Trách nhiệm người tín hữu chúa Kito trong chính trị ( 3 ) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 5, 2012

Trách nhiệm người tín hữu chúa Kito trong chính trị ( 3 )

Nguyễn Học Tập - 4) Bổn phận bắt buộc trong chính trị. 


Qua những gì được đề cập trước đây, chúng ta thấy được tầm quan trọng của chính trị trong việc 

- tạo được một cuộc sống thăng tiến xứng đáng với phẩm giá con người, 

- hay biến cuộc sống con người thành cuộc sống mọi rợ, súc vật. 

Bởi đó Giáo Hội 

- "rất ngưỡng mộ hoạt động chính trị chân chính; Giáo Hội nói : " đó là hoạt động đáng được khen ngợi và kính nể" (Gaudium et spes, n. 76). 

- "xác nhận đó là hình thức cần phải có cho bác ái" (Octogesima adveniens, n. 46). 

Giáo Hội nhận biết rằng 

- "việc cần phải có một cộng đồng chính trị và một tổ chức công quyền là những gì được ghi khắc vào bản tính xã hội của con người và bởi đó cũng là do ý Chúa muốn" (C:E:I. (HDGM Ý Quốc), La verità vi farà liberi, Lib. Ed. Vaticana, Città del Vaticano 1995, n. 1102). 

Từ đó đưa đến hậu quả là 

- mọi người đều được Chúa kêu gọi sống có trách nhiệm các bổn phận xã hội của mình 

- và thực hiện được mức triển nở hoàn hảo cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện các bổn phận đó. 

Chuyên cần dấn thân đáp ứng lại ơn kêu gọi nầy góp phần tốt đẹp cho việc xây dựng xã hội con người và loan truyền khắp thế giới, theo đồ án của Thiên Chúa, những của cải tốt đẹp của chính đồ án đó. Đó là phẩm giá con người, tình huynh đệ và tự do (Gaudium et spes, n. 39). 

Từ đó chúng ta thấy được quyền và bổn phận của người tín hữu Chúa Kitô là phải chuyên cần dấn thân để làm cho đời sống công cộng trở nên tốt đẹp hơn, bằng cách tổ chức đời sống đó xứng đáng vói phẩm giá con người. 

Đó là một quyền mà ngày nay cả thế giới đều chấp nhận, ngoại trừ một vài nơi do chế độ vô thần và đê tiện hoá con người còn ngốt ngáp cai trị. 

Nhưng đó cũng là một bổn phận, bởi lẽ tự do không có nghĩa chỉ là không có áp bức hay dững dưng trong hành động ( ai muốn làm gì hay không làm cũng được). Tự do là một năng lực tuyệt vời, nguồn mạch có sức mạnh thúc đẩy để phát triển không thể nằm "án binh bất động", nơi các cá nhân cũng như trong các cộng đồng và nơi các quốc gia. 

Nói đúng hơn, 

- "sức khoẻ của một cộng đồng chính trị được phát hiện ra bằng việc tự do tham dự và trách nhiệm của tất cả mọi người vào việc chung" (ĐTC Gioan Phaolô II, Sollecitudo rei socialis, 30.12.1987, n. 44). 

Như vậy chính trị đòi buộc sự chuyên cần dấn thân của mọi công dân: bởi lẽ không có tự do, mọi phát triển công cộng, mọi toan tính cộng tác và mọi đồng thuận xã hội nhằm đạt được sẽ là những điều không ai có thể tưởng tượng được. 

Tự do là nền tảng và nguyên cội của các cùng đích chính trị nhằm đạt đến vừa kể: 

- "Các xã hội dân chủ hiện đại, trong đó một cách đáng khen ngợi mọi người đều được làm cho tham dự vào việc công trong một bầu không khí thực sự tự do (Gaudium et spes, n. 31; Catechismo della Chiesa Cattolica, n. 1915), đòi buộc phải có những hình thức mới mẻ và rộng rãi hơn nữa cho việc tham dự vào việc chung của các công dân, Kitô hữu và không Kitô hữu. Thật vậy, tất cả đều có thể cộng tác qua việc bỏ phiếu tuyển chọn các vị lập pháp và các vị lãnh đạo chính quyền và, cả trong những phương thức khác, cộng tác trong việc thiết định các định hướng chính trị và trong việc lựa chọn luật lệ, mà theo ý kiến họ có lợi ích nhiều hơn cho công ích (Gaudium et spes, n. 75). 

Đời sống trong một hệ thống chính trị không thể được thực hiện một cách có lợi ích, nếu không có sự can dự năng động, có trách nhiệm và quảng đại của tất cả " (Congr. per la Dottrina della Fede ( Thánh Bộ Đức Tin), Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l'impegno e il comportamentp dei cattolici nella vita pubblica, 24.11.2002, n. 1). 

Ngoài ra những gì vừa được đề cập, thiết tưởng chúng ta cũng cần thêm rằng việc đạt được một điều tốt đẹp - kể cả công ích - đòi buộc phải có một động tác dấn thân tích cực. 

Chính trị không thể bị giới hạn trong lý thuyết, bởi lẽ hiểu thế nào một động tác con người xấu hay tốt thôi, chưa đủ để lại lợi ích cho công ích xã hội. 

Mục đích của chính trị gồm cả, nhứt là, việc hướng dẫn động tác của con người hướng về lợi ích tốt lành nhằm đạt được. Bởi đó chính trị có đặc tính "thiết thực" khắn khít với những gì được tuyên bố. 

Khuynh hướng thực định đó được cải hoá và nâng cao, theo Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, bởi Lời Chúa, là Lời sống động và đầy hiệu lực: 

- "Lời Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Heb 4, 12), 

chớ không bao giờ là lời rỗng không, không có kết quả: 

- "Cũng như mưa với tuyết sa xuống đất, không trở về trời, nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho dất phì nhiêu và đâm chôi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta, nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó" (Is 55,10-11). 

Như vậy Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội sẽ làm cho người ta tin tưởng được bằng việc chuyên cần dấn thân đích thực của các tín hữu đem ra thực hiện, hơn là được tin cậy bằng lý luận hữu lý của các nguyên tắc. 

Như vậy, nguồn lực thúc đẩy động tác đã hàm chứa ngay trong các nguyên tắc của Huấn Dụ, đó là cùng đích mà Huấn Dụ chỉ thị xác định. 

Bởi đó Huấn Dụ không phải chỉ là những gì cần phải hiểu biết, mà là mục đích cần phải đạt được. Đó là con người và xã hội chiếm đạt được sự trọn hảo của mình, khi họ đem ra thực hành những chỉ thị luân lý có liên hệ đến họ. 

Ngoài ra ngành thần học luân lý và từ đó là Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, không phải chỉ là một loại kiến thức trừu tượng và trường ốc: thần học luân lý trực diện nói thẳng với người đang vung trồng học hỏi. Bởi đó biết thôi, chưa đủ, mà cần phải sống, để hiểu biết được ý nghĩa muốn nói với mình và có thể chuyển giao, phổ biến đến người khác. 

Hiểu như vậy Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội có một tầm mức thực tiển không thể tách rời được, bởi đó cần phải trách việc chia tách đức tin và đời sống. 

Sự gắng sức chuyên cần dấn thân để thấm nhuần tinh thần xã hội bằng tinh thần Chúa Kitô, là hậu quả phải có của việc quyết định, nhờ ơn Chúa giúp đỡ, sống sứ điệp Phúc Âm một cách sâu đậm và trung thực. 

Bởi đó cần phải can đảm xác nhận rằng, 

- "một con người hay một xã hội mà không có phản ứng trước những cơn đàn áp, bách hại và bất công, và không tìm cách nào để làm giảm bớt đi những bất hạnh đó, thì con người đó hay xã hội đó không xứng đáng với mức độ lòng yêu thương của Chúa Giêsu Kitô. Người tín hữu Chúa Kitô - mặc dầu luôn luôn họ vẫn có trương độ rộng rãi tự do để học hỏi và đem ra thực hiện bằng những phương thức khác nhau và bởi đó vẫn có được cách giải quyết đa phương hợp lý - phải đồng thuận nhau trên lòng ước muốn chung phục vụ nhân loại. Nếu không nền Kitô giáo của họ không phải là Lời và Đời Sống của Chúa Kitô, thì chỉ là một Kitô giáo trá hình, một hình thức lường gạt, trước mặt Chúa và trước mặt mọi người" (San Josemaria Escrivá, È Gesù che passa, 7° ed. Ares, Milano 2003, n. 167). 

Không phải Kitô giáo, mà là thái độ sai lầm chia tách, coi những sự việc trần thế như là những gì xa lạ đối với lợi thú của chính mình, cũng không phải chỉ có thái độ đứng đó than phiền không có gì giải quyết được hết. 

Người tín hữu Chúa Kitô 

- phải mang đến cho đời sống xã hội yếu tố sống động hoá của các nguyên tắc Phúc Âm, 

- trong khi vẫn tôn trọng lãnh vực tự lập của các thực tại trần thế, tự lập đó cũng là một nguyên lý Phúc Âm. 

Trong cuộc chuyên cần dấn thân trong xã hội vừa kể, cũng như bất cứ chuyên cần Kitô hữu nào khác, đời sống thực tế bằng hành động của người tín hữu Chúa Kitô có tầm ảnh hưởng thật quan trọng. Điều tối quan trọng là người tín hữu Chúa Kitô thực hiện bổn phận của chính mình bằng trách nhiệm gương mẫu, như các Đức Giáo Hoàng đã dạy chúng ta ngay từ những Thông Điệp tiên khởi về đời sống xã hội. 

- ĐTC Leo XIII nhắc nhớ các tín hữu rằng 

+ "việc khuất vắng hoàn toàn khỏi đời sống chính trị không có gì ít đáng trách hơn là bất cứ thái độ nào khước từ cộng tác cho công ích. Chính vì người công giáo trên nguyên tắc của mình, hơn bao giờ hết họ bị bắt buộc đưa vào các bổn phận chuyên cần của họ cả con người và lòng hăng hái của mình " ( ĐTC Leo XIII, Immortale Dei, 01.11.1885, "Leonis Acta" 5 (1885), 146). 

- Về vấn đề dấn thân vào các lãnh vực xã hội như vừa kể, ĐTC Phaolồ VI mời gọi tất cả hãy nghiêm chỉnh xét mình: 

* "Mỗi người hãy tự xét mình để xem cho đến nay những gì mình đã làm và những gì mình cần phải làm. Nhớ đến những nguyên tắc thôi, chưa đủ; xác nhận các ý hướng, ghi nhận các mối bất công độc ác và tiên đoán những tố cáo sẽ xảy đến trong tương lai. Tất cả những lời nói đó không có một trọng lượng thực hữu, nếu trong mỗi người không có một cuộc tự vấn lương tâm sống động hơn về trách nhiệm của chính mình và có một động tác thiết thực (...). Như vậy, trong các hoàn cảnh, các phận vụ, các tổ chức, mỗi người phải xác định rõ trách nhiệm của mình và chuẩn đoán được theo lương tâm, các động tác mà mình được kêu gọi hãy tham dự" (ĐTC Phaolô VI, Octogesima adveneins, 14.05.1971, n.48.49). 

- Đề cập trực tiếp đến người tín hữu giáo dân, những lời nói sau đây của ĐTC Gioan Phaolồ II nhấn mạnh đến bổn phận trọng đại của người công giáo ngày nay cấp thiết hơn bao giờ hết: 

* "Các hoàn cảnh mới của Giáo Hội cũng như xã hội, kinh tế, chính trị và văn hoá, ngày nay đòi buộc với một sức mạnh cá biệt động tác của người tín hữu giáo dân. Nếu thái độ thờ ơ luôn luôn là điều không thể chấp nhận được, thời điểm hiện tại còn làm cho điều đó trở thành tội. Không ai được phép ăn không ngồi rồi" (ĐTC Gioan Phaolồ II, Christifideles laici, 30.12.1988, n.3). 

Qua những lời của các ĐTC vừa trích dẫn, người tín hữu Chúa Kitô phải quyết định ảnh hưởng một cách tích cực vào đời sống chính trị, như vậy khỏi bị cho thấy rằng sống đời sống Kitô giáo chỉ có bên ngoài. 

Bởi lẽ đời sống Kitô giáo không thể nào chính đáng, nếu bỏ lơ những bổn phận xã hội của mình.

Nguyễn Học Tập
Thanhnienconggiao's Blog  
Trách nhiệm người tín hữu chúa Kito trong chính trị ( 3 ) Reviewed by Em Binh on 5/27/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập  -  4) Bổn phận bắt buộc trong chính trị.  Qua những gì được đề cập trước đây, chúng ta thấy được tầm quan trọng củ...

Không có nhận xét nào: