Nguyễn Học Tập - SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 43); (26.08.2003); (Ga 6, 60-69)
CHÚA NHẬT XXI PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN; NĂM B
Với đoạn Phúc Âm hôm nay (Ga 6, 60-69), Thánh Gioan kết thúc chương 6, một chương Phúc Âm quan trọng của lớp Huấn Luyện Ki Tô Học (Christologia), diễn tả lại tiến trình đức tin về Bí Tích Thánh Thể, thu nhặt kết quả và đưa ra ba lý chứng chính đáng cho đức tin đó.
Trong các bài Phúc Âm của bốn Chúa Nhật vừa qua, Thánh Gioan
- khởi đầu lớp học của Ngài bằng phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều (Ga 6, 1-15).
- kế đến Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy, luôn nằm trong đề tài bánh là lương thực để nuôi sống con người, Người tuyên bố rằng "Bánh từ trời xuống, chính là Ta" (Ga 6, 24-35).
- và rồi trước những lời bàn tán, phê bình, phản đối, Chúa Giêsu thêm vào một yếu tố mới để dạy chúng ta về tiến trình đức tin với thành ngữ "đến với Ta", tức là "tin vào Ta". Là một tiến trình dĩ nhiên phải có sự cộng tác của con người để "đến với Ngài", con người nổ lực để vượt thắng khoảng cách từ chống đối, ngờ vực, thãn nhiên, thụ động để tiến đến đức tin, tin cậy và phó thác, "tin vào Thiên Chúa" (Credo in Unum Deum). Tiến trình vừa kể là tiến trình vượt quá khả năng tự nhiên của con người, nên con người cần có Thiên Chúa trợ lực và hấp dẫn:
- "chẳng ai đến được với Ta, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Ta, không lôi kéo người ấy"(Ga 6, 41-51).
- Bài Phúc Âm Chúa Nhật vừa qua là thượng đỉnh của những gì Chúa Giêsu đã chuẩn bị trước đó, Chúa Giêsu đề cập rõ ràng về Bí Tích Thánh Thể, là Bí Tích trong đó Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể, gồm cả bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, hiện diện để con người có thể đến tiếp nhận Ngài vào lòng, để "ở lại trong Ta, và Ta ở lại trong người ấy" và Người thông ban đời sống thần linh vĩnh cữu và hạnh phúc bất diệt của Thiên Chúa cho con người,
- "Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta thế nào, thì kẻ ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà được sống như vậy" (Ga 6, 51-58).
Nhưng tiến trình đi đến đức tin không phải là cuộc hành trình lúc nào cũng suông sẽ, không có nghi ngờ, phản kháng, chống đối và nhiều khi bỏ cuộc, vì đối tượng của đức tin không phải là những gì có thể hoàn toàn kiểm chứng được, hoàn toàn nằm trong tầm hiểu biết lý luận của con người: đức tin không phải hoàn toàn là đối tượng của khoa học thực nghiệm hay hoàn toàn thuộc lãnh vực của triết học hay luận lý học.
Với phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, mọi người đều chạy theo Chúa Giêsu. Đó chưa phải là đức tin mà vì họ bị lóa mắt trước hào quang của phép lạ và lợi lộc vật chất:
- "Thật, Ta bảo thật các ông, các ông đi tìm Ta không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn uống no nê" (Ga 6, 26).
Ngạc nhiên, lóa mắt và thán phục là cánh cửa mở ra để bước tới đức tin, chớ không phải là một trạm dừng chân, một bải đậu xe, dừng lại và thoả mãn không tiến thêm nữa.
Do đó khi Chúa Giêsu bắt đầu đưa họ tiếp xúc với những yếu tố của đức tin, thì con người liền phản ứng, phê bình, nghi ngờ, xoi bói bắt đấu bộc phát, bởi vì đối với họ đã quá đủ ánh hào quang của phép lạ hoá bánh và cá để nuôi năm ngàn người:
- "Người Do Thái liền xì xầm phản đối, bởi vì Chúa Giêsu đã nói: Ta là bánh từ trời xuống. Họ nói: Ông nầy chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông Ta lại nói: Ta từ trời xuống?" (Ga 6, 41-42).
Những lời phản đối, tranh cải lại càng trở nên dữ dội hơn, khi Chúa Giêsu đề cập rỏ ràng đến Bí tích Thánh Thể, Phúc Âm của Chúa Nhật vừa qua:
- "Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: Làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (Ga 6, 52).
Qua những gì đã được trình bày và thuật lại cho chúng ta tất cả việc đã xãy ra trong tiến trình đức tin từ phép lạ hóa bánh đi đến đức tin, Thánh Gioan kết thúc chương 6 Phúc Âm của Ngài với bài Phúc Âm hôm nay, như một cuộc duyệt xét kế toán kết quả cuối cùng.
Khởi đầu của đoạn Phúc Âm hôm nay, Thánh Gioan cho chúng ta thấy Ngài không còn chú ý đến đám dân chúng Do Thái theo Chúa Giêsu, mà đặt trọng tâm vào chính Nhóm Môn Đệ của Chúa Giêsu.
Và đây là phản ứng của những người bất bình:
- "Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời nầy chướng tai quá! Ai nghe nổi ?...Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa" (Ga 6, 60. 63).
Bí Tích Thánh Thể được hiểu như là Bí Tích Nhập Thể , một trường hợp thử thách không dễ dàng gì đối với đức tin, nhứt là nhìn theo tầm hiểu biết và sức cố gắng của nhân loại. Nhưng đức tin không có gì là không thể chấp nhận được, nếu đức tin được ơn trên trợ giúp và ban cho:
- "Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho" (Ga 6, 65).
Thánh Gioan không thuật lại cho chúng ta Nhóm Môn Đệ của Chúa Giêsu lúc đó gồm bao nhiêu người, chỉ biết khi "nhiều Môn Đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa", và bản kế toán cuối cùng của Thánh Gioan chỉ còn lại Nhóm Mười Hai Người.
Và đối với Nhóm Mười Hai Người còn lại, Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi:
- "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy đi sao ?" (Ga 6, 67).
Tính tình bộc phát của Thánh Phêrô cho phép Ngài phản ứng mau lẹ, phản ứng như thủ lãnh của Nhóm Mười Hai Người, phản ứng xác tín cứng chắc như một hòn đá , "kefa".
Thánh Phêrô phản ứng từ lối suy luận tự nhiên của con người, để bước vào lãnh vực đức tin và cuối cùng là xác tín mãnh liệt vào con người của Chúa Giêsu.
a) Phản ứng bộc phát tự nhiên theo lối suy luận của con người là
- "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai ?" (Ga 6, 68).
Nói một cách nôm na: Bỏ Thầy, nhưng chúng con không tìm được ai khá hơn Thầy, nên chúng con biết theo ai.
Lý do nêu ra vừa kể chắc chắn chưa phải là lý lẽ hùng hồn có thể làm nền tảng cho việc "ở lại với Ta" của các Môn Đệ, với đức tin vào Chúa Giêsu của các ông, nhưng là lý lẽ khá vững chắc để khỏi bỏ đi.
Cử chỉ của các ông chưa phải là đức tin, chỉ là lý lẽ khôn ngoan thông thường không nên vất đi.
b) Lý do thứ hai được phát biểu trên một bình diện cao hơn, bình diện của lãnh vực đức tin, nhờ vào những kinh nghiệm các ngài đã trải qua bên cạnh Chúa Giêsu, nhứt là những gì liên hệ đến con người Chúa Giêsu, các lời Ngài giảng dạy:
- "Chính Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6, 68b).
Các từ ngữ "chính Thầy mới có" cho thấy các Môn Đệ là những người đã sống bên cạnh Chúa Giêsu, đã khám phá ra hay nói đúng hơn được Chúa Giêsu mạc khải cho biết tầm quan trọng con người của Ngài, "chính Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời".
Lý lẽ vừa kể là lý lẽ "ắt có và đủ" để cho Phêrô và các Môn Đệ "ở lại với Ngài".
c) Lý lẽ thứ ba là xác tín mãnh liệt vào con người Chúa Giêsu:
- "Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Ga 6, 69).
Sống bên cạnh Chúa Giêsu và được Ngài dạy dỗ cho, các Môn Đệ có đức tin trong suốt về con người Chúa Giêsu, "là Đấng Thánh của Thiên Chúa", là Đấng thuộc về Thiên Chúa, đồng nghĩa với " là Con Thiên Chúa", là Đấng mang trong người mình bản tính Thiên Chúa, đời sống vĩnh cữu và hạnh phúc tuyệt đỉnh của Thiên Chúa.
Do đó mà ám chỉ đến Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu nói:
- "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết" (Ga 6, 54).
Như vậy, cùng với việc kết thúc chương 6 , phân nửa phần đầu (cc. 1-12) của Phúc Âm, Thánh Gioan kết thúc tiến trình đức tin của Lớp Huấn Luyện Ki Tô Học (Christologia) của Ngài với kết quả là niềm tin mãnh liệt của những thành viên tham dự chọn lọc, Nhóm Mười Hai Người.
Tiến trình đó được bắt đầu với các lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả:
- "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói khi bảo rằng: có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi" (Ga 1, 29-30),
- "Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bò câu từ trời xuống và ngự trên Người" (Ga 1, 32),
- " Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần" (Ga 6, 33),
- "Tôi đã thấy, nên xin chứng thật rằng Người là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga 1, 34).
Tiến trình đức tin được khởi đầu bằng những lời chứng đó, và rồi ở tiệc cưới Cana các Môn Đệ được nhận thấy vinh quang của Chúa Giêsu lần đầu tiên khi Người biến nước thành rượu, mạc khải cho các ông những dấu chỉ đầu tiên của Đấng Cứu Thế:
- "Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana, miền Galilea và bày tỏ vinh quang của Người" (Ga 2, 11).
Và trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, ở Capharnaum, cũng ở miền Galilea, nhờ những kinh nghiệm sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, các Môn Đệ được " thử lửa" trước một mạc khải thượng đẳng: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhập thể trong Bí Tích Thánh Thể để thông ban đời sống vĩnh cữu và hạnh phúc bất diệt cho những ai đến lãnh nhận Người, "ở lại với Người và Người ở lại trong người ấy" (Ga 6, 56).
Và tất cả Nhóm Mười Hai Người được chấm điểm đậu với câu trả lời xác quyết của trưởng nhóm Phêrô:
- "Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Ga 6, 69).
Nguyễn Học Tập(TNCG)
Không có nhận xét nào: