Gia Minh(RFA)- Chiều 14/8 hàng trăm người dân bức xúc kéo nhau bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và có hành động quá khích do bất bình vì đất đai bị trưng thu sai mục đích.
Văn phòng Ủy ban nhân dân xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh chiều 14-08-2012.
Vụ việc mới nhất về tình hình dân chúng phẫn nộ bao vây trụ sở ủy ban và tấn công chủ tịch, phó chủ tịch được báo mạng Dân Trí loan tin vào ngày 15 tháng 8.
Theo thông tin mà báo đưa ra thì từ chiều ngày 14 đến sáng ngày 15 tháng 8 vừa qua, hằng trăm người dân xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh kéo nhau đến bao vây, khống chế người rồi đánh một số cán bộ xã bị thương nặng. Những người dân còn đập phá trụ sở ủy ban nhân dân xã.
Vào tối ngày 15 tháng 8, chúng tôi gọi điện đến số máy di động của ông chủ tịch xã Yên Lộc, Nguyễn Huy Quế và được ông cho biết ông đang nằm tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để điều trị. Ông nói là bị dân chúng hành hung nhưng trời tối nên không nhận dạng rõ người gây hại cho ông.
Ông Nguyễn Huy Quế đưa ra nhận định về nguyên nhân vụ việc:
Ở đó hôm trước có ‘thằng’ chống người thi hành công vụ nên bị công an bắt tạm giam. Bắt tạm giam buổi sáng, thì buổi chiều anh em ‘nó’ đến gây sự, rồi cả làng gây sự.
Gia Minh: Người làm sai như vậy nhưng sao lại có những người đồng tình cùng đến bao vây ủy ban nhân dân xã, một cơ quan chức năng, như vậy?
Ông Nguyễn Huy Quế: Nhiều người cũng hùa vô đó, có thể cả những người thuộc đoàn thanh niên cũng ‘hùa’ vô đó, làm ào ào thế đó. Còn bộ phận a dua chủ yếu là giáo dân. Đó là xứ đạo Tràng Đình có linh mục quản xứ khoảng 43 tuổi, Trần Văn Lợi.
Gia Minh: Tại sao giáo dân làm chuyện đó?
Ông Nguyễn Huy Quế: Tại sao giáo dân làm việc đó tôi cũng không nắm được. Tình hình giáo dân hiện nay có xu hướng bành trướng và có thái độ thách thức chính quyền. Dùng sức người, lấy thịt đè người. Có những đối trọng mà chính quyền cơ sở có những chỗ buộc phải nhân nhượng. Chính quyền cơ sở cũng ít, mức độ nào đó thôi, chứ không dám dùng vũ lực, mà chỉ bằng tuyên truyền thuyết phục thôi; mà tuyên truyền thuyết phục không nghe và có những việc dùng vũ lực thì không giải quyết được.
Gia Minh: Vì những mâu thuẫn gì mà xảy ra những chuyện như thế?
Ông Nguyễn Huy Quế: Xã có một vài ‘thằng’ tự động đào đất trái phép, rồi chống người thi hành công vụ. Cơ quan điều tra phát lệnh bắt tạm giam; bắt buổi sáng thì buổi chiều chúng bắt đầu gây sự. ‘Nó’ đòi trả người đó về, rồi nó sinh sự ra thôi."
Gia Minh: Họ đào đất để làm gì?
Ông Nguyễn Huy Quế: Họ đào đất để làm sân bóng nhưng chưa thông qua chính quyền mà tự động làm. Sân bóng vẫn cho họ làm nhưng họ tự động đào bới không thông qua chính quyền địa phương, và làm không đúng qui hoạch. Đất đó thuộc đất nhà nước quản lý.
Theo trình bày của ông chủ tịch xã Yên Lộc Nguyễn Huy Quế thì người dân kéo đến bao vây ủy ban nhân dân xã và hành hung bản thân ông cũng như vị phó chủ tịch đến bị thương là những người theo đạo Công giáo thuộc xứ đạo Tràng Đình, địa phận Vinh.
Do dân quá bức xúc
Người dân xã Liên Hiệp giăng biểu ngữ ngay trong sân UBND xã. Ảnh minh họa. |
Chúng tôi hỏi thăm linh mục chính xứ Tràng Đình, Trần Văn Lợi, về tình hình liên quan và được chính vị linh mục cho biết:
Người ta rất bức xúc, mà những lương dân cũng ủng hộ việc làm của những người đó. Lý do họ bức xúc vì một xóm đông dân cư như vậy mà không có một sân chơi nào hết. Chỉ có một sân bóng chuyền nhỏ để sau một ngày lao động nặng ra đó để giảm ‘stress’, nhưng lại lấy của người ta; nên tôi nghĩ những người đó cũng tranh đấu cho việc tập thể, việc chung mà thôi, chứ không phải riêng của gia đình họ đâu.
Tờ Dân Trí thì cho rằng nguyên nhân ban đầu do hai đối tượng Đặng Văn Định và Đặng Công ở xóm 5, xã Yên Lộc đứng ra thuê máy múc đất để xây tường rào trên thửa đất thuộc quản lý của ủy ban nhân dân xã nên cán bộ xã xuống nhắc nhở và đình chỉ. Báo này cũng nói Đặng Công dùng gậy đánh phó chủ tịch Dương Chí Thanh bị thương.
Anh Đặng Văn Minh, người thân của anh Đặng Văn Công cho biết thông tin từ phía gia đình:
Thuê máy múc để múc nước cho sân bóng sạch mà đánh bóng, chứ không phải phá bức tường đâu. Chủ tịch và phó chủ tịch có xuống đình chỉ công việc, nhưng máy vẫn làm. Sau đó không biết bao nhiêu ngày thì có lệnh triệu tập của huyện lên xã làm việc.
Lần thứ nhất Định và Công không có ở nhà thì bà lên; đến lệnh triệu tập thứ hai thì cả Công, cả Định sau khi đi đám cưới của em về đều lên và cả hai đều về; sang giấy triệu tập thứ ba thì hai đứa lên nhưng không hiểu sao Định về mà Công thì ở trên ủy ban công an đưa đi luôn. Đưa đi từ sáng hôm qua đến nay cũng không có tin tức gì. Bắt người mà không ai biết.
Lý do họ bức xúc vì một xóm đông dân cư như vậy mà chỉ có một sân bóng chuyền nhỏ để sau một ngày lao động nặng ra đó để giảm ‘stress’, nhưng lại lấy của người ta.LM. Trần Văn Lợi
Đây không phải làm việc cho cá nhân mà làm việc cho một tập thể của đoàn viên thanh niên xóm 5. Dân bảo xã và công an huyện làm sai nên dân ào lên…
Trong thời gian gần đây, tại nhiều nơi ở Việt Nam đã xảy ra những vụ dân chúng bức xúc về hành xử của cơ quan chức năng đã kéo nhau đến để bày tỏ phản đối. Đó là trường hợp hồi ngày 24 tháng 7 vừa qua, dân chúng mang xác một người đột tử tại công an huyện đến ủy ban nhân dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau để khiếu nại về cái chết bất minh đó.
Trước vụ này chừng vài ngày, cả ngàn dân xã Liên hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội tập trung nấu cháo tại sân trụ sở ủy ban yêu cầu trả lại đất tham nhũng và kỷ luật 11 cán bộ xã liên quan trong vụ đó.
Gia Minh biên tập viên RFA
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào: