Đức Quốc xã từng rất mạnh nhưng cũng sụp đổ |
TS. Vũ Duy Phú - Bài viết của Bấm Trình ánh Hồng nhiều điều khách quan, rất đáng tham khảo. Sau đây tôi xin góp bàn thêm mấy thiển ý.
Sức mạnh thực sự của một nước là tổng hòa của cả hai phần sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Có lẽ không cần giải thích thêm về hai nội dung chi tiết này.
Sức mạnh thật sự của một cường quốc được tạo ra khi hai sức mạnh cứng và mềm được hài hòa, đều khá hoặc rất mạnh, cái nọ bổ sung cho cái kia. Đức Quốc xã, Nhật Bản trước đại chiến II là ví dụ về một nước chỉ có sức mạnh cứng, rất mạnh, nhưng lại rất tồi tệ trên quan điểm chung của thế giới về sức mạnh mềm. Kết cục hai chế độ lúc đó của cả hai nước đã kết thúc thảm bại.
Mỹ là một thí dụ về một siêu cường đặc biệt. Về sức mạnh cứng, ai cũng biết, nước Mỹ đã từ lâu đứng đầu thế giới, cả kinh tế lẫn quân sự. Nhưng trên thực tế, có lúc Mỹ rất mạnh – thời gian được coi là rất mạnh thường nhiều và kéo dài hơn – có lúc Mỹ lại trở nên khá yếu – thời gian bị coi là khá yếu ngắn hơn.
Bình thường, phần sức mạnh mềm của Mỹ cũng đã rất khá, tương trưng nhất là những tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền của nước Mỹ đã ghi trong Tuyên ngôn lập nước và Hiến pháp quốc gia, đã được thế giới thừa nhân, cùng với một thể chế chính trị được coi là tiến bộ hơn cả trên thế giới cho đến gần đây. Khi nước Mỹ rất mạnh, ấy là lúc các chính sách, trước hết là các chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ đều được tạo bởi cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm một cách đồng bộ.
Trung Quốc có thể trở thành siêu cường được yêu chuộng không? |
Còn ngược lại, nước Mỹ đã trở nên yếu. hơn, khi nước Mỹ thi hành những chính sách không được lòng người dân và bạn bè trên thế giới. Điển hình rõ nhất về thời kỳ nước Mỹ yếu, đó là thời gian Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Sở dĩ có chuyện giao động tương đối lúc mạnh, lúc yếu như vậy về sức mạnh đối với nước Mỹ, là bởi vì, chính sách cụ thể trong từng thời kỳ của nước Mỹ lại do các đảng nắm quyền chi phối. Tuy nhiên, do chế độ tự do dân chủ và nhân quyền là nền tảng lớn, cơ bản của nước Mỹ, do đó, những sai sót tạm thời của các đời tổng thống, không thể kéo dài. Nhân dân Mỹ sẽ là người đấu tranh đưa nước Mỹ trở lại với tinh thần của Tuyên ngôn lập nước và Hiến pháp Dân chủ nhân quyền của nước này.
Sức mạnh mềm
Nước Việt Nam tuy đi lên từ nhỏ bé và yếu ớt, nhưng cũng nằm trong quy luật đó. Hiện nay tuy sức mạnh tổng quát vẫn ở cái tầm thường thường bậc trung, nhưng sức mạnh mềm đã ở một vị thế tốt, được nhiều nước văn minh trên thế giới cảm tình và vị nể. Đó là do, Việt Nam thừa hưởng từ cha anh một sức mạnh mềm khá lớn do đã anh dũng, quật cường dẫn đầu nhóm các nước nhược tiểu đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc. Lại đang rất cố gắng đổi mới chính trị nước mình sang một thể chế tiến bộ hơn: “Dân làm chủ”, “Tất cả là của Dân, do Dân và vì Dân”, “Tất cả sức mạnh và quyền lực đều ở nơi dân”.
Vẫn biết rằng, những điều đó là còn chưa hoàn toàn trong tầm tay, nếu xem xét thực tại Việt Nam vẫn đang nhiều khó khăn, tệ nạn và còn đang ở giai đoạn “suy thoái tư tưởng và đạo đức” hơi bị nặng, nhưng chắc chắn với truyền thống quật cường, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đạt được ý nguyện đó của mình. Nghĩa là sẽ lấy lại được sức mạnh mềm vốn có, trong khi đang phấn đấu để nâng sức mạnh cứng của đất nước lên.
Việt Nam và Trung Quốc có rất rất nhiều điểm giống nhau. Nhưng so sánh thì vẫn khó.
Cái khác quan trọng nhất giữa hai nước là: Việt Nam thì nhỏ, Trung Quốc lại rất lớn. Do đó, nếu có sự khác nhau đáng kể nhất chính là do cái đặc điểm này nó tạo ra. Chính vì thế mà cái “đại cục” của Trung Quốc và của Việt Nam cũng khác nhau.
"Cái khác quan trọng nhất giữa hai nước là: Việt Nam thì nhỏ, Trung Quốc lại rất lớn. Do đó, nếu có sự khác nhau đáng kể nhất chính là do cái đặc điểm này nó tạo ra. Chính vì thế mà cái “đại cục” của Trung Quốc và của Việt Nam cũng khác nhau. "
Việt Nam muốn yên ổn hòa bình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và hữu hảo với tất cả bạn bè xa gần, nhất là với Trung Quốc. Có vậy thôi. Vì Việt Nam nhỏ, nên về cơ bản không thể có điều kiện và căn cứ vật chất cho tư tưởng dân tộc cực đoan nẩy sinh và phát triển.
Còn đối với Trung Quốc thì ngược lại. Trung Quốc là một nước lớn, đang trên đà vươn lên cố ý dành lấy vị thế ngày càng cao hơn trên trường quốc tế, trong đó có vị thế cứng và vị thế mềm. Trong tình hình đó, một bộ phận khá lớn lãnh đạo và nhân dân hy vọng mình sẽ đuổi kịp Hoa Kỳ cả về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, đóng góp xứng đáng của một nước lớn với hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Và sau đó là cùng Hoa Kỳ và các cường quốc khác trở thành đa cực lãnh đạo thế giới.
Nhưng có một bộ phận không nhỏ khác lại suy nghĩ theo loogic của tư tưởng dân tộc cực đoan nước lớn. Đây chính là cái gây rắc rối nhất cho Trung Quốc hiện nay, chứ thực chất cũng không phải “ý thức hệ” gì nhiều, gây rắc rối cả đối nội lẫn đối ngoại. Đó là cái khác cơ bản giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên rất khó so sánh và dự báo, tình hình hai nước sẽ đi đến đâu và có còn giống nhau nhiều như trước nữa hay không!
Nói cho vui: Tôi mà là lãnh đạo Trung Quốc, tôi cương quyết lãnh đạo hướng dẫn nhân dân cùng bình tĩnh, nâng tầm sức mạnh mềm (hòa bình, bác ái, nhân đạo, chính sách hợp lòng dân và phù hợp trào lưu Tự do Dân chủ, Nhân quyền thế giới. . ) của đất nước tiến lên ngang bằng , đồng bộ với sức mạnh cứng, rồi đến một lúc nào đấy, cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm của Trung Quốc đều vượt hơn Mỹ, thì đương nhiên lúc đó ngọn cờ lãnh đạo thế giới sẽ đến tay Trung Quốc mà thôi. Có gì mà đáng nóng vội sôi sục lên như hiện nay?
Nếu không khéo bảo nhau, mà manh động như Đức Quốc xã hay Nhật Bản trước đây, thì lại là dại dột, thậm chí mất hết, lại mất công làm lại từ đầu như họ. Hy vọng rằng, sự lo xa như vậy là vô ích.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu đang sống ở Hà Nội.
Không có nhận xét nào: