SINGAPORE 2-6 (NV) - Một số dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai kẻ cựu thù Mỹ và CSVN đang tới gần khúc quanh quan trọng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ trình bày về sự thay đổi trong chính sách an ninh quốc phòng Mỹ tại Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực ký 11 tổ chức ở khách sạn có tên là Shangri-La ở Singapore ngày 2 tháng 6, 2012. (Hình: AP Photo9/Jim Watson, Pool)
Sau khi rời Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực Shangri-La ở Singapore ngày Thứ Bảy, theo lịch trình, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đến Việt Nam thăm viếng và thảo luận 2 ngày.
Ðiều gây ngạc nhiên là ông không bay thẳng đi Hà Nội mà lại ghé Cam Ranh ngừng lại gây khoảng 4 giờ, nơi đang có tàu tiếp liệu của Hải quân Mỹ, USNS Richard E. Byrd đang được bảo trì định kỳ.
Ðây là lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Cam Ranh kể từ khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975 chắc chắn được nhiều nơi chú ý, đặc biệt là Bắc Kinh. Các tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương từng đến Việt Nam hàng năm suốt nhiều năm qua nhưng không hề thấy tin những vị đó đến Cam Ranh.
Việc Bộ Trưởng Panetta tới địa điểm nhạy cảm là một tín hiệu mà Hà Nội sẽ phải giải thích với Bắc Kinh nhưng không chắc giải tỏa được hết mọi nghi ngờ chiến lược. Ðiều nghi ngờ nhất cần phải giải tỏa là Việt Nam đang tiến gần hơn về phía Mỹ.
Lúc này, Việt Nam đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và các căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila về khu vực bãi đá san hô Scarborough Shoal vẫn còn nguyên đó.
Quân cảng Cam Ranh rộng lớn gồm cả một phi trường vốn được Hoa Kỳ xây dựng hồi thập niên 60 làm Bộ Chỉ Huy các lực lượng chiến đấu tại Việt Nam. Sau chiến tranh, Việt Nam cho Liên Xô thuê 25 năm. Năm 2002, Nga rút các đơn vị hải quân đồn trú tại đây về nước vì không muốn trả cái giá thuê $200 triệu/năm.
Giữa nhiều đồn đoán, Hà Nội từng phải tuyên bố sẽ không cho thuê Cam Ranh nữa, đó là nước nào. Nhưng năm 2010, Hà Nội đã bắn tiếng sẽ mở cửa và cung cấp dịch vụ cho các tàu chiến nước ngoài đến Cam Ranh, kể cả tàu ngầm.
Cũng năm này, bộ trưởng quốc phòng Nga sau khi từ Việt Nam trở về bật mí với báo chí là Việt Nam muốn Nga giúp xây dựng một cơ sở sửa chữa tàu chiến. Hai ngày trước, một số báo loan tin một số tướng lãnh Bộ Quốc Phòng và Hải quân CSVN đã đến Cam Ranh dự lễ khởi công xây dựng nhà máy sửa chữa bảo trì tàu chiến với qui mô lớn nhất Việt Nam, khả năng cung cấp dịch vụ cho các loại tàu có trọng tải lớn.
Không thấy báo chí Việt Nam đưa ra chi tiết tài chính nào cũng như các loại máy móc trang bị cho “Nhà máy X52 Hải quân” khởi công xây dựng ở Cam Ranh. Nhưng tin tức cho biết nhà máy không những phụ trách sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho tàu chiến của Việt Nam mà còn cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho cả tàu chiến nước ngoài.
Từ ba năm nay, tàu tiếp liệu của Hải quân Mỹ USNS Richard E. Byrd đều đến Cam Ranh để bảo trì định kỳ. Theo báo Tuổi Trẻ thuật lời một viên chức cảng vụ Nha Trang cho hay, trong tương lai, “cứ 2-3 tháng thì có một tàu của Hải quân Hoa Kỳ vào sửa chữa ở Cam Ranh”.
Nếu điều này xảy đến, sẽ làm gia tăng mối hoài nghi của Bắc Kinh không ít.
Trong ngày Thứ Bảy 2 tháng 6, Tân Hoa Xã có bài bình luận đe dọa bâng quơ: “Ðừng làm nổi sóng biển Nam Hải”. Bắc Kinh luôn luôn lu loa rằng mình luôn luôn “trước sau như một” đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, đổ tội cho các nước khác kiếm chuyện. Cái ma mãnh của Bắc Kinh là dùng thế kẻ mạnh, cướp lấy của người khác rồi bắt điều đình chia chác quyền lợi theo chiều hướng Bắc Kinh áp đặt.
Cùng với chuyến thăm Cam Ranh của Bộ Trưởng Panetta, những gì được Nghị Sĩ John McCain, thành viên nhiều ảnh hưởng trong Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ, tiết lộ bên lề Diễn Ðàn Shangri-La cũng rất đáng chú ý.
Theo lời ông nói với BBC, Hoa Kỳ đang thương thuyết về bán võ khí sát thương cho Việt Nam với chiều hướng “tích cực”. Theo ông cho biết “Việc (bán võ khí) này phụ thuộc vào loại võ khí gì. Có loại võ khí mà chúng tôi cho rằng Việt Nam không cần thiết phải có”.
Tuy nhiên, một số loại võ khí “có thể đàm phán được” và đang trong quá trình thương thuyết.
Ông nói thêm rằng “Ðây là chủ đề mà chúng tôi cho là hai nước có thể giải quyết một cách tích cực”.
Năm 1994, Hoa Kỳ đã bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam nhưng vẫn giữ lệnh cấm bán các loại võ khí sát thương. Khi đến Việt Nam hồi tháng 1 năm nay, ông McCain từng nói Việt Nam đưa cho Mỹ một danh sách rất dài các loại võ khí muốn mua nhưng trước hết cần cải thiện nhân quyền.
Bây giờ, như tiết lộ của ông về các điều đình bán võ khí, liệu điều kiện nhân quyền còn là một trong những điều kiện thương thuyết hay không?
Các vụ bắt những người bất đồng chính kiến và bỏ tù họ vẫn đang diễn ra tại Việt Nam, các vụ đàn áp tôn giáo, đặc biệt là với người Thượng ở Tây nguyên và người Hmong ở các tỉnh miền núi phía Bắc, không có dấu hiệu giảm bớt. (T.N.)
Không có nhận xét nào: