Nguyễn Học Tập - I - Quyền và phận vụ người công giáo trong việc dấn thân xã hội.
2) Dưới nhãn quang hoàn hảo hóa con người.
Đồ án của Đấng Tạo Hoá gồm cả đời sống xã hội của con người:
- "Chúa là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ tạo cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (Gen 2, 18).
Như vậy bản thể của con người có khuynh hướng làm cho con người sống đời sống trong xã hội và thông hiệp với người khác, như là phương thế cần thiết để phát triển chính mình.
Thiên Chúa kêu gọi con người đạt đến quê hương thiên quốc bằng cách hành động nơi trần thế.
Như vậy, các hoạt động của con người nhằm làm phát triển đời sống là những gì đáp ứng lại ý định của Đấng Tạo Hoá và như vậy con người phải thực hiện những hoạt động trần thế của mình một cách có trách nhiệm:
- "Người tín hữu phải nhận biết bản tính nội tại của các tạo vật, giá trị và sắp đặt chúng thích hợp để ngợi khen Chúa và giúp đỡ nhau để sống một đời sống thánh thiện cả bằng các hoạt động trần thế của mình, để cho thế giới được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt được một cách hiệu quả cùng đích của mình trong công lý, bác ái và hoà bình" (Lumen gentium, n. 36).
Dưới ánh sáng của chân lý vừa kể, chúng ta hiểu được thế nào việc chuyên cần dấn thân của con người cho việc phát triển vật chất và tinh thần của cả xã hội.
Đó là một phần chính yếu của ơn kêu gọi mà Chúa kêu gọi mỗi người đạt được cùng đích của cá nhân mình, tức là cùng đích thánh thiện.
Như vậy, trong sự hiệp nhứt với Chúa Kitô, tác động chính trị chiếm được phẩm chất mới, không phải chỉ một hoạt động "vô thưởng vô phạt", được làm cho trở thành tốt đẹp bởi một cái gì đó từ bên ngoài, mà là nhờ hiệp nhứt với Chúa Kitô, tác động đó trở thành một thực thể thánh thiện, được thánh hoá và có khả năng thánh hoá lịch sử cứu rỗi. Đó là ơn Chúa gọi, trong đó con người càng lúc cáng kết hợp với Chúa Giêsu và đồng hoá với Chúa Giêsu (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, n. 519-521).
Hiểu như vậy, chúng ta biết được việc thành đạt đến phát triển hoàn hảo con người và đạt đến đời sống thánh thiện thúc đẩy mỗi người chúng ta đảm nhận vai trò của mình trong đời sống công cộng.
Cần nhấn mạnh rằng người tín hữu Chúa Ki Tô không thể đứng nhìn các thực trạng xã hội như kẻ bàng quang, đứng nhìn từ bên ngoài, mà phải là người hiểu biết và suy luận, dưới ánh sáng đức tin, như là ơn goi mà Chúa Thánh Thần nói cho mỗi người, phải hành động thế nào để có thể hiệp thông và trở nên đồng dạng với Chúa Giêsu.
Điều đó đòi buộc người tín hữu Chúa Kitô phải học hỏi, phân tích và chuẩn định các biến cố xã hội dưới nhãn quang Kitô giáo, dưới nhãn quang của Chúa Kitô, để kế đến có thể tác động.
Thật vậy, các đòi buộc xã hội là những trách nhiệm chính xác đối với mỗi người, và chính trên trách nhiệm đó mà mỗi ngưòi chúng ta sẽ được Chúa phán đoán:
- "...Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa, Vì xưa Ta đói, các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han...Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta...Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như vậy cho những người bé nhỏ nhứt đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy" ( cft. Mt 25, 31-46).
Như vậy, không thể có một đời sống chân chính Kitô giáo (kể cả đời sống thuần bản tính nhân loại), nếu chúng ta coi không ra gì các nhu cầu, lề luật và cơ chế xã hội chính đáng.
Điều đó càng trở nên đích thực hơn, trong các hoàn cảnh hiện đại, trong đó các mối tương quan tùy thuộc vào nhau càng khẩn thiết mạnh mẽ hơn nữa, cho thấy rằng tất cả mọi người chúng ta đều có trách nhiệm đối với tất cả mọi người khác:
- "Ước gì tất cả mọi người hãy biết coi việc thực thi các bổn phận chính yếu của con người hiện đại và tuân giữ những đòi buộc xã hội như là những gì thiên thánh. Thật vậy, thế giới càng hiệp nhứt bao nhiêu, các đòi buộc của con người cành phải vượt thắng các phe nhóm riêng tư và dần dần các đòi buộc đó trải rộng ra cả thế giới. Và điều đó không thể xảy ra được, nếu mỗi con nguời riêng rẻ và phe nhóm của họ không vun trồng trong tâm khảm mình các nhân đức luân lý và xã hội và không loan truyền các nhân đức đó trong xã hội, như vậy để sinh nở ra những con người mới đích thực, các kiến tạo viên của một nền nhân loại mới, nhờ trợ giúp cần thiết của ơn Chúa" (GS, n. 30); (cfr. ĐTC Gioan Phaolồ II, Sollecitudo rei socialis, 30.12.1987, n. 38).
Bởi đó Công Đồng Vatican II cảnh cáo:
- "Người tín hữu Chúa Kitô lơ đểnh các phận vụ trần thế của ,mình, lơ đểnh các bổn phận của mình đối với người thân cận, đúng hơn là đối với chinh Chúa, là đặt cuộc sống đời đời của mình trong vòng nguy hiểm" (GS, n. 43).
Một đôi khi chúng ta cũng nghe nói đến việc người tín hữu Chúa Kitô chỉ biết lo lắng về thế giới bên kia làm cho họ quên đi các vấn đề của thế giới hiện tại.
Thực tế hoàn toàn trái ngược,bởi lẽ cuộc sống đời đời tùy thuộc vào động tác của chúng ta trong thế giới hiện tại, và nói một cách cá biệt, tùy thuộc vào động tác có lợi cho người khác của chúng ta.
Cần biết rằng đời sống Kitô hữu là một sự thúc đẩy mạnh mẻ chuyên cần dấn thân một cách nghiêm chỉnh trong việc xây dựng một xã hội công bằng hơn và huynh đệ hơn.
Bởi đó chuyên cần dấn thân cho công lý, hoà bình, cho những kẻ nghèo khó yếu hèn nhứt, cho tình liên đới hỗ tương hoàn vũ, sẽ được chu toàn một cách chuyên cấn chí thú và trọn vẹn khởi đầu từ việc chọn lựa chính Chúa Giêsu Kitô:
- "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công bình của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6, 33).
Thật vậy không thể thành thật chăm lo việc Chúa và việc Giáo Hội, mà không thành thật chú tâm đến các vấn đề của con người.
- "Tính cách chính đáng và đáng tin cậy tình yêu đối với Chúa và Giáo Hội thế nào cũng phải đi ngang qua tình yêu đối với con người và động tác chuyên cần cho công lý và hoà bình (...) Bởi đó chuẩn đinh tình yêu thương đối với con người, có thể trở thành cơ hội để chẩn định tình yêu đối với Giáo Hội và với Chúa" (:Toso, Verso quale società ?, LAS, Roma 2000, 178).
3) Dưới nhãn quan xã hội.
Mục đích chính yếu của chính trị là đạt được công ích. Và yếu tố căn bản của công ích là cộng đồng tính , hay nói cách khác, là tính cách phổ quát cho tất cả mọi người và cho tất cả mọi lãnh vực của xã hội:
Mọi nguời, tùy theo hoàn cảnh của mình, đều có bổn phận tham dự vào việc xây dựng và có quyền hưởng thụ.
Tuy nhiên bổn phận phải tham dự vào việc phát triển công ích không phải mọi người đều bị bắt buộc phải tham dự cùng một mức độ và phương thức như nhau. Đây là một phận vụ được khác biệt hoá tùy theo vai trò xã hội của mỗi người.
Trách nhiệm đó, trước tiên là trách nhiệm của tổ chức cơ chế và quyền lực Quốc Gia, bởi lẽ đó là lý do chính đáng cho sự hiện hữu của họ và từ đó là phận vụ của họ.
Cơ chế và quyền lực Quốc Gia có bổn phận hoà hợp theo công lý các lợi ích của những lãnh vực, phận bộ, khu bộ, đẳng cấp, phe nhóm khác nhau trong cộng đồng Quốc Gia.. Đó là một trong những vai trò tế nhị nhứt của công quyền: điều hợp chính đáng lợi thú cá biệt của tầng lớp, phe nhóm và cá nhân.
Tuy nhiên sắp xếp điều hoà không có nghĩa là sang bằng mạt rệp (tất cả đều bằng nhau, bần cố nông mạt rêp như nhau, như công bình toán học, lý tưởng của Marx - Lenin, Cộng Sản chủ nghĩa), mà là sắp xếp điều hoà "công ích", cần phải trợ giúp nhiều hơn những thành phần yếu kém hơn, bị nhiều nhu cầu sống đòi buộc hơn:
- "Công ích là một của cải gia sản, mà mọi thành phần cộng đồng chính trị đều có quyền được tham dự vào, mặc dầu tham dự với tầm mức khác nhau tùy theo phận vụ, công trạng, và hoàn cảnh của mỗi người. Như vậy các Quyền Lực công quyền có bổn phận phát huy lợi ích cho tất cả, không dành đặc quyền cho một vài công dân hay một vài phe nhóm giữa họ ( :::). Nhưng vì lý do công bằng và bình đẳng, một đôi khi các cơ quan Công Quyền bị bắt buộc đặc tâm chuyên lo hơn cho các thành phần yếu thế hơn trong cộng đồng xã hội, vì họ đang bị ở vị thế trong các hoàn cảnh yếu kém hơn, để họ có thể làm cho các quyền của mình có giá trị và có được những lợi thú chính đáng của mình" (ĐTC Gioan XXIII, Pacem in terris, 11.04.1963: AAS 55 ( 1963) 272-273).
Nhưng những gì vừa đề cập có liên quan đến tổ chức cơ chế Quốc Gia không miễn trừ cho cá nhân hay hay đảng phái, phe nhóm, hiệp hội khỏi bổn phận cộng tác chăm lo cho công ích
Bởi vì công ích là cùng đích của xã hội, tất cả mọi thành viên đều có bổn phận xây dựng và bảo tồn. Không ai, dĩ nhiên tùy theo phận vụ và khả năng của mình, có thể khước từ tham dự vào việc phát huy công ích:
- "Tất cả đều phải, mỗi người tùy theo địa vị mà mình có và vai trò mà mình đảm nhận, tham dự vào việc phát huy công ích. Bổn phận đó liên hệ mật thiết với phẩm giá con người" (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 01.05.1991, n. 49).
Hơn nữa như Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội dạy chúng ta và lịch sử đã chứng minh, để bảo đảm cho công ích được bền vững, cần có các tổ chức xã hội trung gian (gia đình, học đường, hiệp hội, công đoàn, đảng phái) được sinh sôi nẩy nở sung mãn:
- "Những tổ chức xã hội trung gian đó trở nên trưởng thành như là những thực thể cộng đồng con người và đan kết vào tổ chức xã hội, khiến cho xã hội không trở thành vô danh tiểu tốt và thành một khối vô nhân tính , như rất tiếc thường khi xảy ra trong xã hội hiện đại" (ĐTC Gioan Phaolô II, Centesimus annus, 01.05.1991, n. 49).
Cần xác tín rằng việc chuyên cần lo cho công ích là điều kiện cần thiết để cho các tổ chức xã hội trung gian có thể lớn mạnh được. Và các tổ chức xã hội trung gian có phát triển, đó cũng là điều cần thiết để phát triển cá nhân:
- "Thật vậy, công quyền can thiệp luôn luôn nhằm kích thích tôn trọng công lý và chuyên cần hy sinh cho công ích, bởi lẽ đó là trách nhiệm cuối cùng của công quyền. Tuy nhiên, điều đó không loại trừ lãnh vực hành động và trách nhiệm của các cá nhân và các tổ chức xã hội trung gian, bởi vì các tổ chức đó cũng góp phần thực hiện công ích" (ĐTC Phaolồ VI, Octogesima adveniens, 14.05.1971, n. 46).
Như vậy, từ cá nhân đến các tổ chức xã hội trung gian và đến cả tổ chức công quyền, tất cả đều có bổn phận phải chăm lo cho công ích, như vậy tất cả đều có bổn phận trong cuộc sống chính trị.
Chúng ta cũng đừng quyên rằng cuộc chung sống nhân loại có ảnh hưởng đáng kể
- đến ý nghĩa đời sống cá nhân,
- đến cách con người hiểu biết về chính mình và quyết định thái độ mình phải có, cũng như luật lệ phải như thế nào và cơ chế xã hội nào là những phương thức thích hợp nhứt.
Và một khi được thiết định, luật pháp và tổ chức cơ chế công quyền xã hội có tầm ảnh hưởng mạnh mẻ đến văn hoá và cách hành xử phải có của con người.
Hơn nữa, cấu trúc và hoạt động chính trị thường là những thực thể dài hạng và có tầm vóc hoạt động rộng lớn trên đời sống và trên sự phát triển cá nhân và cộng đồng.
Như vậy, hoạt động chính trị tự mình có tầm vóc khá quan trọng trên đời sống con người và bởi đó đòi buộc phải có một ý thức trách nhiệm trọng đại.
Những lý do đó nói lên một cách hiển nhiên : các tín hữu Chúa Kitô có thể, hay đúng hơn là phải, đặc tâm lưu ý đến biến chuyển của đời sống chính trị, và nhứt là trên thực tế đến phẩm chất luân lý của nó.
Điều đó có nghĩa là qua hoạt động chính trị, người tín hữu Chúa Kitô tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển toàn vẹn con người, cho chính mình, cũng như cho anh em đồng bào và đồng loại với mình.
Nguyễn Học Tập (thanhnienconggiao)
Không có nhận xét nào: