LH - Nhiều người Việt chúng ta hiện nay, ở hải ngoại cũng như tại quê nhà, mỗi khi có ai nói đến hai tiếng CHÍNH TRỊ, là không muốn nghe nữa, coi như đụng đến chuyện gọi là ‘nhạy cảm’. Chúng ta, hàng ngày vẫn phải sống, va chạm với những vấn đề chính trị mà tại sao lại “kỵ” nó như vậy? Phải chăng chính trị là cái gì lôi thôi, làm phiền chúng ta, gây khó khăn cho chúng ta, tạo cho chúng ta những điều khó nói, khó giải quyết, có khi không nói được những điều mà mình nghĩ trong tâm, hoặc sợ đụng chạm đến người khác, gây phiến toái cho cả người nghe lẫn người nói. Đất nước chúng ta qua bao thế hệ từ ông cố bà cố nội ngoại, ông bà cha mẹ, cả con cái chúng ta đã trải qua những thời kỳ chiến tranh điêu linh từ 1940, 1950 đến 1954, 1975… Rồi từ 1975 đến nay, tuy đất nước đã ngưng tiếng súng nhưng lòng chúng ta vẫn còn “chiến tranh”. Vì chính trị mà chúng ta phải lên tiếng tranh đấu khi quyền lợi và tự do của chúng ta bị cướp đoạt, quyền làm người, nhân phẩm nhân vị của chúng ta bị chà đạp. Vì “chính trị” mà chúng ta phải rời bỏ quê hương đất tổ, bị lưu đầy nơi đất khách quê người xa xôi ngàn dặm. Vậy chính trị là gì mà đến nỗi đã gây tai họa đến như vậy?
CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?
Ở đây chúng tôi không muốn đào sâu về danh từ chính trị một cách hàn lâm khoa bảng (academic), chỉ xin nói một cách khái quát và thực dụng vào những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày của con người từ gia đình đến xã hội, quốc gia. Theo Littré viết năm 1870 thì chính trị là một khoa học cai trị các quốc gia. Robert viết năm 1962 thì cho Chính trị là một nghệ thuật và thực hành cách cai trị các xã hội loài người. Như vậy thì cả hai định nghĩa, mặc dù viết cách nhau gần thế kỷ, đều qui về hai chữ “CAI TRỊ” ám chỉ trong đó một QUYỀN HÀNH.
Các nhà chuyên môn hiện còn đang tranh luận về điểm này. Một vài người cho rằng Chính trị là một khoa học về chính thể các quyền hành có tổ chức trong các đoàn thể hay quốc gia. Trái lại phần đông cho đó là khoa học các quyền hành có tổ chức trong một đoàn thể. Thực vậy, muốn cai trị phải có quyền hành, dù trong một tổ chức xã hội loài người còn sơ khai. Nhưng thế nào là QUYỀN HÀNH và dùng quyền hành thế nào để mưu cầu công ích? Làm sao có thể dung hòa giữa quyền hành và nhu cầu của hai phía ‘cai trị’ và ‘bị cai trị’? Như vậy chúng ta thấy có hai thái độ căn bản về chính trị. Một đàng cho Chính trị là một cuộc đấu tranh, cá nhân hay nhóm nào nắm được quyền hành là nắm được quyền cai trị và thống trị để thủ lợi. Một đàng cho chính trị là một nỗ lực duy trì trật tự và công lý. Quyền hành là để bảo vệ quyền lợi chung, ích lợi chung chống lại áp bức của các quyền hành riêng biệt phe nhóm. Đối với những người trên, chính trị dùng để duy trì đặc quyền đặc lợi của một thiểu số trên đa số. Đối với những người sau, chính trị là một phương tiện để thực hiện một xã hội công bằng, hòa bình, tự do kiểu đô thị của Aristote và kiểu Khổng Tử thời Nghiêu Thuấn.
Tuy nhiên, dù dựa vào thuyết nào đi nữa thì một phần cũng còn tùy thuộc vào tình trạng xã hội. Con người ở giai cấp bị áp bức, nghèo đói, khổ sở, bất mãn cho rằng quyền hành không thể đảm bảo một trật tự thật sự mà chẳng qua chỉ là một trò hề bịp bợm để che đậy sự thống trị của những kẻ có ưu thế. Đối với những người này thì chính trị là đấu tranh. Còn giai cấp giàu sang, quyền quí hả hê thì cho rằng xã hội là hòa hợp và quyền hành là để duy trì một nền trật tự chân chính. Đối với họ, chính trị là liên kết tất cả mọi người ở mọi giai tầng lại với nhau thành một xã hội hòa hợp, tự do và thanh bình, hạnh phúc. Hai lập luận trên bề ngoài xem có vẻ trái ngược nhau, nhưng đặc chất ý nghĩa thực của nó lại bổ túc cho nhau, nghĩa là bất cứ lúc nào, ở đâu nó cũng có tính lưỡng ứng, hai bộ mặt, diễn tả một thực trạng xấu xa nhất, xác thực nhất của “nhà nước” hay “xã hội”. Nói rõ hơn, cái quyền hành thiết lập trong xã hội hay quốc gia, dù ở đâu hay lúc nào thì cũng vẫn là một lợi khí của Thống Trị. Nhưng chính trị vẫn thường được mô tả bằng những mỹ từ đầy lý tưởng. Chính trị là một khoa học hay nghệ thuật điều hành, cai trị một quốc gia sao cho mọi guồng máy của nhà nước được ổn định, có trật tự kỷ cương, sinh hoạt điều hòa thông suốt, để người dân được sống giàu sang, an bình, hạnh phúc, yêu thương nhau, đồng thời chính quyền hay người làm chính trị có được uy quyền phú quí. Nhưng làm sao để có thể dung hòa được quyền lực và nhu cầu của cả hai phía?
Trong một cộng đồng, đoàn thể hay một quốc gia thì người dân, con người là đối tượng của chính quyền hay người cầm đầu một tổ chức. Khi hội viên hoặc dân số càng đông, đất càng rộng thì trách nhiệm và uy quyền của người cầm đầu càng lớn. Con người là một sinh vật có trí khôn, thông minh, năng động, có óc cải tiến không ngừng để mưu cầu hạnh phúc. Do đó khi con người càng văn minh thăng tiến thì nhu cầu càng nhiều và đa dạng. Lúc đó sự đòi hỏi phải thỏa mãn của người dân nơi chính quyền trở nên phức tạp, tạo thành xung khắc quyền lợi của hai bên. Đấu tranh phát sinh từ đó.
Chính trị là Đấu Tranh, dùng Con Người làm PHƯƠNG TIỆN: BẠO LỰC
Dù nấp dưới danh nghĩa nào đi nữa, người làm chính trị vẫn nhân danh con người để đứng lên, dùng con người làm PHƯƠNG TIỆN đấu tranh hầu cướp chính quyền và bảo vệ quyền lực. Người ta kêu gọi Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và Bình đẳng xã hội, nhưng kết cuộc cũng là để nắm giữ và bảo vệ quyền lực hầu mưu cầu lợi ích cá nhân hoăc phe nhóm. Các hình thức đấu tranh của chính trị cũng sẽ tùy thuộc ở những yếu tố tâm lý, dân số, địa dư, văn hóa, xã hội, kinh tế cũng như ở ngay sự hiện hữu của các mâu thuẫn gây ra chính trị. Mâu thuẫn bao giờ cũng phát sinh và biểu lộ trong một khung cảnh nào đó và các yếu tố phát sinh ra nó lại ảnh hưởng đến các hình thức đấu tranh trong hoàn cảnh đó để rồi cuối cùng đưa đến BẠO LỰC. Bạo lực có thể là tiền, các phương tiện truyền thông báo chí, kỹ thuật… không kể vũ lực được biểu hiện bằng súng đạn hoặc giáo mác, nắm tay / quả đấm. Đa số các phong trào đấu tranh chính trị đều đưa đến và kết thúc bằng bạo lực. Có người nói: “Ông vua đầu tiên là một quân nhân may mắn”. Phải chăng câu nói khẩy này ngụ ý rằng Vũ khí là nguồn gốc của quyền hành và quyền hành trước hết dựa vào vũ lực. Chủ nghĩa Cộng Sản đã chẳng đề cao tự do dân chủ, bình đẳng xã hội, tranh đấu cho lớp người nghèo khổ thiệt thòi thợ thuyền, bần nông và dùng bạo động đấu tranh giai cấp cướp chính quyền để rồi chủ trương độc tài toàn trị, ôm cứng lấy quyền hành độc đảng ? Quyền hành đồng nghĩa với vũ lực. Kẻ nào mạnh về quân sự kẻ đó thắng. Stalin đã từng thách thức Đức Giáo hoàng: “Ông có bao nhiêu sư đoàn?”
Giáo Hội lấy Con Người làm CỨU CÁNH: BÁC ÁI, NHÂN HÒA thuần hóa BẠO LỰC
Giáo hội Công Giáo có lập trường và đường lối hoàn toàn khác. Giáo hội không chủ trương làm chính trị phe nhóm hay đảng phái, cũng không chủ trương đứng về phe này hay phe kia hoặc tranh dành lấy quyền lực cho mình (xem Hiến chế mục vụ trong thế giới ngày nay, Công đồng Vatican II). Chính trị, theo giáo huấn của Giáo hội, lấy con người làm CỨU CÁNH, và phương tiện tranh đấu là NHÂN HÒA / BÁC ÁI. Những chỉ dẫn này ta thấy đầy dẫy trong Tin Mừng. Phúc Âm là bản “Hiến Pháp” tuyệt vời của Giáo Hội công giáo và các học thuyết xã hội của Giáo Hội là bản nội qui hướng dẫn người công giáo hành xử quyền con người của mình.
Vì lấy con người làm cứu cánh, nên tất cả những gì liên quan đến con người, Giáo Hội đều nâng đỡ, che chở, bảo tồn và ủi an. Sinh mạng và phẩm giá con người vì vậy đã được đặt lên hàng đầu, phải luôn luôn được tôn trọng bởi lẽ con người là hình ảnh của Thiên Chúa (St 9: 6) và được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kitô, được làm con trong con người, làm đền thờ của Chúa Thánh Thần và được dành cho sự sống đời đời trong sự kết hợp với hồng ân Thiên Chúa (Christi fideles Laici, 37). Giáo Hội đòi hỏi mọi người phải sống với niềm tin Tin Mừng. Chỉ có sống thực với Tin Mừng với tất cả tấm lòng yêu thương tha nhân vị tha mới có thể tháo gỡ con người khỏi mọi lôi cuốn không ngừng của dục vọng, đam mê, hoặc khinh rẻ hoặc tôn sùng thái quá thân xác con người. Không có một luật lệ trần thế nào có thể bảo đảm nhân vị và tự do con người thích đáng bằng Tin Mừng Chúa Kitô, đã được trao phó cho Giáo Hội (Rm 8: 14). Tin Mừng này xác tín sự Tự Do của con cái Thiên Chúa, phủ nhận mọi hình thức nô lệ, vì mọi ách nô lệ đều do tội lỗi mà ra. Tin Mừng tôn trọng triệt để phẩm giá và quyết định tự do của lương tâm, đồng thời cũng luôn luôn nhắc nhở phát huy mọi tài năng để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người. Sau hết, Tin Mừng còn dạy mọi người phải thương yêu nhau. Yêu tha nhân và cả kẻ thù như yêu chính mình vậy (Mt. 22: 39).
Nhân Quyền là quyền của con người: quyền sống, quyền được trọn vẹn thể xác, quyền được hưởng những phương tiện cần và đủ để sống xứng đáng là con người có nhân phẩm như quyền sống an toàn trong lúc bệnh hoạn, khuyết tật, già yếu, thất nghiệp, nghèo khó… Ngoài nhân quyền thể xác con người còn cần phải có nhân quyền tinh thần như quyền tìm kiếm chính trị, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do tôn giáo, quyền bình đẳng không bị kỳ thị…
Tự Do cũng là một đặc tính căn bản trân quí của con người, nhưng Tự Do phải gắn liền với đi tìm Chân Lý. “Con người quay về điều thiện luôn luôn trong tình trạng tự do” (Vui Mừng & Hy Vọng/Gaudium & Spes, 11). Do đó tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm nhưng là có quyền làm những điều thuộc bổn phận của mình mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong tâm mỗi người ngay từ lúc thụ thai.
Song song với việc giải phóng con người khỏi mọi áp bức là việc cần thiết phải bảo tồn tự do và tất cả những quyền cơ bản khác của con người, trong đó quyền tự do tôn giáo chiếm vị thế quan trọng nhất (Evangelii Nuntiandi, 39). Quyền này không thể bị lệ thuộc dưới bất cứ một áp lực nào, dù cá nhân, đoàn thể, quốc gia hay bất cứ một quyền bính trần thế nào khác. Do đó, về phương diện tôn giáo, không ai có thể bị ép buộc hành động trái với lương tâm hoặc theo lương tâm mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, không gian và thời gian nào (Dignitalis Humanae 2). Hạn chế quyền tự do tôn giáo rõ ràng là xúc phạm đến phẩm giá con người kéo theo những vi phạm về tôn giáo (Redemptoris Hominis 17).
Tóm lại, tất cả những vấn đề thuộc về con người được tranh cãi và giải quyết đều liên quan đến TỰ DO của CON NGƯỜI, trong đó Tự Do Tôn giáo là trên hết và là một đòi hỏi bất khả nhượng. Nó là một tảng đá ở trong góc nhà của tòa lâu đài NHÂN QUYỀN. Tự Do Tôn giáo là một nhân tố thiết yếu không thể thiếu vì lợi ích và sự phát triển của từng cá nhân cũng như toàn thể xã hội. Nhờ nó mà việc sống chung hòa bình giữa con người với nhau được hài hòa sung mãn. (Sứ điệp ngày Thế giới Hòa Bình 1988, Nhập đề). Người công giáo không thể đóng cửa ở trong nhà thờ. Đức Phaolô VI đã từng tự giới thiệu tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc như là một “chuyên viên về nhân bản” và tuyên bố “Phát triển là tên gọi mới của hòa bình”. Còn Đức Gioan Phaolô II biện hộ cho nhân quyền, cho người nghèo, những người bị áp bức, cho các nước nghèo thế nào thì cả thế giới đều đã biết. Hiểu rõ hai tiếng chính trị như vậy thì chúng ta là con người có nhân phẩm, có lý trí, là công dân và là người công giáo, chúng ta phải làm sao?
SỐNG – CHÍNH – TRỊ: Tu sửa bản thân và dấn thân
Chúng ta thường hiểu chính trị theo nghĩa thông thường, chính trị là phe phái, tranh dành, chiếm đoạt và bảo vệ quyền lực với mọi thủ đoạn lưu manh gian ác miễn sao đạt được ý nguyện. Đó là chính trị dơ bẩn, chính trị BÁ ĐẠO. Nhưng không phải ai cũng làm chính trị bá đạo cả. Chúa Giêsu cũng làm “chính trị”, nhưng Ngài không dùng thủ đoạn lưu manh để lừa gạt. Ngài lấy Từ bi, Bác ái, Lòng Nhân mà thuyết phục con người để mọi người thương yêu nhau và sống an bình hạnh phúc. Đó là chính trị VƯƠNG ĐẠO. Thí dụ về Chúa thì nhiều vô kể. Toàn thể TIN MỪNG là cả một kho tàng, là một hiến pháp siêu chính trị mà chúng ta phải noi theo và thi hành. Xin nêu một thí dụ về Đức Khổng Tử.
- Ông Tử Lộ hỏi Đức Khổng: “Nếu vua nước Vệ mời thầy ra giúp vua cai trị, thầy làm gì trước?”
- Khổng Tử đáp: “Ắt phải lấy chính danh làm trước vậy.”
Thuyết chính danh như thế nào, có thể đa số chúng ta đã biết, xin không bàn nhiều ở đây. Chúng ta thường nghe nói: Danh Chính Ngôn thuận, nghĩa là Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, là thuyết căn bản của triết học họ Khổng. Tại Việt Nam hiện nay và ngay cả chế độ tự do tại Hoa Kỳ này đang áp dụng loại chính trị nào? Chắc không phải là chính trị vương đạo. Nếu vương đạo, chính danh thì đã chẳng có hơn 3 triệu người Việt, trong đó có chúng ta, đã liều chết rời bỏ quê hương lang thang nơi xứ người như hiện nay. Nếu vương đạo thì đã chẳng có những vụ như Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, Đoàn Văn Vươn và biết bao nhiêu vụ dân oan khiếu kiện cướp đất cướp nhà khác dai dẳng cả hàng chục năm nay. Nếu vương đạo thì Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã không cần phải nhắc nhở người công giáo dấn thân vào chính trị, chú ý đến những vấn đề xã hội, Sự sống / Sự chết, Chiến tranh / Hòa bình… ở đất nước Hoa Kỳ này và hiện nay là vấn đề phá thai, ngừa thai/triệt sản đang làm sôi động cả Hoa Kỳ khiến Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phải chính thức lên tiếng phản đối và đang kêu gọi mọi người biểu tình phản đối, lôi TT Obama ra tòa về tội vi phạm Hiến Pháp, xâm phạm tự do tôn giáo. Phải chăng khi nói dấn thân, các ngài muốn chúng ta sống với chính trị.
Con người sinh ra, sống và chết trong môi trường chính trị. Con người là con vật chính trị. Vì thế sống chính trị là điều kiện căn bản để thực hiện một cuộc sống đầy đủ của con người, cả về thể xác lẫn tinh thần. Sống chính trị không phải là làm chính trị. Làm chính trị nhắm mục tiêu tranh dành quyền lực. Sống chính trị cốt yếu ở chỗ thực hành những đức tính chính trị bắt đầu ngay từ bản thân mình và ngay trong đời sống thường nhật của mình. Tu sửa bản thân mình trước khi tu sửa xã hội.
Đức tính chính trị là những nỗ lực cải thiện các mối liên hệ giữa mình với người khác và rộng dần ra tới toàn thể xã hội, quốc gia… Muốn làm tốt hơn những mối tương quan này, tất nhiên phải tìm hiểu đâu là những trở ngại, phía mình, phía người, tính chất của những trở ngại này rồi tìm ra những phương hướng giải quyết vấn đề dựa trên những điều kiện cơ bản, thích hợp với Tin Mừng Chúa Kitô.
Đức tính chính trị là những đức tính có tính cách cộng đồng, nằm trong các mối tương quan xã hội. Để luyện tập những đức tính này không thể đóng cửa tu thân hàm dưỡng trong phòng kín, mà phải dấn thân vào các sinh hoạt đoàn thể và cộng đồng. Phải cùng với nhiều người khác tạo ra một môi trường tập thể tu thân, tạm gọi là CỘNG TU. Giáo hội sơ khai của các tông đồ phải chăng cũng là những cộng đồng cộng tu, mọi người quây quần sống chung với nhau để cầu nguyện, ăn chay hãm mình và tu luyện.
Chính trị luôn luôn có tính cách bành trướng, tạo ra một mối tương quan mật thiết giữa phần tử cá nhân với toàn thể. Vì thế việc thực hiện các đức tính chính trị tuy bắt đầu từ đời sống thường nhật của mình nhưng lại bắt buộc phải kết thúc ở toàn thể xã hội. Nếu không, sinh hoạt chính trị sẽ bị bóp méo hay bẻ gẫy. Đời sống con người và xã hội cũng bị xáo trộn theo.
Chính trị là sự áp đặt của toàn thể vào cá nhân. Nhưng đức tính chính trị lại là sự phản hồi từ cá nhân vào toàn thể. Khi sự phản hồi này được thể hiện, thì tính chất áp đặt không còn nữa, mà đã trở thành tự do dân chủ… đem lại phúc lợi chung cho mọi người. Mỗi người công giáo chúng ta, nếu sống đúng tinh thần Tin Mừng Chúa sẽ là những hạt nhân có tính phản hồi vào môi trường xã hội làm đẹp chính trị (Mt.5:13-16).
Trong thực tế, làm được điều đó không phải là dễ. Chúa dạy “chúng ta phải thương yêu nhau như yêu chính mình vậy” (Mt.22: 39) đã hơn 2000 năm nay mà bây giờ, hàng ngày Giáo Hội và các cha vẫn còn phải nhắc nhở chúng ta. So kè khen chê những vấn đề khác nhau của đất nước là thực hiện một đức tính chính trị. Không đồng quan điểm về một vấn đề gì nhưng vẫn tiếp tục hợp tác trong các sinh hoạt của cộng đồng xã hội, lại là một đức tính chính trị khác.
Mỗi cá nhân tín hữu không tự cô lập trên ngọn núi hay trong phòng kín của mình, mà phải xuống núi, xuất hiện ra ngoài, xắn tay hợp tác với người khác, khép mình vào một kỷ luật làm việc tập thể, đó là đức tính chính trị.
Tạo được sự hợp tác giữa những bất đồng trong cùng một hệ phái hay một cộng đồng đã là việc khó, tạo sự hợp tác này giữa những hệ phái và cộng đồng khác nhau lại còn khó hơn bội phần, nó đòi hỏi nhiều tập luyện các đức tính chính trị khác nhau, không thể chỉ nói suông.
Nguyên do chính tạo ra những bất ổn trong xã hội là sự xung đột quyền lợi giữa người này với người khác, giữa nhóm này với nhóm khác. Giải quyết những vấn đề này mà phải dùng tới các thủ đoạn man trá và tàn độc thì thật ra không phải là giải quyết, mà chỉ triển hạn, đẩy lui vấn đề đi xa hơn bằng cách tạo ra nhiều vấn đề khác. Nước đang đục, khuấy cho đục thêm.
Để giải quyết những vấn đề có tính cách toàn diện này, không thể chỉ dựa vào sự luyện tập các đức tính chính trị nơi một số người, mà phải cần tới những sửa sang dự bị từ nền tảng trong mọi tương quan của toàn thể xã hội. Xã hội nào, chính quyền đó. Toàn thể gọi toàn thể. “Muối sẽ làm mặn môi trường. Ánh sáng sẽ xua đuổi bóng tối” (Mt. 5, 13-16). Một cuộc cách mạng chỉ thành công trong một môi trường đã dọn sẵn. Một chế độc tài cũng chỉ thành công trong một môi trường thích hợp với nó. Một chế độ không bỗng nhiên từ trời rơi xuống. Một chế độ bao giờ cũng là con đẻ của một tình trạng xã hội. Mà xã hội là do chính chúng ta tạo nên. Sống chính trị càng lan rộng thì mọi não trạng của xã hội sẽ thay đổi theo. Các tương quan sẽ từ từ thay đổi bản chất. Khi trái cây chín muồi đủ chỉ một cơn gió nhẹ cũng làm nó rụng xuống.
LỜI KẾT
Để cho sáng tỏ hơn ý nghĩa hai tiếng Chính trị theo quan điểm của Giáo Hội, tôi mượn mẩu đối thoại giữa một nhà báo Ý và Đức Thánh cha Gioan Phaolo II:
- Thưa Ngài, Ngài có làm chính trị không?
- Đừng hiểu chính trị theo nghĩa hẹp. Giáo Hoàng có bổn phận rao giảng phúc âm, mà trong phúc âm có con người, tức có nhân quyền, tự do, nhân phẩm và lương tâm cùng tất cả những gì thuộc về con người. Nếu tất cả những cái đó có một giá trị chính trị thì tôi làm chính trị. Vì tôi bênh vực con người (Ezio Mauro e Paolo Mieli.G.P.II, La stampa 04.03.91,2).
Nguyễn Tiến Cảnh, MD. Ph.D
Reviewed 5-30-2012
Không có nhận xét nào: