Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Năm 2010, báo Dân Trí đi tin: “Rạng sáng nay 7/6, người dân xã Hưng Đông, TP Vinh (Nghệ An) phát hiện một vụ cháy kinh hoàng: một người đàn ông cùng một chiếc xe máy bị thiêu cháy bên vệ đường... Quan sát kỹ tại hiện trường, PV Dân trí nhận thấy nạn nhân bị đốt cháy gần thành than, không thể nhận dạng, bốc mùi khét lẹt... Chiếc xe máy bị đốt cũng chỉ còn trơ khung đen. Nhiều người cho rằng nạn nhân xấu số này ăn trộm chó bị phát hiện, bị đánh chết ở đâu đó rồi đưa ra cánh đồng này đốt xác.”
Hai tháng sau, cũng báo Dân Trí, lại có thêm tin nữa:
“Khoảng 17 giờ 30 phút chiều ngày 29/8, hai kẻ ăn trộm chó đã bị người dân xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đánh chết....
Ảnh: Nguyễn Duy |
Hai nạn nhân được xác định là Nguyễn Đình Dũng và Nguyễn Đình Hồng, cùng SN 1988, đều trú tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Vào giời nói trên, khi trời nhá nhem tối, người dân nơi đây nghe tiếng xe máy rú ga và tiếng chó sủa ầm ĩ. Lập tức dân ùa ra đường, chứng kiến cảnh hai thanh niên đi trên một chiếc xe máy đang kéo theo con chó chạy bạt mạng phía sau.
Bị người dân đuổi theo, hai thanh niên đã bỏ con chó lại nhưng vẫn bị chặn đánh. Rất đông người cùng tham gia đánh hai kẻ trộm chó khiến một người chết tại chỗ, một người chết trên đường đi cấp cứu. Chưa hả giận, người dân nơi đây tiếp tục đốt nốt chiếc xe máy cái xe máy tang vật...”
Riêng năm rồi – may thay – ở Nghệ An chưa ai bị đánh chết vì trộm chó, chỉ có một người bị đánh gần chết vì lý do tương tự – theo như tường thuật của báo Pháp Luật, số ra ngày 6 tháng 9 năm 2011:
“Nạn nhân là anh Phạm Văn Tấn giáo viên trường tiểu học Mã Thành (Yên Thành - Nghệ An). Hiện anh Tấn đang nằm điều trị tại bệnh viện 115 Nghệ An. Theo lời tường trình của anh Tấn trên báo VTC, khoảng 20h30 ngày 2/9, anh với một đồng nghiệp khác tên Thanh đi chơi ở nhà người bạn. Do chưa quen đường, trời tối nên bị lạc, sau đó hai anh định rẽ vào một nhà dân để hỏi thì bị người này nghi ngờ, hô hoán có kẻ câu trộm chó.
Chỉ một phút sau, hàng chục người dân chạy ra bao vây, dùng gạch đá, gậy gộc...tấn công. Lợi dụng trời tối, anh Thanh may mắn chạy thoát được còn anh Tấn lĩnh toàn bộ trận đòn. Chiếc xe máy hiệu Yamaha Sirius cũng bị người dân đốt cháy rụi.”
Ba người bị đánh chết, và một người suýt chết (ở Nghệ An) trong thời gian qua, đã khiến tôi liên tưởng đến những cái chết khác – thảm khốc và thương tâm không kém – cũng ở địa phương này, hồi giữa thế kỷ trước, chính xác là vào năm 1952, theo lời kể của nhà văn Võ Văn Trực:
“Một lũ ngồi lúc nhúc ở giữa vòng vây người nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa. Người xem đông quá là đông. Sóng người xô dồn lên, rồi dạt ra phía sau, rồi lại cuộn xoáy, ôm nhau, níu áo nhau. Không thể nào nghe được dân quân đang tra khảo tội nhân điều gì? Chỉ nghe nhứng tiếng quát lớn; 'Mi có khai không? Mi có khai không?' trộn lẫn với tiếng đấm đá huỳnh huỵch...”
“Tổ cha cái đồ phản động cái đồ Việt gian” – có tiếng người hét to như muốn vỡ ngực vỡ họng. Chính cái người hét to ấy đang ôm một gốc cây phi lao sần sùi mấu lao từ trên bức tường xuống như con mạnh thú vồ mồi, giơ cao gốc cây phang một cú vào ngực người bị treo ngược. Người bị treo rú lên một tiếng thất thanh và hai tay run rẩy như con nhái trước lúc chết. Thịch! Sợi dây đứt. Người bị treo ngược rơi xuống, sọ đập trên đất lổn nhổn cứt sắt... Người bị treo ngược bây giờ thành cái xác nằm sõng xoài trên đất ....” (Võ Văn Trực.Chuyện Làng Ngày Ấy. California: Tạp Chí Văn Học, 2006)
Chuyện làng ngày ấy, và chuyện làng bây giờ – xem ra – không khác nhau nhiều lắm. Lòng “nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa” được thổi bùng lên từ thời “cách mạng phóng tay phát động quần chúng” đến nay (có lẽ) chưa bao giờ tắt, ở Việt Nam.
Và cái ác, tất nhiên, không chỉ giới hạn ở ... làng. Cuối năm ngoái, blogger Cánh Cò đã ghi nhận hàng chục vụ án sát nhân xẩy ra chỉ trong một ngày – ngày 14 tháng 11 năm 2011 – qua thông tin báo chí trong nước:
Dân Việt 14-11: Thắt cổ chồng đến chết rồi ung dung đi ăn cưới. Bà Đỗ Thị Thơ, sinh năm 1976, dân tộc Kinh, trú tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chính là vợ của nạn nhân.
Bee.Net 14-11: Một người chăn bò bị chém chết tên Võ Văn Giới ngụ ấp 3, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ.
Lao Động 14-11: tại số nhà 228, thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã xảy ra một vụ cướp hết sức táo tợn làm chị Nông Thị Thu thiệt mạng và anh Đinh Trọng Thành bị thương nặng.
Lao Động 14-11: Vụ án giết bảo vệ, cướp ngân hàng xảy ra ở chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội, bước đầu đã có những manh mối.
Bee.Net 14-11: Vì muốn báo thù anh Nguyễn Việt Cường, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, Bình Định, giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Quy Nhơn, mà Đặng Văn Cửu, 22 tuổi, ở xã IaYok, IaGrai, Gia Lai, sinh viên năm cuối trong trường, đã bắt cóc cháu Nguyễn Việt Dũng 8 tuổi, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Ngô Mây rồi ra tay sát hại dã man.
Dân trí 14-11: Xảy ra mâu thuẫn, Bình vồ cán chổi bằng cây lao vào đánh tới tấp vào đầu chị Hà. Khi phát hiện nạn nhân gục hẳn, đối tượng này lạnh lùng đưa cô vợ “hờ” lên giường đắp chăn rồi tẩu thoát.
Thanh Niên 14-1: Hầu như đêm nào khoa Cấp cứu của các BV Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Chấn thương chỉnh hình… cũng tiếp nhận những ca nhập viện do đánh nhau, đâm chém. Những đối tượng này thuộc nhiều lứa tuổi (khoảng 16 đến 40 tuổi). Theo các BS, tình trạng đả thương về đêm nhiều hơn ban ngày.
Tiền Phong 14-11: Lãnh đạo Trại giam A2, Bộ Công an, Diên Xuân, Diên Khánh, Khánh Hoà xác nhận, tối 8-11 một hạ sĩ quan của trại A2 là N.N.H đâm bị thương hai người tại khu nhà trọ.
Việt Báo: Ngày 15/11: Công an quận Thủ Đức, TP HCM đã đưa Kim Văn Bình về nhà trên đường 12 phường Tam Bình để thực nghiệm hiện trường hành vi sát hại dã man người chung chăn gối suốt nhiều năm.
TTXVN 14-11: Vụ giết người chỉ vì… điếu thuốc.
VietnamNet 14-11: Chân dung kẻ nghịch tử hiếp dâm em gái ruột.
VnExpress 14-11: Bà chủ thu đổi ngoại tệ bị sát hại tại nhà. Người đàn bà kinh doanh thu đổi ngoại tệ nằm chết trong bếp với 3 vết chém. Cạnh đó, người chồng bất tỉnh, cơ thể đầy thương tích.
Dân Việt 14-11: Nam sinh viên đâm chết người yêu cũ của bạn gái. Công an phường An Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết Nguyễn Đức Chiến, 21 tuổi, sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Công kỹ nghệ Đông Á, TP Tam Kỳ, đã ra đầu thú về tội giết người.
Bạo lực không chỉ giới hạn ở tầm mức cá nhân mà còn được nhận rõ ở bình diện tập thể qua chính sách của nhà đương cuộc Hà Nội. Trong việc trấn áp nông dân ở Văn Giang, blogger Hiệu Minh có nhận xét rằng đây chính là “bằng chứng sống về cách quyền địa phương đối với dân, coi dân như kẻ thù.”
Còn trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Võ Thị Hảo nhận định như sau:
“Trong hành xử, những người này coi dân như nô lệ. Nô lệ phải gọi dạ bảo vâng, phải thờ chữ ‘nhẫn, phải dâng hiến cho họ (quan lại mới) quyền lợi chung riêng và ngay cả tính mạng. Cho sống thì được sống, bắt chết phải chết, không được quyền trái ý họ.”
Với chủ trương bao che và xử dụng bạo lực của giới cầm quyền, với khuynh hướng “sính” dùng bạo lực (được cổ súy và ấp ủ từ hơn nửa thế kỷ qua) của nhiều người dân Việt, viễn tượng về một cuộc giải phóng khỏi thân phận nô lệ hiện nay mà không phải đổ máu ra– xem ra – có vẻ rất mỏng manh.
Tối ngày 20/5/2012, tin từ Facebook Linh Phan cho biết:
“Trong lúc mình và 2 học viên Pháp Luân Công đang nhắm mắt tập công tại khu đất trống Lam Sơn, phường Linh Tây, Q. Thủ Đức thì bị 7, 8 người mặc thường phục xông vào đánh tới tấp. Họ dùng cây gỗ có cạnh vuông đập liên tục vào mình và 2 học viên khác, lúc đó mình không biết chuyện gì đang xảy ra.
Họ đánh quá mạnh nên mình bỏ chạy. Tài sản của mình và các bạn bỏ lại đó họ không lấy thứ gì nhưng điên cuồng đập phá, chiếc xe máy có chìa khóa ở đó họ cũng không lấy…
Tôi không biết những người Mặc thường phục vô cớ hành hung tôi là ai, tôi tha thứ cho tất cả họ.Tôi mong rằng họ đừng để ĐCSTQ lợi dụng, hãy để cho chúng tôi yên ổn tu luyện!
Thiện có thiện báo, Ác hữu ác báo ! Thần Phật đang nhìn tất cả chúng sinh. Đánh tôi ko hề gì, tôi tha thứ cho tất cả mọi người. Nhưng xin đừng để kẻ ác lợi dụng mà bản thân mình rơi vào Địa ngục!
Tôi tha thứ cho tất cả các bạn, tôi chân thành thương các bạn.
Xin đừng đánh đập các học viên Pháp Luân Công đang tu luyện theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn nữa!”
Một học viên PLC bị đánh đập khi đang tu tập vào ngày 20 tháng 5 năm 2012. Ảnh: Dân Làm Báo.
Câu hỏi được đặt ra là liệu dân Việt còn “nhẫn” được thêm bao lâu nữa? Và mức độ bạo loạn sẽ đi xa đến đâu khi dân tộc này đã bị đẩy đến mức giới hạn chịu đựng cuối cùng? Có ai quan tâm hay chuẩn bị gì không để người Việt có thể tránh khỏi, ngăn chận, hay giới hạn (ở mức độ khả kham) cho tình huống tồi tệ này – trong trong tương lai gần?
Những câu hỏi này – có lẽ – đã đặt ra hơi muộn, và không chỉ đặt ra cho những bậc thức giả, hoặc đám dân đen mà còn xin được trân trọng (và chân thành) gửi đến những người đang nắm toàn quyền sinh sát ở đất nước này. Quý vị mới là những nhân vật quyết định số phận của toàn dân, và mạng sống cũng như tài sản của chính mình cùng thân nhân, trong những ngày tháng sắp tới.
Không có nhận xét nào: