Thái Bình - Hiện có nhiều điểm nóng tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Thủ đô Hà Nội như tham nhũng, thất thoát tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước mà điển hình và nóng bỏng nhất là Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Dầu khí...; điểm nóng tiếp theo là do Luật đất đai còn nhiều bất cập, đã liên tiếp xảy ra các vụ cưỡng chế gây xôn xao dư luận thời gian qua như Tiên Lãng (Hải Phòng) và Văn Giang (Hưng Yên)...
Phần nhiều các đại biểu Quốc hội cho rằng cần sửa đổi gấp Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành chống lãng phí và Luật đất đai thì sẽ khắc phục được những bất cập trên (xem Nguyên Thảo, Tập đoàn, đất đai, lãng phí và tham nhũng).
Tôi cho rằng lo lắng của các ông nghị, bà nghị tại nghị trường là đúng nhưng chưa đủ vì đó chỉ là lo phần ngọn, chứ chưa phải gốc rễ của vấn đề.
Chúng ta đang quản doanh nghiệp Nhà nước bằng Luật Doanh nghiệp, chúng ta lập ra bộ máy quản trị doanh nghiệp gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc cùng các phòng ban giúp việc, thực chất đây chẳng qua chỉ là những ông chủ và những người quản lý “hờ”: họ đâu có vốn, nhưng lại có toàn quyền định đoạt số vốn khổng lồ lấy từ thuế của dân.
Thứ nhất, có số vốn khổng lồ trong tay mà không phải của mình các ông chủ “hờ” thoải mái chi xài: sắm xe xịn, nhà làm việc xịn, đồ dùng trang thiết bị xịn... hiệu quả đến đâu không biết.
Thứ hai, tiền “chùa” khổng lồ như vậy dại gì không kiếm. Miễn là kín kẽ không để lại dấu vết là được, còn nếu không may lộ ra thì tìm cách che đậy. Chính vì thế Vinashin, Vinalines... thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng diễn ra rất nhiều năm chứ không thể một hai năm, mà Thanh tra, Kiểm toán, thậm chí an ninh kinh tế vẫn không phát hiện ra. Cả hệ thống Toà án, Viện Kiểm sát, công an kinh tế từ Trung ương đến địa phương mà tài sản của Nhà nước vẫn bị tham nhũng, vẫn bị lãng phí rất lớn và có chiều hướng gia tăng vụ sau gấp nhiều lần vụ trước!
Chúng ta phải khẳng định Luật pháp của ta không thiếu, cái thiếu là thực thi Luật pháp như thế nào. Mà thực thi Luật pháp của ta giống “con mèo tha miếng thịt cả nhà đuổi đánh, con hổ tha con lợn cả nhà đứng nhìn”.
Quốc hội đang muốn sửa Luật phòng chống tham nhũng theo hướng độc lập với cơ quan hành pháp. Tôi cho rằng với mô hình đó chỉ có thể khả dĩ hơn hiện nay chứ khó kết quả như mong đợi như đã phân tích trên.
Cái gốc của vấn đề cải cách doanh nghiệp Nhà nước là sở hữu, nếu không giải quyết được sở hữu thì những tồn tại trên không thể khắc phục được. Các chuyên gia kinh tế và gần đây Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã khẳng định lấy doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đạo là không khả thi, thực tế mấy chục năm qua đã minh chứng.
Nhà nước nên rút vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước càng nhiều càng tốt. Chỉ duy trì 100% vốn Nhà nước đối với một số rất ít doanh nghiệp Nhà nước như chế tạo vũ khí, chất nổ, những mặt hàng tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm; đối với loại doanh nghiệp quan trọng trong nền kinh tế như điện lực, dầu khí, hàng không..., chỉ giữ cổ phần chi phối tối đa 30% vốn Nhà nước. Còn lại các doanh nghiệp Nhà nước khác nên rút hết vốn để Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực quan trọng và cần nhiều vốn như giao thông, bệnh viện, trường học...
Làm được như trên thì mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước mới thành hiện thực. Nhà nước không nên làm kinh tế; kinh tế để tư nhân họ làm thì tự nhiên không còn mảnh đất cho tham nhũng hoạt động, Nhà nước chỉ nên làm chiến lược phát triển đất nước và làm luật để quản lý xã hội bằng luật. Làm được như trên chúng ta tin tưởng nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và tham nhũng thất thoát tài sản Nhà nước giảm đi đáng kể, không phụ thuộc vào việc có sửa Luật phòng chống tham nhũng hay không.
Hà Nội, ngày 05/06/2012
T. B.
Không có nhận xét nào: