Chính quyền địa phương đến đòi dẹp bỏ giáo điểm, 24 tháng 6, 2012
photo giaophanvinh.net
|
Gia Minh, RFA - Cơ sở tôn giáo này tại Việt Nam vừa bị ngăn cản sinh hoạt bởi những người mà giáo dân nói là công an mặc thường phục, và những người do chính quyền địa phương sai đến hôm 1 tháng 7.
Mặc thường phục đến gây sự
Mặc thường phục đến gây sự
Nhiều người mặc thường phục đem sẵn dụng cụ đến quấy rối đập phá một ngôi nhà nguyện của người Công giáo, hành hung gây thương tích nặng nề cho những giáo dân đứng ra ngăn cản họ để bảo vệ giáo điểm.
Nơi xảy ra vụ việc vào ngày 1 tháng 7 vừa qua là giáo điểm Con Cuông, thuộc giáo phận Vinh, Giáo hội Công giáo Việt Nam. Giáo điểm này thuộc địa bàn hành chánh thôn Trung Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Nơi này cách thành phố Vinh chừng 130 kilomet về phía tây của thành phố Vinh.
Sau khi xảy ra vụ xô xát dẫn đến bị thương nặng cho một số người, tin cho biết phó chủ tịch huyện và trưởng công an huyện Con Cuông có đến để dàn xếp vụ việc.
Linh mục Nguyễn Đình Thục tiến
hành lễ hôm 24 tháng 6, 2012-
photo giaophanvinh.net
|
Chiều ngày 3 tháng 7, chúng tôi gọi điện thoại đến Ủy ban Nhân dân Huyện Con Cuông, theo số điện thoại công khai trên trang mạng của tỉnh Nghệ An, nhằm tìm hiểu thông tin do phía giáo hội đưa ra trên trang mạng của giáo phận Vinh và một số trang tin trên mạng khác. Tuy nhiên chuông reo nhiều lần mà không ai bắt máy.
Chúng tôi liên lạc được với một giáo dân. Người này cho biết bị hành hung trong ngày 1 tháng 7 đến nay vẫn còn đau, chưa thể trả lời những câu hỏi của chúng tôi về vụ việc, và hẹn khi khỏe lại sẽ trình bày chi tiết:
- "Xin lỗi anh, giờ tôi còn đau, phải nằm, nói to không được."
Đem cả còng, dùi diện, bác sĩ...
Người giáo dân bị hành hung đến ba hôm sau vẫn còn đau như vừa nói, là vì ông cùng những giáo dân khác đã liều mình bảo vệ cho ngôi nhà nguyện tại giáo điểm Con Cuông khi nhiều người khác đến quấy rối, đập phá hồi ngày 1 tháng 7. Nhà nguyện là nơi có đặt Mình Thánh Chúa, tượng ảnh các đấng mà giáo dân tôn thờ, nên khi nơi đó bị tấn công thì theo họ đó là hành động phạm thánh nên họ phải bảo vệ.
Ngoài ra giáo dân còn phải bảo vệ cho vị linh mục đại diện của giaó hội và của Chúa đến giúp phần linh hồn cho giáo xứ. Đó là linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục.
Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết về lực lượng đến gây rối, cản trở sinh hoạt tôn giáo tại giáo điểm Con Cuông hôm ngày 1 tháng 7 như sau:
"Họ mặc thường phục, nhưng họ sống ở địa bàn Con Cuông nên giáo dân ở đó nhận diện được. Rất nhiều người trong số những người đến đó là công an, là ‘những người này, người khác’..."
Giáo dân trong ngày hôm đó cho biết những công an đến đó hôm ấy dù mặc thường phục nhưng mang còng, dùi điện ... đi theo. Tức là những dụng cụ cần thiết để gây rối một cách hiệu quả.
Không biết có tính toán hay không nhưng họ có điều động đến cả bác sĩ. (Người này trong số những người ở lại trong ngôi nhà nguyện). Khi hỏi bác sĩ tại sao đến để gây rối. Họ bảo chính quyền bảo họ đến để rồi lỡ xảy ra chuyện này, chuyện khác thì ‘sơ cứu’. Theo như lời khai của họ như vậy thì rõ ràng họ đến có chủ đích gây rối.
Sau khi căng thẳng tại giáo điểm Con Cuông giảm đi, và hôm sau linh mục Nguyễn Đình Thục ra về thì ông cũng nhận thấy nhiều lực lượng chức năng trên đường về như sau:
"Khi chúng tôi về thì thấy phía nhà cầm quyền điều động một lực lượng rất lớn: cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, cảnh sát giao thông và rất nhiều người đứng hai bên đường. Không biết họ điều động đến với mục đích gì mà một lực lượng lớn như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi ra về an toàn và họ không làm gì đối với chúng tôi nữa."
Nguyện vọng đơn giản: được thờ phượng Chúa
Ông cũng nhắc lại nguyện vọng và tâm tư của chừng 300 giáo dân đang sinh hoạt tại giáo điểm Con Cuông, giáo phận Vinh:
"Ước nguyện của tôi cũng như của bà con giáo dân Con Cuông là được tự do hành đạo. Một người Công giáo dĩ nhiên hằng tuần phải được đi tham dự Thánh lễ, rồi phải có một nơi để thờ phượng. Rồi lúc nào mà có những vấn đề trong cuộc sống, họ có nơi để đến gặp Chúa.
Nguyện vọng lớn nhất của họ là nhà cầm quyền phải để cho họ có một nơi hợp pháp để thờ phượng Chúa.
Linh mục Nguyễn Đình Thục tiếp tục chủ lễ giữa sự quấy phá của người chính quyền sai tới- photo giaophanvinh.net |
Trong hiến pháp của Việt Nam nói được tự do tín ngưỡng. Theo tôi nghĩ, tự do tín ngưỡng không phải qui định ‘cái suy nghĩ trong đầu’; bởi vì những gì mình suy nghĩ trong đầu không cần pháp luật. Chuyện ‘tôi ghét anh, tôi thương anh’ ai mà kiểm soát được. Nhưng đã nói về tín ngưỡng là phải chấp nhận có những nghi lễ, rồi có cộng đoàn. Theo tôi nghĩ, nếu như chấp nhận tự do tín ngưỡng thì phải chấp nhận để bà con giáo dân qui tụ để thờ Chúa, để cử hành những nghi lễ của tôn giáo mình.
Hơn nữa chúng tôi lên để Dâng lễ, chúng tôi không làm gì sai cả. Hằng tuần chúng tôi lên để Dâng lễ thờ phượng Chúa. Dĩ nhiên trong Thánh lễ những linh mục chúng tôi luôn dạy cho giáo dân ‘điều hay, lẽ phải’. Tôi không có làm gì xúc phạm đến ai cả."
Được biết giáo điểm Con Cuông được hình thành từ năm 2010 đến nay nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh cho những giáo dân đến khu vực này sinh sống. Đây không phải lần đầu tiên nơi này bị gây rối, ngăn chặn sinh hoạt tôn giáo.
Hôm 13 tháng 11 năm ngoái, chính quyền huyện đã huy động lực lượng gồm công an, dân phòng... khoảng 300 người đến để gây rối khi linh mục và giáo dân đang cử hành thánh lễ của người Công giáo.
Một vụ việc khác là vào ngày 30 tháng 11 ngôi nguyện đường nhỏ của giáo điểm Con Cuông bị ném một quả mìn tự chế.
Theo trình bày của linh mục Nguyễn Đình Thục thì trong năm tuần lễ gần đây, nhà nguyện giáo điểm Con Cuông luôn bị cơ quan chức năng địa phương gây rối.
Tất cả những người không theo đạo Công giáo đến tại nhà nguyện giáo điểm Con Cuông đều mặc thường phục. Theo giáo dân thì đó là những viên chức công an hay chính quyền tại địa phương mà họ biết mặt.
Như lời linh mục Nguyễn Đình Thục thì trong ngày 1 tháng 7 có cả bác sĩ đi theo đoàn người đến tấn công vào nhà nguyện Con Cuông. Hẳn nhiên những người đó không có cùng tín ngưỡng với người Công giáo, và họ đến đó vì được trả tiền hay bị ra lệnh phải đi và hành động. Tuy nhiên, hành vi bạo lực chống lại những người có tín ngưỡng được Hiến Pháp công nhận đã khiến những người khác đều thấy đó là một hạ sách trong việc thuyết phục người khác theo cùng quan điểm với họ.
Không có nhận xét nào: