Kiến thức Tôn Giáo và Sống Đạo - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 6, 2012

Kiến thức Tôn Giáo và Sống Đạo

LH - Từ xưa, khi nghe đến những anh em trong các Giáo phái Tin Lành, ai nấy đều đồng ý rằng họ là những người được giáo dục kỹ về Kinh Thánh, sách, đoạn, câu cú nhớ thuộc lòng, đừng nói chi đến các mục sư, đã vậy, một mục sư có bản vị tiến sĩ, địa vị không những riêng gì về trong giáo xứ của ông, nhưng ông còn là một trong những vị mục sư được biết nhiều trên diễn đàn quốc gia, thì đối diện với ông ta để chia sẻ về Kinh Thánh, đặc biệt nhất là việc bàn về con người lịch sử của Đức Giêsu thì quả là một cuộc mạo hiểm.


Trên website, chúng ta sẽ không thấy Mục sư Mason với danh hiệu tiến sĩ, hay gì khác, ngoại trừ một cái tên rất khiêm nhượng: George. Khi gặp nhau, Mục sư cũng giới thiệu tên với tôi là: George. Người điềm đạm, giọng nói ấm áp, đầy sinh lực, trẻ hơn tôi vài tuổi, nhưng sự khiêm nhường và tâm tình cởi mở của ông đã tạo cho bầu không khí trao đổi giữa đông-tây, giữa hai văn hoá dị biệt, giữa hai kiếp người hoàn toàn đối chọi, giữa hai kinh nghiệm sống đạo hoàn toàn khác nhau, tự dưng, như hoà hợp nên một.

Tôi khởi đầu bằng lý lịch ngắn gọn của tôi, rồi đi ngay vào đề tài. Chúng tôi đi chia sẻ một vài sách vở chung quanh xã hội và thời đại của Đức Giêsu, những sử liệu, sử gia bên ngoài bộ sách Kinh Thánh. Ông đã đưa tôi thoáng xuyên qua quá trình hình thành của bộ Kinh Thánh, chính xác từng năm, niên đại, tác giả. Tôi cũng đưa ra những thắc mắc về tông tích, lai lịch, gia thế của Đức Giêsu. Ông đã vui vẻ và ân cần chia sẻ một cách thân tình. 

Cuộc mạn đàm có thể kéo dài, nhưng tôi cảm thấy như tìm được một đồng môn, người sẵn sàng bỏ giờ để cùng nhau nhìn về một hướng, hành trình về một điểm, nghiên cứu về một nhân vật mà hàng tỷ người, trong đó có tổ tiên chúng ta, và chính chúng ta đang tôn thờ: Đức Giêsu.

Theo thống kê của Pew Research Center thì khoảng 50 phần trăm người Kitô giáo không am tường về giáo lý của tôn giáo mình. Lắm người không nắm vững tên tác giả của bốn phúc âm. Có người lại không biết nơi sinh trưởng của Đức Giêsu. Buồn hơn nữa là khoảng 50 phần trăm người công giáo Hoa kỳ không biết rằng, bánh và rượu sau khi linh mục truyền phép đã không còn là bánh và rượu nữa, nhưng đó đã trở thành chính Mình và Máu Đức Giêsu.

Nhìn về lịch sử Kitô giáo (công giáo, giáo hội đông phương và các giáo phái tin lành), người tín hữu đã được nhồi sọ với những tín điều, giáo lý, lắm khi xung khắc với nhau, thành ra người công giáo cách riêng, bị răn dạy cách ly với những sinh hoạt tôn giáo hay các giáo phái khác, nhất là nền giáo dục về đức tin của những giáo phái tin lành, do đó, sự hiểu lầm vẫn duy trì, vẫn in hằn mãi trong tâm thức của không biết bao nhiêu thế hệ người công giáo. Cho đến hôm nay, tôi chưa có dịp được chứng kiến những sinh hoạt hợp quần, hợp tác trong tầng lớp giáo dân của các giáo phái kitô giáo, công giáo-tin lành, cách riêng việc nghiên cứu và học hỏi Kinh Thánh.

Thỉnh thoảng, tôi thăm dò kiến thức của những người công giáo trẻ, không có ai biết được ngôn ngữ hay tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu. Ngạc nhiên thay, theo nghiên cứu của Pew Research Center, người Do Thái, giáo dân thuộc giáo phái Mormons và lạ lùng nhất là những người bị cho là vô thần (atheists) lại thuộc vào ba nhóm người có kiến thức cao về hai lãnh vực Kinh Thánh cũng như về các tôn giáo lớn trên hoàn vũ.

Đại đa số người Mỹ trong cuộc nghiên cứu cho thấy kiến thức của họ rất kém về giáo lý, tín điều, cung cách hành đạo, lịch sử và những lãnh đạo tôn giáo của các tôn giáo lớn khác.

Cũng có nhiều người trong các Giáo phái Tin Lành thờ ơ đến nỗi họ không biết chính 95 luận án (thesis) của tu sĩ công giáo Martin Luther là nền tảng cho sự khai sinh của các giáo phái tin lành vào năm 1517 (Protestant Reformation). Nhưng rồi không biết có mấy ai bên công giáo đã đọc qua 95 luận án này hoặc nghiên cứu sâu về giai đoạn khủng hoảng của giáo hội Roma vào thời điểm này. Và có tới 47 phần trăm ngưới Mỹ không hề biết Dalai Lama là người phật giáo, đừng nói chi đến cương vị một Phật sống hay phật pháp.

Về phương diện Kinh Thánh và giáo dục nhà trường, có đến 67 phần trăm người Mỹ nhận thức sai lầm rằng, Kinh Thánh không được đọc nơi nhà trường. Nhiều người Việt, nhất là những người công giáo vẫn đoan quyết điều này, trong khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã khẳng định Kinh Thánh vẫn được sử dụng trong việc giáo dục nhà trường về giá trị lịch sử và văn chương (Supreme Court has clearly stated that the Bible may be taught for its “literary and historic” qualities.)

Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy đại đa số người Mỹ vẫn không tìm tòi nghiên cứu gì thêm về tôn giáo của họ, ngoại trừ cuốn Kinh Thánh. Và 70 phần trăm không hề tìm hiểu gì thêm các tôn giáo khác. Đây cũng là yếu tố gây nhiều ngộ nhận về tôn giáo, nhất là đối với Hồi giáo.

Người Việt có một truyền thống giữ đạo hết sức đặc biệt, đó là việc kinh kệ. Cuốn sách kinh dày cộm, nhưng từ già đến trẻ, lắm người đều thuộc lầu. Ước gì người công giáo Việt và ngay cả dân Tây theo Kitô giáo chịu chuyển sang một nấc sống đạo mới, đó là đọc và học hỏi Kinh Thánh cũng như sách vở, tài liệu lịch sử khác để nhận diện ra chính Đức Giêsu, và sống từng ngày, từng giờ, từng phút giây, và từng hơi thở gần với Ngài qua chính những bài học sống Ngài dạy.

Nếu chúng ta chịu khó và biết hành trình xa hơn một chút xíu, chúng ta sẽ gặp được chính con người lịch sử của Đức Giêsu. Giáo hội công giáo cũng như các Giáo phái Tin Lành đã dạy: Đức Giêsu mang hai tính cách, con người và thần thiêng. Sách vở và tài liệu lịch sử cũng đã minh định sự hiện diện của Đức Giêsu nơi trần thế, bằng xương bằng thịt, có nơi chôn nhau cắt rốn, có niên đại, trong xã hội có chính quyền, có tôn giáo, văn hoá và bằng chứng về sự hiện diện của Người như là nhân vật lịch sử kéo dài liên tục hơn 2000 năm qua.

Vì chính Ngài đã tự chọn và mang thân phận làm người, làm con trong một gia đình, có cha mẹ, có lao động, cũng đã hít thở khí trời, có nhu cầu ăn uống để sống, biết vui buồn sướng khổ, đã sử dụng ngôn ngữ loài người để truyền đạt, giảng dạy, đã sống đời sống đạo chuyên cần, và cuối cùng, chấp nhận luật người đời để gánh chịu thống khổ; và rồi trút hơi thở cuối cùng trong thân phận làm người như chúng ta. Có biết như vậy, chúng ta mới cảm thấy Đức Giêsu rất gần gũi với chúng ta, trong từng ngày sống, trong bổn phận, trong những lo toan về cuộc đời.

Bao nhiêu năm chiêm niệm về kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu khuyên dạy chúng ta nguyện cầu, một đêm, trong lúc nghiên cứu, tôi khám phá ra văn bản và lời nguyện của bản kinh mà chính Đức Giêsu đã một lần dạy chúng ta nguyện cầu, bằng chính tiếng bản xứ của Người, tiếng Aramaic. Tôi nhắm nghiền mắt lại, lắng nghe từng chữ, từng giọng, cảm nghiệm như Người đang gần kề bên cạnh, và dường như nghe từng hơi thở của chính Đức Giêsu đang thổi vào tâm thức tôi, chia sẻ với tôi, đang dạy tôi đọc, cùng tôi cầu nguyện. Tâm hồn tôi bay bổng ngất ngây!
Kiến thức Tôn Giáo và Sống Đạo Reviewed by Em Binh on 6/01/2012 Rating: 5 LH - Từ xưa, khi nghe đến những anh em trong các Giáo phái Tin Lành, ai nấy đều đồng ý rằng họ là những người được giáo dục kỹ về Kinh T...

Không có nhận xét nào: