Trách nhiệm người tín hữu chúa Kito trong chính trị (5 b) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 6, 2012

Trách nhiệm người tín hữu chúa Kito trong chính trị (5 b)

NGUYỄN HỌC TẬPc) Thái độ thành thực có phải là thái độ đủ hiệu lực để tổ chức chính trị ? 

Trái với những gì vừa được đề cập, chúng ta phải công nhận rằng có những khuynh hướng ngưỡng mộ, lưu truyền trong dân chúng, nhưng không mấy khi được bộc lộ nói ra: đó là có những người hành xử thiếu thành thực, nhưng họ vẫn được "sống phây phây", "yên ỗn, vinh thân phì da". 

Song song với tư tưởng vừa kể, chúng ta thường gặp được trong lãnh vực công cộng, nhứt là chính trị, có những người thành thật, nhưng lại là những con người hành xử không có tài năng, thiếu hiệu lực gì. Từ đó thường xảy ra trong dân chúng quan niệm rằng chính trị luôn luôn là "một lãnh vực bẩn thỉu, lường gạt".- điều đó làm cho nhiều người lẫn tránh chính trị - nhưng cũng có không ít người khác có khuynh hướng biện minh cho cách hành động không chính đáng của chính trị. 

Thường chúng ta có cảm tưởng rằng các lời tố cáo vô luân lý (có thật hay phỏng đoán) của một vài thái độ chính trị là thái độ hành xử không hiệu năng, bởi đó có thể biện chứng cho một số phương thức mà trong các lãnh vực khác bị coi là vô luân, như là láo khoét, lường gạt, mạ lỵ..., như võ khí để đánh bật ra bên lề phe đối lập: 

- "Ngày nay chúng ta đang đứng trước một khuynh hướng rộng rãi phổ quát. ở tầm mức toàn cầu cũng như lục điạ, nhằm xoá bỏ đi lương tâm con người, lương tâm cá nhân và tập thể. Các xã hội tân tiến là những xã hội của công trình học hỏi nghiên cứu "một xã hội có hệ thống" có thể làm cho trở thành vô dụng và rổng không các giá trị hay các định chế thuộc về bản thể con người: bởi đó khuynh hướng trên đang tìm cách xây dựng một "hệ thống xã hội" có thể là cho con người tiến bước, không cần phải có những lựa chọn luân lý, tức là chọn lựa giữa điều thiện hay điều ác" (P. Donati, Pensiero sociale cristiano e società postmoderna, AVE, Roma 1997, 325). 

Ngay cả chỉ giới hạn trong nhãn quang hoàn toàn thế tục và vật chất, cần nên lưu ý rằng thái độ vừa kể có khuynh hướng trải rộng ra như vết dầu loan: nơi đâu và lúc nào lan tràn thái độ bất chính, lương lẹo, không thành thật, cũng sẽ kéo theo lan tràn những bất công, thiệt hại cho tất cả. 

Kế đến dưới nhãn quang nhân bản sâu đậm hơn, chúng ta có thể hiểu được dễ dàng 

- các lợi lộc có thể đạt được bằng các đường lối hành xử phi luân là những thiệt hại chưa đáng kể bao nhiêu, 

- sánh với việc vi phạm phẩm giá con người, ngay cả đối với chủ thể hành xử cũng vậy. 

Socrate đã cho biết rằng người lương lẹo đối với công lý còn tệ hại hơn là người bị bốc lột, lường gạt. Bởi vì chính chủ thể đứng ra hành xử lương lẹo, tâm địa của anh ta đã ở tầm hạ đẳng, rách nát, không còn xứng đáng là con người. 

Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội cũng dạy chúng ta như vậy (Gaudium et spes, n. 27). 

Nói tóm lại, sức khoẻ xã hội của một Quốc Gia không bệnh hoạn tùy thuộc vào bản chất luân lý các thành phần của mình: 

- "Quốc Gia và các cách sống của mình tùy thuộc vào bản sắc luân lý các người công dân (...) Ngay cả trong đời sống của các Quốc Gia, sức mạnh và nhược điểm của con người, tội lỗi và ân sủng, có một phần quyết định" (ĐTC Piô XII, Radiomessaggio L'inesauribile mistero, 24.12.1956: AAS 49 (1957) 12-13). 

Trong tác phẩm "Con Người và Quốc Gia" (L'homme et l'État ), Jacques Maritain dành nguyên chương III để nói về vấn đề các phương tiện. 

Sau khi đã đề cập đến các phương tiện chuyên biệt của chính trị, tác giả còn nói thêm: 

- "Sau cùng còn có một loại các phương tiện hoàn toàn khác biệt, mà trên đó, nói thật ra, nền văn minh tây phương của chúng ta không mấy lưu tâm đến, nhưng lại là những loại phương thế cung cấp cho tinh thần con người một lãnh vực khám phá vô biên giới: tôi muốn nói đến các phương thế thiêng liêng được áp dụng có hệ thống vào lãnh vực trần thế, mà giữa các phương thế đó một mẫu gương phi thưòng đã được Satyagraha Ghandi cung cấp cho. Tôi muốn được gọi đó là "các phương thức chiến tranh thiêng liêng" (J. Maritain, L'uomo e lo Stato, Vita e pensiero, Milano 1982, 80). 

Như vậy, ngoài ra các phương thức chính trị, cần phải xử dụng các phương thức sâu thẩm "nhân bản", tức là những phương thức luân lý, như Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội luôn nhắc nhở, mà có lẽ chúng ta nên nhớ một vài đoạn ngắn: 

- "Nếu việc theo đưổi sự phát triển đòi buộc luôn luôn phải có một con số càng lúc càng lớn hơn các chuyên viên, thì chúng ta lại càng cần có hơn nữa những con người có khả năng suy tư sâu đậm, đồng thuận ủng hộ cho việc tìm ra một nền nhân bản mới cho phép con người tân tiến tìm ra được chính mình, bằng cách đảm nhận các giá trị cao cả của tình yêu, của tình thân hữu, của cầu nguyện và suy niệm" (ĐTC Phaolồ VI, Populorum progressio, 26.03.1967, n. 20). 

Cũng vậy Huấn Dụ Libertatis conscientia cũng nói đến: 

- "trước tiên cần kêu gọi đến khả năng thiêng liêng và luân lý của con người và đến việc đòi buộc sám hối nội tâm thường xuyên phải có, nếu muốn đạt được những thay đổi kinh tế và xã hội thực sự phục vụ con người. Việc đặt ưu tiên cho các cấu trúc và tổ chức kỷ thuật trước con người và trước các đòi buộc phải có của phẩm giá con người là cách thể hiện một nền nhân bản vật chất, và ngược lại với việc xây dựng một trật tự xã hội chính đáng" (Congregazione per Dottrina della Fede, Ist. Libertatis conscientia, 22.03.1986, n. 75.79). 

Tất cả những gì vừa đề cập không có ý nghĩa cho rằng các phương tiện vật chất và kỷ thuật chính trị không phải là những gì thiết yếu, không thể không có được. 

Nhưng chỉ có ý nghĩa nhấn mạnh rằng chỉ một mình các phương tiện và kỷ thuật vừa kể, tự chúng thôi, không đủ (dùng vũ lực đánh sập tiệm Cộng Sản, nếu không có một Thể Chế Nhân Bản chính đáng, Cộng Sản ngóp ngáp vẫn có thể lương lẹo ngóc đầu lên được). 

Bởi đó những phương tiện và kỷ thuật vật chất cần phải được kèm theo song hành, hoặc đi trước bởi những phương tiện, kỷ thuật luân lý và thiêng liêng. 

Chúng ta đã nhắc đến ích kỷ là kẻ thù lớn nhứt cho một đời sống xã hội lành mạnh. Bởi lẽ tình yêu vô trật tự đối với chính mình có khuynh hướng trở thành tuyệt đối và dùng các sự vật và cả người khác để thoả mãn cho lợi thú chính mình, đến cả việc lạm dụng và trấn áp đè bẹp người khác, nếu cần: 

- "Thật vậy, một khi gán cho các tạo vật khác một giá trị tuyệt đối, con người đánh mất đi ý nghĩa cuộc sống tạo vật của mình. Con người cho rằng mình có thể tìm được trung tâm điểm của chính mình và tính cách hoàn hảo, chỉ cần nơi chính mình. Tình yêu vô trật tự đối với chính mình là một diện mạo khác của thái độ khinh bỉ Thiên Chúa. Như vậy con người chỉ có ý định duy nhứt dựa vào chính mình, muốn tự chính mình thực hiện mình và tự mãn, tự cảm thấy đầy đủ trong bản thể nội tại của mình (...). Con người trở thành trung tâm điểm của chính mình, con người tội lỗi có khuynh hướng tự mãn xác định chính mình và thoả mãn lòng ước muốn vô tân của mình, bằng cách dùng vật chất: của cải giàu có, quyền lực và vui sướng của mình, không lo lắng gì đến người khác bị tước đoạt một cách bất công và bị đối xử như là vật thể hay dụng cụ. Như vậy, tự phần mình, con người như vậy cộng tác vào việc tạo nên những cấu trúc để bốc lột và nô lệ hoá, điều mà mình có ý định tố cáo" (Congregazione per la Dottrina della Fede, Ist. Libertatis conscientia, 22.03.1986, n.40.42). 

Chỉ có tình yêu, phục vụ và hy sinh hiến tặng, tức là những phương thế luân lý, mới có khả năng xây dựng một xã hội chính đáng con người, không những trong thời gian lâu dài, mà còn cả trong thời điểm tức thời, ngắn hạn. 

d) Cần phải được giáo dục. 

Qua những gì được làm sáng tỏ trong những bài viết trước đây, chúng ta thấy được cần phải biết liên kết kiến thức kỷ thuật-chính trị với những gì thuộc lãnh vực luân lý và tôn giáo. 

Đó là điều Công Đồng Vatican II nhắc nhớ chúng ta: 

- "Nền giáo dục đích thực phải thăng tiến việc đào tạo con người, trong nhãn quang nhằm mục đích cuối cùng của con người, cũng như lợi ích cho các xã hội khác nhau, mà con người là thành viên, trong đó trở nên truởng thành và đảm nhận các phận vụ" (Tuyên Ngôn Gravissimum educationis, n.1). 

Thật vậy, để áp dụng phận vụ chính trị thành động tác hữu hiệu có khả năng phát triển xã hội, và để trưởng thành thực sự khả năng sáng kiến chính trị, người đương cuộc phải có được 

- khả năng tương xứng về kỷ thuật 

- và khả năng chuẩn định sáng suốt, cũng như phẩm chất luân lý cần thiết. 

Điều đó được làm cho càng vững chắc hơn nhờ phương diện thiêng liêng và bởi đó, cần phải có một nền giáo dục cá biệt. 

Nền giáo dục đó bao gồm việc 

- phát triển các khả năng chính trị thích hợp, 

- nhưng trước đó hay ít nhứt đồng thời phải có nền luân lý và tôn giáo cần thiết và thói quen thực hành các đức tính xã hội. 

Bởi đó trong việc giáo dục người tín hữu, cần phải phân biệt hai mức độ: 

- mức độ thứ nhứt có thể được diễn tả như là xây dựng phẩm cách xã hội của con người, được hiểu như là tổng thể các phẩm chất làm cho con người có khả năng đảm nhận hữu hiệu trách nhiệm chính trị. Phẩm chất con người chính trị đó được đào tạo nên trong tiến trình giáo dục,đặc tâm chú ý đến việc phát triển kiến thức và những thái độ căn bản xã hội phải có; 

- mức độ thứ hai đó là nền giáo dục dân sự và chính trị, cần phải được chuyên cần huấn dạy, để cho mọi người đều có thể hành xử vai trò của mình trong lãnh vực cộng đồng trong đó mình là thành viên đang sống. 

Và bởi vì Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội có được sức mạnh của mình trong tác động thực tế hơn là trong lý thuyết của các nguyên tắc, cho nên nền giáo dục xã hội theo Huấn Dụ 

- không nên chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết, 

- nhưng nên chứng tỏ cho thấy các phương thức áp dụng thực tế nền giáo dục đó. 

Tất cả những điều đó thúc đẩy nền giáo dục phải gồm những gì nối kết mạch lạc giữa tín lý, luân lý, đời sống thiêng liêng và văn hoá với các câu hỏi chính trị được đặt ra. 

Để đạt được kết quả vừa kể, cần 

- phát huy sự hiểu biết huấn dụ xã hội, 

- cũng như khả năng chuẩn định thực tế đang sống, để làm cho người tín hữu có khả năng quyết định một cách chính đáng và đem ra thực hiện bằng những can thiệp xã hội thực tế. 

Như vậy bên cạnh giá trị tín lý, cần phải đặt gần kề phương thức hành động liên quan đến những dụng cụ cần tiết để thực hiện được các đồ án, trong các hoàn cảnh xã hội hiện thực. 

Như vậy nền giáo dục xã hội của người tín hữu Chúa Kitô phải phát huy các kinh nghiệm cho phép diễn giải các định hướng tín lý huấn dụ xã hội thành những đố án thực tế, trong sự kết hợp trưởng thành giữa đời sống luân lý và động tác công cộng. 

Các thẩm quyền chuyên môn xã hội, chính trị và kinh tế phải được đặt gốc rễ trong phẩm chất trí thức, luân lý và đời sống thiêng liêng của con người. 

Trong lãnh vực đang bàn, điều quan trọng là 

- không được nhường bước trước tương đối luân lý chủ nghĩa 

- và cũng không được lẫn lộn sự tự lập chính đáng của người công giáo trong chính trị với thái độ lơ là, bất lưu tâm đối với các giá trị nhân bản và Kitô giáo: 

- "Không được dành ưu tiên cho việc thực hiện chương trình chính trị hay ngay cả một đạo luật riêng rẽ, trong đó nội dung nền tảng của đức tin và luân lý bị đảo lộn bởi sự hiện diện của những đề nghị thay thế hay ngược lại với các nội dung đó. Bởi vì đức tin gồm một tổng thể hiệp nhứt không thể tách rời phân tán, không hợp lý tách rời một chỉ thị trong những nội dung của đức tin làm cho toàn diện tín lý công giáo phải bị thiệt hại. Chuyên cần chính trị cho một khía cạnh đơn độc của Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội không đủ để giải đáp được trách nhiệm cho công ích. Người công giáo cũng không thể tưởng rằng mình có thể ủy thác cho những người khác phận vụ mà Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô giao cho mình để cho chân lý về con người và về thế giới có thể được loan báo và đạt được" ( Congregazione per la Dottrina della Fede (Thánh Bộ Tín Lý), Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l'impegno e il comportamento dei cattolici nella vita politica, 24.11.2002, n.4). 

Chúng ta đừng quên rằng con người làm cho cộng đồng chính trị tăng trưởng, bởi vì con người luôn luôn nhằm thực hiện bản tính con người của mình, và để thực hiện điều đó con người tự nhiên được thúc đẩy hướng về sự thật và những gì hoàn hảo tốt đẹp. 

Cả trong lãnh vực chính trị cũng vậy, lý trí và ý chí con người tự bản thể mình luôn hướng về chân lý và điều tốt đẹp. Bởi đó, con người xa lạ với bi quan chủ nghĩa và tương đối chủ nghĩa. 

Tuy nhiên chúng ta cũng đừng quên rằng văn hoá ngày nay đang phải đương đầu với chính những khó khăn của thế tục chủ nghĩa và buông tha chủ nghĩa (permissivisme), là những ý thức hệ làm giảm thiểu đi kho tàng luân lý và chân lý của con người, cả không ít người Kitô hữu cũng vậy. 

Tình trạng đó đòi buộc cần phải cấp thiết có một nền giáo dục chính trị toàn vẹn và sâu đậm hơn để có thể sống trưởng thành hơn và chuẩn định chính đáng công cuộc chuyên cần dấn thân của mình, nếu cần người tín hữu Chúa Kitô không có gì ngần ngại có cách suy nghĩ và hành động ngược dòng. 

Chuẩn định cá biệt đó cần phải được duyệt xét cẩn trọng hơn, nhứt là khi có những liên quan đến chân lý, các giá trị con người và các giá trị chính yếu Kitô giáo. 

Trong tình trạng hiên nay, với chủ thuyết đa nguyên thường sát gần với tương đối chủ nghĩa và thái độ dững dưng luân lý, ngoài ra đức tính mạnh dạn và một con người cứng rắn, cần có một nền giáo dục được đẩy mạnh và một cuộc canh tân sâu đậm về lương tâm để thực hiện những phận vụ cá biệt của chính trị. 

Một tư tưởng khác cũng không phải ít khi được phổ biến trong dân gian, đó là có người cho rằng ngày nay người công giáo phải có lý, phải từ bỏ tư tưởng, tín lý của mình, khi hoạt động với tư cách là nhân viên công quyền (Congregazione per la Dottrina della Fede, Nota dottrinale..., id., n. 2). 

Đó là điều không tưởng và bất công. 

- không tưởng: bởi vì những xác tín của một con người - phát xuất từ đức tin tôn giáo hay không cũng vậy - chắc chắn có ảnh hưởng trên những gì con người đó quyết định hay phải hành xử như thế nào; 

- bất công: bởi vì tại sao chỉ có những ngưòi không công giáo mới có quyền áp dụng tư tưởng của mình trên lãnh vực nầy, con người công giáo thì không ? 

Thật vậy, tất cả mọi công dân, Kitô hữu hay không cũng vậy, đều có quyền và bổn phận tác động hợp với tư tưởng của chính mình, dĩ nhiên trong khi tôn trọng những ý kiến khác biêt và phẩm giá con người của người khác. 

Trái lại, bỏ qua một bên các xác tín của mình trong đời sống chính trị, hàng lâm viện, văn hoá...cho thấy đó là con người thiếu thành thật, một đức tính không thể thiếu trong các mối tương quan xã hội. 

Bởi đó, người tín hữu Chúa Kitô, nhứt là những người tham gia như là nhân vật chính vào phận vụ phức tạp và nặng nhọc trong việc quản trị đời sống công cộng, không thể lẫn tránh trách nhiệm của kiến thức phải có về Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội và động tác thực hiện chính trị trung thành với lời huấn dạy đó. 

Điều đó càng cấp thiết hơn nữa trong thời đại chúng ta: 

- "Trong một xã hội đa nguyên đa dạng (...) cần có sự hiện diện rộng lớn và quyết định hơn nữa của người công giáo, cá nhân cũng như hội đoàn, trong các lãnh vực khác nhau của đời sống công cộng. Bởi đó không thể chấp nhận được, bởi vì trái với Phúc Âm, chủ trương có ý định giới hạn tôn giáo vào khuôn viên đóng kín của đời sống riêng tư, trong khi quên đi một cách nghịch thường tầm mức chính yếu công cộng và xã hội của con người. Như vậy, anh em hãy ra đường, sống đời sống đức tin của anh em trong vui tươi, hãy đem đến cho con người sự cứu rổi của Chúa Kitô, để thấm nhuần gia đình, học đường, văn hoá và đời sống chính trị" (ĐTC Gioan Phaolô II, Omelia 15.06.1993, n.5: Insegnamenti 16/1 ( 1993) 1546).

Nguyễn Học Tập - TNCG
Trách nhiệm người tín hữu chúa Kito trong chính trị (5 b) Reviewed by Em Binh on 6/17/2012 Rating: 5 NGUYỄN HỌC TẬP -  c) Thái độ thành thực có phải là thái độ đủ hiệu lực để tổ chức chính trị ?  Trái với những gì vừa được đề cập, ch...

Không có nhận xét nào: