WESTMINSTER (NV) - Chiều hôm Chủ Nhật, tại hội trường nhật báo Người Việt, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam, đã tổ chức một cuộc hội thảo với đề tài “Người Lao Ðộng Việt Nam và Quyền Thành Lập Nghiệp Ðoàn Tự Do ở Việt Nam.”
Ông Trần Ngọc Thành (giữa), thành viên sáng lập Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng
Việt Nam, phát biểu trong cuộc hội thảo “Người Lao Ðộng Việt Nam
và Quyền Thành Lập Nghiệp Ðoàn Tự Do ở Việt Nam.” Bên trái là bà Jackie Bông,
bên phải là ông Ðoàn Việt Trung. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt) (Ảnh bên)
Phái đoàn trong Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam gồm có nhiều thành phần đến từ khắp nơi như ông Trần Ngọc Thành từ Ðông Âu, ông Nguyễn Ðình Hùng từ Úc, bà Ca Dao, đại diện ủy ban ở Malaysia, bà Jackie Bông và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích từ Washington, DC, ông Ðoàn Thế Cường và ông Trần Quý Hùng ở vùng Nam California.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích khai mạc, giới thiệu Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam được thành lập từ Tháng Mười, 2006 khi tình trạng người lao động Việt Nam qua những chương trình xuất khẩu lao động của Việt Nam trở thành những vụ lừa lọc để người lao động Việt Nam rơi vào kiếp nô lệ.
Ông Bích cho biết: “Ðây là sáng kiến của ông Trần Ngọc Thành cùng với 60 người Việt hải ngoại tại các nước như Pháp, Ðức, Bỉ và Úc. Ban đầu chỉ mong chia sẻ, giúp đỡ đời sống những công nhân xuất khẩu lao động để họ có được đời sống được tôn trọng. Cuộc họp đầu tiên diễn ra tại Warsaw để chính thức thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng. Ðến đại hội lần thứ hai họp ở Kuala Lampur, Malaysia, thì lúc này số công nhân lao động Việt Nam tại Malaysia đã lên tới 120 ngàn người. Sắp tới đây thì sẽ có đại hội lần thứ ba tại Washington, DC vào ngày 24 Tháng Sáu sắp tới.”
Ði vào chi tiết cuộc hội thảo, bà Ca Dao, một thành viên của ủy ban, tường trình những hoạt động của ủy ban tại Malaysia. Bằng những minh chứng cụ thể qua những đoạn băng video, bà Ca Dao đã làm nổi bật những hoạt động của ủy ban trong việc cứu giúp bảo vệ người lao động Việt Nam tại Malaysia qua những trường hợp cụ thể được chiếu lại trên màn hình lớn.
Bà Ca Dao, thuộc Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam, thuyết trình về tình trạng thê thảm của người lao động Việt Nam tại Malaysia. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Thuyết trình viên cho biết, trong hơn 100 ngàn công nhân lao động Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia, phần lớn là các em tuổi trẻ. Hầu hết các em đều thuộc thành phần rất thấp kém về mọi mặt. Các em hầu như chưa bao giờ được biết đến thế giới bên ngoài ngoài nơi em sinh sống trước đó. Ủy ban đã cố gắng truyền thụ cho các em những kiến thức tối thiểu để nắm bắt được thời đại, dậy cho các em biết về quyền con người, quyền lợi của người lao động, chỉ dẫn cho các em thấy những bất công, bóc lột qua những đối chiếu với hợp đồng mà các em đã phải ký.
Trong khi đó, Tòa Ðại Sứ Việt Nam hoàn toàn bỏ lơ không ngó ngàng gì tới số đồng bào này của mình, nên rất nhiều cảnh tang thương diễn ra như tai nạn lao động không được bồi thường (Video chiếu hình công nhân Trịnh Ðăng Trường bị phỏng đến 80% khi phải tạm trú trong những thùng hàng cùng với 7 người khác khi thùng hàng này phát hỏa) hay bị đuổi việc như bà Tư phải đi bán kẹo rong ngoài đường phố và thường bị cảnh sát bắt giam, hay cô Nguyễn Thị Hiếu bị ung thư nên bị đuổi việc hay cô Nguyễn Thị Chanh cũng bị đuổi việc phải lê lết kiếm sống bằng những nghề bán nô lệ...
Theo bà Ca Dao, sở dĩ số công nhân đến Malaysia nhiều là vì nơi đây không đòi hỏi tay nghề. Hầu hết số công nhân này đều nghèo đói ở Việt Nam, gần như mù chữ nên trình độ rất thấp kém. Họ chỉ mong có chút tiền để đổi được cuộc đời bần cùng, khốn khó tại quê nhà nên đã chấp nhận mọi điều kiện khi được tuyển dụng.
Với hơn nửa tiếng thuyết trình về hoàn cảnh thê thảm của những công nhân Việt Nam đang lao động ở Malaysia, thuyết trình viên hình như vẫn chưa nói hết được những thảm cảnh mà ủy ban chứng kiến và đã góp tay chia sẻ cứu giúp được một phần. Bà Ca Dao nhấn mạnh, “nhưng mục đích chính của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam không chỉ nhằm vào việc cứu trợ vì công việc đó chỉ như muối bỏ biển, mà mục đích chính của ủy ban là tranh đấu để cho những người dân lao động này được bảo vệ qua một nghiệp đoàn tự do, do chính họ bầu ra.”
Bà Ca Dao đã nhường lời cho ông Nguyễn Ðình Hùng, đại diện cho ủy ban tại Úc. Ông Hùng cho biết, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam ở Úc đã ráo riết hoạt động nhằm phổ biến tình trạng của những người lao động Việt Nam ở nước ngoài, kêu gọi sự can thiệp của các chính phủ tự do, các tổ chức nhân quyền, các tiếng nói dân cử và các giới truyền thông báo chí. Cụ thể ủy ban ở Úc đã liên lạc và được sự hỗ trợ của đài truyền hình số 7 Úc đã phát đi những hình ảnh thê thảm của người lao động Việt Nam ở Malaysia và cũng lên tiếng kêu gọi thế giới trước tình cảnh này. Kết quả quyền lợi của 8,500 công nhân Việt Nam tại hãng Nike ở Malaysia được cải thiện.
Ông Ðoàn Việt Trung, tổng thư ký ủy ban, và bà Ca Dao cũng cho biết song song với những hoạt động cứu trợ, ủy ban ở Malaysia và Úc đã vận động được với Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Malaysia để họ giúp cho các công nhân này thành lập được những nghiệp đoàn tự do của họ trong Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Thế Giới/Ðông Nam Á.
Vẫn theo ông Ðoàn Việt Trung, ủy ban tổ chức được những lớp dẫn giải về pháp luật bảo vệ cho quyền lợi của người công nhân lao động, giải thích những điều khoản bất công, bóc lột trong những hợp đồng mà họ đã phải ký kết khi nhận việc, hướng dẫn họ tranh đấu để thành lập nghiệp đoàn tự do bảo vệ cho chính mình.
Trong dịp này, ông Trần Ngọc Thành, thành viên sáng lập ủy ban, cũng xác nhận: “Công việc chính của ủy ban là giúp đỡ công nhân Việt Nam thành lập được công đoàn để bảo vệ cho quyền lợi của mình. Các nghiệp đoàn ở trong nước hiện nay đều do các cán bộ của đảng CSVN như Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam hiện nay được chỉ huy bởi một ủy viên trung ương đảng CSVN mà không hề là một công nhân. Tất cả những vụ đình công của công nhân ở trong nước từ trước đến nay đều do từ những người công nhân đứng ra vận động và đã bị nhà nước ngăn chặn, triệt phá. Các thành viên của ủy ban ở trong nước đang hoạt động âm thầm nhưng hữu hiệu qua Internet và qua những bài báo nhỏ viết về quyền lợi của người công nhân cũng như cách thức tổ chức tiến hành, vận động thành lập công đoàn tự do.”
Sau những phần thuyết trình, cuộc hội thảo bắt đầu với những ý kiến đóng góp của các người tham dự. Một câu hỏi được nêu ra là, “Quần chúng cần phải làm gì để đóng góp vào công việc này?”
Chủ tọa đoàn gồm các thành viên Trần Ngọc Thành, Nguyễn Ðình Hùng, Ðoàn Việt Trung, Jackie Bông, Trần Quý Hùng đã thay nhau trả lời: “Xin tùy tâm đóng góp.” Sự đóng góp có thể là “vận động với các chính khách, các tiếng nói có ảnh hưởng trong các chính phủ của các nước tự do để giúp cho người lao động Việt Nam trong khả năng của họ. Và mục đích chính vẫn là phải vận động mạnh mẽ để cho người lao động Việt Nam thành lập được các tổ chức nghiệp đoàn tự do.”
Cuộc hội thảo sau đó được chấm dứt, nhưng nhiều tham dự viên vẫn còn ở lại để tiếp tục thảo luận với các thành viên của ủy ban.
Không có nhận xét nào: