho nhiều người theo triết lý khoa học cảm thấy khó chấp nhận về những điều khó hiểu như “quan hệ tình cảm”. Điều đó ngăn cách, chia rẽ số ít những người duy lý – mà đa phần ủng hộ cho phong trào đòi dân chủ cho đất nước – với số đông duy cảm còn lại, những người vô tình trở thành những bức tường bảo vệ cho hệ thống “con người tình cảm”, bộ máy quyền lực cai trị bao che cho nhau từ trên xuống dưới.
Hệ thống này sẵn sàng bảo vệ thành viên của nó – nếu một người/nhiều người trong số họ lâm vào cảnh hiểm nghèo – bất chấp các nguyên tắc đạo đức được thừa nhận rộng rãi. Hệ thống đạo đức đặt trên nền tảng của sự duy lý, mà kết quả là những giá trị tinh thần (dân chủ – tự do – nhân quyền v.v…) được cả thế giới thừa nhận, đối đầu với hệ thống đạo đức duy cảm, trong đó quyết tâm bảo vệ người “thân” bằng mọi giá. Hai hệ thống ấy xung đột với nhau trong lòng những người Việt, thậm chí trong bản thân mỗi người Việt. Phe Quốc gia quá yêu cái “Quốc gia” của họ, thực tế cũng đã chịu nhiều thiệt thòi nên ra sức bảo vệ “quá khứ xưa” dù thực tế chính quyền của họ không thực sự được lòng dân. Phe Cộng Sản dù biết đã hoàn toàn sai lầm, đã trở nên lố bịch nhưng vẫn “tham quyền có vị” và đàn áp dân chúng trong nước. Dân chúng trong nước thì chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân mà hoàn toàn không ưu tư gì cho đất nước. Sự duy lý hoàn toàn thiếu vắng trong hoàn cảnh đất nước cần lắm những giải pháp để xây dựng và hàn gắn vết thương chiến tranh. Chúng ta dồn quá nhiều cảm xúc trong lòng để rồi nó là bức tường ngăn cản những nỗ lực canh tân đất nước. “Thương nhau củ ấu cũng tròn. Ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Theo 1 nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ (*), con người tồn tại 2 hệ thống đạo đức khác nhau, và nhiều khi nó xung đột với nhau. Khi đó con người xử sự theo cảm tính và sẵn sàng làm điều xấu. Điều đó giải thích vì sao người Việt khá tốt tính nhưng họ vẫn có thể làm những điều trái đạo đức vì sự xung đột của 2 hệ thống giá trị khác nhau. Kết quả: đất nước vẫn nghèo hèn và lạc hậu. Con người Việt Nam là nạn nhân của chính đặc tính mà họ tôn thờ và tự hào.
Dân chủ – tự do chỉ bén rễ một cách vững chắc ở nơi mà sự duy lý ngự trị. Các giá trị đúng đắn được thế giới tôn thờ đều được lý luận một cách vững chắc, sắc bén thông qua các tư tưởng triết học và quan trọng hơn, được kiểm nghiệm tính đúng đắn, phổ quát trên thực tế. Quá trình ấy không có chỗ cho sự duy cảm. Hệ thống luật phức tạp và chặt chẽ; sự chính xác của khoa học kỹ thuật công nghệ; nền kinh tế vận hành đúng theo quy luật thị trường, không méo mó … đều là sản phẩm của sự duy lý vốn là đặc điểm nổi bật ở những xã hội phát triển, xã hội dân chủ tự do. Nền văn minh phương Tây (từ Hy Lạp cổ đại – La Mã cổ đại cho đến Mỹ, châu Âu ngày nay….) phát triển vượt bậc so với phương Đông (và phần còn lại của thế giới) cũng là bởi sự duy lý là nền tảng quan trọng bậc nhất trong văn hóa của họ. Phương Đông ì ạch cố gắng đuổi kịp phương Tây để rồi nhận ra sự khác biệt quan trọng nhất nằm ở văn hóa duy lý và dần dần thay đổi cách nhìn nhận cũng như vị trí của sự duy lý – duy cảm.
Liệu Việt Nam chúng ta có thể có dân chủ tự do đích thực nếu vẫn cố “phát huy những giá trị truyền thống” mà phần nhiều là cảm tính? Tự do, dân chủ thực sự sẽ chỉ đến với chúng ta một khi sự cảm tính bị đẩy lùi, nhường chỗ cho sự duy lý. Sau đó, tới lượt nó, dân chủ tự do sẽ dẫn đường cho chúng ta, dưới ánh sáng của lý trí, đến những chân trời mới tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn, nơi mà sự thương hại pha lẫn khinh khi đối với người Việt không còn, thay vào đó là sự kính trọng của toàn nhân loại, thứ mà lẽ ra dân tộc ta phải được hưởng từ lâu. Tất nhiên cả sự tự do, phồn thịnh nữa.
Đinh Vạn Vĩnh Phát
------------------
Không có nhận xét nào: