Người đàn bà khiển trách giáo chủ là… “mục tử mù” - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
14 tháng 6, 2012

Người đàn bà khiển trách giáo chủ là… “mục tử mù”

NVCL - Trong phạm vi một bài viết ngắn, với nhiều mặt phiến diện do kiến thức và tầm nhìn còn non cạn, chúng tôi chỉ có thể nêu lên vài nét sơ lược liên quan tới nỗ lực của vị nữ thánh trong cuộc vận động của ngài nhằm đưa Giáo Hội thoát khỏi cơn khủng hoảng lớn: Một Giáo Hội, hai giáo đô – Rôma ở Ý và Avignon ở Pháp. Một việc làm mà ngay từ đầu không ít người đã cho là “công dã tràng”, thậm chí lên án đó là một việc làm cao ngạo của dạng đàn bà “trẻ người non dạ”, dám kiêu căng “chỏ mỏ” bằng giọng hỗn láo vào quyền bính tối cao của Hội Thánh Chúa nơi trần gian!

Thánh nữ Catarina thành Siêna (1347–1380)

Hồi tháng 10 năm 2010, trên Nữ Vương Công Lý chúng tôi đã giới thiệu bài viết về “người đàn bà nổi loạn có tên Jeanne Miller”.

Một nữ lưu khác ở thế kỷ 14 cũng đã cả gan xen vào việc của thẩm quyền cao nhất trong Giáo Hội, nhưng lại đạt một kết quả khác, khiến vị nữ lưu ấy được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh và tôn vinh ngài là Thánh Tiến sĩ Hội Thánh. Đó là Thánh nữ Catarina thành Siêna.

Thánh nữ Catarina thành Siêna
(1347–1380)
Đến hàng pho sách viết về vị thánh này cũng chưa đủ lột tả trọn vẹn đời sống tâm linh, việc làm cùng các các tác phẩm thần học sâu sắc của ngài (dù ngài dốt chữ).

Trong phạm vi một bài viết ngắn, với nhiều mặt phiến diện do kiến thức và tầm nhìn còn non cạn, chúng tôi chỉ có thể nêu lên vài nét sơ lược liên quan tới nỗ lực của vị nữ thánh trong cuộc vận động của ngài nhằm đưa Giáo Hội thoát khỏi cơn khủng hoảng lớn: Một Giáo Hội, hai giáo đô – Rôma ở Ý và Avignon ở Pháp. Một việc làm mà ngay từ đầu không ít người đã cho là “công dã tràng”, thậm chí lên án đó là một việc làm cao ngạo của dạng đàn bà “trẻ người non dạ”, dám kiêu căng “chỏ mỏ” bằng giọng hỗn láo vào quyền bính tối cao của Hội Thánh Chúa nơi trần gian!

Giáo đô Avignon, Pháp: Trung tâm của quyền lực ma vương, sa đọa và thối nát

Đầu thế kỷ 14, Đức Giáo hoàng Bônifaciô VIII chống lại việc vua Philip IV nước Pháp đang thống lãnh đất Ý ngang nhiên xâm phạm đến tài sản và quyền tư do sinh hoạt tôn giáo của Giáo Hội Công Giáo. Để giải quyết cuộc xung đột, năm 1303, vua Philip mang quân đến Rôma vây bắt vị Giáo hoàng 86 tuổi này và ra lệnh bỏ tù ngài. Giáo dân ở Rôma và khắp nước Ý chuẩn bị giải vây ngài thì vị giáo chủ đột tử trong nhà tù chỉ sau một tháng bị giam giữ. Đấng kế vị là Đức Bênêđictô XI lên ngôi chỉ được 8 tháng cũng từ trần.

Vua nước Pháp bấy giờ đang thống lãnh cả nước Ý bèn âm mưu lèo lái cho một Hồng y người Pháp được bầu chọn lên ngai Giáo hoàng vào năm 1309. Đó là Giáo hoàng Clément V. Nại cớ dân Rôma kỳ thị và thù hận người Pháp, Giáo hoàng Clément quyết định dời ngai toà giáo hoàng về Pháp, chọn thành phố Avignon thơ mộng ở cửa sông Rhône làm tân giáo đô. Giáo Hội bị chia rẻ trầm trọng trước sự kiện một Giáo Hội, hai giáo đô – Rôma và Avignon!

Clément V cùng 5 giáo hoàng kế vị sau đó ra sức tóm thu quyền lực, tiền bạc và tài sản của Giáo Hội cho các nhu cầu lợi ích riêng tư: Từ việc điều hành mục vụ cho tới các việc ban phát ân xá cùng ân thưởng đều bị lạm dụng triệt để.

Ở Avignon gì cũng tiền. Số tiền thu tém mỗi ngày mỗi lớn để dùng vào việc xây cất những dinh thự nguy nga và kiên cố cho “Tòa Thánh” Avignon. Đồng tiền bất chính cũng được sử dụng để chiêu mộ và nuôi dưỡng một đạo quân hùng hậu phục vụ giáo triều. Các việc mua quan bán chức và buôn thần bán thánh diễn ra công khai ồn ào ở cả Avignon lẫn trên nhiều lãnh thổ khác khắp Âu châu. Các chức linh mục và giám mục được trao ban cho những người có tiền hơn là cho những kẻ có đức, có tài. Tình hình bi đát như vậy kéo dài gần một thế kỷ chẳng ai có thể lung lay hay thay đổi được, đến nỗi có người nghĩ là Giáo Hội ngày càng tiến tới bờ vực thẳm của diệt vong, nếu không có một phép lạ từ trời.

Hiện tượng Catarina

Bất ngờ, một phụ nữ xuất hiện đảo ngược thế cờ một cách ngoạn mục. Người phụ nữ ấy có tên là Catarina, sinh năm 1347 tại thành Siêna, nước Ý nên gọi là Catarina thành Siêna.

Vừa có trí khôn, Catarina đã tự sống cô lập trong phòng mình một thời gian dài chỉ để chuyên tâm cầu nguyện. Khi lên 12 tuổi, cha mẹ em lo lắng vì sự bất thường của con gái mình. Ông bà bảo con hãy ra bên ngoài tiếp xúc với thiên hạ hầu có thể tính tới việc lập gia thất. Nhưng Catarina từ chối và quả quyết mình đã “kết nghĩa” với Chúa Giêsu rồi, không thiết gì cuộc sống trần gian.

Sau đó, Catarina gia nhập Dòng Ba Đa Minh. Đây là nhóm các thiếu nữ cùng các quả phụ đạo đức không buộc sống nghiêm nhặt trong nhà Dòng như các tu sĩ bậc nhất và bậc nhì, mà chỉ tự nguyện tuyên khấn sống độc thân ngoài đời để thờ phượng Chúa và làm việc bác ái cho người cùng khổ, kẻ yếu đuối hay bệnh hoạn.

Lên 20 tuổi, Catarina thị kiến Chúa Giêsu đến bảo Chị hãy dấn thân hoạt động ra rộng hơn ở thế giới bên ngoài. Chị nghe theo tiếng Chúa, đến khắp hang cùng ngõ hẻm, viếng thăm giúp đỡ người yếu bệnh, ủi an những kẻ tuyệt vọng, hàn gắn những người mâu thuẫn với nhau, hoán cải các tâm hồn tội lỗi. Đặc biệt trong trận Đại Dịch Hạch ở châu Âu giết chết nhiều người, Catarina không sợ chết, lao mình vào các nơi dịch hạch hoành hành để cứu giúp các nạn nhân.

Catarina nhìn về Avignon 

Năm 1374, lên 27 tuổi, Catarina lại cảm nhận tiếng gọi của Chúa Giêsu thôi thúc Chị thực hiện một sứ mạng khác cao cả hơn, cấp bách hơn, cam go hơn: Đi vào thế giới rộng lớn của Giáo Hội cũng như của các quốc gia… để tác động đến sự hiệp nhất, thánh thiện và tông truyền của Hội Thánh.

Catarina hăm hở lên đường, rảo bước khắp nơi, từ Florence tới Pisa, thẳng tiến về Rôma. Chị trực tiếp gặp gỡ trao đổi với các giới chức cao cấp đạo-đời kể cả các Giáo hoàng để nói thẳng với các vị ấy về trách nhiệm phải đổi thay bộ mặt của Giáo Hội. Trong nhiều trường hợp, Catarina đã dùng tới thư tín để trình bày đầy đủ và rõ ràng và khúc chiết hơn những điều Chị muốn nói. Chị không thông chữ nghĩa. Nhưng điều đó không hề là trở ngại đối với Chị. Chị đọc lên ý tưởng của Chị cho các chị em của Chị viết ra.

Catarina đặc biệt chú nhấn mạnh tới ýtưởng “Rôma, chứ không phải Avignon, là giáo đô của Hội Thánh”. Chị dám cả quyết, Avignon không hề là thủ đô của Giáo Hội. Nó chỉ là nơi hội tụ của mọi thứ tội lỗi, dung túng sự chia rẽ và thù hận trong Giáo Hội.

Cảnh cáo “Mục tử đui mù”

Chị Catarina gửi nhiều thư cho Giáo hoàng Grêgôriô XI ở Avignon, trong đó có một bức thư Chị nói thẳng với Giáo chủ: “Người nào yêu mình, dù là giới chức cao cấp trong giáo quyền hay kẻ thuộc cấp, người ấy chỉ có thể làm điều xấu xa mà thôi, và mọi nhân đức nơi họ đều bị bóp chết. Những người như vậy chẳng khác gì người đàn bà sinh ra những đứa con chết từ trong bụng mẹ”. 

Chị Catarina lại viết: “Kính thưa Đức Thánh Cha! Thật là khốn! Thật là khốn… Chính vì Avignon mà hàng thuộc cấp của Đức Thánh Cha trở nên nhũng nhiễu thối nát đắm chìm trong bất công và bất chính… Kẻ bệnh hoạn không nhận ra căn bệnh của mình đích thị là kẻ mù lòa! Cũng vậy, vị mục tử lẽ ra phải là thầy thuốc chữa bệnh mà lại không dám dùng tới con dao của công lý hay ngọn lửa của tình yêu chân thật, vì mục tử ấy thật là kẻ đui mù.” (Trích dẫn bởi Johannes Jorgensen, Thánh Catarina thành Siêna. Ingeborg Lund. New York: Longmans, Green & Co, 1938, trang 214-215).

Trong một thư khác gửi lên vị giáo chủ ở Avignon, Catarina thành Siêna lại nhấn mạnh trách nhiệm của Đấng cầm đầu Hội Thánh là phải “canh tân Giáo Hội, phải nhổ tận gốc các loài cỏ dại, nghĩa là hãy loại trừ hết thảy các quan chức đang đầu độc và gây thối trong vườn hoa Hội Thánh, hãy vất hết thảy những thứ cỏ vô dụng và tai hại ấy ra ngoài.” (Nguồn trích dẫn như trên).

Trong quyển “Lịch sử Giáo Hội Công giáo qua 100 trình thuật”, Josef Holzer, nhà sử học nổi tiếng người Đức đã ghi lại một đoạn thư của Thánh Catarina thành Siêna gửi cho Giáo hoàng Grêgôriô XI ở Avignon như sau: “Ngài… phải nhổ hết hoa hôi trong vườn thánh Giáo Hội, những thứ hoa bẩn thỉu, hám của, kiêu căng; nghĩa là những chủ chăn chuyên rải độc và làm rữa nát khu vườn. Tống cổ họ đi, để họ không còn sai khiến chúng con. Và hãy buộc họ ăn năn trở về đường ngay nẻo chính. Thật xấu hổ khi thấy những kẻ, đáng lẽ phải là những tấm gương khó nghèo và chia sẻ của cải Giáo Hội cho người nghèo, thì lại sống trong đua tranh hưởng thụ và xa hoa. Họ không biết mắc cỡ với cuộc sống đạo hạnh của nhiều giáo dân…”[1]

Thuyết phục, thuyết phục và thuyết phục… 

Thúc giục vị Giáo hoàng ở Avignon hãy nhanh chóng trở về Rôma, Chị Catarina lại viết: “Tâu Đức Thánh Cha! Đức Thánh Cha hãy chỗi dậy! Xin hãy là bậc nam nhi (Be man). Đừng chần chờ gì nữa! Con dám cả quyết, nếu Đức Thánh Cha biết được các nhu cầu của Hội Thánh, Đức Thánh Cha sẽ thực hiện ngay điều này [là rời bỏ Avignon] chẳng ngần ngại hay sợ hãi gì cả.Linh hồn nào còn sợ loài người thì chẳng bao giờ hoàn thành được điều gì, ở đâu cũng chuốc lấy thảm bại và chẳng bao giờ chu toàn được việc gì… Con khẩn khoản xin Đức Thánh Cha! Con van nài Đức Thánh Cha!” (Johannes Jorgensen, Thánh Catarina thành Siêna. Ingeborg Lund. New York: Longmans, Green & Co, 1938, trang 214-215).

Đức Giáo hoàng Grêgôriô XI ở Avignon trong nhiều năm đã tiếp nhận đều đều những bức thư như vậy của Chị Catarina thành Siêna. Vị giáo chủ có nghĩ tới việc dời giáo đô về Rôma, nhưng không bao giờ dám thực hiện việc ấy. Chị Catarina thì lại nóng lòng mong sao điều sở cầu của Chị và cũng là ý Chúa nhanh chóng được thể hiện. Thế nên, Chị khẩn khoản xin Đức Grêgôriô XI cho Chị cơ hội triều yết Giáo chủ ngay tại giáo triều Avignon.

Trực diện đối thoại với giáo chủ 

Cuộc triều yết của người phụ nữ Ý với vị Giáo hoàng người Pháp được chấp thuận và diễn ra ngày 20/6/1376 tại cung điện Avignon tráng lệ. Đức Grêgôriô XI ngự uy nghi trên tòa với phẩm phục Giáo hoàng. Chị Catarina thì mặc áo Dòng Ba Đa Minh đứng dưới chân ngài. Cha Raymond thành Capua, linh hướng của Chị, làm thông ngôn.

Cuộc đối thoại không được ghi lại nguyên văn và đầy đủ, nhưng ý chính của “sứ điệp” Chị Catarina dâng lên ĐGH có thể tóm tắt như sau:

+ Đức Giáo hoàng phải lập tức tiến hành chương trình canh tân Giáo Hội bằng cách tuyển mộ đúng đắn và nghiêm chỉnh những vị giám mục và linh mục có đức, có tài thật sự.

+ Vị giáo chủ phải làm hòa với nước Ý không phải bằng hành động vấy máu mà với lòng thương xót và sự tha thứ.

+ Giáo hoàng phải trở về Rôma không phải với một đám binh lính hộ tống mà là với Thánh giá trên tay.

Chị Catarina kết thúc cuộc triều yết bằng lời khẩn khoản: “Thiên Chúa là Đấng rất Lòng Lành đang sẵn sàng biến đổi bầy sói thành đàn chiên, và đàn chiên ấy sẽ được đưa đến phủ phục dưới chân Đức Thánh Cha… Chúc bình an cho ĐTC vì tình yêu Chúa.” 

Không rõ Đức Giáo hoàng Đức Grêgôriô XI đã phản ứng như thế nào. Nhưng theo ghi nhận của một số chuyên gia giáo sử, vị giáo hoàng bị đánh động bởi “ngọn sáng đạo đức” từ Catarina tỏa ra cũng những bởi những lời lẽ đầy tính thuyết phục của Chị. Tuy nhiên, vị Giáo hoàng đã chẳng đưa ra một lời hứa hẹn gì với Chị Catarina.

Thế lực ngăn chặn đường về Rôma 

Cuộc gặp gỡ và đối thoại ngày 20/6/1376 không ngừng ám ảnh vị Giáo Chủ. Phải chăng đây là Thánh ý Chúa? Hay là ý đồ của một nhóm người Ý có manh tâm gì?

Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, Đức Grêgôriô không thể cưỡng lại tiếng giục từ cõi lòng thâm sâu của mình. Ngài đồng ý dời đô trở về Rôma. Nhưng đám quần thần ở Avignon nhao nhao phản đối. Tại sao lại từ bỏ sự an bình ở Avignon để lao đầu vào hang ổ của tranh chấp và chiến tranh? Tại sao từ bỏ người Pháp đang ủng hộ và đứng về phía mình để chạy theo những kẻ chống lại nước Pháp, thù ghét người Pháp? Một Avignon lâu đài tráng lệ kỳ vĩ như vậy tự nhiên lại bỏ thành hoang phế được sao? Lẽ nào? Lẽ nào?

Nghe những phản ứng đại loại như trên, Catarina gửi thư tới tấp cho Đức Grêgôriô XI, trong đó có một bức thư Chị nêu rõ: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, con xin thưa thẳng với Đức Thánh Cha rằng ĐTC chẳng có gì phải sợ cả. Đức Thánh Cha hãy vùng lên! Hãy là một đấng nam nhi (be a man). Và nếu ai đó còn có ý cản trở ĐTC, xin ĐTC hãy nói với họ giống như Chúa Giêsu Kitô đã nói với Phêrô: ‘Satan, hãy cút khỏi Ta!’” 

Các Hồng y Giáo triều Avignon dọa sẽ nổi loạn, trong khi một vị Tu sĩ nổi danh “đạo đức” của Dòng Phanxicô thì cảnh báo vị Giáo hoàng rằng “đang có một âm mưu sắp sẵn tại Rôma nhằm đầu độc ngài ngay khi ngài về tới Rôma”. Catarina phản công, cho rằng vị tu sĩ Dòng Phanxicô bị quỷ nhập xúi giục nói năng hồ đồ. Theo Chị, “ở Avignon cũng đầy dẫy độc dược như ở Rôma thôi. Ở đâu trên thế gian này chẳng có độc dược và chuyện đầu độc giết người!”

Chấm dứt cuộc lưu đày

Ba tháng sau cuộc đàm đạo giữa ĐGH Grêgôriô XI và Chị Catarina thành Siêna, vị giáo hoàng tự đấu tranh với chính mình. Ngài không muốn mình là mục tử mù, mục tử điếc, mục tử câm.Ngài tuyên bố quyết định lên đường! Ngài cùng nhóm tùy tùng nhỏ thân tín của mình lên tàu vượt biển Địa Trung Hải hướng về đất Ý.

Năm 1377, Đức Grêgôriô tới Rôma, chính thức và vĩnh viễn kết thúc cuộc lưu đày của Hội Thánh trên “nơi lưu đày Babylon thứ hai” đầy thương đau và ô nhục.

Catarina thành Siêna còn sống thêm 3 năm nữa để tiếp tục giúp giải quyết một số những bất ổn trong nội bộ Giáo triều Rôma. Ngày 29 Tháng Tư 1380, Chị Catarina lìa đời ngay tại Rôma lúc Chị vừa tròn 33 tuổi.

Đời sống của thánh nhân, các việc làm và cả các tác phẩm của ngài là chứng từ xác thực về lòng đạo đức cũng như kiến thức thần học thâm sâu của Chị để Giáo Hội xét tuyên thánh cho ngài. Chẳng những thế, năm 1970 Thánh Catarina thành Siêna còn được ĐGH Phaolô VI tôn vinh là Tiến sĩ Hội Thánh.

Tiếng kêu và sự đáp trả: Bài học ứng xử 

Kỳ diệu thay hiệu quả của tiếng kêu từ một giáo dân bình thường, một phụ nữ trình độ học thức không cao – Catarina thành Siêna!

Bị quyến rũ bởi tiền tài và danh vọng, người ta dễ coi thường và thậm chí coi khinh những kẻ thấp bé mọn hèn, trong khi người ta lại có thói quen cầu cạnh sự “đối thoại” từ phía quyền lực “ma vương” dù quyền lực ấy chẳng thèm đếm xỉa tới sự hạ mình “xin ơn” hèn hạ ấy.

Ở đây, ta thấy Đức Giáo hoàng Grêgôriô XI, vị giáo chủ ở Avignon, thay vì kết án, luận tội, đã sẵn sàng tiếp đón đối thoại với Catarina, kẻ “nữ nhi thường tình”

Có lẽ vị giáo hoàng chỉ muốn xem cái người đàn bà giai cấp tiện dân kia thuộc dạng người nào mà cả gan lên tiếng thách thức “đấng thay mặt Chúa ở trần gian” qua những bức thư đầy giọng khiêu khích, bây giờ còn đòi trực diện với giao chủ.

Không ngờ cuối cùng, vị giáo chủ đã bị khuất phục, chấp nhận từ bỏ “chốn lưu đày Babylon” đầy bả vinh hoa, chấp nhận bỏ lại đằng sau hào quang của cạm bẫy mà các tiền nhiệm ngài đã ra sức tô điểm … Ngài dũng cảm lên đường trở về với nơi đã từng thấm máu tử đạo của hai vị Thánh đứng đầu Giáo Hội sơ khai – Thánh Phêrô và Thánh Phaolô!

Nếu Đức Grêgôriô XI cứ thích chễm chệ trên ngai vàng và đắm mình trong hào nhoáng của vinh hoa phú quý với danh nghĩa “đấng thay mặt Chúa ở trần gian” chẳng phải nghe ai “dạy dỗ”…, nếu vị giáo chủ sợ bị “đầu độc” không dám làm một cuộc “trở về”…, nếu “đấng cầm đầu Hội Thánh” nghe theo nhóm quần thần “bênh cha bênh Chúa”, nhất định không rời bỏ Avignon…, có lẽ Giáo Hội Công giáo đã rơi vào một ngã rẽ hết thuốc trị từ lâu, ngã rẽ dẫn tới con đường diệt vong!!!

Ước gì tiếng kêu của Thánh Catarina tiếp tục vang vọng, đánh thức hết thảy chúng ta, mở mắt, mở miệng, mở tai mọi người chúng ta để không còn ai “mù lòa” hay “câm điếc” cam chịu “kiếp lưu đày tân thời” trong sự kìm kẹp của bạo quyền bạo lực vô thần đàn áp tôn giáo cực kỳ hiểm độc và đầy dối trá, trong khi chính cái chủ nghĩa vô thần coi tôn giáo là “thuốc phiện mê dân” đã bị đập tan từ hơn một thập niên qua, không phải bởi “thế lực thù địch” nào cả, mà bởi những tầng lớp bị Cộng sản đè nén, kìm kẹp, áp chế và đầu độc!

Ước gì tiếng nói đúng đắn, chân thành và xây dựng của những con cái có lòng với Giáo Hội, đặc biệt với Giáo Hội Việt Nam thân yêu được lắng nghe, được đón nhận và đáp ứng, ít ra trong một chừng mực nào đó hầu xoa dịu những con chiên đang bị kẻ thù hãm hại, như gây thương tích cho Cha Nguyễn Đình Phú và Cha Nguyễn Thế Bính (Gx Tam Tòa, năm 2009), Cha Nguyễn Quang Hòa (Kontum, 2012), Cha Nguyễn Văn Bình (Hà Nội, 2012); hoặc đày đọa trong chốn lao tù như với ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Linh mục Nguyễn Văn Lý; hay cả sát hại như với giáo dân Nguyễn Thành Năm, Cồn Dầu (2010), hoặc âm mưu hãm hại đến chết như với Đức TGM Phipphê Nguyễn Kim Điền.

Lê Thiên


[1] Josef Holzer. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Qua 100 Trnìh Thuật. Trình thuật thứ 49. Do Đinh Phan Cư – Phạm Hồng Lam chuyển ngữ.
Người đàn bà khiển trách giáo chủ là… “mục tử mù” Reviewed by Em Binh on 6/14/2012 Rating: 5 NVCL - Trong phạm vi một bài viết ngắn, với nhiều mặt phiến diện do kiến thức và tầm nhìn còn non cạn, chúng tôi chỉ có thể nêu lên vài ...

Không có nhận xét nào: