Ngày 19 tháng 6 năm 2012
Kính gửi: Dân Làm Báo
Đề nghị Dân Làm Báo giúp tôi đăng tải bức thư dưới đây để làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến phong trào Con Đường Việt Nam.
Xin cảm ơn và kính chào Dân Làm Báo.
Trần Văn Huỳnh
Địa chỉ: 439F8 Phan văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0903350117
*
Như một nhân duyên mà cả ba người khởi xướng Phong trào Con đường Việt Nam tôi đều có quan hệ và biết rất rõ về họ.
Người đầu tiên là Trần Huỳnh Duy Thức, con trai tôi.
Người thứ hai là Lê Thăng Long, vừa là bạn thân từ hồi học đại học của Thức vừa là đồng nghiệp với tôi trong gần 10 năm khi tôi làm cộng tác viên dịch thuật cho công ty mà Long điều hành.
Người thứ ba là Lê Công Định, cựu học sinh trường Phổ thông trung học Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh) – nơi tôi đã dạy học gần 10 năm, dù không trực tiếp học lớp tôi dạy nhưng Định vẫn gọi tôi là thầy.
Trong quãng thời gian mấy thập kỷ làm cha, làm thầy và làm đồng nghiệp tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc và tự hào như lúc này.
Dù sẽ còn nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Phong trào Con đường Việt Nam sẽ thành công, đạt được mục tiêu tối thượng của phong trào là: "Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam".
Nói thật, tôi là người rất dè dặt, thỉnh thoảng còn bị cho là bảo thủ nhưng ngay từ lần đầu tiên đọc được mục tiêu, cương lĩnh, phương pháp, tổ chức, lời kêu gọi... của phong trào này trong tôi đã dâng lên một cảm xúc rất đặc biệt.
Nó nhanh chóng biến thành một niềm tin mạnh mẽ vào tính khoa học, tính quy luật và sự chính nghĩa cũng như sự hợp lòng dân của phong trào.
Có lẽ ngoài những người khởi xướng, tôi là người đầu tiên đọc được các tài liệu nói trên trong các files Con đường Việt Nam Thức để lại mà gia đình tìm thấy từ hơn một năm về trước.
Chính các tài liệu này đã làm cho tôi ý thức rõ về quyền con người – quyền công dân của mình mà tôi đã bị đánh mất trong suốt bao nhiêu năm dài. Các tài liệu này cũng cung cấp cho tôi những kiến thức pháp lý trong nước và quốc tế cũng như những lý luận cần thiết để tôi tranh đấu bảo vệ công lý cho con mình cũng như cho những người bạn đồng cảnh ngộ với Thức.
Cuộc đấu tranh này đang dẫn đến một bước tiến rất quan trọng. Những nhóm vận động ủng hộ cho nó đã rất ngạc nhiên vì những kiến thức nói trên của tôi.
Vì vậy mà tôi đã rất muốn phổ biến các tài liệu của Con đường Việt Nam cho công chúng.
Nhưng tôi nghĩ tài liệu của phong trào thì chỉ những người đủ tư cách mới có thể công bố nên tôi đã chỉ giới thiệu một phần của quyển sách Con đường Việt Nam. Giờ thì các tài liệu của Phong trào Con đường Việt Nam đã được anh Lê Thăng Long công bố rộng rãi, đúng như ý nguyện của Thức.
Nhớ lại hồi tháng 05 năm 2010, sau phiên tòa phúc thẩm gia đình đi thăm Thức. Tôi có cố gắng động viên Thức vì bản án quá nặng mà bạn bè thì đều được giảm nhẹ. Nhưng tôi không bao giờ quên được ánh mắt tự tin rạng ngời và nụ cười rạng rỡ của Thức vào lúc đó khi nói rằng: "Cả nhà đừng quá lo cho con. Cũng phải có người hy sinh để có thể tiếp tục Con đường con đi".
Giờ tôi đã hiểu rằng sự hy sinh đó không chỉ là phải chấp nhận bản án nặng nề để bảo vệ chính nghĩa mà còn là phải chịu đựng "nhận tội" để có thể về sớm mà tiếp tục sự nghiệp chính nghĩa đó.
Tôi rất hiểu Thức, Long, Định những người không bao giờ biết sống cúi đầu khuất phục để cầu danh lộc mà phải "nhận tội" cho việc làm chính đáng của mình thì không còn gì có thể khủng khiếp hơn như vậy. Chỉ với những tấm lòng trong sáng và ý chí phi thường vì mục đích cao cả, tôi nghĩ, mới giúp họ có động lực và nghị lực để vượt qua được điều khủng khiếp đó.
Không chỉ có vậy.
Họ không những chỉ bỗng dưng mất tất cả thành quả kinh tế gần 20 năm mà họ gầy dựng bằng tài năng và trí tuệ đáng tự hào của mình, mà còn phải đau xót vô cùng vì không làm tròn chữ Hiếu.
Tôi đến thăm Long cách đây vài hôm, mẹ Long bị ung thư nặng đã ở vào giai đoạn cuối nên chỉ mong Long sống yên ổn với gia đình để chăm sóc mẹ già và hai đứa con còn thơ mới 6 và 9 tuổi.
Tôi cũng nghe nói mẹ Định đã bệnh và yếu đi rất nhiều từ khi Định vào tù.
Còn mẹ Thức thì đã mãi mãi ra đi vào tháng 11 năm ngoái mà không được gặp lại đứa con trưởng nam thương yêu nhất của mình.
Hôm rồi Long kể Thức đã khóc đến cạn kiệt khi nghe tin mẹ mất. Trước đây chưa ai từng thấy Thức khóc bao giờ. Thế nhưng trong bài thơ tế mẹ Thức đã viết:
…Má ơi đạo nghĩa công bằng
Con vì chữ ấy đạp bằng gian lao…
…Má ơi con đã chơi vơi
Nghe tin má đã xa rời trần gian
Má ơi con đã vững vàng
An lòng má nhé Niết bàn thênh thang.
Vâng, công bằng về quyền cho mọi người dân Việt Nam là mục đích cao cả mà Thức, Long, Định đã chấp nhận hy sinh quá lớn để tranh đấu, thể hiện qua mục tiêu tối thượng của Phong trào Con đường Việt Nam: "Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước này". Hơn thế nữa, các anh ấy hoàn toàn có đủ tư cách để nói và đấu tranh cho công bằng, cho công lý.
Rất nhiều người đã biết về câu chuyện họ cùng nhau bảo vệ lẽ phải, bảo vệ khách hàng điện thoại internet của công ty OCI hồi năm 2003. Nhưng câu chuyện sau đây thì chưa nhiều người biết và chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì nó.
Ngay sau khi Thức, Long, Định bị bắt, hai công ty EIS và OCI mà Thức và Long điều hành bị "bất ngờ" thanh tra thuế. Việc thanh tra đó diễn ra trong bối cảnh họ vừa bị khởi tố về tội an ninh quốc gia trong một vụ án rình rang nhất vào lúc đó nên nó đã rất gắt gao. Thế vậy mà sau 03 tháng lục tung mọi ngõ ngách, thanh tra thuế đã không tìm thấy bất kỳ chứng cớ nào để kết luận hai công ty trên trốn thuế. Nhiều luật sư và những người am hiểu biết sự việc này đã lắc đầu sửng sốt "không thể tin được dù đó là sự thật". Họ nói với môi trường kinh doanh như Việt Nam thì quét nhà kiểu gì chẳng ra rác, ấy vậy mà có hai công ty như thế, chẳng khác nào chuyện thần kỳ.
Sau 03 năm lao tù, trở về nhà chưa một ngày ngơi nghĩ Long đã tiếp tục dấn thân ngay vào con đường mà mình và bạn bè còn đang dang dở dù biết thử thách hiểm nguy luôn chờ phía trước.
Trong suốt nhiều năm làm việc với Thức, Định, Long tôi nhận thấy họ là những người làm việc tranh thủ từng giờ, từng ngày để luôn nắm được thời cơ khi nó đến. Hôm rồi tôi có hỏi Long rằng có phải vì thời cơ mà cháu phải làm mọi cách để về sớm phải không. Long cười và chỉ nói rằng: "Bác luôn hiểu tụi cháu mà".
Tôi càng khâm phục Long khi được đài BBC hỏi chỉ trả lời về việc mình đã "nhận tội" nên được giảm 06 tháng tù mà không kèm theo bất kỳ lời giải thích, thanh minh nào cả. Chỉ có những người có tấm lòng và mục đích rất trong sáng mới có thể vững chải như vậy. Và tôi cũng tin rằng hầu hết mọi người đều hiểu và sẽ thấu hiểu tấm lòng và sự hy sinh của Long.
Thật sự là tôi không thể hiểu được khi đọc các ý kiến cho rằng việc Long vừa làm là "chim mồi" là "cạm bẫy". Tôi cũng là người được mời tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam. Thư mời nói rất rõ ràng việc tham gia có thể dẫn đến những nguy hiểm rủi ro. Nội dung chung của thư mời này sau đó cũng được đăng tải rộng rãi mà ai cũng có thể đọc. Chẳng hề có một lời lẽ ngon ngọt hoặc gây ảo giác về sự an toàn nào để mồi, để bẫy gì cả. Nó chỉ thể hiện sự tự tin và tinh thần sẵn sàng dấn thân của người khởi xướng để động viên mọi người vượt qua sự sợ hãi. Tôi đã cảm thấy rất vinh dự nhận được một lời mời như vậy vì thấy rằng mình vẫn còn được nhìn nhận là có khả năng để đóng góp cho những việc có ích cho đất nước. Và với tôi, chẳng đòi hỏi ai muốn mời mình làm gì mà phải hỏi ý kiến trước cả. Việc mời đã là một sự hỏi ý kiến rồi.
Gặp Long vừa rồi, tôi cũng thử hỏi là vai trò của Thức trong Phong trào sẽ như thế nào. Long nói rằng: "Điều này cả anh Thức và cháu đều có chung quan điểm rất rõ là Ban quản trị phải là những người có điều kiện thực tế để điều hành hoạt động của Phong trào. Do vậy anh Thức hiện nay và cả cháu sắp tới nếu cháu bị quay lại nhà tù, cũng chỉ là những người khởi xướng mà không có vai trò hay quyền hạn gì đặc biệt trong việc điều hành hoạt động Phong trào. Ngay cả sau này, khi bầu ra Ban quản trị chính thức mà cháu không được trúng cử thì cháu cũng sẽ vui vẻ giữ vai trò không điều hành. Đây là Phong trào của mọi người chứ chẳng phải của riêng ai cả. Cháu chỉ tạm giữ quyền trưởng Ban quản trị đến khi nào Ban quản trị chính thức bầu nên người mới". Tôi đọc trong Qui chế quản trị điều hành của Phong trào cũng thể hiện như vậy.
Thật đáng trân trọng và tự hào về suy nghĩ của họ.
Trước khi kết thúc bức thư này, tôi muốn khẳng định với công chúng rằng, qua những tài liệu mà Thức đã để lại thì Phong trào Con đường Việt Nam đã được chuẩn bị từ đầu năm 2009 bởi Thức, Long, Định.
Nội dung của các tài liệu này hầu hết phù hợp với những nội dung tương ứng mà anh Lê Thăng Long vừa công bố sau khi chỉnh sửa và bổ sung theo cập nhật thời điểm hiện nay. Và Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định đúng là ba người khởi xướng của Phong trào Con đường Việt Nam – điều này thể hiện rõ trong các files tài liệu mà tôi có.
Nhưng tôi thấy có một cách, một cách rất hiệu quả và chúng ta chẳng cần lệ thuộc vào ai cả để tự đánh giá được về phong trào này. Đó là hãy đọc, đọc kỹ những tài liệu trên blog của phong trào thì tự nhiên chúng ta sẽ sáng tỏ mọi chuyện đang bàn cãi rất nhiều trước công luận. Khi chúng ta đi sâu vào bản chất của một cái gì đó thông qua hiểu rõ nội dung của nó thì tự nhiên mọi cái hình thức của nó đều rất rõ ràng.
Tôi có một niềm tin to lớn vào sự lớn mạnh và thành công của phong trào này. Hiện nay tôi chưa xác nhận tham gia sáng lập phong trào vì một lý do duy nhất là tôi muốn đảm bảo rằng việc tham gia này không tạo ra xung đột lợi ích và tính vô tư của tư cách một người cha sẽ theo đuổi đòi lại công lý cho con mình đến cùng.
Cuối cùng, tôi xin được nói vài lời với những người khởi xướng Phong trào Con đường Việt Nam trước công chúng:
"Tôi rất tự hào về Thức, con trai mình và tin chắc rằng Thức sẽ hoàn thành được sứ mạng cao cả của mình.
Long, bác rất cảm phục ý chí, nghị lực phi thường của cháu và tin tưởng sâu sắc vào sự thành công của sự nghiệp cao cả mà cháu đã gây dựng.
Và mong rằng người nhà của Định chuyển lời đến Định rằng tôi rất lấy làm vinh dự được một người như Định gọi bằng thầy và tràn đầy niềm tin vào những gì Định đã phải hy sinh để tạo ra Con đường Việt Nam."
Xin chào trân trọng quý công chúng.
Ngày 19/06/2012
Không có nhận xét nào: