Dấn Thân Giữa Đời - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 6, 2012

Dấn Thân Giữa Đời

Hồng Y SuenensLời người dịch: Hồng y L. J. Suenens là khuôn mặt lớn của Giáo Hội Công giáo trong thế kỷ 20. Ngài từng là nhà tư tưởng trụ cột của Công Đồng Vaticanô II, là sức bật canh tân nếp sinh hoạt Giáo Hội, là khâm sai của Giáo Hoàng trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc để trình bày với thế giới về thông điệp Hoà bình trên trái đất…

Nguyễn Đăng Trúc chuyển ra Việt ngữ từ cuốn III, Thánh Thần hơi thở sống động của Giáo Hội của Hồng y L. J. Suenens.

1. Đức tin và những cấu trúc bao quát

Cuộc sống chúng ta nằm giữa những cấu trúc bao quát. Nói một cách đơn giản, đây là bộ máy chính trị toàn cục, trật tự kinh tế tổng thể, định chế văn hóa bao quát, nền tài phán chung của một quốc gia bất kể thuộc thể chế chính trị nào. Những cấu trúc bao quát đó phát sinh từ nỗ lực định chế hóa một cách ngăn nắp những qui luật, những vai trò và những tập thể đặc loại của một hệ thống.

Đức tin có cái gì để nói hay không khi phải đối diện với một cơ cấu bao quát như thế? Đức tin có thể ảnh hưởng đến một hệ thống và những bộ phận của một hệ thống không? Và phải hiểu đức tin như thế nào? Đó là câu hỏi đặt ra và chúng ta phải xét xem ở đây. Câu hỏi dấy lên ngay từ ngày Kitô giáo xuất hiện, và vẫn còn là câu hỏi nóng bỏng trong thời đại chúng ta.

Trong hàng ngũ người Kitô hữu, hai khuynh hướng đối chọi nhau: khuynh hướng gọi là ‘bảo thủ’ muốn Giáo Hội ở tư thế vô tư trung lập trong những lãnh vực này, Giáo Hội nên ở bên trên những cuộc xung đụng và tránh nhân danh giá trị Phúc Âm để áp đặt một chủ trương quá rõ rệt. Khuynh hướng này mong Giáo Hội bằng lòng với những địa hạt thuần tôn giáo, lo giúp những cá nhân quay về Chúa Kitô và tiếp đó để cho những cá nhân chu toàn trách nhiệm trần thế của họ.

Còn đối với khuynh hướng thứ hai, gọi là ‘tiến bộ’ thì sinh hoạt thăng tiến con người, giải phóng văn hóa, kinh tế hoặc chính trị đều tiêu biểu cho một chiều kích toàn diện của công việc rao truyền Phúc Âm (thường được dịch qua Việt ngữ là Phúc Âm hóa. ND), có người còn cho rằng đây chính là chiều kích ưu tiên nữa. Khuynh hướng này cho rằng Giáo Hội, vốn là tác năng thông đạt lối nhìn, phán đoán của Chúa Kitô trên trần thế, hẳn không thể nào từ chối phận vụ phê bình, và từ đó đi đến việc chống đối mọi ‘rối loạn trật tự đang trì ngự’.

Theo quan điểm của họ, công việc phê bình này không thể chỉ hời hợt, chỉ bằng lòng nói lên bằng lời những lạm dụng mà thôi. Nó phải đi sâu vào tận gốc rễ những tệ trạng, nghĩa là phải xét lại những cơ cấu phát sinh ra chúng.

Người ta đi đến kết luận này: Vì trung thành với Thiên Chúa và với Chúa Giêsu Kitô, nên Giáo Hội có bổn phận đến với trần thế, hiện diện và hoạt động bất cứ nơi đâu có những con người đang chịu đựng bất công và đau khổ, và vận dụng hết uy lực của mình để đóng góp vào nỗ lực làm sạch xã hội. Ngoài ra họ còn nói thêm, Giáo Hội muốn hay không muốn, thì cách này hay cách khác cũng đã chứng tá đức tin của mình, hoặc bằng hành động của mình hoặc bằng sự thụ động im lặng của mình. Giáo Hội không cách gì tránh né được sự kiện chẳng đặng đừng này. Giáo Hội cần noi gương vị sáng lập mình: Chúa Giêsu-Kitô, thủ lãnh Giáo Hội, đã yêu thương và cứu giúp kẻ nghèo, Ngài chống lại bất công, chữa lành những vết thương thể xác hoặc tinh thần cho những người Ngài gặp trên bước đường của Ngài. Ngài kêu gọi Giáo Hội – là thân thể Ngài – tiếp tục công việc của Ngài và làm chứng về tình yêu của Ngài ở giữa những căng thẳng của cuộc sống xã hội.

Chúng ta cần có thái độ nào?

Hệ thống văn hóa nào cũng chi phối mạnh mẽ trên cuộc sống của tập thể cũng như của cá nhân chúng ta. Nó tiêu biểu những cương thường, phép tắc, mẫu mực soi dẫn lối phán đoán và thúc đẩy hành động chúng ta. Chính là nhờ qui chiếu vào hệ thống này mà tác phong chúng ta có ý nghĩa và nhất quán trước sau, cho chính mình cũng như đối với kẻ khác.

Những phép tắc, mẫu mực văn hóa ấy (patterns of culture) tạo nên một đạo lý bao trùm, đôi lúc gây bó buộc, thấm nhập mọi sinh hoạt của chúng ta.

Khi hệ thống được định chế hóa và trở thành một cơ cấu, thì tự nhiên nó có một năng lực và một vị thế riêng của một định chế.

Người ta có thể giải thích ý nghĩa của hệ thống kinh tế dựa trên nguyên tắc– servatis servandis –,nghĩa là phải bảo toàn những gì đã được bảo toàn. Do đó, trước những hệ thống kinh tế "vắng bóng hoặc loại trừ chiều kích văn hóa", ngày nay Kitô hữu thường nói đến việc xây dựng ‘một trật tự kinh tế quốc tế mới’.

Bộ máy chính trị cũng tương tự như thế : (dựa vào sự hiểu biết về các mối tương quan của các yếu tố đa biệt chi phối sinh hoạt chính trị) những nghiên cứu gần đây cho thấy những tổ chức, sắp xếp của guồng máy cai trị đang bị chi phối sâu xa bởi ‘ý hệ nhân danh an ninh quốc gia’.

Chúng ta đừng ngại phải nhìn nhận rằng có sự bất cân bằng về văn hóa, kinh tế và xã hội đòi hỏi phải khẩn trương điều chỉnh. Và muốn thực hiện được công việc đó thì cần đến những nỗ lực phối hợp chung. Không thể nào hạn chế việc giải quyết các vấn đề vượt quá tầm vóc cá nhân vào những sáng kiến cá nhân mà thôi: cuộc sống chung có những đòi hỏi cá biệt và bị chi phối bởi những định luật riêng của nó.

Ta cũng không thể quên sự kiện này: việc chuyển từ bình diện cá nhân sang bình diện tập thể đi liền với một tình trạng đổi thay về cấp độ; và vì thế có sự đổi thay về bản chất trong các mối quan hệ. Một xã hội không phải là việc cộng lại các cá nhân bên cạnh nhau. Xã hội có những qui luật đặc loại liên hệ đến sự ổn định của các định chế, đến sức sống phong phú của một truyền thống liên tục và linh hoạt, nhưng cũng chịu sự chi phối bởi tình trạng trì trệ, ù lì của đám đông bất động, bởi tác phong a dua, ‘bầy đàn’ của tập thể…

Có những qui luật sinh hoạt riêng có tính cách cơ cấu; không thể ngây ngô không biết đến chúng, nếu không sẽ rất tai hại.

Nhưng, cá nhân cũng cần biết rằng mình liên lụy với chương trình mình đề nghị, nói cách khác mình phải trả giá những cải cách mà mình đòi hỏi, vì chúng đòi hỏi những hy sinh.

Didier Aubert, phát ngôn viên của nhóm ‘Cuộc sống siêu nhiên và sinh hoạt chính trị’, đã diễn tả một cách hết sức xác đáng:

“Làm sao có thể vừa muốn thực hiện được công bằng xã hội, bảo vệ thiên nhiên và môi sinh, những tài nguyên hiếm quí, cải thiện điều kiện lao động và tăng viện trợ cho thế giới đệ tam, mà lại không đánh thuế nhiều trên mặt hàng tiêu thụ dựa vào tỷ lệ xa xỉ của chúng? Ta có thể tin rằng những tiến bộ trong sản xuất mà thôi thì đã đủ sức để đương đầu được với những chí phí mới cho cuộc sống xã hội mà ta ước mong như giảm số làm việc trong tuần, hạ thấp tuổi về hưu và kéo dài thời gian đi học hay sao? Và ta có thể tin là tiến bộ sản xuất như thế lại không cần đến việc thực hiện những đầu tư và một quỹ tiết kiệm quan trọng hay sao?

Chúng ta thường tự bịt mắt để khỏi phải thấy sự cần thiết của những thay đổi này. Và toàn bộ giới sinh hoạt chính trị âm thầm chấp nhận chính sách lao đầu đi tới một cách liều lĩnh đó; người ta không thấy rằng lạm phát phần lớn là việc làm bất đắc dĩ thay cho những hy sinh mà chúng ta đã không biết ý thức để thực hiện, thay cho những nỗ lực mà chúng ta đã không có thể làm, để rồi sau đó phải chịu đựng một cách vô lối, và trong những điều kiện tệ hại hơn.

Trong nhãn quan đó, không những ta không có gì phải mặc cảm, mà còn nên nói, và quả có ích khi nói rằng việc khám phá lại và nhất là áp dụng những giá trị Phúc Âm về sự chia sẻ cho nhau là những giá trị khẩn thiết cho xã hội hôm nay ”. [1]

Ngày xưa, nghèo đói được người ta xem là một sự kiện không cách gì tránh được, một tai nạn lịch sử do định mệnh; và trong khuôn khổ quan niệm ấy, Kitô hữu đã cố gắng cứu chữa bằng nhiều sáng kiến từ thiện. Nhưng các bộ môn khoa học nhân văn đã từ từ truy nguyên được những căn cớ của tình trạng nghèo đói. Người ta lột trần được những lớp bì phu bên ngoài và thấy được những căn cớ của tình trạng nghèo đói ấy là những bất công. Nói cách khác là người ta ‘dẹp bỏ quan niệm về định mệnh xã hội’ để nhận ra tình trạng nghèo đói như là những bất công phát xuất từ những hệ thống kinh tế từng bóc lột con người. Do đó người ta nỗ lực dẹp bỏ những hình thức bất công khác nhau và giải phóng con người khỏi những hình thức vong thân liên quan đến nghèo đói và khốn cùng.

Từ nay, công cuộc rao truyền Phúc Âm của Kitô hữu bao hàm bổn phận phải góp sức vào những nỗ lực cần thiết để thăng tiến xã hội trên bình diện tập thể. Tình yêu đối với người nghèo khó nay lại mang một chiều kích xã hội–chính trị : điều mà trước đây tổ tiên chúng ta đã từng cổ súy.

2. Sự hiện diện và tiếng nói của Giáo Hội

Thật vậy, vào những thế kỷ trước đây, Giáo Hội đã lưu tâm đến những nhu cầu khẩn thiết của cuộc sống xã hội, ngay cả đã thực hiện những công cuộc bổ sung như xây dựng học đường, bịnh viện, nhà trẻ mồ côi v. v. nhằm đỡ nhẹ gánh nặng của cuộc sống cộng đồng trước mắt.

Ngày nay, như chúng ta vừa trình bày, người ta đã ý thức nhiều hơn rằng phải tấn công ngay vào những nguyên nhân của những tệ trạng xã hội đang diễn ra. Bên cạnh những ‘liên hệ ngắn hạn’ của công cuộc từ thiện, khẩn thiết đáp ứng những tang thương trước mắt, người ta còn phải lưu ý đến những ‘mối tương quan dài hạn’. Ngày nay người ta hiểu rõ hơn ngày xưa về mức độ mà bối cảnh văn hóa và kinh tế–xã hội có thể chi phối trên điều kiện sinh sống cụ thể của người dân. Cái nhìn có đổi thay, nhưng hai nỗ lực bác ái bổ sung cho nhau.

Hiệu năng phục vụ của Kitô hữu trên thế giới sẽ vô cùng to lớn, nếu Kitô hữu biết cộng tác, trước hết là giữa họ với nhau, và tiếp đó là với những người thiện tâm thiện chí. Chúng ta ghi nhận lời nói của một nhà thần học tin lành, giáo sư tại phân khoa thần học Hamilton (Ontario), khi vị này nói về ơn gọi dấn thân xã hội của Canh Tân đoàn sủng: “Nếu Kitô hữu đoàn sủng và Kitô hữu đang rao truyền Phúc Âm cùng thực sự dấn thân bên nhau một cách chân thành nhằm phục vụ cho công cuộc làm rạng Danh Thiên Chúa và sự công chính của Ngài ở giữa trần gian, nơi họ đang sống, thì họ sẽ tiêu biểu cho một sức mạnh căn đế hơn và cứu độ hơn bất cứ nhóm cách mạng nào ngày nay. Năng lực sẵn đấy rồi, vấn đề là cần có một lối mục vụ vừa khôn ngoan vừa khích lệ Kitô hữu tiến bước.”[2]. Trong đường hướng đó, giám mục Jadot, đại diện tông tòa tại Hoa – Kỳ, đã từng tuyên bố: “Mục đích của Canh tân đoàn sủng không những là nỗ lực phục hoạt sức năng động của các đoàn sủng, nhưng nới rộng ra toàn bộ cuộc sống Kitô giáo trong mọi địa hạt, gia đình, xã hội và văn hóa. Cái nhìn rộng hơn về Canh tân đoàn sủng như một cuộc biến cải toàn diện cuộc sống con người và văn hóa theo những đòi hỏi của Phúc Âm, là dấu chỉ hy vọng.” [3]

Giáo huấn chính thức của Giáo Hội lặp đi lặp lại nhiều lần, thúc đẩy Kitô hữu chu toàn trách nhiệm của mình trong lãnh vực xây dựng và sinh hoạt thuộc các định chế, các cơ cấu bao quát.

Ở đây chúng ta nhắc lại những tuyên bố đặc biệt quan trọng, như bản tuyên bố của Thượng hội đồng giám mục năm 1971, ở Roma, những lời tuyên bố của giáo chủ Gioan-Phaolô II và của Hội đồng các giám mục Mỹ châu Latinh ở Puebla, tháng 2 năm 1979.

Chúng ta biết Thượng hội đồng giám mục năm 1971 dành một phần nghị sự cho cho chủ đề ‘công lý trên thế giới’. Thượng hội đồng nhắc đến ‘những hệ thống áp ức có tầm mức quốc tế’ cũng như ‘những trở ngại khách quan mà các cơ cấu xã hội tạo ra làm trở ngại cho việc hoán cải tâm hồn’ (ch.1). Khi đề cập đến vấn đề ‘hoạt động quốc tế’, Thượng Hội Đồng khích lệ người Công giáo cần phải lưu tâm một số đề nghị như: “Trật tự quốc tế cần ghi nhận như một thành tố của nhân quyền và phẩm giá bất khả nhượng của con người (… . ), Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế cần được qui chiếu và tin cậy như sức bật cho một hệ thống đủ sức ngăn chận cuộc chạy đua vũ trang; một số dự án khơi đầu cho việc hình thành (… ) một hệ thống kinh tế và xã hội phục vụ toàn thể thế giới cần được khích lệ.”

Các tài liệu của Puebla nói rõ hơn: “Nói một cách tổng quát không phân biệt những trách vụ riêng dành cho những thành phần khác nhau trong Giáo Hội, thì Giáo Hội xem việc mình hiện diện trong lãnh vực này của đời sống như một bổn phận và một quyền lợi, vì Kitô giáo phải đưa Phúc Âm vào toàn thể cuộc sống con người, kể cả chiều kích chính trị. Vì lý do đó, Giáo Hội chê trách tất cả những kẻ tìm cách hạn chế sinh hoạt đức tin vào đời sống tư riêng và gia đình, và loại ra ngoài lãnh vực nghề nghiệp, kinh tế, xã hội và chính trị làm như ở đấy không hề biết đến tội lỗi, tình yêu, cầu nguyện và tha thứ.

Kỳ thực, sự cần thiết của việc Giáo Hội hiện diện trong lãnh vực chính trị phát xuất từ chiều sâu của đức tin Kitô giáo: đó là sự trị vì của Chúa Kitô bao phủ toàn bộ cuộc sống. Chúa Kitô bảo chứng tròn đầy tình huynh đệ nhân loại, nhờ đó mà mọi người có được một phẩm giá ngang nhau: ‘Anh chị em tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô’.

Phát xuất từ sứ điệp toàn diện của Chúa Kitô, ta có được một nền nhân học và một nền thần học mới, tiếp cận đầy đủ cuộc sống cụ thể, cá nhân cũng như xã hội của con người(Evangelii nuntiandi, số 29). Đó là sứ điệp giải phóng vì nó cứu thoát khỏi tình trạng nô thuộc tội lỗi, vốn là căn cơ và nguyên nhân sinh ra mọi lối áp bức, bất công và kỳ thị.

Đó là những lý do về sự hiện diện của Giáo Hội trong địa hạt chính trị: Giáo Hội hiện diện để có thể soi sáng lương tri con người và loan báo một lời canh tân và biến cải xã hội.

Chính trị, hiểu theo nghĩa rộng nhất và cao quí nhất, nhằm phục vụ công ích, ở cấp quốc gia cũng như quốc tế.

Theo nghĩa rộng đó, chính trị cũng liên quan đến Giáo Hội, nên cũng liên quan đến những chủ chăn là những thừa tác vụ của sự hiệp nhất. Nó là một phương cách thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, một khi nó biết vượt lên được việc tôn sùng thế gian và nâng thế gian ấy lên như của lễ dâng hiến cho Ngài ”[4].

Thần học và ơn cứu độ giải phóng

Tình cảnh kém phát triển đang chi phối ba phần tư nhân loại là vấn đề quá bao la và khó khăn. Tình cảnh đó càng ngày càng làm cho người ta ý thức về hiện trạng tội lỗi, không phải chỉ ở mức cá nhân, nhưng liên quan đến những trách nhiệm của chúng ta trong lãnh vực văn hóa, kinh tế và chính trị.

Có những cơ cấu tội lỗi cần phải giải trừ vì chúng chuyển sự ác thành định chế, nghĩa là tạo nên nếp sống ích kỷ, bất công, áp bức, chênh lệch cuộc sống không chịu nổi; và vì những cơ cấu tội lỗi ấy làm tê liệt ý thức trách nhiệm và lương tri về sự ác.

Trong môi trường Kitô giáo, người ta cổ động việc đọc lại Phúc Âm nhằm giúp con người giải thoát được các cơ cấu tệ hại này và ý thức được bổn phận phải chống lại mọi hình thức vong thân hạ thấp phẩm giá con người. Đọc lại Phúc Âm để ý thức được rằng bổn phận dấn thân cho công bằng xã hội và chính trị là hậu quả đương nhiên của đức tin chúng ta vào Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, của đức tin chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô là anh và là bạn chung của tất cả.

Chúa Kitô đã dùng sự cứu chuộc của Ngài để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi; đã gây ý thức trách nhiệm nơi chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi thái độ thụ động để mặc số phận đưa đẩy, khỏi vô vọng trước khổ đau, khỏi buông xuôi trước cái chết như là một kết thúc ‘vô nghĩa’ của cuộc sống.

Phúc Âm là sứ điệp cứu độ và giải phóng. Phải đón nhận Phúc Âm nơi ý nghĩa siêu nhiên và cả nơi ý nghĩa nhập thể. Lời của văn hào Bernanos cũng áp dụng được cho hoàn cảnh xã hội chính trị khẩn trương hôm nay: “Điều mà con người chờ đợi nơi chúng ta, chính là điều Chúa chờ đợi”.

Một nền thần học gọi là ‘giải phóng’ đã khai sinh trong những năm gần đây ở Châu Mỹ Latinh: nền thần học ấy đã cố gắng đọc lại Kinh Thánh xuyên qua lăng kính người nghèo và kẻ bị áp bức, trong bối cảnh xã hội của một khối dân chúng đang tất tưởi sống còn.

Nền thần học ấy làm nỗi bật bổn phận cấp thiết của mọi người phải thực thi công lý như là một thành tố quan trọng nơi chương trình của Chúa cho con người, và như điều kiện tiên quyết để kiến tạo hòa bình trong trần thế. Nó nhấn mạnh đến tội lỗi tập thể và xã hội có tính cách định chế. Nó linh hoạt lại những lời tiên tri trong Cựu Ước: Isaia, Amos, Giêrêmia, khi làm cho những tiếng hô phản kháng của các ngài vang dội trở lại trong thời buổi chúng ta. Nó đã nhân danh Phúc Âm để chống lại những tệ trạng bất quân bình xã hội bên trong một dân tộc, cũng như trong các mối quan hệ giữa các dân tộc với nhau.

Nó buộc tất cả chúng ta phải xét lại vấn đề liên kết giữa nỗ lực giải phóng con người và sự cứu độ Kitô giáo. [5]

Nhưng ta lại đặt câu hỏi: Có tương quan nào giữa giải phóng về mặt xã hội và giải phóng – sự cứu độ – mà Chúa Giêsu Kitô mang lại cho chúng ta?

Không đồng hóa, cũng không tách biệt

Chúng ta nói ngay: không thể đồng hóa công việc giải phóng trần thế với mầu nhiệm cứu độ làm hòa con người với Thiên Chúa và giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết vĩnh viễn. Người ta không thể gán cho Chúa Giêsu một sứ mạng nào thuần trần tục: Ngài đã lặp đi lặp lại rằng nước của Ngài không thuộc thế giới này.

Nhưng người ta sẽ không am tường được ý nghĩa của sinh hoạt trần thế của Ngài, nếu quên đi việc Chúa Giêsu đã khai trương và hoàn thành trước nơi chính Ngài ‘Vương quốc của Thiên Chúa’ đang tiến đến. Nước ấy không phải chỉ là một thực thể huyền bí và ở vào tương lai, nhưng nước ấy là một thực tại bao quát: nó liên hệ đến con người trong mọi chiều kích siêu nhiên cũng như thân xác, cá nhân cũng như tập thể.

‘Vương quốc’ ấy hé lộ cho ta thấy khi Đức Giêsu thực hiện những phép lạ, trong đó chúng ta khám phá được những dấu chỉ và những nét phôi pha của thế giới mới đang đến, của ‘đất mới và trời mới’.

Đẩy Kitô giáo lui vào lãnh vực siêu nhiên và tôn giáo là làm suy giảm tầm vóc và ý nghĩa của mầu nhiệm nhập thể cứu độ.

Chống chế rằng chính Đức Kitô không bao giờ làm chính trị thì quên rằng, nếu Chúa Giêsu không phải là một người phiến động xã hội hoặc chính trị, thì Ngài cũng đã dấy động lên, cho mọi thế hệ sau Ngài, nguồn sinh lực của một phong trào yêu thương huynh đệ vượt lên trên cả những đòi hỏi của tình liên đới thuần nhân loại.

Vì trung thành với Thầy, Kitô hữu hôm nay đang sống trong một bối cảnh xã hội khác so với Kitô hữu trong thế kỷ đầu tiên, nên cần phải diễn đạt một cách mới mẻ những yêu sách của Kitô giáo cho thời đại của mình.

Giải phóng, một tiến trình toàn bích

Những nhà thần học giải phóng muốn khởi đầu từ những hoàn cảnh bất công kinh tế và chính trị. Phản ứng đó ăn khớp với tình thế xã hội; và hẳn nhiên bảo đảm sẽ đưa hành động lồng vào một hoàn cảnh cụ thể và đích xác. Nhưng, ngay từ bước đầu, đó cũng là một lối hạn chế phạm vi giải phóng của Kitô giáo. Nhà thần học Châu Mỹ Latinh Gustavo Gutiérrez viết: “Ta có thể nói rằng sự kiện lịch sử, chính trị, giải phóng là sự triển nở của Nước Trời, là biến cố mang lại đời sống an lành, nhưng đó không phải là Nước Trời đang đến, cũng không phải là ơn cứu độ toàn diện” .

Ngoài ra, nhà thần học này còn phân biệt rõ ràng “có ba cấp ý nghĩa: giải phóng chính trị, giải phóng con người suốt lịch sử, giải phóng khỏi tội lỗi và đi vào mối hiệp thông với Thiên Chúa (…) Ba cấp này ảnh hưởng chi phối lẫn nhau, nhưng không chung lộn vào nhau. Mỗi tầng cấp không thể được thực hiện mà thiếu vắng các cấp khác, nhưng chúng lại khác biệt nhau; chúng thuộc vào một tiến trình cứu độ duy nhất và bao quát, nhưng ở vào những độ sâu khác nhau.” [6]

Tiến trình cứu độ bao quát, vì thế mỗi Kitô hữu và mỗi nhóm Kitô hữu không nhất thiết phải chu toàn hết tất cả những sáng kiến mà toàn bộ tiến trình giải phóng kêu mời, nhưng có thể tùy sự đa biệt của các đoàn sủng, các ơn ích của họ mà hạn chế sinh hoạt vào khía cạnh nào đó của toàn bộ công trình giải phóng. Do đó họ không được đánh giá thấp những chức năng, những dự án khác.

Không: không có gì đứng ngoài toàn bộ, ngoài sự bao quát của tiến trình cứu độ. G. Gutiérrez viết tiếp: “Không có gì ở ngoài tác động của Chúa Kitô và ơn Thánh Thần. Đó chính là cái làm cho lịch sử nhân loại có một nhất thống sâu xa. Những kẻ hạn chế công trình cứu độ kỳ thực là những người giới hạn nó vào sinh hoạt thuần ‘tôn giáo’ và không thấy được sự bao quát của tiến trình này ” [7]

Nhưng việc giới hạn ấy cũng có thể xảy ra nơi mỗi giai đoạn của tiến trình giải phóng. Theo một khuynh hướng tại Âu Châu và cả Nam Mỹ Châu, người ta cũng có thể nhận thấy có vài nhóm Kitô hữu đã đi vào sinh hoạt giải phóng chính trị hoặc kinh tế, nhưng nhiều lúc đã dựa vào một nền nhân học theo mẫu duy vật, đồng thời lại từ chối mọi ý nghĩa phát xuất từ cảm hứng tôn giáo. Sự kiện đó chứng tỏ họ cũng không chu toàn một đường lối hoạt động hoàn toàn ‘Kitô giáo’: vì họ bỏ qua một số đặc tính, và không phải là những đặc tính không thiết yếu, về tính trung thực Kitô giáo do chính Chúa Giêsu thiết lập.

Sứ điệp của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng

Tiến bộ trần thế là một chuyện, xây dựng Nước Chúa lại là một chuyện khác! Hai bên không đồng hóa với nhau, nhưng không xa lạ nhau. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh về những nét tinh tế này:

“Chúng ta hẳn biết rằng dẫu được cả thế gian mà đánh mất chính mình, thì cũng chẳng được gì; nhưng chờ đợi đất mới không có nghĩa là bê trễ phận vụ vun tưới trái đất này, nhưng ngược lại là dấy lên ý thức về bổn phận ấy: thân thể gia đình nhân loại mới đang lớn lên ở đây và đã cho thấy hình ảnh của thời đại mới đang đến. Vì thế, nếu phải cẩn thận phân biệt giữa tiến bộ trần thế và sự triển nở của vương quyền Chúa Kitô, thì cần biết rằng tiến bộ trần thế có tầm quan trọng đối với Nước Chúa, một khi nó có thể góp phần vào việc tổ chức một xã hội loài người tốt đẹp hơn.

Thật thế, tất cả những gì chúng ta đã gieo vãi trên trái đất hợp với điều răn của Chúa và thấm nhuần Thánh Thần (những giá trị về phẩm giá con người, về hiệp thông huynh đệ và về tự do, những thành quả tốt lành của bản tính chúng ta cũng như của sinh hoạt chúng ta), thì chúng ta sẽ tìm gặp lại sau này; nhưng bấy giờ mọi sự sẽ được rửa sạch khỏi mọi tỳ ố, được chiếu sáng và biến đổi khi Chúa Kitô trao lại cho Cha Ngài ‘một Vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: vương quốc chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân sủng, vương quốc công lý, yêu thương và hòa bình’. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến ” (Gaudium et Spes, số 39, § 2-3)

Thánh Thần canh tân khuôn mặt của trái đất

Ta có thể nói đúng hơn và mạnh mẽ hơn rằng giải phóng con người toàn diện, tự căn, là việc làm của ân sủng, của ơn Chúa hay không?

Giáo Hội giúp ta lên tiếng đọc lời kinh táo bạo này: “Xin Chúa gửi Thánh Thần xuống để tạo dựng mọi sự và canh tân khuôn mặt trái đất ”.

Thánh Thần tác động ‘cái đã’ hoàn thành và chuẩn bị ‘cái chưa đến’ của Nước Chúa.

Chính Ngài đi sâu vào những tầng sâu thẳm của con người, vào những nơi mà con người đang bám víu, và Ngài dẫn đưa con người đến mức hoàn thành chung mãn của cuộc sống.

Thánh Thần sáng tạo và canh tân luôn mãi tác động của Ngài giữa lòng trần thế.

Maria, trong buổi sáng Truyền Tin, Mẹ đã đón nhận Thánh Thần trong đức tin; và nhờ vậy Mẹ đã làm cho mầu nhiệm Nhập Thể, khởi đầu cho sự cứu độ chúng ta, được thực hiện.

Trong đức tin, Kitô hữu mở lòng đón nhận Thánh Thần để thúc đẩy thời của ‘trời mới đất mới’ sớm đến, ngay từ nơi trần thế này.

Lạy Chúa xin gửi Thánh Thần đến để tác tạo mọi sự và canh tân khuôn mặt của trái đất 

Xin Chúa gửi Thánh Thần xuống,
trước hết và ưu tiên
là để tái tạo chính con người của con.

Xin cứu con khỏi tội lỗi,
khỏi sợ sệt, mặc cảm,
và xin đổ tràn trên con
ơn khôn ngoan, sức mạnh và nguồn sống của Chúa.

Xin Chúa gửi Thánh Thần xuống,
để giúp con đào sâu và khám phá được
lòng yêu thương vô tận của Chúa là Cha
đối với tất cả những người con,
dù hoang đàng hay sống cách này cách khác.

Để Ngài giúp chúng con nhận ra tiếng Chúa,
qua làn sóng riêng
không vướng những rộn ràng đây đó ngăn cản.

Để Ngài dạy con cầu nguyện,
gọi tên Chúa là Cha,
với tấm lòng con thảo,
đinh ninh Cha hiểu, Cha thương.

Xin Chúa gửi Thánh Thần xuống,
để Ngài chỉ cho chúng con bí nhiệm của Chúa Con,
‘nơi Con ấy Chúa đã trọn đầy hân hoan’
và nơi Con Chúa chúng con đặt hết nguồn hy vọng.

Xin Ngài dạy chúng con hiểu Phúc Âm của Con Cha,
từng vế từng câu,
nơi sức sống tràn đầy và trai trẻ

Và xin Ngài giúp chúng con chuyển đạt nguồn sống ấy
vào giữa lòng của thế giới hôm nay,
để khi nhìn vào lối sống Kitô hữu,
người ta nhận ra nơi họ
tia sáng của khuôn mặt Con Cha,
âm điệu của lời Ngài nói,
nét trìu mến của tâm hồn và nụ cười của Ngài.

Xin Chúa gửi Thánh Thần xuống,
để mạc khải cho chúng con,
khuôn mặt chân thật của Giáo Hội Chúa,
vượt lên những yếu đuối của các môn đệ
nặng nề từng bước lữ hành
gánh trên vai hai mươi thế kỷ của lịch sử.

Để Ngài đưa chúng con
đi vào trong mầu nhiệm ẩn kín của Giáo Hội ấy,
- mà Maria là hình ảnh sống động -
và để Ngài ở lại với chúng con
hầu Giáo Hội, từ đời nọ sang đời kia,
luôn là chứng tá trung thành,
là lời diễn đạt chân thật,
là bí tích của Chúa Giêsu.

Xin Chúa gửi Thánh Thần xuống,
trên Giáo Hội Chúa, đang phân chia,
đang tìm về hiệp nhất hữu hình,
trong đau đớn;
để các môn đệ Chúa nhanh chân,
sớm thực hiện thời giờ của Chúa,
Giờ chứng kiến Tình Yêu và Chân Lý
kết làm một
anh em làm hòa được với nhau
nơi mái ấm của con cái Cha,
để chấm dứt tình cảnh tệ hại,
đã kéo dài quá lâu,
và để thế giới tin
vào Đấng Chúa đã gửi đến.

Xin Chúa gửi Thánh Thần xuống,
trên cõi người ta,
để Ngài chiến thắng mọi xung đột,
và giải thoát con người
khỏi hận thù, bất công đang dày vò họ,
và để Ngài tạo dựng mối hiệp thông huynh đệ
giữa họ với nhau,
mối hiệp thông huynh đệ
mà họ đang mò mẫm tìm kiếm,
mối hiệp thông bắt nguồn
từ trong mối hiệp thông diệu vợi
của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Amen

[1] La Croix, ngày 29 tháng 4 năm 1977, tr 2

[2] ‘ An evangelical Theology of the Charismatic Renewal’, tr 34, trong tạp chí Theological Renewal, nxb Fontain Trust, Luân Đôn, tháng 10 – 11 năm 1977

[3] Cuộc phỏng vấn giám mục JADOT về Canh tân đoàn sủng trong Logos Journal, tháng 7 – 8 năm 1978 ; bản dịch Bonne Nouvelle, tháng giêng năm 1979, tr 11.

[4] ‘L’évangélisation dans le présent et dans le futur de l’Amérique latine‘ (Con clusion de la Conférence de Puebla, n- 381-382-385).

[5] Xem bài viết của nhà thần học Chí-Lợi S.GALILEA « Théologie de la libération. Essai de synthèse’, trong Lumen Vitae, cuốn XXXIII(1978), Số 2 tr 205-228.

[6] Théologie de la libération, Bruxelles, Nxb Lumen Vitae, 1974, tr 186

[7] Sđd, tr 187

Dấn Thân Giữa Đời Reviewed by Em Binh on 6/27/2012 Rating: 5 Hồng Y Suenens -  Lời người dịch: Hồng y L. J. Suenens là khuôn mặt lớn của Giáo Hội Công giáo trong thế kỷ 20. Ngài từng là nhà tư tưở...

Không có nhận xét nào: