"Trở về bến tự do" của Văn Khố Thuyền Nhân VN - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 6, 2012

"Trở về bến tự do" của Văn Khố Thuyền Nhân VN

Một trẻ em Việt Nam được đưa lên
một xà lan tại đảo Galang để hồi
hương vào ngày 02/9/1996.
Thanh QuangVăn Khố Thuyền Nhân VN vừa hoàn tất chuyến “trở về bến Tự Do” được tổ chức từ trung tuần tháng 5 vừa rồi cho tới những ngày đầu tháng 6 này.


Trùng tu mộ phần thuyền nhân

Mục đích thăm lại những trại tỵ nạn xưa cũng như trùng tu mộ phần thuyền nhân tại Indonesia và Malaysia, và đặc biệt tìm thấy một nghĩa trang nữa của thuyền nhân trên đảo Bidong ở Malaysia.

Thanh Quang tìm hiểu chuyến đi này, và được ông Trần Đông, Giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân VN trụ sở chính tại Úc, trước hết cho biết về chuyến đi Indonesia:



Ông Trần Đông: Mục tiêu của chuyến đi về Indonesia gồm 2 điểm: Thứ nhất là để tìm hiểu xem công trình trùng tu thí điểm 50 ngôi mộ thuyền nhân ở vùng Kuku đã được thực hiện như thế nào. Và mục tiêu thứ hai là cũng để xác định tất cả ngôi mộ ở tại khu trại tỵ nạn cũ là Kuku và Air Raya cùng một vài nơi khác, xem những ngôi mộ nào cần phải được trùng tu và những mộ nào không phải trùng tu. Những ngôi mộ nào cần trùng tu thì chúng tôi đánh dấu để lập thành một danh sách trùng tu sau này.

Thanh Quang: Thưa ông, thành quả trong chuyến đi vừa nói có được như ý không, hay có trục trặc nào ? Tóm lại kết quả cụ thể của chuyến đi Indonesia này ra sao?

Ông Trần Đông: Đúng là việc trùng tu thí điểm mộ phần thuyền nhân như vừa nói rất quan trọng tại một nước, nhất là ở nơi hẻo lánh như vùng Anambas hay là Natuna, Kuku, Air Raya. Bảng vẽ mẫu chúng tôi đã gởi cho họ, nhưng qua thực hiện họ làm không đúng kích thước như trong bảng vẽ của mình. Tấm đá hoa cương để ghi tên thuyền nhân, khi đặt lên thì nó lại không phù hợp, tức tấm đá hoa cương này hơi lớn hơn khổ bê-tông cốt sắt mà họ làm phía dưới. Chúng tôi có chỉ cho họ thấy như vậy và yêu cầu sửa lại. Và họ đồng ý.

Sau khi họ sửa lại và chụp hình cho mình thấy, thì mình sẽ đồng ý hay không đồng ý. Nếu như mọi chuyện diễn ra tốt đẹp thì mình sẽ cho biết là hài lòng với công việc làm của họ. Và số mộ phần còn lại, chúng ta cũng sẽ cho họ biết là chừng nào sẽ tiến hành. Trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi cũng đã cùng với họ xác định consố mộ cần thiết phải trùng tu thêm nữa, ít nhất cũng gần 100 ngôi mộ.

Thanh Quang: Chúng tôi được biết VKTN cũng có tổ chức chuyến đi Malaysia. Xin ông cho biết chuyến đi này? Chúng tôi được biết chuyến đi chủ yếu cắm trại 2 ngày 2 đêm tại đảo Bidong ?

           "Trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi cũng đã cùng với họ xác định con số mộ cần thiết phải trùng tu thêm nữa, ít nhất cũng gần 100 ngôi mộ.
(Ông Trần Đông)

Ông Trần Đông: Đúng như vậy. Chúng tôi cũng có phối hợp với công ty du lịch ở bang Terengganu của Malaysia để tổ chức 2 ngày 2 đêm cuộc cắm trại đầu tiên trên đảo Bidong. Đảo Bidong hiện giờ có cầu Jetty làm bằng bê-tông cốt sắt xi-măng rất rộng lớn. Trong 2 ngày 2 đêm ấy, chúng tôi ngủ tại đó. Trên đầu cầu, họ đã làm cái sân lót gạch rất sạch sẽ, dựng tổng cộng 10 cái lều để mỗi lều 2 người có thể nghỉ, ngủ, với tấm trải phía dưới, mền đắp. Đồng thời họ cũng chuyển ra một đội ngũ 5-6 người phục vụ, để nấu ăn và giữ an ninh cho chúng tôi trong những ngày sinh hoạt ở tại trại.

Thanh Quang: Như vậy kết quả của 2 ngày 2 đêm cắm trại tại Bidong ra sao ? Được biết có người nói rằng họ sợ ma? Có hiện tượng tâm linh nào xảy ra ở Bidong không ?

Ông Trần Đông: Mục đích chính của chúng tôi trong việc tổ chức cắm trại tại Bidong để xem mình tổ chức cắm trại ở nơi xa đất liền có những vấn đề nào thuận lợi, bất lợi để có thể cải sửa cho mục tiêu cắm trại ở Bidong trong tương lai. Trước đây có những chuyến đi, nhất là vào năm 2003, có những hiện tượng mà trong đĩa DVD về Bidong năm 2003 chúng tôi có làm. Và tại Nam California, thì một số người sửa tên đĩa DVD đó là “Bidong có ma hay không ?” và bán ngoài tiệm DVD.

Rõ ràng là trong năm 2003 có những hiện tượng tâm linh kỳ lạ xảy ra, thí dụ như những người trong đoàn bỗng nghe tiếng nói ồn ào ở chỗ không người…Nhưng với những chuyến đi về sau, thì càng ngày những dấu hiệu như vậy càng bớt dần. Và những chuyến đi gần đây thì hoàn toàn không có gì cả.

Trong chuyến đi mới đây nhất, có một số bà con nói là không dám đi vì sợ ma. Cũng có người nói coi chừng vào ban đêm, ma nó về kéo mấy ông xuống biển hết. Nhưng thực sự không có chuyện đó xảy ra. Hoàn toàn không có hiện tượng ma quái nào. Không có bất cứ người nào trong đoàn nói là thấy hay cảm nhận bất cứ một hiện tượng nào cả trong 2 ngày 2 đêm cắm trại ở Bidong.

Tìm thấy một nghĩa trang bị bỏ quên
Một thuyền nhân VN ở Philippines
phản đối lệnh hồi hương vào ngày
16/3/1995. Ảnh minh họa. AFP photo


Thanh Quang: Như vậy kết quả cắm trại ở Biđông là như thế nào?

Ông Trần Đông: Thành quả chủ yếu của 2 ngày 2 đêm cắm trại tại Bidong là, thứ nhất, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng nghĩa trang khu F. Thứ nhì, lần đầu tiên chúng tôi sau 21 năm đã dọn dẹp quang đãng nghĩa trang khu E, tức khu ở cuối khu Cao Uỷ giáp với ngọn đồi, nơi có 16 ngôi mộ. Đồng thời chúng tôi cũng dọn dẹp quang đãng nghĩa trang khu C bên Đồi Tôn Giáo sau lưng Chùa Từ Bi, nhưng nằm ở lưng chừng đồi, nơi có 7 ngôi mộ. Thượng Toạ Thích Phước Tấn tham dự trong chuyến đi cũng đã cầu nguyện tại 2 nghĩa trang Khu E và Khu C vừa nói.

Điểm nổi bật nhất là chúng tôi cũng tìm ra được con đường để mà đi tới bãi biển khu G. Trên đồi khu G có một nghĩa trang. Nhưng vào buổi chiều, khi chúng tôi đi được một phần đồi thì trời sụp tối. Trong đó cây rừng rất cao. Lúc ấy cũng đã 5 giờ chiều rồi, chúng tôi ước tính đi qua bên ấy rồi trở về cũng mất 2 tiếng, một phần thấy trời tối. Nếu chúng tôi cố đi tiếp rồi trở về sẽ không an toàn bởi vì đường đi rất khó. Cho nên chúng tôi quyết định về sớm. Đến 7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi gồm 5-6 người đã đi trở lại con đường mà ngày hôm trước bỏ dở.

Khi tới đỉnh đồi của khu G, chúng tôi tìm thấy ngay một nghĩa trang tại đó, với tổng cộng 87 ngôi mộ thuyền nhân. Bảng nghĩa trang – cũng giống như ở nghĩa trang trên đồi khu F – có ghi rõ ràng dòng chữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt, rằng “Đây là khu nghĩa trang mai táng những thuyền nhân vô danh vào những năm 1978, 1979, 1980.

Thanh Quang: Thưa ông, đoàn thuyền nhân có nhận xét hay cảm xúc như thế nào khi tìm ra nghĩa trang khu G trên đảo Bidong ?

            "Nếu không tìm được khu nghĩa trang trên đồi khu G này, nơi mai táng gần 100 thuyền nhân, thì chắc chắn khu nghĩa trang này sẽ không được trùng tu." 
(Ông Trần Đông)

Ông Trần Đông: Thực ra cả đoàn ai cũng vui mừng bởi vì đây là một thành quả lớn. Nếu không có buổi cắm trại thứ nhì, tức là nếu chúng tôi về sớm hơn hoặc không có tổ chức cắm trại ở đó, thì vĩnh viễn chúng tôi không tìm được khu nghĩa trang trên đồi khu G. Mặc dù biết là nơi đó có đấy, nhưng đã 21 năm rồi, nơi đó đã trở thành rừng, rất khó tới. Đường mòn có nhiều chỗ cây rừng, dây mây chằng chịt, chúng tôi phải khom người xuống để đi; có những chỗ rất dốc, trơn trợt, đi suýt té nhiều lần. Nhưng điều này cũng cho thấy gần như có tín hiệu của những người anh em đã nằm lại vĩnh viễn ở trên đồi khu G báo cho chúng tôi biết rằng họ đang nằm ở đó, đừng quên họ.

Bởi vì chúng tôi dự định phải hoàn tất chương trình trùng tu mộ phần thuyền nhân toàn khu vực Đông Nam Á vào năm 2015. Nếu không tìm được khu nghĩa trang trên đồi khu G này, nơi mai táng gần 100 thuyền nhân, thì chắc chắn khu nghĩa trang này sẽ không được trùng tu. Nhưng giờ, may mắn chúng ta tìm được nghĩa trang các thuyền nhân này sau 21 năm bị bỏ quên. Và việc trùng tu, chúng tôi hoạch định bắt đầu vào năm tới cho các nghĩa trang ở tại khu C, khu E, khu F và khu G ở tại Bidong.

Thanh Quang: Cảm ơn ông Trần Đông.

"Trở về bến tự do" của Văn Khố Thuyền Nhân VN Reviewed by Em Binh on 6/22/2012 Rating: 5 Một trẻ em Việt Nam được đưa lên một xà lan tại đảo Galang để hồi hương vào ngày 02/9/1996. Thanh Quang -  Văn Khố Thuyền Nhân VN vừa...

Không có nhận xét nào: