Hôm 29 tháng Năm 2012 vừa qua, tổng thống Áo Heinz Fischer đã cầm đầu một phái đoàn viếng thăm Việt Nam trong 3 ngày. Tổng thống Fischer đã thảo luận với các quan chức Việt Nam như Trương Tấn Sang (chủ tịch nước), Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng), Nguyễn Sinh Hùng (chủ tịch quốc hội) và Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư ĐCSVN) về nhiều vấn đề trong quan hệ hai nước như kinh tế, giáo dục, theo đó Áo và Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học, trao đổi nghiên cứu sinh và sinh viên du học, bộ trưởng kinh tế Áo Reinhold Mitterlehner cũng ký kết một số hiệp ước giữa Áo và Việt Nam về thương mại, năng lượng và du lịch. Tại Sài Gòn, tổng thống Fischer đã khai mạc Diễn Đàn Kinh Tế Áo-Việt Nam.
Ngoài ra tổng thống Fischer cũng đặt vấn đề nhân quyền tại VN với người tương nhiệm Trương Tấn Sang, theo ông Fischer đa nguyên kinh tế đã không đi đôi với đa nguyên chính trị và Fischer cho rằng con đường "còn rất dài", sau đó trong một cuộc tiếp xúc báo chí, chủ tịch Phòng thương mại Áo Christoph Leitl đã đùa rằng "Tổng thống suýt bị bắt" ("Also ist der Herr Bundespräsident nur knapp einer Verhaftung entgangen, wenn ich das so flapsig formulieren darf"). Đệ nhị phó chủ tịch quốc hội Áo Fritz Neugebauer cũng nghĩ rằng không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có cởi mở về mặt chính trị. Đại sứ Áo tại Hà Nội, ông Georg Heindl thì căn cứ vào số sinh viên Việt Nam đang du học, 14000 tại Mỹ, 20000 tại Úc, 6000 tại Anh, vài ngàn tại Đức, cho rằng sự tiếp xúc với các xã hội mở là một tia hy vọng ("Der Kontakt zu offenen Gesellschaften wird gefördert. Das kann schon auch zu denken geben").
Theo bản tin buổi tối ngày 29-05-2012 của tờ báo Die Kleine Zeitung tại Graz ở Tây Áo, trước câu hỏi "Tại sao Áo lại ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ", tổng thống Fischer đã trả lời: "Đó không phải là sáng kiến của tôi" cho thấy ông không ủng hộ sự việc này, Fischer nói: "Đó là lập trường của bộ ngoại giao Áo".
Không giống như Mỹ hay Pháp mà tương tự như Đức, tổng thống Áo là nguyên thủ quốc gia, chức vụ cao nhất nước nhưng chỉ có tính cách biểu tượng, thủ tướng cùng nội các mới là người thực sự cầm quyền. Ông Heinz Fischer thuộc đảng SPÖ giữ chức tổng thống Áo từ tháng Bẩy năm 2004. Chính phủ liên bang đang cầm quyền tại Áo là một liên hiệp giữa hai đảng lớn mà thủ tướng là Werner Faymann thuộc đảng cánh tả SPÖ (Dân Chủ Xã Hội), bộ trưởng ngoại giao và phó thủ tướng Michael Spindelegger thuộc đảng cánh hữu bảo thủ ÖVP (đảng Nhân Dân Áo).
Trong khi nhà cầm quyền CSVN không ngừng đàn áp tôn giáo, đàn áp các tiếng nói phản biện bất kể phản biện về chính trị hay phản biện về xã hội, môi trường thì việc chính phủ Áo ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là một sự kiện thật khó hiểu. Nếu VNXHCN được ngồi trong Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thật chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi" đúng như thành ngữ thường dùng của giới blogger/báo lề trái trong nước.
Cộng đồng người Việt Nam tị nạn cộng sản tại Áo, tại Âu châu và các nơi khác trên thế giới cần lên tiếng với chính phủ Áo cảnh báo nhà nước Việt Nam đang vi phạm nhân quyền trầm trọng và phản đối việc chính phủ Áo ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Trần Việt
Nguồn:
- newsORF.at và nhiều báo khác
Không có nhận xét nào: