Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc mời thầu phi pháp - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
29 tháng 6, 2012

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc mời thầu phi pháp

Tổng Giám Ðốc Petro Vietnam Ðỗ Văn
Hậu trong cuộc họp báo phản đối Trung
 Quốc mời thầu trên Biển Ðông.
(Hình: Báo Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI (NV) - Hôm 27 tháng 6, đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gặp đại diện Ðại sứ Quán Trung Quốc chính thức trao công hàm phản đối việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) quốc doanh của Trung Quốc gọi thầu “phi pháp” sâu vào khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Cùng ngày này, Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Việt Nam (Petro Vietnam) mở cuộc họp báo về việc CNOOC gọi thầu quốc tế dò tìm và khai thác 9 lô dọc theo bờ biển miền Trung (bồn trũng Tư Chính Vũng Mây) và miền Nam (bồn trũng Nam Côn Sơn) Việt Nam.

Các lô này bao trùm một khu vực rộng 160,124 km2, nằm chồng lên các lô Việt Nam đặt tên từ lô 145 ở phía Bắc (ngang tỉnh Bình Ðịnh) xuống tới lô 132 ở phía Nam.

Ðặc quyền kinh tế, theo công ước quốc tế về luật biển mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên công nhận, là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của bờ biển.

Lô JY22 mà CNOOC gọi thầu (trùng với lô 145 của Việt Nam) chỉ cách bờ biển Việt Nam 76 hải lý. Lô HY34 (trùng với lô 148 của Việt Nam) chỉ cách bờ biển Phú Yên của Việt Nam 60 hải lý. Cũng tại khu vực này, ngày 26 tháng 5, 2011, tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Lô RJ03 (trùng với các lô 130 và 131 của Việt Nam) chỉ cách đảo Phú Quý (ngoài khơi Phan Thiết) có 37 hải lý.

Bản đồ do Petro Vietnam công bố tại cuộc họp báo ngày 27 tháng 6, 2012 cho thấy sơ đồ các lô hợp tác dầu khí của Petro Vietnam. Chín lô trong vạch kẻ màu đen là các lô Trung Quốc mời thầu quốc tế, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. (Hình: TTXVN)

Việt Nam đang có một số hợp đồng dò tìm và khai thác dầu khí với một số công ty quốc tế như Gazprom (Nga) tại các lô từ 129 đến 133, Talisman (Malaysia) ExxonMobil (Mỹ) (tại các lô 156 đến 158, ONGC (Ấn Ðộ) tại lô 128, cũng là các khu vực CNOOC gọi thầu.

Trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012, ông Ðỗ Văn Hậu, tổng giám đốc Petro Vietnam “cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái” và kêu gọi các công ty dầu khí quốc tế “không tham gia dự thầu 9 lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.”

“Ðiểm gần nhất đó cách đảo Phú Quý có hơn 30 hải lý, các vùng này đã được Petro Vietnam và các đối tác tiến hành hoạt động dầu khí từ lâu.” Ông Hậu nói trong cuộc họp báo.

Dịp này, ông Hậu nói: “Petro Vietnam hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí Trung Quốc tham gia, hợp tác với Petro Vietnam đầu tư vào các hoạt động dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam như các đối tác dầu khí khác, đương nhiên trên tinh thần tôn trọng luật pháp, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”

Khi họp báo đưa ra lời phản đối Trung Quốc ngày 26 tháng 6, 2012, ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nói các khu vực mà Bắc Kinh cho CNOOC gọi thầu hoàn toàn nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tức khu vực “không có tranh chấp.”

Ông Nghị gọi hành động của Trung Quốc là “phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam.”

Ông Lương Thanh Nghị đòi hỏi phía Trung Quốc “nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.”

Cũng giống như ông Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, cũng lôi cái bản “thỏa thuận cơ bản” mù mờ đó đòi Hà Nội phải áp dụng. Ðiều này cho thấy cả hai căn cứ trên những lập luận khác nhau, cách hiểu khác nhau để đòi phía bên kia “tuân thu,Ư” kiểu “ông nói gà bà nói thóc lép.”

Bản “Thỏa thuận cơ bản” này được ký kết khi Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cầm đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh hồi tháng 10 năm ngoái.

Bên cạnh cung cấp bản đồ 9 lô trên thềm lục địa Việt Nam sắp gọi thầu, CNOOC còn cung cấp luôn cả tọa độ cụ thể của từng lô.

Bản đồ 9 lô mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) gọi thầu phổ biến trên trang mạng CNOOC.com nằm trong phạm vi các vạch “Lưỡi Bò” nhưng lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. (Hình: CNOOC)

Trước một ngày Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc gọi thầu trên thềm lục địa Việt Nam, Phó Doanh, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc có mặt ở Hà Nội đồng chủ tọa phiên họp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Ðông (DOC), với Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Phạm Quang Vinh.

Theo bản tin VNExpress: “Hai bên tái khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC và cùng nhau hướng tới xây dựng thành công một Bộ luật Ứng xử trên Biển Ðông (COC). Các nước tham dự đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Ðông, giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.”

Những gì đột ngột xảy ra qua sự loan báo của CNOOC chứng tỏ Bắc Kinh đưa ra phản ứng kiểu “ăn miếng trả miếng” với phía Việt Nam, bất chấp phiên họp về Bộ Quy Tắc Ứng Xử nhằm giảm căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước trong khu vực. Ðiều này cũng cho thấy Bắc Kinh ngày càng muốn chứng tỏ mình là chủ nhân của gần hết biển Ðông trong vòng “Lưỡi Bò” dựa vào sức mạnh quân sự ăn trùm cả ASEAN. (TN)

Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc mời thầu phi pháp Reviewed by Em Binh on 6/29/2012 Rating: 5 Tổng Giám Ðốc Petro Vietnam Ðỗ Văn Hậu trong cuộc họp báo phản đối Trung  Quốc mời thầu trên Biển Ðông. (Hình: Báo Tuổi Trẻ) HÀ NỘI (N...

Không có nhận xét nào: