Trịnh Hội và sự dấn thân lâu dài cho người tị nạn - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 5, 2012

Trịnh Hội và sự dấn thân lâu dài cho người tị nạn

Trịnh Hội trong những ngày dừng
 chân ở Nam Cali 2004.
 (Hình: Huy Phương)
Huy Phương  - Trịnh Hội là một con người của nhiều lãnh vực. Ông tốt nghiệp và đã hành nghề luật sư nhưng đôi khi người ta quên dùng hai chữ luật sư trước cái tên Trịnh Hội. Người ta biết đến Trịnh Hội như là một thiện nguyện viên hết lòng tranh đấu cho những người tuyệt vọng khốn khổ, những người Việt tị nạn ở Hồng Kông, Thái Lan, Philippines, Kampuchea,... người MC trong các chương trình ca nhạc cho Asia hay Thúy Nga, dự thi khiêu vũ, tài tử đóng phim Việt Nam, ký giả, phóng viên truyền hình và nhà văn với tác phẩm “Hội & Ngộ” vừa xuất bản.

Sinh năm 1970 trong một gia đình mà song thân đều là nhà giáo. Thân phụ Hội là Trịnh Chỉnh, một giáo sư trung học tại Lái Thiêu, Bình Dương, động viên và phục vụ trong ngành quân nhu, đi ở tù cộng sản về, đã gần hai mươi lần tìm đường vượt biển, để cuối cùng đã bảo lãnh gia đình gồm vợ và bốn con đến Úc. Tại đây, ông đã làm nghề lái xe bus trong mười năm tại Melbourne và đã phấn đấu đi học trở lại để trở lại nghề dạy học cũ tại xứ người. 

Chọn cuộc sống không bình thường 

Trịnh Hội được thân phụ bảo lãnh đến Úc năm 1985, theo học trung học, đại học tại đây và trở thành một luật sư năm 1996. Ông làm việc cho một công ty lớn ở Sydney ngay từ khi ra trường, nhưng người thanh niên 25 tuổi thấy đời sống tại bàn giấy gây cho ông một nỗi chán chường đến nỗi buổi sáng thức dậy, ông không thấy hứng thú đến sở làm. Trong 5 mùa hè, từ năm 1992 đến 1996, Trịnh Hội đã đến Hồng Kông làm việc thiện nguyện với Luật Sư Pam Baker (bà mất năm 2002), để giúp cho những hồ sơ xin định cư của người tỵ nạn tại đây.

Năm 1997, trước cao trào ép buộc những người Việt Nam tỵ nạn còn ở lại Philippines phải hồi hương, tại Úc, Trịnh Hội gây quỹ pháp lý để lập văn phòng tại Manila. Ông đã làm việc và vận động các dân biểu, nghị sĩ, Bộ Di Dân Úc để cứu xét các hồ sơ của người tỵ nạn Việt Nam đang ở Philippines. Trịnh Hội đã gặp gỡ và vận động các cộng đồng tỵ nạn Việt Nam tại Melbourne, Canberra, Sydney với mục đích gây quỹ và tìm sự đồng tình yểm trợ cho công việc cấp bách đang làm. Do đó, một số thanh niên và nhiều người hảo tâm đã đến Philippines, tiếp tay với Trịnh Hội. Từ năm 1997 đến 1999, 200 đồng bào ở Philippines đã lên đường đến định cư tại Úc và 300 đã được đến Mỹ.

Trịnh Hội cũng đã đi Canada, Na Uy, Anh Quốc... để tìm sự hỗ trợ của các vị dân cử tại các quốc gia này. Năm 2002, Trịnh Hội đã đến California làm việc cùng với các Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Trần Kinh Luân,... và năm 2003 gây quỹ tại đây để giúp cho người tỵ nạn còn kẹt ở Philippines, và đã mời một số ký giả giới truyền thông, ca sĩ và các thiện nguyện viên qua Palawan để tìm hiểu sự thật về đời sống và nguyện vọng của đồng bào tại đây.

Ðể có trong tay kiến thức về luật Hoa Kỳ, hầu công việc tranh đấu cho người tỵ nạn được hữu hiệu hơn, tháng 8 năm 2002, Trịnh Hội đã hoàn tất chương trình về Luật Tỵ nạn Quốc tế (International Refugee Law) tại Oxford và sau đó đã đến tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Geneve nghiên cứu về vấn đề tỵ nạn. Ông cũng đã ở Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn, làm việc với cơ quan Church World Services, một tổ chức chuyên giúp người tỵ nạn. Trong thời gian này, ông đã tranh thủ và vận động các dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ tại đây. 

Trịnh Hội và những người tị nạn 

Ðể có kết quả vào tháng 10, 2005 với trên 1,500 người Việt được đến định cư tại Hoa Kỳ, Trịnh Hội và bằng hữu đã trải qua những ngày tranh đấu khó khăn và dai dẳng. Về phía Giáo Hội Công Giáo tại Philippines thì Giám Mục Arguewles và Sơ Pascal đã vận động với cộng đồng hải ngoại tại Hoa kỳ để lập làng Việt Nam, tuy vậy đời sống tại đây rất khó khăn, không có công ăn việc làm, đa số đều đã bỏ làng đi buôn bán ngoài thành phố Manila và các địa phương khác để kiếm sống qua ngày. Trẻ con không được học hành, người lớn không có thuốc men. Tất cả người tỵ nạn đều chưa được Quốc Hội Philippines chấp thuận cho họ trở thành thường trú nhân. Một số thanh niên đã lập gia đình với người bản xứ trong một thời gian chờ đợi mòn mỏi quá lâu. Ðây là những người “không quốc gia” (stateless) vì họ không thể trở về để sống dưới chế độ cộng sản, họ cũng không có ai dang tay cứu vớt cho họ đi định cư, tại Philippines thì họ là những người sống ngoài lề xã hội.

Khi Trịnh Hội và bạn bè tìm cách tranh đấu cho người tỵ nạn rời đất Philippines để đi định cư tại một nước thứ ba, nhóm thiện nguyện này bị kết án là đã chia rẽ và nói xấu nước Philippines. Trong khi Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi chưa nhận thêm người tỵ nạn, và Philippines chưa có chính sách gì mới cho người tỵ nạn, những người xấu số này như những con cá mắc cạn, sống một cuộc đời đen tối và vô vọng như lời thơ ai đó đã viết trên vách tường của làng tỵ nạn Việt Nam tại Palawan:

“Ðời tỵ nạn tìm đâu ra hạnh phúc.

Quốc gia nào ghi dấu vết chân tôi?”

Cuối năm 2007, Trịnh Hội được một hãng “kiểm toán tư vấn” lớn của quốc tế gửi về làm việc tại Việt Nam trong một năm, nhưng mới được 6 tháng ông đã bị công an Việt Nam hạch hỏi, tra vấn về chuyện làm việc tị nạn, chuyện văn nghệ, chuyện có liên lạc với một số người trong nước và trục xuất ông ra khỏi nước năm 2008.

Trịnh Hội vào thăm và tìm cách can thiệp cho Cường, một con lai bị giam 
tại trại tù của Manila, năm 2000. (Hình: Trịnh Hội cung cấp)

Từ năm 2009 cho đến cuối năm 2011, Trịnh Hội làm việc cho tổ chức International Lifeline Fund, một tổ chức phi chính phủ, có trụ sở ở Washington DC giúp người tị nạn ở Haiti, Phi Châu... nên đã có cơ hội đến những nơi này nhiều lần như ông đã viết lại trong tập sách vừa xuất bản. Hiện nay Trịnh Hội cũng đang tập trung công việc cho tổ chức VOICE (thành lập từ năm 2006), trước đây dành cho các nạn nhân bị buôn bán làm nô lệ tình dục, nhưng về sau chỉ giúp người Việt tị nạn ở Thái Lan, Philippines, Kampuchea, vì chuyện “tị nạn” này mà văn phòng VOICE ở Kampuchea đã bị CSVN ép phải đóng cửa. VOICE cũng đã làm thư thỉnh nguyện lên cơ quan Liên Hiệp Quốc để nói về tình trạng những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ tại Việt Nam. 

Những kết quả không ngờ 

Từ năm 2007, Trịnh Hội đã cùng với Liên Hội Người Việt ở Canada, chùa Hoa Nghiêm ở Vancouver và bạn bè bắt đầu vận động các nước Úc, Mỹ, Canada cho ba nhóm người, gồm:

- 300 người Việt Nam tại Philippines đã có vợ con là người Phi, Philippines không công nhận là người có quốc tịch Phi mà họ cũng không ở trong lớp người Việt tị nạn vì coi như đã có gia đình tại địa phương.

- gần 100 thuyền nhân “vô tổ quốc” tại Thái Lan.

- 50 người tị nạn ở Kampuchea.

Cuộc tranh đấu thành công, năm 2009 chính phủ Canada nhận tất cả những người Việt có vợ con là người Philippines đến định cư (hiện nay chỉ còn lại 3 gia đình trong trường hợp này chưa đi được,) và năm 2010 đã bắt đầu xét đơn của những người ở Kampuchea.

Riêng vào tháng 2, 2012, chính phủ Canada đã đồng ý cứu xét cho tất vả những người Việt tị nạn hiện đang ở Thái Lan đến định cư với điều kiện phải tìm người bảo trợ và chịu trang trải chi phí di chuyển, ăn ở cho những người này. Ðể có đủ tài chánh, Trịnh Hội lại phải bỏ thời gian và công sức đi nhiều nơi để vận động gây quỹ. Sau ngày 12 tháng 5, là ngày Trịnh Hội có mặt ở Little Saigon (nhật báo Người Việt) để ra mắt cuốn sách Hội & Ngộ, ngày 13 tháng 5 sẽ gây quỹ ở Vancouver, Canada; ngày 26 tháng 5 ở Oslo, Na Uy; ngày 3 tháng 6 ở Sydney và 8 tháng 6 ở Melbourne, Úc...

Giữa những công việc bề bộn như vậy, Trịnh Hội còn phụ trách một show truyền hình mang tên “Trẻ-Khỏe-Ðẹp” trên đài truyền hình VNface 57-2 nên cứ hai tháng một lần, dù đang ở đâu, ông lại bay về Mỹ để thu một lần cho 8 shows hình cũng như để thăm đứa con trai duy nhất của mình là Trịnh Phi. 

Con người của nhiều địa hạt, ham vui và sống hết mình 

Do theo đuổi những công việc như thế, chưa lúc nào Trịnh Hội được ổn định ở lại một nơi lâu hơn hai năm. Trịnh Hội không có địa chỉ nhất định, vì chân của Trịnh Hội là chân đi. Trịnh Hội đi nhiều nơi trên thế giới không phải để du lịch, mà như một kẻ lãng du, đi để làm việc, dấn thân, học hỏi, để viết. Ông làm nhiều nghề, đóng qua đủ vai trò: luật sư, phóng viên, viết văn, đóng phim, đóng kịch, thi khiêu vũ, làm MC ca nhạc... Ít có người biết “tài tử điện ảnh” Trịnh Hội đã nhận được giải thưởng Cánh Diều Vàng của VN cho giải Nam Diễn Viên Xuất Sắc qua bộ phim “14 Ngày Phép” đóng năm 2008 tại Việt Nam. Mấy có ai tận hưởng cuộc sống đầy đủ muôn mặt, đôi khi ham vui và dám... sống như Trịnh Hội.

Cộng đồng hải ngoại chúng ta thật hãnh diện có những người trẻ tuổi nhiệt tình như Trịnh Hội, lấy việc phục vụ tha nhân làm lý tưởng của đời mình. Bên cạnh Trịnh Hội có nhiều luật sư, chuyên viên, sinh viên, thiện nguyên viên đã bỏ rất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc, lo cái ăn, cái ở, tới những nơi xa xôi làm việc cho những người bất hạnh. Phần Trịnh Hội, tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng, có việc làm ổn định tại một công ty luật lớn nhất của nước Úc, nhưng đã bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của con tim, là làm được một việc gì cho những người kém may mắn hơn mình. Ðã từng là một người lớn lên trong chiến tranh, chia cắt, đã có cơ hội sống gần gũi và tìm hiểu nỗi khổ của những người đợi chờ trong trại tỵ nạn, Trịnh Hội đã cảm thông được với những nỗi đau khổ, trước hết là của con người, con người của nhân loại, sau hết là con người Việt Nam, qua chiến tranh, tù đày, lưu lạc và tuyệt vọng.

Ngoài một giải thưởng Cành Cọ Vàng cho “sự nghiệp điện ảnh” thực hiện bằng “tay trái,” Luật Sư Trịnh Hội không có huy chương, huân chương gì cho việc phục vụ và cống hiến cho hàng nghìn đồng bào tị nạn được hồi sinh kiếp sống lần thứ hai trên đất tự do, nhưng theo tôi, không có giải thưởng cao quý nào bằng những dòng nước mắt hạnh phúc của những người khốn khổ vừa ra khỏi địa ngục, đã nhiều lần ướt trên vai áo ông. Ðời sống của ông cực kỳ đẹp đẽ vì được bao gồm hạnh phúc của hàng nghìn người khác.

Trịnh Hội và sự dấn thân lâu dài cho người tị nạn Reviewed by Hoài An on 5/08/2012 Rating: 5 Trịnh Hội trong những ngày dừng  chân ở Nam Cali 2004.  (Hình: Huy Phương) Huy Phương  -  Trịnh Hội là một con người của nhiều l...

Không có nhận xét nào: