Quyền phản động của con người bị đàn áp bất công - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 7, 2012

Quyền phản động của con người bị đàn áp bất công

Nguyễn Học Tập - Từ ngữ "phản động" ai trong chúng ta cũng thường nghe nói đến, được hô to từ miệng những con người chỉ biết có Đảng và Nhà Nước là thần thánh, không ai được động tới, mặc cho Đảng và Nhà Nước có sai trái và từ đó đối xử với người dân bằng lường gạt, đánh đập, tàn bạo như súc vật. 

Người dân trong một Đất Nước, hay con người nói chung, có quyền "phản động", đối kháng, chống đối lại những kẻ hành xử bất công, vô nhân đạo không? 

Lịch sử đã và đang trả lời cho câu hỏi một cách minh nhiên hay mặc nhiên. 

I - Quyền "phản động" trong lịch sử. 

Vấn đề qụy mọp, cúi đầu vâng lệnh Công Quyền đã được đặt ra ngay từ thời khởi thủy Kitô giáo, theo đó thì phải vâng lời Chúa trước khi vâng lời các luật lệ của con người: 

- "Obedire oportet Deo, magis quam hominibus" (Cần phải vâng lời Chúa, trước khi vâng lời người phàm) (Cv 5-9). 

Dựa trên nền tảng vừa kể, các Kitô hữu đầu tiên bất tuân luật pháp của đế quốc Roma, cho rằng các luật lệ đó là những điều ngược lại các giới răn của Chúa, nhứt là đạo luật Roma bắt buộc phải đi lính , gia nhập vào đoàn quân viễn chinh giết người như phát cỏ của họ. 

Bởi đó là đạo luật ngược lại giới răn "chớ giết người" (Điều răn thứ V) của Kitô giáo. 

Các tín hữu Chúa Kitô lúc đó thanh thoảng chấp nhận các cực hình, kể cả phải tử đạo, để luôn luôn trung thành với tôn giáo và lương tâm mình. 

Bởi đó đọc lịch sử, chúng ta thấy được các tín hữu Chúa Kitô là những người phản đối tiên khởi về vấn đề "đi lính", "đi quân dịch" hay là "bọn phản động" đối với sắc lệnh của hoàng đế Roma. 

Nhưng rồi dòng lịch sử chuyển đổi, kể từ năm 313 trở đi, khi hoàng đế Constantino nhận biết Kitô giáo là Tôn Giáo và kế đến trở thành Quốc Giáo. 

Đến nỗi năm 380, một chiếu chỉ của hoàng đế Teodosio cho rằng chỉ có các tín hữu Chúa Kitô là những người đáng trở thành quân nhân phục vụ trong các đội quân giữ an ninh trật tự và củng cố đế quốc. 

Từ thời Trung Cổ trở đi, nhiều triết gia và thần học gia đã đưa ra những chủ thuyết về quyền chống đối kẻ độc tài. Thánh Tôma d'Aquino chẳng hạn, xác nhận rằng: 

- "Ai giết chết kẻ độc tài, là người đáng được khen ngợi và tưởng thưởng" (cfr Giorgio Giannini, Diritto di Resistenza, Centro Studi Difesa Civile, 1989, 121, cit. Summa Theologia III, 318...). 

Theo một số các nhà Hiến Pháp học danh tiếng, việc nhận biết quyền đối kháng được xác định rõ rệt trong Nghị Quyết của vua André II năm 1222 và trong chương 61 Magna Carta Anh Quốc 1225. 

Quyền và bổn phận chống lại những kẻ đàn áp, độc tài, bất chính được Tiền Đề Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776 xác định rõ: 

- "Chúng tôi xác nhận rằng mọi người được dựng nên bình đẳng như nhau, được Đấng Tạo Hoá ban cho những quyền bất khả nhượng..., mà mỗi khi một hình thức chính quyền nào đạt đến mức chối bỏ những mục đích đó, dân chúng có quyền sửa đổi hay loại bỏ chính quyền đó, bằng cách thiết lập nên một chính quyền mới, đặt nền tảng trên các nguyên tắc vừa kể...Khi nào một chuổi các cuộc lạm quyền và hành xử sai trái...phản ngược lại đồ án đến nỗi làm cho con người phải hoàn toàn qụy phục, thì lúc đó dân chúng có bổn phận, hơn cả chỉ là quyền, phải lật đổ chính quyền đó"

Quyền và bổn phận chống lại đàn áp bất chính có nền tảng pháp lý chính đáng của mình trong Cách Mạng Pháp Quốc 1789. 

Thật vậy Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân 1789, điều 2 xác nhận: 

- "Mục đích của mỗi cộng đồng xã hội là gìn giữ các quyền tự nhiên và bất khả tách rời của con người. Các quyền đó là quyền tự do, quyền tư hữu, quyền có được cuộc sống an ninh và quyền chống lại trấn áp"

Kế đến Hiến Pháp 1973 Pháp Quốc còn xác định chi tiết hơn: 

- "Quyền chống lại áp bức là hậu quả các quyền khác của con người" (Điều 33). 

- "Khi chính quyền vi phạm các quyền của dân chúng, việc nổi dậy chống đối của dân chúng là một quyền thiên thánh nhứt và là một trong những bổn phận thiết yếu nhứt" (Điều 35). 

Bẳng đi một thời gian quyền đối kháng của người dân bị đàn áp bằng bạo lực không được nhắc đến, sau những gì chúng ta vừa ghi lại ở trên. 

Nhưng rồi vấn đề được pháp luật nhận biết đối với quyền con người chống đối trước bạo lực bất công được bắt đầu đề cập lại sau thế chiến II, sau những thảm trạng tàn sát hàng triệu người, nhứt là người Do Thái trong các lò sát sinh của Đức Quốc Xã. 

Như vậy, trong Nội Quy Toà Án Nuenberg, được ký kết trong thoả ước Luân Đôn ngày 08.08.1945 giữa các Quốc Gia Đồng Minh, xác định nguyên tắc trách nhiệm hình sự cá nhân đối với những ai "phạm tội gây chiến" hay "phạm tội diệt chủng", ngay cả khi người đó thi hành theo lệnh trên cũng vậy. 

Quyền con người chống trả đối với những đàn áp bất công, nguyên tắc nầy được Định Chế Quốc Tế nhận biết và được ghi trên nhiều Hiến Pháp sau thế chiến II, nhứt là Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, là Hiến Pháp kết quả, thoát xuất từ tình trạng khủng khiếp của Đức Quốc Xã. 

- Hiến Pháp các Tiểu Bang về phía Á Châu của Cộng Hoà Liên Bang Đức, 01.12.1946 chẳng hạn, thiết định ở điều 147 rằng: 

* "Chống lại cách hành xử quyền lực công quyền ngược lại Hiến Pháp là quyền và bổn phận của mỗi người"

- HIến Pháp của Tiểu Bang Brema, 21.10,1947, xác đinh ở điều 19 rằng: 

* "Nếu các quyền con người được Hiến Pháp thiết định, bị công quyền vi phạm ngược lại Hiến Pháp, sự chống đối lại của mỗi người là quyền và bổn phận"

- Hiến Pháp Tiểu Bang Brandenburg ngày 21.01.1947, ở điều 6 xác nhận: 

* "Chống lại các luật lệ ngược lại luân lý và nhân loại, con người có quyền được chống đối"

- Cũng vậy Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, ở điều 20, đoạn 4, tuyên bố: 

* "Mọi người dân Đức đều có quyền chống đối lại đối với bất cứ ai có ý định phá hoại định chế hiện hành, nếu không có cách nào khác để cải tiến khác hơn". 

2 - Quyền "phản động" được mặc nhiên tuyên bố trong một Hiến Pháp. 

Khác với cách tuyên bố minh nhiên của một vài Hiến Pháp được đề cập, đọc suốt 138 điều khoản Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, không ai tìm được một điều khoản nào đứng về phiá "bọn phản động" một cách minh nhiên, cho phép "bọn phản động" có quyền và có lý chứng chống đối lại cách hành xử man rợ của Đảng và Nhà Nước. 

Điều đó khiến cho người đọc đặt ra câu hỏi: như vậy người dân Ý Quốc có quyền chống đối, "phản động" đối với bọn Phát Xít Mussolini ác ôn, nếu chẳng may có thể đội lốt gian hồ tái xuất hiện hay không? 

Nhiều nhà Hiến Pháp học nổi tiếng của Ý đã không ngần ngại trả lời xác quyết. Bởi lẽ theo các vị, "quyền chống đối lại áp bức" đã được Hiến Pháp mặc nhiên (implicitamente) bảo vệ, đối với bất cứ ai vi phạm các nguyên tắc nền tảng của một Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ như Hiến Pháp 1947 Ý Quốc. 

Thật vậy, quyền đối kháng chống lại những hành động bất công vi hiến đã được chính danh hoá trong nguyên tắc "quyền tối thượng của quốc gia thuộc về dân" trong điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc: 

- "Quyền tối thượng thuộc về dân, người dân hành xử quyền tối thượng đó theo các thể thức và trong các lằn mức của Hiến Pháp" (Điều 1, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

Trong câu nói vừa kể, "quyền tối thượng thuộc về dân", là quyền được gán cho mỗi người dân, như là thành phần dân chúng trong cộng đồng Quốc Gia, chớ không phải chỉ cho tập thể dân chúng ( hay "nhân dân" hiểu theo ngôn từ của các đồng chí ), để đè bẹp cá nhân, coi cá nhân chỉ là một con số. 

Trong ngành Luật Pháp Ý Quốc:, có nhiều đạo luật thiết định quyền chống đối của cá nhân (tức là của mỗi con người) trước những chỉ thị, nghị quyết, sắc lật, sắc lệnh...bất chính của tổ chức công quyền (trung ương cũng như địa phương) hay trước thái độ bất chính tùy hỷ của nhân viên công quyền thuộc hạ: 

- Điều 4 của Sắc Lệnh n.288, năm 1944, chính danh hoá việc chống đối tích cực (tức là bằng mọi phương tiện) đối với một viên chức công quyền hay một cơ quan chính trị, quản trị hay tư pháp, khi các động tác công cộng đó được thi hành bất chấp luật lệ. 

- Điều 51 của Bộ Hình Luật loại trừ khỏi bị trừng phạt các động tác được thực hiện "trong việc thi hành phận vụ", do một đạo luật cắt đặt cho hay do lệnh chính đáng của tổ chức công quyền đưa ra. 

- Điều 650 của Bộ Hình Luật cho phép thành viên thuộc hạ cưởng chế lại các quyết định được Cơ Quan Công Quyền "ban hành không chính đáng", tức là ban bố tùy hỷ và bất hợp pháp. 

- Đối với quân nhân, bổn phận vâng lời một chỉ thị bất hợp pháp đã được đạo luật 382, ngày 11.07.1978, điều 4 tiên liệu như sau: 

* "Quân nhân nhận được một lệnh rõ ràng chống lại các cơ chế Quốc Gia hay việc thực hiện điều lệnh đó trở thành một tội phạm rõ rệt, người quân nhân đó có bổn phận không thi hành lệnh và thông báo cho cấp trên cáng sớm càng tốt". 

Tất cả những đạo luật chính danh hoá thái độ "phản động", phản đối,bất tuân vừa kể không có gì khác hơn là những đạo luật áp dụng điều 52, đoạn 2 của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, theo đó thì 

- "Định chế quân đội phải được thiết định dựa trên tinh thần dân chủ của Nền Cộng Hoà". 

Về phía cá nhân đã vậy, dân sự cũng như quân nhân, luât pháp đều chính danh hoá quyền "phản động", đối kháng, bất tuân được bảo vệ chống lại mọi cách hành xử độc tài, đàn áp, phi nhân, coi con người như rơm rạ. 

Về phía tập thể, dộng tác "phản động" cũng được chính danh hoá chống lại sắc luật, sắc lệnh, nghị quyết, chỉ thị... hay thái độ hành xử ngược lại các nguyên tắc hiến định, không phải chỉ đối với viên chức hay tổ chức công quyền đem ra áp dụng , mà còn ngay cả đối với các cơ quan hiến định, như Quốc Hội, Chính Quyền, Tư Pháp là những cơ quan đại diện Quốc Gia soạn thảo chuẩn y, áp dụng và giải tích sai trái tùy hỷ, trái với tinh thần của Hiến Pháp. Bởi lẽ đó là những đạo luật, động tác và giải tích phán đoán vi hiến. 

Quyền "phản động" cá nhân cũng như tập thể. được thể hiện như là hành xử các quyền tự do, đã được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc minh nhiên xác nhận: 

- "Mọi người đều có quyền tự do phát biểu tư tưởng của mình bằng lời nói, bằng chữ viết và bằng các phương tiện truyền thông khác" (Điều 21, đoạn 1, id.). 

- "Quyền đình công được thể hiện trong lãnh vực được luật pháp thiết định" (Điều 40, id.). 

- "Mọi công dân đều có quyền tự do hợp nhau thành các chính đảng, để cùng nhau theo phương thức dân chủ thiết định đường lối chính trị Quốc Gia" (Điều 49, id.). 

a) Trên thục tế, điều 54 Hiến Pháp 1947 thiết định: 

- "Mọi công dân đều có bổn phận phải trung thành với Nền Cộng Hoà và tuân giữ Hiến Pháp và luật pháp. Các công dân được ủy thác cho các phận vụ công cộng, có bổn phận phải chu toàn các bổn phận đó theo luật lệ và với danh dự, qua thể thức tuyên thệ"

Tuy nhiên chúng ta không nên lầm lẫn giữa bổn phận trung thành và bổn phận vâng lời. 

Thật vậy, đó là hai quan niệm khác nhau: trung thành với Nền Cộng Hoà đi trước, dĩ nhiên và trên lý thuyết, là tuân giữ lề luật Quốc Gia. 

Bởi đó, bổn phận trung thành với Nền Cộng Hoà, và như vậy với Hiến Pháp và nhứt là với các nguyên tắc nền tảng được thiết định trong Hiến Pháp, có giá trị trổi vượt và ưu tiên hơn bổn phận phải vâng lời, bởi vì phải vâng lời đối với những gì được luật pháp thiết định, luật pháp là những diễn giải và thực thi lý tưởng và giá trị được ghi trên Hiến Pháp. 

Trong trường hợp luật pháp có những đạo luật đi ngược lại các nguyên tắc nền tảng của Định Chế Hiến Pháp, tức là những đạo luật vi hiến, bổn phận vâng lời các nguyên tắc nền tảng hiến định phải được đặt lên trên bổn phận vâng lời luật pháp. 

Như vậy việc đơn sơ vâng lời luật pháp thôi, chưa đủ bổn phận vâng lời đối với thể chế Quốc Gia, đòi buộc phải có một thái độ thiết thực hợp với các nguyên tắc nền tảng của văn bản Hiến Pháp. 

b) Qua ba quyền tự do được trích dẫn ở trên, mà người công dân phải có trong cuộc sống của mình. Đó là 

- quyền tự do ngôn luận (Điều 21, đoạn 1, id.), 

- quyền đình công (Điều 40, id.) 

- và quyền thành lập và gia nhập chính đảng (Điều 49, id), 

chúng ta hiểu được rằng quyền đối kháng hay "phản động" đối với những suy tư và hành xử sai trái của giới công quyền không phải chỉ là cách hành xử côn đồ, chỉ biết đánh đập, bỏ tù, giết chết, tiêu diệt như những gì đã và đang xảy ra, ai cũng thấy. 

Người dân có thể không đồng ý với những điều sai trái, áp bức bất công của công quyền bằng cách dùng 

- lời nói của mình để phản đối, dùng các phương tiện truyền thông để thảo luật bàn thảo với người khác, cho thấy đâu là điều sai trái có hại cho mình và cho anh em mình trong cộng đồng quốc gia hay cả cộng đồng quốc tế (Điều 21, id.). 

- người công nhân có thể bất đồng ý kiến với kẻ có quyền thế, tư nhân cũng như công quyền, bằng cách phản ứng thụ động, "đình công", không cộng tác, để tránh cho những điều sai trái không tạo thêm những tai họa lớn lao hơn cho mình và cho anh em (Điều 40, id.). 

- người dân có thể họp nhau thành lập và kêu gọi thêm những người khác gia nhập các chính đảng. 

Hiến Pháp không xác định phải thành lập và gia nhập chính đảng nào, mà là 

"Mọi công dân đều có quyền hợp nhau thành các chính đảng, để cùng nhau theo phương thức dân chủ, thiết định đường lối chính trị Quốc Gia" (Điều 49 id.). 

"Tự do ngôn luận" của cá nhân là tiếng nói đơn độc, người dân có quyền thành lập và gia nhập các chính đảng, tiếng nói của mình nhờ được tổ chức các chính đảng khuếch đại đều khắp đất nước, để mọi người hiểu được, thấy được đâu là sai trái của giới đương quyền và những gì đáng lý ra phải làm và hoạch định những đồ án tốt đẹp, lợi ích hơn cho mình và cho Đất Nước. 

Ngoài ra "các chính đảng" không chỉ là tiếng nói tập thể của người dân, mà còn là "tổ chức giáo dục" huấn dạy cho dân chúng biết những gì đáng làm và phải tránh, vì lợi ích Đất Nước. 

Hiểu như vậy, quyền "phản động", đối kháng không phải chỉ là những gì vũ phu tiêu cực, đả phá những sai trái, mà còn là những gì những gì tích cực, xây dựng tốt đẹp hơn cho công ích, làm cho cuộc sống người dân và cộng đồng dân tộc đưọc tốt đẹp hơn. 

Dĩ nhiên nên lưu ý trong khi thực hiện thái độ "phản động", nên suy nghĩ có nên thực hiện "phản động" bằng bạo lực hay không. Bởi vì "phản động" để bênh vực một quyền bị cách hành xử của tổ chức công quyền xúc phạm, chúng ta không nên làm tổn thương hay hy sinh các quyền căn bản khác của con người, ngang hàng hay quan trọng hơn, như 

- quyền được bảo toàn mạng sống 

- hay quyền an ninh cá nhân chẳng hạn (Dĩ nhiên thái độ dùng vũ lực của cá nhân được cho phép trong một vài trường hợp được Bộ Hình Luật thiết định trước, ví dụ như để bảo vệ một quyền chính đáng hay trong trường hợp khẩn thiết cần kiếp, sẽ được vị thẩm phán đương cuộc duyệt xét) . 

Qua những gì được đề cập, chúng ta hiểu được quyền "phản động", chống đối lại các tư tưởng và hành động sai trái của giới công quyền được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc chấp nhận, mặc dầu dưới hình thức mặc nhiên, bởi lẽ quyền đối kháng, "phản động", không chấp nhận cách hành xử bất chính hay không hiệu năng của giới đương quyền, không có gì hơn là áp dụng hiện thực nguyên tắc tối thượng của dân chúng, 

"Quyền tối thương thuộc về người dân, người dân hành xử quyền tối thượng của mìnhtheo caqc thể thức và trong giới mức hiến định" (Điều 1, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), nói lên định chế luật pháp Quốc Gia. 

Quyền tối thượng được thực hiện một cách trực tiếp qua các nguyên tắc nền tảng về quyền tự do, được chính HIến Pháp xác nhận rõ ràng và một cách gián tiếp qua tổ chức Quốc Gia, các cơ chế Quản Trị Hành Chánh. Nhưng dù sao đi nữa hoạt động của tổ chức cơ chế Quốc Gia không thể đối ngược lại quyền tối thượng của dân chúng. 

Như vậy khi nào tổ chức Quốc Gia tỏ ra ý muốn hoặc hành xử không phù hợp với dân chúng, người dân có quyền và bổn phận (cá nhân cũng như tổ chức tập thể) thu tóm lại quyền tối thượng của mình để thiết lập lại tính cách chính đáng, ví dụ như để bênh vực các cơ chế dân chủ. 

Trên thực tế, 

- mặc dầu Chính Quyền hay một cơ quan công quền đã được chính danh thiết lập bằng cuôc đầu phiếu, 

- nhưng khi hành động vượt qua bên ngoài tính cách chính danh hợp pháp của mình, các công dân là những chủ nhân của quyền tối thương, có thể hay dúng hơn phải phát đông sự chống đối, "phản động" để thiết lập lại tình trạng luật pháp đã bị vi phạm. 

Nếu người công dân không có quyền "phản động" chống đối để lập lại trât tự, phương thể cuối cùng nào có thể tái tạo được tình trạng luật pháp bị vi phạm, nuyên tắc quyền tối thượng thuộc về dân sẽ là một nguyên tắc vô ý nghĩa. 

Quyền đối kháng, "phản động" là một dụng cụ nền tảng, mặc dầu là dụng cụ được dùng trong trường hợp bất thường, dùng để bảo đảm Định Chế Hiến Pháp, mặc dầu trong Hiến Pháp Ý Quốc 1947 không được minh nhiên đề cập đến, nhưng lần bước theo tinh thần được chứa đựng trong Hiến Pháp, chúng ta cũng tìm ra được. 

Ngoài ra bổn phận trung thành với Hiến Pháp, được điều 54 xác nhận, bao gồm cả bổn phận bất tuân đối với các đạo luật chống lại Hiến Pháp. Bởi đó khi có môt hành vi do một cơ chế Hiến Pháp thiết định, ngay cả Chính Quyền và Quốc Hội, nếu hành vi đó là cách hành xử vi hiến, 

- người dân không những có quyền mà còn có cả bổn phận phải chống đối lại, 

-miễn là thái độ chống đối đó không phải là thái độ có thể vi phạm các quyền căn bản của người khác và để bảo vệ các cơ chế dân chủ. 

Như vậy khi cơ chế Quốc Gia thực hiện một động tác chống lại các nguyên tắc nền tảng của Hiến Pháp, người dân có quyền "phản động" đối kháng, kể cả đối kháng tập thể, như là phương thể cuối cùng "extrema ratio" để thiết kế lại tính cách pháp lý hiến định. 

Tùy trường hợp cách đối kháng đó có thể được thự hiện dưới hình thức bất tuân dân sự và có hay không bạo lực. 

Dân chủ của các Quốc Gia văn minh là vậy ! Quyền đối kháng hay "phản động" đối với những cách hành xử bất chính đều được các Hiến Pháp thiết định, minh nhiên hay mặc nhiên cũng vậy.

Nguyễn Học Tập - thanhnienconggiao
Quyền phản động của con người bị đàn áp bất công Reviewed by Em Binh on 7/10/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập - Từ ngữ "phản động" ai trong chúng ta cũng thường nghe nói đến, được hô to từ miệng những con người chỉ biết ...

Không có nhận xét nào: