Hình Thức, Vị Trí & Vai Trò của Xã hội Dân Sự - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 8, 2012

Hình Thức, Vị Trí & Vai Trò của Xã hội Dân Sự

Lưu Nguyễn Đạt - Chúng ta sẽ thấu hiểu thế lực của Xã hội Dân Sự[1] sau khi xác định xong hình thức tổ chức, vị trí đối chiếu và vai trò thực thi Dân Chủ của Xã Hội Dân Sự [XHDS] trong không gian và thời gian hiện đại.

Hình Thức Tổ Chức

XHDS là tổng hợp các chủ thể pháp nhân[2]nhằm đáp ứng, tương trợ và bảo trọng quyền lợi, mục tiếu và phẩm giá tập thể của công dân, của dân chúng trong nước và trong cộng đồng thế giới, theo định hướng dân chủ tự do. Muốn hữu hiệu, XHDS cần tự nguyện đoàn ngũ hoá thành “Tổ chức XHDS”, dưới hình thức tổ chức bất vụ lợi,[3] độc lập, hoặc tổ chức phi chính phủ,[4] để hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, từ thiện, giáo dục, tôn giáo, nghề nghiệp, điều nghiên, văn học, nghệ thuật, các phong trào dân vận bảo trọng nhân quyền v.v. 

Khi tự nguyện thành lập đúng theo khuôn khổ và thủ tục pháp định, tổ chức XHDS có dịp công khai, minh bạch hoá mục tiêu và sứ mạng theo đuổi, với kết quả đóng góp thế lực và ảnh hưởng dân chủ trong lĩnh vực sinh hoạt cộng đồng. 

Sinh hoạt hợp pháp của tổ chức XHDS cũng cho phép lượng giá hệ thống pháp quyền hiện hữu là dân chủ cởi mở nếu tôn trọng hoạt động chính thống của XHDS; còn không sẽ phải coi là chuyên chế, phản dân chủ, khi cấm đoán, kìm kẹp, kiểm soát các tổ chức tập thể này. XHDS phải được minh thị tôn trọng như một nhu cầu chính đáng của dân, do dân, vì dân. Mọi hình thức tổ chức XHDS khác đều có tính cách trá hình, lươn lẹo, vừa phản động ngược chiều, vừa vô hiệu, phí phạm nhân lực, tài lực. 

Nếu thiếu minh bạch, thiếu sinh lực tổ chức, thiếu sở trường và mục tiêu đúng đắn, mọi sinh hoạt đại khái, tạm bợ, và nhất là loại dàn dựng cơ sở man trá theo “Xã Hội Chủ nghĩa”, sẽ tức khắc không giúp được bất cứ ai, cả người chủ trương, giới “thừa hưởng”, lẫn phe đầu nậu gian hùng môi giới. 

XHDS, vốn thuộc về văn hoá mở rộng của tập thể dân chúng, chỉ ích lợi nếu quy tụ chung quang đời sống chân thực của con người dùng làm chuẩn, chứ không thể trà trộn theo kích thước quảng cáo thương mại, lẫn gò bó theo giáo điều mù quáng, ngu dân, hại dân.

Vị trí Đối Chiếu

XHDS nằm trong khu vực dân sự, lấy “sự việc” của “công dân” làm căn bản đo lường. Khu vực sinh hoạt của XHDS [a] khác với khu vực cá nhân, gia đình, [b] khác với khu vực tư lợi kinh tế thị trường, và [c] nhất là khác với khu vực chính quyền hiện hữu, và các cơ sơ dân vận nhà nước hay dân vận quốc doanh: các hội nhà báo/trí thức quốc doanh, tổ chức văn hoá quốc doanh, giáo phái quộc doanh v.v.

[A] Khu vực XHDS khác với khu vực cá nhân, gia đình, nhóm đảng khi những thành phần này hành động vì quyền lợi, mục tiêu riêng rẽ của cá nhân, gia đình, bè nhóm. Ở địa vị cá nhân, gia đình, bè nhóm, người dân chỉ gây dựng được những ảnh hưởng có lợi ích hạn hẹp cho cá nhân, gia đình, bè mhóm [sáng tạo một tác phẩm để đời; sinh hoạt theo nội quy đảng], nhưng chưa hoạt động theo tiêu chuẩn “tập thể mở rộng” của XHDS [thành lập một hội văn học, một hiệp hội từ thiện, một phong trào bảo vệ nhân quyền]. 

Nếu những cá nhân đó lại đứng ra hô hào, tổ chức bảo trợ một mục tiêu, một sứ mạng bác ái, phụng sự xã hội, nghề nghiệp, văn hoá, giáo dục nói chúng, không hạn hẹp, không trục lợi, thì cá nhân đó, gia đình đó có đủ tư cách sinh hoạt trong phạm vi của khu vực XHDS, miễn:
giữ thế phân định minh bạch, không mập mờ lẫn lộn về sổ sách, ngân quý, quyền lợi giữa hai khu vực riêng tư [cá nhân, gia đình, bè nhóm] và hiệp hội; 
không biệt đãi, không kỳ thị. Đó là lý do tại sao các nhân vật [có liêm sỉ] phải từ chối một chức vụ quan trọng trong tổ chức XHDS, hay bất cứ mốt chức vụ công quyền nào khác, để tránh trường hợp tranh chấp quyền lợi [conflict of interests] có thể xẩy ra. 

Ngược lại, với tư cách đại nhiệm cơ sở XHDS, các quản trị viên, thành viên và người hỗ trợ hiệp hội sẽ được bù đắp, và nếu cần, được miễn trách, miễn hay giảm thuế, căn cứ vào mức độ tham gia, đóng góp, và tư cách công minh, không lạm quyền, lạm dụng của họ. 

Kể từ những năm 1990, với sự hình thành của các Phong Trào Tân Xã Hội [New Social Movements], sinh hoạt XHDS đã đột phát mạnh để trở thành khối thế lực thứ ba [third sector][5] thực thi chiến lược xây dựng trật tự toàn cầu, trong một không gian nhân bản không ranh giới, thì sinh hoạt chính trị của XHDS đã chuyển hướng áp dụng những chương trình kết sinh thuần XHDS, trong khi mức độ tranh đấu chính trị còn lại sẽ tụ tập thành Xã Hội Chính Trị [Political Society] của các hội đoàn tranh đấu về ý thức hệ, chống đối các tai ương cai trị chuyên chế, các bạo hành công lực, công quyền. 

Riêng tại các quốc gia mà mực độ tự do công dân còn quá thấp, với cơ cấu công quyền chuyên chế còn lấn át quá mạnh, như tại Việt Nam, thì khía cạnh chính trị khó có thể tách ra khỏi mục tiêu sinh hoạt của các tổ chức XHDS: vừa giúp đỡ xây dựng xã hội thiếu thốn về mặt vật chất, kinh tế, giáo dục, vừa bênh vực xã hội lâm nạn, bị ngược đãi tinh thần, mất tự do, mất phẩm giá con người, bị chuất quyền công dân, chuất quyền sở hữu.

[B] Khu vực XHDS khác với khu vực vụ tư lợi kinh tế thị trương.[6] Trong khi các doanh nhân, các pháp nhân sĩ nghiệp, công ty thương mại đều sinh hoạt mong lấy lời vì đầu tư vốn liếng, máy móc [cơ sở tư bản],[7] sáng kiến, thì các hiệp hội từ thiện, nghiệp đoàn, các tổ chức khuyến học, bảo tồn văn hoá, bảo vệ nhân quyền v.v. lại là những pháp nhân thiện nguyện, bất vụ lợi, sinh hoạt với mục đích cung cấp ích lợi chung cho những đơn vị thụ hưởng theo nhu cầu hơn là theo khả năng. 

Trong lãnh vực SXDS, căn bản trao đổi không tùy thuộc vào yếu tố cung cầu trên thị trường mà căn cứ:

hoặc vào tình trạng khẩn trương và nỗ lực cứu độ nạn nhân, kẻ thất thế;
hoặc vào lý tưởng bảo vệ phẩm giá con người;
hoặc vào giá trị của tư tưởng sáng tạo, nhân bản cần bảo vệ. 

Vốn liếng của XHDS [Social Capital] là “vốn xã hội”, vốn nhân bản, với sự đóng góp của nhân lực và kiến thức của người dân. Trong vị trí của XHDS, con người vừa là trợ lực thi hành với sáng kiến và tâm thức, vừa là cứu cánh phục vụ trong việc cung ứng thêm hạnh phúc, an sinh, và phẩm giá nhân tính. 

Sinh hoạt bất vụ lợi cũng cần phương tiện cụ thể, tiền bạc, cơ sở sinh hoạt. Nhưng chỉ khác là những hạ tầng cơ sở tài lực và điều hành đó không làm lợi cho thành viên các tổ chức hiệp hội, mà phải được phân minh, để riêng thành các chương mục phục vụ tập thể cần cung phụng, theo tiêu chuẩn của nội quy [By-laws] và đường hướng theo tiêu chuẩn XHDS:

Gây quỹ cứu trợ chẳng hạn, thì phải tìm cách thu xếp trao gửi tiền, tặng phẩm tới tay nạn nhân, tới thành phần cần cứu độ; Không thể a tòng, dễ dãi với kẻ phạm pháp, với chính quyền địa phương bất tài, bất chính, để gây ra tình trạng thất thoát, làm thiệt hại cho nạn nhân, cho những đơn vị thực sự có nhu cầu. 

Vậy sinh hoạt bất vụ lợi của một hiệp hội chỉ có tính cách:

phân tách tiền tài thu nhập để không trở thành của cải riêng tư của các thành viên và cơ sở quản trị. 

Trái lại, nguồn tài lực do các chương trình gây quỹ và đóng góp của giới hảo tâm vẫn là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các sinh hoạt thuộc phạm vi XHDS. Có ngân quỹ mới có dịch vụ cộng đồng, mới có các dự án bảo vệ nhân phẩm, bình quyền, đa dạng trong nghề nghiệp, giúp đỡ từ thiền, cải tiến môi sinh, bảo vệ môi trường. Có tài chính mới có dự án nghiên cứu y tế cộng cộng, mới thực hiện được những chương trình sáng tạo văn nghệ, phát huy giáo dục v.v. 

Nhưng mọi thủ tục tài chính, thu và chi phải được thực hiện theo đúng thủ tục, đúng tiêu chuẩn công bằng, minh bạch, không lạm quyền tư lợi, không a tòng tham nhũng. 

[C] Khu vực XHDS khác với khu vực công quyền [chính quyền, chính phủ, nhà nước],[8] vì như tại Hoa Kỳ, XHDS xây dựng căn bản dân quyền trên năm trụ lực:

tự do tôn giáo,
tự do ngôn luận,
tự do báo chí,
tự do hội họp,
tự do phê phán công quyền. 

Thật vậy, căn cứ vào Tu chính Thứ Nhất [9] của Hiến Pháp Hoa Kỳ,[10] nhà Lập Pháp không được biệt đãi một tôn giáo, lẫn cấm đoán tự do tín ngưỡng liên hệ; không được cản trở quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền hội họp ôn hoà và thỉnh cầu chính quyền sửa sai.[11] Rõ rệt, XHDS giữ thế đứng hiến định của “khối lực thứ ba” trong việc xây dựng & bảo trì nền tảng dân chủ tại Hoa Kỳ. 

Việc đăng ký một tổ chức bất vụ lợi, với tư cách pháp nhân độc lập, rất thông thường trên thế giới tự do. Luật lệ Hoa Kỳ tại các Tiểu Bang liên hệ tới trụ sở khai báo của tổ chức đều ấn định một số quy tắc tổ chức dưới hình thức kê khai lập hội [articles of incorporation], ghi rõ hội danh, mục đích, trụ sở, người đứng khai, thành phần sáng lập viên hay hội đồng quản trị. Sau khi có giấy chứng nhận lập hội, việc đầu tiên cần thi hành là xin số khai báo của Hội với Cơ Quan Thuế Vụ IRS [EIN: Emplower Identification Number] để mở chương mục riêng cho Hội, và sau vài năm sinh hoạt, xin miễn-giảm Thuế Liên Bang dưới quan hệ pháp lý 501(C)(3) dành cho các tổ chức bất vụ lợi có mục tiêu tôn giáo, giáo dục, từ thiện v.v. 

Có lẽ sau mục tiêu “tôn giáo”, mục tiêu “từ thiện” được hưởng ứng nhiều nhất trên mọi địa bàn, quốc nội & quốc ngoại, trong thế giới tư do. Hoa Kỳ đòi hỏi các hiệp hội, kể cả các hiệp quỹ tư [private foundation], nhưRockefeller Foundation và Bill & Melinda Gates Foundation, khi sử dụng danh nghĩa “từ thiện” phải có sứ mạng đích thực phục vụ “công ích chung” [public interests],[12] nghĩa là phải cung cấp ích lợi cho tập thể mở rộng, cho dân chúng trong nước và trên toàn cầu, chứ không dành cho tư nhân, gia đình, bè nhóm.

Riêng Anh Quốc, cắn cứ vào Đạo Luật Từ Thiện 2006,[13] ấn định quy chế/mục tiêu từ thiện một cách rất bao quát, gồm có:

đề phòng và giải trừ nghèo khổ
phát huy giáo dục
phát huy tôn giáo
phát huy y tế công cộng & giải pháp cứu sống người
phát huy cộng đồng công dân
phát huy nghệ thuật, văn hoá, truyền thống, khoa học
phát huy thể thao không chuyên nghiệp
phát huy nhân quyền, tôn giáo qua đường lối hoà giải chủng tộc, bình quyền và đa dạng hoá
cải tiến & bảo vệ môi trường
cứu độ nạn nhân có nhu cầu cấp cúu vì tuổi thơ ấu, bệnh tật, tàn phế, nghèo túng, thất thế về các mặt xã hội khác.
phát huy bảo vệ súc vật v.v.

Cần Ghi Rõ:

Tất cả các tổ chức bất vụ lợi và hiệp quỹ tư trên đều có tính cách XHDS: của dân, do dân, vì dân. Các thành viền, từ sáng lập viên, hội viên, ban quản trị đều là dân trăm phần trăm. Họ lập hội vì nghĩa cử, vì trách nhiệm công dân, vì quyền lợi tập thể, vì phẩm giá con người, trong nước và toàn cầu. Các hiệp hội này sống nhờ những đóng góp nhân từ, gây quỹ, tặng dữ của cá nhân, hội đoàn, pháp nhân kinh doanh, công ty thương mại có chương mục từ thiện. Họ đóng góp tới đâu sẽ được giảm thuế tương xứng tới đó. Đó là cách thức trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào sinh hoạt hiệp hội và từ thiền quảng đại. Chúng ta đã thấy nhà hảo tâm tỷ phú Warren Buffett đã trao tặng 31 tỷ Mỹ Kim cho Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation để cùng làm việc nghĩa. Dù có nhận tiền đóng góp trên, các hiệp hội vẫn toàn quyền hành động theo đường lối của hội, căn cứ vào mục đích và sứ mạng đảm nhận. Họ không hề bị bất cứ thế lực nào kìm kẹp, ngoài việc phải thi hành sứ mạng từ thiện theo đúng tiêu chuẩn hiệp hội, một cách công minh, hợp lệ, hợp luân lý căn bản. 

Chế độ cộng sản, kể cả cái gọi là “nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [NCHXHCNVN], đã nhập nhằng bày đặt một số tổ chức tập đoàn, cũng dân cao danh nghĩa dân chủ trá hình, với khẩu hiệu “sao chép lậu” [nên rất nhiều hà tì, sai quấy, kiểu “nói-như-vẹm” hay “nói-như-vẹt”, thành vô nghĩa] : của dân, do dân, vì dân [sic]. Đó là hiện tượng quái dị của các “tập đoàn dân sự” [sic] lấy tên là “Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam” [MTTQVN] từ cấp thành phố, tỉnh, tới cấp huyện, và các “Câu Lạc Bộ” đủ thứ [CLB , liên minh, liên kết với MTTQVN, đều được thành lập bởi đảng viên cộng sản hoặc chuẩn-đảng viên-khăn-quàng-đỏ. 

Tất cả các tổ chức này chỉ phục vụ cho một thiểu số thống trị ước lượng gần 3,1 triệu đảng viên, chiếm 3,73% dân số cả nước.[14] Trên giấy trắng mực đen, họ đã xác nhận các tổ chức này chỉ là loại trá hình “dân sự”, mà đáng lẽ phải trắng trợn gọi là tổ chức “đảng sự”, vì thực sự “của đảng ta, do đảng ta, vì đảng ta”. Cái hiện tương này rất dễ hiểu, khi họ ghi nhận rõ ràng qua Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam (1992, sửa đổi):

“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” 

Đó là lý do tại sao có nhà biên khảo theo “xã hội chủ nghĩa” lại nhận định rằng: “XHDS ở VN cơ bản không mang tính đối kháng trong nó và với nhà nước. Tính đồng thuận và đoàn kết xã hội của XHDS khá cao, nhưng các tổ chức hoạt động còn phân tán, tính pháp lý chưa đủ và cần thiết”.[15]

Vậy, cái sắc thái “…không mang tính đối kháng trong nó và với nhà nước…đồng thuận và đoàn kết…” của các tổ chức này là do thế kẹt “chỉ đâu ăn nấy” hoặc “chỉ đâu đánh nấy”, theo chiều dọc của “Đảng ta”, từ đỉnh cao rớt xuống. 

Do đó, chúng tôi đề nghị với quý biên khảo gia kể từ nay nên gạt bỏ thuật ngữ Xã Hội Dân Sự [XHDS] đối với các “hội ma” này tại Việt Nam, mà nên đặt các tổ chức đó vào thực trạng của nó, mà chúng tôi mạn phép tạo một thuật ngữ mới là “Xã Hội Đảng Sự” [XHĐS], dịch ra tiếng Anh-Mỹ là “Nomenklatura Society” [NS], cho thuận lý, thuận cảnh, vừa “logic”, vừa hợp thời trang, hợp đảng, hợp cán, vì XHĐS đó, từ mấy chục năm nay chỉ là loại “Xã Hội Điếu Đón, Nhọ Nhem”, dần dà lột xác thành “Xã Hội Mafia-Đỏ” ăn chia, ăn đủ…từ hàng họ, đất đai, vàng bạc, rác rưởi. Không đảng viên nào dám chê. Nhất chí!

Vai Trò Thực Thi Dân Chủ 

Trên thực tế, các nhà cầm quyền cộng sản rất e ngại sự hình thành “thực sự” của XHDS, vì coi “khối thế lực thứ ba” này, và nhất là thứ văn hoá, cách suy diễn chủ trương độc lập của XHDS, sẽ gây trở ngại cho chính sách công quyền một chiều, độc đoán của họ. Ngày hôm nay, những ai có lương tri và lương tâm đều công nhận rằng XHDS, với “Vốn Xã Hội” [Social Capital] và đặc tính văn hoá tân xã hội, đã [a] một mặt tạo dựng sức mạnh liên đới phát huy và bảo trọng nền dân chủ chân chính, [b] mặt khác tiếp tục tìm phương thức giảm thiểu xung đột, va chạm, mâu thuẫn, đối kháng trong xã hội. 

Cái ưu điểm của XHDS là tính cách năng động của các tổ chức dân sự tự nguyện trong việc ảnh hưởng, định hướng chính sách đối nội vá đối ngoại; thay dổi, phát huy đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá giáo dục; tăng cường mức độ an ninh trong nước và ngoài nước. Hoa Kỳ đã chứng minh sự liên hệ kết sinh mật thiết giữa năng độ đa nguyên và đa dạng của XHDS với sự bảo trọng và phát huy của nền dân chủ hữu hiệu. Đó là sự nẩy mầm dân chủ từ hạ tầng cơ sở [XHDS, từ ý dân, sáng kiến, yêu sách, đòi hỏi, khuyến cáo] lên tới thượng tầng cơ sở của hệ thống chính quyền [Nhà lập pháp, hành pháp, tư pháp] có trách nhiệm đối với dân, đối với đất nước.

Vai trò của XHDS nhấn mạnh vào việc phát huy và bảo trọng dân chủ bằng cách:

[1] thực thi giá trị của dân chủ đa nguyên, đa dạng;
[2] hội nhập bằng hoà giải giữa nhiều khía cạnh của một vấn đề, vì công ích và quyền lợi chung;
[3] bắc cầu giữa nhiều khối, nhóm, quyền lợi riêng rẽ, bằng cách nới rộng các vị thế tranh chấp, để cùng xây dựng một giải pháp ôn hoà khả chấp, khả thi chung;[16]
[4] giảm bớt mức độ quá khích của hành động và dùng lương tri để chuẩn định theo nhu cầu, quyền lợi và vị thế của dân;
[5] sử dụng tối đa các phương thức và kinh nghiệm sẵn có trong nước và trên toàn cầu về đường lối và kỹ thuật tranh đấu xây dựng dân chủ, kiến tạo hoà bình;
[6] liên kết với những thế lực song hành, cùng sứ mạng, cùng mục tiêu, mà cứu cánh là dân, là nhân loại;
[7] gây vốn xã hội bằng giải pháp hài hoà, công minh, công bằng;
[8] gây vốn điều hành và tạo niềm tin về mặt kỹ thuật của từng dự án xây dựng dân chủ. 

Những thập nguyên gần đây, theo gương thế giới tự do, một số quốc gia đã vươn lên từ truyền thống chuyên chế. Năm 1998, Indonesia đã thoát khỏi tai ách độc tài của Suharto, sau khi ông ta bị dồn vào thế phải từ chức và bị truy tố về tội tham nhũng, với số tài sản phi pháp ước lương trên dưới 30 tỷ Mỹ Kim. Ngày hôm nay, Indonesia hưởng một chế độ cởi mở hơn, nhờ có tác động của các cơ sở XHDS, mỗi lúc mỗi phát khởi và liên kết chặt chẽ.

Nhờ có sự phát động của nhiều cơ sở XHDS tại Ethiopa, Quốc Hôi trở thành đa nguyên, nên đã chuyển hướng, đòi hỏi chính phủ Mặt Trận Cách Mạnh Ethopia [Ethopian People’s Revolutionary Front] phải chấm dứt kiểm duyệt báo chí và bắt bớ nhà báo ủng hộ sinh hoạt cua XHDS trong nước. Đó cũng là thành quả của hành động dân chủ hoá, qua hiện tượng đôn đốc thay đổi từ dưới lên,[17] từ lòng dân khởi nghĩa.

Trong cùng giai đoạn từ 1998 tới 2004, chúng ta cũng đã chứng kiến vai trò năng động của XHDS tại Georgia, Ukraine, Slovakia, Croatia, Serbia trong việc thực hiện những cuộc bầu cử tự do đưa tới hiện tượng dân chủ mỗi lúc mỗi sáng tỏ tại những xứ sở này. Và sau những cuộc bầu cử trên, XHDS vẫn phải tiếp tay với chính quyền để đa trạng hoá sự tham dự của công dân có sáng kiến xây dựng vào guồng máy quản trị đất nước chung. Vận động thường xuyên “giữa những cuộc bầu cử” mới thực sự đo lường năng lực tất yếu của XHDS tại bất cứ chính thể nào muốn tham dự cuộc hành trình đưa tới tự do dân chủ, thịnh vượng, an sinh. 

Ngay tại các quốc gia mà chế độ chuyên chế còn tồn tại dưới hình thức “dân-chủ-tiêu-cực/vô-hiệu”,[18] “dân chủ kìm kẹp”,[19] hay “dân-chủ-không-tự do”[20] như tại Việt Nam, XHDS chân chính vẫn là giải pháp cần thiết đưa tới công thức dân chủ hoá, đem lại thịnh vượng và an ninh cho xứ sở, cho toàn vùng lân cận. Vì dân chủ chỉ có thể thực hiện toàn vẹn khi mọc mầm từ tự do, sáng kiến và nghị lực toàn dân làm nền tảng, vốn liếng. Nhưng mượn vốn thì phải trả lại cho xòng phẳng, cho cân đối, cả vốn lẫn lời. Nếu đòi hởi tất cả của dân, ở dân, mà không hành đồng cho dân, vì dân… là thứ chính sách ăn quỵt, ăn không, ắt không lâu bền, cũng có lúc mất cả vốn lẫn liếng, để cùng xụp đổ theo đà phá sản tập thể. Từ đảng tới cán.

Sợ lúc đó, cấp lãnh đạo ba đầu sáu tay cũng không kịp bỏ của chạy lấy người.

TS-LS Lưu Nguyễn Đạt


Chú thích:

[1] Civil Society
[2] Entity [entities]: (1) being or existence, esp. when considered as distinct, independent, or self-contained: He conceived of society as composed of particular entities requiring special treatment. (2) Something that exists as a particular and discrete unit: Persons and corporations are equivalent entities under the law
[3] NPO [Non-Profit-Organizations]/NFPO [Not-for-Profit Organization]
[4] NGO [Non-governmental organizations]
[5] Voluntary or non-profit sector of an economy; EX.: ”intermediary space between business and government where private energy can be deployed for public good.” Also called tertiary sector
[6] Economical Market
[7] Investment capital
[8] State
[9] Amendment I, (1791)
[10] Hiến Pháp Hoa Kỳ [1787]
[11] «Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances.” [Amendment I, (1791)].
[12] Public interests. “IRS document P557″. http://www.irs.gov/pub/irs-pdf/p557.pdf. Retrieved 2008-08-27.
[13] The Charities Act 2006 provides the following list of charitable purposes:
the prevention or relief of poverty
the advancement of education
the advancement of religion
the advancement of health or the saving of lives
the advancement of citizenship or community development
the advancement of the arts, culture, heritage or science
the advancement of amateur sport
the advancement of human rights, conflict resolution or reconciliation or the promotion of religious or racial harmony or equality and diversity
the advancement of environmental protection or improvement
the relief of those in need, by reason of youth, age, ill-health, disability, financial hardship or other disadvantage
the advancement of animal welfare
the promotion of the efficiency of the armed forces of the Crown or of the police, fire and rescue services or ambulance services
other purposes currently recognised as charitable and any new charitable purposes which are similar to another charitable purpose.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Wikipedia
[15] Ts. Hồ Bá Thâm – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Tp. Hcm, Xã Hội Dân Sự, Tính ĐặcThù Và Vấn Đề ở Việt Nam
[16] build consensus and strengthen the moderate middle ground
[17] “making change from the bottom up”
[18] “feckless democracy”
[19] “control democracy”
[20] “illiberal democracy”
Hình Thức, Vị Trí & Vai Trò của Xã hội Dân Sự Reviewed by Admin on 8/16/2012 Rating: 5 Lưu Nguyễn Đạt  - Chúng ta sẽ thấu hiểu thế lực của Xã hội Dân Sự[1] sau khi xác định xong hình thức tổ chức, vị trí đối chiếu và vai trò...

Không có nhận xét nào: