Bảo vệ nhân quyền từ phía giáo hội - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 7, 2012

Bảo vệ nhân quyền từ phía giáo hội

Nguyễn Học Tập  - (Viết theo tài liệu của GS Giorgio Filibeck, Đại Học Công Giáo Sacro Cuore - Milano ). 



Trong nhãn quang của Giáo Hội, nhân quyền là những gì thể hiện từ phẩm giá của con người, mà mỗi con người đều có: 

- "Anh hãy làm cho mình trở nên con người và nhận biết phẩm giá của bản thể mình". 

Đó là những gì Thánh Lê-ô Cả đã viết lên từ thế kỷ V (Omelia XXVII, 6). 

Phẩm giá đó là kết quả của sự kiện là 

- "con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa" (Gen 1, 26-27). 

Bởi đó phương thức chắc chắn nhứt để tôn trọng các quyền của con người là tôn kính chính Thiên Chúa. 

ĐTC Gioan Phaolô II trong bài diễn văn nhân dịp đến kính viếng Thánh Địa, đã đặt câu hỏi làm sao thảm trạng sát hại hằng triệu người Do Thái có thể xảy ra được, và ngài đã đưa ra câu giải đáp như sau: 

- "Làm sao con người có thể có được thái độ vừa kể đối với con người ? Bởi vì những người đó đã đạt đến mức khinh dễ cả Thiên Chúa. Chỉ có một ý thức hệ vô thần mới có thể có những đồ án và đi đến tận cùng việc tàn sát cả một dân tộc" (ĐTC Gioan Phaolô II, Visita al mausoleo Yad Vashem a Gerusalemme, 2). 

Vậy thì đó là chìa khoá để phát triển một sự bảo vệ chính đáng các quyền của con người, ngược lại tư tưởng của những ai cho rằng tôn giáo là thù nghịch đối với các quyền đó. 

Giáo Hội luân luôn chuyên cần bênh vực phẩm giá con người như là kết quả của công trình tạo dựng của Chúa. 

Công Đồng Vaticanô II đã xác nhận rõ từng chữ: 

- "Giáo Hội, do sức mạnh Phúc Âm được ủy thác cho mình, tuyên bố các quyền của con người, nhận biết và định giá cao cả tiến trình năng động mà qua đó, trong thời đại chúng ta, các quyền đó được thăng tiến khắp nơi" (Gaudium et spes, 41). 

Qua những tư tưởng vừa trình bày, mục dích của bài đang viết là tìm hiểu suy tư và động tác của Giáo Hội nhằm bảo vệ và triển nở các quyền của con người sau Công Đồng Vaticanô II. 

Nói như vậy không có nghĩa là phẩm giá con người khiếm diện trước kia, mà là nhấn mạnh rằng kể từ sau Công Đồng thái độ chuyên tâm của Giáo Hội đối với vấn đề nhân quyền càng lúc càng chiếm phần quan trọng hơn trong các suy tư và động tác của Giáo Hội, bởi lẽ Giáo Hội càng ý thức hơn tầm quan trọng của nhân quyền trong bối cảnh xã hội, chính trị ở tầm mức quốc gia cũng như quốc tế. 

Chúng ta duyệt xét các tư tưởng và động tác của Giáo Hội dưới ba phương diện: tín lý, ngoại giao-luật pháp và mục vụ. 

1 - Phương diện tín lý. 

Theo đường lối đã được Công Đồng Vaticanô II vạch sẵn, Giáo Hội đã ban tặng cho chúng ta một khối các nguyên tắc nhằm định hướng các động tác của người tín hữu Chúa Kitô. 

a) Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. 

Đó là căn nguyên nền tảng các quyền của con người. 

Phẩm giá của mỗi con người, có thể nhận biết được cả bằng trí khôn con người, phẩm giá đó được sáng chiếu lên bởi ánh sáng đức tin và như vậy căn nguyên nền tảng đó "nhận được một sự nâng đỡ bảo đảm vững chắc nhứt" (ĐTC Gioan XXIII Pacem in terris 5, 25). 

Nhưng rất tiếc trong thế giới hiện đại chúng ta, con người không hẵn đồng thuận về nền tảng vừa được nêu ra, bởi đó phẩm giá con người không được đặt trên căn tính đồng nhất và từ đó cũng không đồng thuận về các quyền cần phải được bảo vệ. Bởi đó ngay cả trong thời gian sát liền với Công Đồng con người có khuynh hướng cho rằng các quyền của chúng ta chỉ được bảo đảm vững chắc, chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi được mọi ràng buộc đối với Chúa. 

Nhưng bước theo con đường vừa kể, phẩm giá con người không những không được giải thoát, mà còn bị hủy diệt (Gaudium et spes, 41). 

b) Bênh vực và thăng tiến các quyền của con người là thành phần nguyên vẹn sứ mạng của Giáo Hội. 

Chuyên cần dấn thân đem lại lợi ích cho nhân quyền là thái độ thực tế của Giáo Hội thể hiện trước thế giới. 

Công Đồng Vaticanô II đón nhận ước vọng càng ngày càng gia tăng của con người được thấy phẩm giá mình được kính trọng. Nhưng Giáo Hội biết rằng một ước vọng như vậy không thể được thoả nguyện trong viễn ảnh hoàn toàn vật chất, bởi vì ước vọng đó phản chiếu lại những câu hỏi có liên quan đến ý nghĩa sự hiện hữu của con người, mà câu trả lời thoả đáng con người chỉ có thể gặp được Phúc Âm, trong "Tin Mừng". 

Mối tương quan giữa sứ mạng rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người đã được 

- ĐTC Phaolô VI nhấn mạnh một cách đặc biệt trong Huấn Dụ Evangelii nuntiandi 

- và ĐTC Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp đầu tiên của ngài Redemptor hominis. 

c) Con người có giá trị thượng đẳng trong mọi mọi hệ thống và đồ án tổ chức. 

Đây lằ lời huấn dạy của Giáo Hội dựa trên những gì Phúc Âm đã chỉ dạy cho: 

- "Ngày sabat được lập ra cho con người, chớ không phải con người cho ngày sabat" (Mc 2, 27). 

Lời chỉ dạy đó của Phúc Âm được Giáo Hội lập lại và Công Đồng Vatican II chú giải: 

- "Con người, tự bản tính của mình, tuyệt đối cần có đời sống xã hội và (con người) phải là nguyên cội, chủ thể và cùng đích của mọi tổ chức xã hội" (Gaudium et spes, 25). 

Nhờ vào xác định đó, các quyền của con người được đưa ra khỏi mọi suy tư cá nhân chủ nghĩa và có được ý nghĩa đầy đủ của mình trong mối liên hệ giữa con người cá nhân và cộng đồng. 

Như vậy một định nghĩa chính đáng về con người là cá nhân có cuộc sống liên hệ tùy thuộc với người khác, bởi đó đòi buộc tổ chức xã hội phải nhằm đến công ích. 

d) Tôn trọng các quyền của con người là định chuẩn để đánh giá tính cách chính danh của mọi quyền lực. 

ĐTC Gioan Phaolô II đã tuyên bố nguyên tắc vừa kể dưới một hình thức ngắn gọn và đầy ý nghĩa: 

- "Các quyền của quyền lực không thể được hiểu theo cách nào khác hơn là dựa trên việc tôn trọng các quyền khách thể và bất khả xâm phạm của con người" (ĐTC Gioan Phaolô II, Redemptor hominis, 17). 

Lời huấn dạy của Giáo Hội cũng không thiếu nói lên giả thuyết trong đó quyền lực công quyền vượt quá thẩm quyền của mình. 

Trong trường hợp đó, các người công dân có quyền và bổn phận phải "bênh vực" các quyền của chính mình và của những người đồng công dân với mình chống lại các lạm quyền của giới công quyền, trong khi vẫn tôn trọng các lằn mức được luật tự nhiên và Phúc Âm chỉ bảo cho (Gaudium et spes, 24). 

e) Nhận biết các quyền của con người không thể tách rời khỏi việc nhận biết các bổn phận liên hệ. 

Lời huấn dạy của Giáo Hội dạy chúng ta rằng ý nghĩa hoàn hảo y niệm về con người sẽ không đầy đủ, nều con người không có khả năng nói lên tư tưởng rằng con người cũng có trách nhiệm, trước tiên là trách nhiêm đối với chính Đấng Tạo Hoá. 

Một đàng Thông Điệp Pacem in terris của ĐTC Gioan XXIII nhắc cho chúng ta nhớ rằng có một mối liên hệ không thể tách rời được trong cùng một con ngưòi, cũng như mối tương quan giữa quyền và bổn phận giữa những người khác nhau. 

Đàng khác Công Đồng Vaticanô II cũng lưu ý cần thận trọng các quyền của con người có thể được quan niệm theo khuynh hướng tự lập sai trái. (cfr Gaudium et spes, 41). 

f) Các quyền con người có những đặc tinh phổ quát và không thể chia tách. 

Chính luật tự nhiên ban cho con người các quyền vừa kể, bởi đó không có ai là con người mà không có các quyền đó. Bởi vậy tổ chức xã hội được mời gọi phải nhận biết các quyền đó của con người, chớ không phải ban cho hay tước bỏ đi tùy theo việc con người thuộc về khuôn viên của nền văn hoá nầy hay văn hóa khác, ý thức hệ nầy hay ý thức hệ khác, đảng phái nầy hay đảng phái khác. 

Cũng không có quyền nào của con người thuộc hạng nhứt hay hạng hai. Bởi lẽ mỗi thứ hạng các quyền của con người đều có giá trị nội tại như nhau, bởi vì tất cả đều thoát xuất từ quan niệm duy nhứt về phẩm giá con người. 

ĐTC Gioan Phaolồ II đã xác nhận rằng cần phải khước từ những lời chỉ trích của những ai có ý đồ tháo gở đi chủ đề đang bàn dựa vào đặc tính cá biệt của các nền văn hoá khác nhau, để từ đó có thể vi phạm các quyền của con người, cũng như của những ai bần tiện hoá phẩm giá con người, bằng cách chối bỏ đi giá trị pháp luật phải có đối với các quyền kinh tế, xã hội và chính trị (ĐTC Gioan Phaolô II, Dalla gustizia cristiana nasce la pace per tutti, 2). 

g) Hành xử trọn vẹn các quyền của con người là điều kiện để có được một nền hoà bình vững mạnh và một cuộc phát triển chính đáng. 

ĐTC Gioan Phaolồ II, đã viết Thông Điệp Redemptor hominis, một cách xác quyết rằng: 

- "... nói cho cùng, hoà bình được quy tóm vào việc tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của con người" (Redemptor hominis, 17 ). 

Và trong Thông Điệp Sollecitudo rei socialis ngài cũng xác nhận: 

- "Cũng không thể thực sự xứng đáng với con người một công cuộc phát triển không tôn trọng và không phát huy các quyền con người, cá nhân và xã hội, kinh tế và chính trị, kể cả quyền các Quốc Gia và các dân tộc được phát triển" (Sollecitudo rei socialis, 33). 

h) Tự do tôn giáo là khuôn thước đo lường mức độ tiến triển của mỗi xã hội. 

Công Đồng Vatican II đã đánh dấu một khúc quanh có ý nghĩa trong lời huấn dạy của Giáo Hội về vấn đế tôn giáo, bằng cách trình bày quyền tự do đó như là quyền của con người mà thể chế luật pháp có bổn phận bảo vệ đối với mọi công dân và như vậy nhận biết vai trò trần thế quan trọng của tổ chức Quốc Gia. 

Tuyên Ngôn Dignitatis humanae của Công Đồng long trọng xác nhận: 

- "Trong vấn đề tôn giáo, không ai bị bắt buộc bị cưởng bách phải hành động trái với lương tâm mình, cũng không ai có thể bị cấm cản, trong lằn mức phải có, được hành động hợp với lương tâm đó" (Dignitatis humanae, 2). 

Văn bản tài liệu vừa kể nhắc lại bổn phận luân lý bắt buộc phải tìm kiếm sự thật và thái độ hành xử phải bị bắt buộc được gợi ý bởi sự thật đó, bởi vì quyền tự do tôn giáo không được đặt nền tảng trên cách suy nghĩ tùy hỷ của con người, mà trên chính bản thể của con người ( ibid.). 

ĐTC Gioan Phaolồ II đã nhấn mạnh một cách đặc biệt về lời huấn dạy vừa kể của Giáo Hội, theo đó thì 

- "Việc vi phạm quyền tự do tôn giáo là một điều bất công căn cội đối với những gì sâu đậm nhứt của con người, đối với những gì chính đáng của con người" (Redemptor hominis,17). 

i) Công lý là nguyên lý sự hiện hữu của Giáo Hội. 

Việc lắng lo cho công lý và bảo vệ nhân quyền được trải rộng ra cả trong đời sống nội bộ của Giáo Hội. 

ĐTC Gioan Phaolô II, một trong những bài diễn văn đầu tiên của ngài, đã phát biểu như sau: 

- "Công lý là nguyên lý của cuộc sống Giáo Hội, như là Dân Thiên Chúa" (Udienza generale 08.11.1978, 3). 

Trải qua cuộc hành trình bao nhiêu thế kỷ, Giáo Hội đã khai triển, soạn thảo ra một loạt các chỉ thị luật pháp, đó là Bộ Giáo Luật được ban hành năm 1983, chứa đựng một danh sách các quyền của người tín hữu Chúa Kitô (Can. 203-283). 

ĐTC Gioan Phaolô II đã mời gọi các vị thẩm phán Giáo Hội 

- hãy xem mình như là "các linh mục của công lý" (sacerdotes justitiae) 

- và hãy hoạt động như thế nào để Giáo Hội luôn luôn được nhận biết "speculum justitiae " (mẫu gương của chân lý )" (Alla Sacra Romana Rota, 1).

Nguyễn Học Tập - thanhniencongiao
Bảo vệ nhân quyền từ phía giáo hội Reviewed by Hoài An on 7/17/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập   - (Viết theo tài liệu của GS Giorgio Filibeck, Đại Học Công Giáo Sacro Cuore - Milano ).  Trong nhãn quang của Gi...

Không có nhận xét nào: