Trần Mạnh Sỹ - Thế là vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang đã diễn ra một cách “ngoạn mục” và đã hoàn thành “nhiệm vụ” một cách xuất sắc.
Số hộ chưa chịu bàn giao đất đã bị đánh bật vào trưa ngày 24.4.2012. 166 hộ với 5,72 ha đã bị lực lượng cưỡng chế giải quyết nhanh gọn, dứt điểm.
Lực lượng tham gia có hàng ngàn người, trong đó chủ yếu là công an huyện, tỉnh, với không khí mất còn của một cuộc chiến thật sự giữa một bên có súng ống, đạn dược, lựu đạn cay, mũ bảo hiểm, khiên giáo… tiến ra những cánh đồng bảo vệ cho những nơi cưỡng chế, cùng với hàng chục chốt canh gác rải ra khắp địa bàn, hòng ngăn chặn việc tập trung đông người. Đó là chưa kể những lực lượng đeo băng đỏ mặc thường phục và một bên là những người nông dân hiền lành, chất phác, tay không một tấc sắt, ngoài xẻng, cuốc, gạch, đá… chỉ có “tội” duy nhất là muốn quyền lợi chính đáng của mình phải được tôn trọng. Vụ cưỡng chế đã có tiếng súng nổ và lựu đạn cay, có lửa cháy, có đánh hội đồng và bắt bớ một số người, cùng với những lời chửi bới, nguyền rủa đầy căm phẫn của nông dân.
Song song với việc cưỡng chế là hàng chục chiếc xe xúc, xe ủi, tiến hành san ủi, trong sự bảo vệ của lực lượng công an.
Theo ông Bùi Huy Thành, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên: “Vụ cưỡng chế hỗ trợ thi công đã kết thúc an toàn, không một người dân nào bị thương và không có chuyện nhà bị phá”
UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định: Các chính sách đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với dự án được tỉnh đặc biệt coi trọng. Tính đến thời điểm 2008 các hộ dân chấp hành đúng tiến độ được nhận 135.000đ/m2 tiền đền bù cộng 35.000đ/m2 tiền thưởng tiến độ, là tiền hỗ trợ của chủ đầu tư.
Cũng theo ông “chánh” thì đây là dự án được áp mức đền bù cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh, cũng được chủ đầu tư hỗ trợ tốt nhất.
Ý nghĩa lớn của vụ cưỡng chế này là phải “giải phóng” toàn bộ diện tích còn lại mà người nông dân Văn Giang “ngoan cố” không chịu “bàn giao” cho công ty Việt Hưng làm chủ để xây dựng khu thương mại du lịch Ecopark, mà bà Chủ tịch huyện Văn Giang cũng đã khẳng định là huyện làm đúng pháp luật.
Thế là những người nông dân đã từng gắn bó với mảnh đất họ đã sống, đã làm ra hạt thóc, ra các loại hoa màu, củ, quả, nuôi sống xã hội, từ thế hệ này đến thế hệ khác, với bao kỷ niệm vui buồn, bỗng chốc trở thành trắng tay. Bởi vì họ chỉ là những ông, bà chủ hờ, ruộng đất của họ mà các đầy tớ có thể lấy đi bất cứ lúc nào, một khi mảnh đất đó đã lọt vào mắt xanh của các đại gia và các vị có quyền thế, khi mảnh đất đó có khả năng sinh lời gấp trăm nghìn lần. 135.000đ/m2 bằng giá của gần 7 bát phở theo giá thị trường quê tôi. Làm “tốt” còn thưởng 35.000đ/m2 tức là 8,5 bát phở. Nhà đầu tư tốt đến như vậy mà còn không biết điều sao? Hay còn muốn “được voi đòi tiên”?
Mua một mớ cá, mớ tôm, cân thịt…, còn phải khảo giá, phải mặc cả, huống hồ ruộng đất, tài sản vô cùng lớn lao, quý giá, là phương tiện sản xuất, là nguồn sống của cả gia đình, lại có kẻ đứng ra áp giá hộ, muốn định bao nhiêu là tùy ý, miễn là có lợi cho nhà đầu tư càng nhiều càng tốt và dĩ nhiên phải có mình trong đó. Họ mua từng sào, từng mẫu, từng hecta, nhưng họ bán theo giá mét vuông, ít nhất cũng vài chục triệu. Có lợi nhuận nào bằng?
Đây chỉ có thể coi là hành động của bọn cướp ngày, đẩy nông dân vào bước đường cùng quẫn. Không bán cho họ có nghĩa là chống lại chính sách, chống lại pháp luật, là cưỡng chế, là chết. Không thể có con đường nào khác hơn. Còn bán thì những đồng tiền rẻ mạt ấy làm được gì? Phương tiện đâu mà sống, trong khi nhà nào cũng ít nhất mấy miệng ăn. Con em lấy gì đi học? Ốm đau, bệnh tật lấy gì chạy chữa, trong khi tình hình giá cả leo thang đến phát sợ.
Có thể nói chưa bao giờ người nông dân, đội quân chủ lực của cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử, cũng như trong hai cuộc kháng chiến, đã góp không biết bao nhiêu sức người, sức của cho cách mạng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay, họ vẫn phát huy và xứng đáng với truyền thống đó. Thế mà khi đất nước hòa bình, độc lập đã 36 năm rồi, họ vẫn phải chịu nhiều đắng cay, thua thiệt, oan trái và đau khổ như lúc này!
Ai đã biến con em họ thành kẻ thù của chính họ, để rồi sẵn sàng dũng vũ lực, thậm chí cả vũ khí, nhà tù để dạy cho cha mẹ, ông bà, chú bác, anh em ruột thịt của mình, những kẻ có “âm mưu phá hoại”, những phần tử xấu, dám chống lại chính quyền?
Thưa ông Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên và bà Chủ tịch huyện Văn Giang.
“Văn Giang chưa có đổ máu, không có phá nhà của ai”, nhưng vết thương Văn Giang sẽ còn mãi mãi rỉ máu. Nó là nỗi đau, là sự nhục nhã của người nông dân hết lòng đi theo cách mạng. Nỗi căm uất này đâu chỉ của Văn Giang, mà còn là của tất cả người nông dân Việt Nam, và là bi kịch của cả dân tộc, là vết nhơ mà lịch sử không bao giờ xóa được.
Thương người nông dân Văn Giang bao nhiêu, lại cám cảnh nông dân quê mình bấy nhiêu. Hàng chục, hàng trăm nông dân vẫn kiên trì xếp hàng trật tự hàng ngày trước cổng UBND tỉnh khiếu kiện đất đai. Băng cờ khẩu hiệu dán trên áo, thậm chí viết cả trên vỉa hè, trên mép đường, tố cáo quan tham nhũng Nam Định cướp đất của dân. Nông dân và nhân dân mình ở đâu cũng đầy bất công, oan trái như nhau cả, khi mà ông trưởng ban chống tham nhũng biến thành ông trưởng ban tham nhũng, thì việc khiếu kiện và những oan trái sẽ còn chất cao như núi, dài như sông.
Có thể nói chưa bao giờ đất nước lại ở trong tình thế hiểm nghèo như hiện nay. Người hàng xóm tàn bạo, độc ác, với dã tâm xâm lược của bọn bá quyền Đại Hán, đang làm dân ta điêu đứng và suy yếu về mọi mặt, những vẫn trơ tráo trưng ra mười sáu chữ vàng. Họ xâm lấn đất đai, biển đảo tổ quốc, bắt bớ, đánh đập, cướp phá tài sản của ngư dân trên vùng biển của ta và đang thè cái lưỡi bò bẩn thỉu đòi liếm hết biển Đông.
Chưa bao giờ như lúc này, nhẽ ra chúng ta phải thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” thì những vụ như Tiên Lãng, Văn Giang cứ liên tiếp xảy ra. Sự việc chồng lên sự việc, tội ác chồng lên tội ác. Vụ này chưa qua thì vụ khác đã tới, làm đau thêm lòng người và vực sâu ngăn cách giữa nhân dân và Nhà nước cứ ngày càng rộng dần ra.
Chẳng có sự bưng bít và dối trá nào có thể diễn ra mãi được. Cho dù có nói ti tỉ lần “Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Cho dù có nói ti tỉ lần “dân chủ của mình gấp triệu lần dân chủ của người khác” thì cũng bị thực tế Tiên Lãng, Văn Giang bác bỏ.
Đừng bao giờ có thêm Tiên Lãng, Văn Giang. Đó chính là cuộc chỉnh đốn Đảng mà nhân dân ta mong đợi.
Trần Mạnh Sĩ
Không có nhận xét nào: