Xích Tử - Sáng chủ nhật ngày 10/6/2012, tỉnh Nghệ An làm lễ khởi công xây dựng nhiều hạng mục trong cụm công trình thưởng nhớ/ thờ tự những người thân nội ngoại của ông Hồ Chí Minh, cụ thể là hai dòng họ Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (dòng Nguyễn Sinh) cùng nhiều quan chức cấp cao của đảng, nhà nước gồm các ông Lê Thanh Hải, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình…đến dự.
Cùng thời điểm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng một bầu đoàn cao cấp khác vào dự khánh thành các công trình xây dựng ở Vĩnh Long để thờ gia đình ông Phạm Hùng (và có khi tranh thủ về thăm nhà thờ tổ ở Kiên Giang).
Một ngày chủ nhật, toàn những chuyện/tin tức về thờ, và là thờ gia đình, dòng họ của các lãnh tụ. Các bản tin được đưa lên phương tiện truyền thông nhà nước đều không nói về mức kinh phí đầu tư và các thông tin liên quan về đầu tư xây dựng cơ bản như chủ đầu tư hoặc đơn vị nhận thầu thi công, nguồn kinh phí huy động v.v…của các công trình nói trên. Tuy nhiên, các bản tin đều giống nhau ở chỗ đều đánh giá đây là những công trình có tính chất đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa đáp ứng mục đích tâm linh.
Riêng với công trình thờ phượng hai hai tộc Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân ở Nghệ An, sự xuất hiện của ông Lê Thanh Hải, một lãnh đạo ở địa phương khác tận phía Nam đến dự, là một chuyện lạ. Có thể giải thích việc ông Hải có mặt trong sự kiện này như là đồng thời tránh đợt làm việc của Thủ tướng ở phía Nam (mà ông Hải đều có trong thành phần Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Đông Nam bộ), đồng thời làm nhiệm vụ chuyển kinh phí của TP. Hồ Chí Minh (cả ngân sách và tài trợ của các doanh nghiệp) ủng hộ việc xây dựng công trình.
Nói chung, những tin tức được nói lên ở đây thể hiện một phong trào mới: công cuộc mở rộng phúc ấm của các lãnh tụ, lãnh đạo cho những người quá cố trong dòng họ, gia đình bằng nguồn vốn chủ yếu huy động từ ngân sách. Phong trào này song hành với công cuộc truyền thừa phúc ấm của những vị này đến con cái, thân hữu, mà điển hình là những trường hợp Hoàng Trung Hải, Nông Quốc Tuấn, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Tuấn Anh, Đặng Thị Hoàng Yến…Quyền lãnh đạo của đảng đã cho phép sự chiếm cứ lợi ích cho cả thế hệ quá khứ và thế hệ tương lai của những người thuộc tầng lớp cai trị cao nhất. Triết lý tiểu nông “một người làm quan cả họ được nhờ” được khẳng định và chứng minh trong thể chế được cho là đang tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong phát biểu khởi công công trình xây dựng ở Nghệ An, Chủ tịch Quốc hội mang họ Nguyễn Sinh cho rằng việc xây dựng một phần là để đền đáp công ơn những người sinh thành, nuôi nấng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách diễn đạt rất cảm động, rất truyền thống. Còn nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại, có thể phiên chuyển thành cách diễn đạt khác, đó là công ơn của những người đã giao phối, góp trứng và tinh trùng để tạo ra người con ưu tú của dân tộc, nếu quả thực lịch sử là như vậy.
Có thể nói đây là một trong những vận dụng cực kỳ sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa duy vật vào thực tiễn Việt Nam, nói gọn lại là thực tiễn văn hoá truyền thống, trong đó có văn hoá tâm linh mà mới 15 năm trước, chỉ cần dùng những từ ấy cũng đã là có vấn đề tư tưởng.
Để có sự sáng tạo đó, đảng đã vượt qua rất nhiều rào cản học thuyết và bằng thử thách, thăm dò thực tiễn hơn 25 năm “đổi mới”. Trong khi đó, những người Việt Nam vượt biên, tị nạn ra nước ngoài thì có thuận lợi hơn khi họ muốn thể hiện mục đích phúc ấm đó trong mươi năm qua bằng cách chuyển dollar về xây dựng những ngôi mộ ông bà cha mẹ đáng giá hàng chục tỉ đồng. Cũng là đền ơn sinh thành, thực hiện mục đích tâm linh, mỗi nhóm/phía người Việt Nam sau chiến tranh, có nhiều cách làm khác nhau; dân tộc thật là phong phú.
Với vào công trình tạo tiền lệ như vậy, rồi đây, khi quyền lãnh đạo duy nhất của đảng được giữ vững, “quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ”, sẽ có biết bao nhà thờ họ của những người cộng sản ưu tú được xây khắp nước từ nam chí bắc. Những công trình đó sẽ tạo ra một lớp tổ tiên ông bà cũng ưu tú. Đáp ứng niềm tin tâm linh của con cháu, họ sẽ phù hộ theo định hướng ưu tú cho muôn đời con cháu về sau, để nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa chỉ còn hai giai cấp rất thân thiện nhau: vua và sãi.
Song, nếu đã tâm linh thì cũng nên phải trả cho mọi người được thờ phượng cái tên cúng cơm, cái họ gốc. Trong niềm tin dân gian, những người đã khuất, khi cúng vái, phải gọi đúng tên bà mụ cho. Nếu gọi những tên mới đặt về sau thì hồn người chết không “nghe” được. Thế cũng phí.
Cũng có lẽ vì thế, mới đây Bộ trưởng Bộ Văn hoá Nga đã đề nghị đưa thi hài Lenin đi chôn cất theo táng thức của người Nga.
Xích Tử
Không có nhận xét nào: