Paul Nguyễn Thái Hợp - Đức Tin Nhập Thế Qua Ngòi Bút - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 8, 2012

Paul Nguyễn Thái Hợp - Đức Tin Nhập Thế Qua Ngòi Bút

(Paul Nguyễn Hoàng Đức) Tôi quả thực kinh ngạc trước hình ảnh của Đức cha Paul Nguyễn Thái Hợp. Một buổi chiều giữa hạ năm 2011, không được báo trước, luật sư Lê Quốc Quân đưa tôi đến ngôi nhà hai tầng của Tòa Giám mục Xã Đoài, nằm sát thành phố Vinh. 

Đức cha Paul bước ra ngoài sảnh nơi ngài vừa hoàn tất vai chủ tế của một thánh lễ. Tất nhiên trong bộ lễ phục mầu trắng ngà vàng, trông ông thật cao lớn, uy nghi, và phong độ. Nhưng khi bước vào phòng khách nằm sát ngay nơi ở của ông, ông bỗng trở nên một con người khác hẳn. Khác cái gì, ông gần gũi và khiêm nhường hơn sao? Không, ông vui vẻ và hoạt bát như một tác giả vẫn còn tươi niềm vui của bút mực trên tay.

Người Việt nói “sinh con rồi mới sinh cha”, có nghĩa: một người đàn ông khi nào sinh con rồi mới được gọi là cha. Và Đức cha vừa mới trở thành cha đẻ của ba cuốn sách dầy cả nghìn trang. Hoa quả là cái chứng tỏ nhiều nhất cho cây vì chính Chúa Jesus đã nói, cây nào không sinh hoa kết trái thì sẽ bị quăng vào lửa để làm củi đốt. Vậy mà ba cuốn sách mới của Đức cha Paul, không những là quả ngọt mà còn là men, là muối cho đời. 

Ngài đi lại lấy sách vui vẻ tặng mọi người, trong đó có luật sư Lê Quốc Quân, nhà báo J.B Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo Người Buôn Gió – Bùi Thanh Hiếu và anh Jos Nguyễn Tiến Đạt Trưởng liên đoàn sinh viên công giáo miền Bắc. Ngài tặng mỗi người hai cuốn sách : cuốn “Chút này làm tin” (NXB Văn Hóa Sài Gòn 2007), “Việt Nam dấu yêu, quê hương và giáo hội” (CLB. P. Nguyễn Văn Bình 2011). Riêng tôi, ngài vào phòng ngủ lấy ra một cuốn sách khác có vẻ được cất riêng, ký tặng tôi vào cuốn sách “Một cái nhìn về giáo huấn xã hội công giáo” ( NXB Phương Đông 2010). 

Lòng tôi tràn trề sung sướng. Rõ ràng trong những người đến thăm ngài, tôi không phải đồng hương, cũng là người xa lạ, ít quen ngài nhất, nhưng ngài lại “trông giỏ bỏ thóc”, “chọn mặt gửi vàng”, tặng riêng tôi cuốn sách đồ sộ bậc nhất về số trang và tính đề tài. Tôi hãnh diện về điều này, và tôi suy đoán rằng: ngài là người rất công tâm, ngài không chỉ bỏ qua tình thân quen, mà còn nhìn nhận người khác rất thấu đáo. Ngài đã trao “quí vật cho quí nhân”. Sau đó, tôi là người ra về cuối cùng, ngài còn đứng đợi riêng tôi ở cầu thang với quần tây và áo sơ mi, trao đổi vài vấn đề hết sức gần gũi và thân thiết, chẳng còn khoảng cách nào giữa một giám mục và một giáo dân cả. Dường như ngài đối đãi với tôi như một tác giả với một tác giả, mặc dù có lẽ ngài chưa có dịp đọc bất kỳ cuốn sách nào của tôi.

Văn hào Leo Tolstoi có nói: “Đàn bà ghen nhau vì sắc đẹp, đàn ông ghen nhau vì trí tuệ”. Phải nói, trong tinh thần cạnh tranh tốt đẹp nào đó hay do một mặc cảm tự nhiên, sau khi “va” vào ngài tôi có ý định phòng thủ bằng một sự ghen tỵ chăng? Nhưng tôi đã quyết làm một điều ngược lại, có lẽ giống thánh Phao Lô từng nói chăng: “Khốn khổ cho tôi là con người, tôi không làm sự lành như tôi muốn, và tôi làm sự dữ tôi không muốn”.

Có một nhà văn Pháp nói “Văn hóa cao nhất của một con người là biết nhận ra giá trị của người khác”. Cũng có một câu Chúa Jesus dạy rất thấm thía rằng: “Ngươi đong đấu nào, ta sẽ đong trả ngươi bằng đấu ấy”. Trong một vài lần, khi tinh thần yêu lý tưởng của vài người trí thức gặp gỡ nhau lên cao nhất, chúng tôi đã từng nghe nhau nói: hãy biết đo người khác bằng thước, để chính ta cũng được đo bằng thước. Và tôi nghĩ rằng, đứng trước một tác giả như tầm cỡ như Đức cha Paul Nguyễn Thái Hợp, đặc biệt với tôi, đã được tặng sách, mà không đọc, im lặng, hay làm thinh như không có gì xảy ra, sẽ là một “tội lỗi đố kỵ”, thậm chí vô trách nhiệm về văn hóa. Đó chính là lý do hôm nay tôi ngồi trước bàn phím để viết về ngài. 

Trước hết muốn biết cây thì phải xem quả. Ngài đã là tác giả của 24 cuốn sách, bằng các thứ tiếng Pháp, tiếng Ý, và tiếng Việt. Chẳng hạn cuốn sách triết học bằng tiếng Pháp: 1- “Các Mác, Từ sự khẳng định giá trị con người tới sự phủ định tồn tại của Thượng Đế” (Karl Marx. De l’affirmation de la valeur de l’homme a la negation de l’existence de Dieu. Lima, 1880). 2-“Đường vào thần học về tôn giáo”. 3- “Một nửa hành trình của con người và quê hương”. 4- “Những nẻo đường tâm linh”. 5- “Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa”. 6- “Biển Đông và hải đảo Việt Nam”… và còn hơn chục cuốn sách khác gồm rất nhiều đề tài phong phú về triết học, khoa học, thần học, tôn giáo, đạo đức, đức tin, văn hóa, kinh tế thị trường, và cả bệnh dịch thế kỷ Aids… (chúng ta tạm dừng ở đây).

Ngược lại, muốn xem quả thì phải biết cây, vì cây nào trái ấy: cây mới chính là nguyên nhân của hoa quả. Chúng ta thử ngắm diện mạo của cây bút rất uyên bác, sung mãn và sốt sắng này: Giám mục Paul Nguyễn Thái Hợp sinh ngày 02.02.1945, tốt nghiệp Cử nhân triết học Đông phương tại Sài gòn (1971), tiến sĩ triết học tại Fribourg (1978), tiến sĩ thần học luân lý tạo Sao Paulo, Brazil (1994), giáo sư tại Phân khoa thần học, Viện thần học Gioan XXIII ở Peru, đại học thánh Toma ở Roma, và nhiều Trung tâm học vấn và đại học tại Việt Nam. 

Từ một cậu bé tha hương nơi xứ Nghệ ra đi cho đến khi nhận 2 bằng tiến sĩ và chức vị giáo sư, con đường của Đức cha Paul không hề bằng phẳng một chút nào. Người Việt vẫn nói “thuyền to sóng cả”, con đường đức tin và học vấn của ngài quả là một quãng đường rất chông gai mở màn là khúc khởi đầu ngẹn ngào đầy nước mắt phân ly. Năm 1954, lúc lên 9 tuổi cậu Paul rời Nghệ An mang theo hình ảnh của thân phụ mới đó bị qui thành phần địa chủ và bị xử tử hình. Vượt sông Bến Thủy, nhìn dòng nước sông Lam, cậu nghẹn ngào đứt từng khúc ruột liên tưởng đến câu hò của quê hương vẫn được mọi người ngày đêm da diết ngâm nga:

"Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh ?"

Năm 1972, chàng thanh niên Paul rời Sài Gòn để du học Thụy Sĩ, năm 1979 rời qua bỉ, và năm 1980 rời châu Âu qua châu Mỹ La Tinh giảng dạy. Cuộc đời của ngài rõ ràng là Học và Học. Nhưng đó chỉ là bề mặt của lý trí, còn bên dưới đó, tâm trạng ngài chẳng bao giờ ngừng u uất về nỗi sầu xa xứ. Xa xứ từ xứ Nghệ vào Nam, từ quê hương đi bôn ba khắp các nước Âu – Mỹ, xa xứ đến mức ngay ngày trở về ngài vẫn phải đóng vai là người xa xứ trên quê hương bản quán của mình. Ngài viết “Những lần may mắn được về thăm quê hương, vì là linh mục, tôi bị hạn chế và thiệt thòi đủ thứ. Nhiều lần bị công an gọi dậy giữa đêm khuya. Phải chăng như một nhà thơ nào đó đã viết:

"Giữa tổ quốc tôi vẫn mất mình
Và ngờ ngợ như người vô tổ quốc”.

“Mỗi năm, tôi vẫn có đầu sách mới hay các bài đăng trên tạp chí trong và ngoài nước, kể cả một vài tạp chí của Nhà Nước. Nhưng trên phương diện pháp lý, tôi vẫn là ‘trường hợp chưa ổn’ vì chưa có hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân”. (Việt Nam dấu yêu, Quê hương và giáo hội, tr.80, 81). Nói đúng hơn, ngài không chỉ tha hương mà còn giống một đứa con vô thừa nhận của quê hương. Tình cảm tha hương, có lẽ là thứ tình cảm máu thịt lớn nhất làm nên các tác giả thiên tài, để dẫn chứng điều này thì vô cùng nhiều, và Đức cha Paul đã phải chất chứa trên vai và trong tim đầy ắp thứ tình cảm xa xứ tha hương này. Đấy là thứ mà văn hào Shakespeare đã ví, nó là vỉa quặng tiềm tàng chỉ chờ một khoảnh khắc của que diêm đau khổ lóe lên để đốt cháy tình yêu, và que diêm đó trong trái tim ngài đã cháy không chỉ một lần mà rất nhiều lần, và những vỉa quặng yêu quê hương đến nghẹn ngào đó luôn âm ỉ cháy trong ngài một tình yêu không dứt: tình yêu của đứa trẻ phải rời xa quê hương với những mảnh hồn mang đầy ký ức đuổi chuồn bắt bướm; tình yêu của đứa con thương cha bị tử hình trong những tòa án du kích quần sắn móng lợn, vai đeo súng trường, tiền thân của những vụ án “bỏ túi” bất công (về sau cha của ngài đã được sửa sai); tình yêu của một học giả lớn yêu quê hương xác xơ khổ sở, và tình yêu của một giáo sĩ giầu đức tin yêu mảnh đất quê nhà thừa khói lửa chiến tranh liên miên nhưng khánh kiệt công lý tình thương. 

Trong cuốn sách “Việt Nam dấu yêu…”, mới đầu ngài diễn tả về nỗi sầu xa xứ và nghẹn ngào ngày trở lại thấy quê hương vẫn chẳng khác là bao so với ngày ngài chập chững ra đi. Ngài nhìn nhận lại cuộc hành trình của quê hương, với những ngày đen tối thời cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “Nhất đội, nhì trời”, “đội” ở đây là đội cải cách ruộng đất còn lớn hơn cả trời với quyền sinh quyền sát ở trong tay, hừng hực khí thế lao vào cuộc đấu tố “Trí, phú, cường, hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Trí là người có học, mà đào tận gốc trốc tận rễ thì làm sao dân tộc còn cơ sở cho chữ nghĩa và khôn ngoan? Rồi trong vai người tha hương, ngài chia sẻ cuộc tha hương dân tộc lớn bậc nhất hoàn cầu vào ngày 30/04/1975. Ngài viết: “Cho đến nay, đối với nhiều người Việt hải ngoại, ngày 30 tháng tư vẫn là ngày ‘quốc hận’ hay ‘ngày mất nước’. Ngoài ra sống tại những nước phát triển và tự do, họ không thể chấp nhận chế độ độc đảng và đường lối chính trị của Nhà nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam hôm nay. Thử hỏi có bao nhiêu nhật báo, tạp chí và gia trang của người Việt hải ngoại ủng hộ Nhà Nước Việt Nam?” (sdd, nt, tr.73).

Vì tương lai của nước nhà, để thoát khỏi cảnh nghèo đói, bất công, ngài đã nhìn nhận và phản tỉnh thói hư nết xấu của người Việt. Ngài dẫn lời tác giả Đào Duy Anh: “Về tính chất tinh thần thì người Việt đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít thấy có người trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giầu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học… Não sáng tác thì ít, nhưng bắt chước, thích ứng và dung hóa thì rất tài” (nt, tr.154).

Còn ngài thì nhận xét, lối sống của người Việt vẫn chủ yếu là văn hóa làng xã: “Tính cộng đồng theo lối ‘khép kín sau lũy tre làng’ nhiều lần cũng dẫn đến thói ‘đố kỵ cào bằng’, với chủ trương tai hại ‘xấu đều hơn tốt lỏi’ hay ‘khôn độc không bằng ngốc đàn’. Trong rất nhiều trường hợp tình gia tộc đã biến thành thứ tình cảm ích kỷ, khép kín… Cung cách quan hệ này cũng thường biểu lộ một tâm thức chủ quan, hẹp hòi, thiển cận, thiếu tự lập, nghèo nàn về nhận thức và về sáng tạo”. Ngài viết tiếp: “Cái sức nặng của ‘đất lề quê thói’ và cái vòng kiềm tỏa của hệ tư tưởng Nho gia ‘Kế, thuật, vô cải’ (nối tiếp, làm theo, không thay đổi) đã làm cho xã hội chúng ta không thể tiến lên được” (nt, tr.156, 157).

Việt nam không chỉ là bãi chiến trường đấu tranh giằng co từng số phận con người giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, mà đó còn là cuộc đấu tranh giành giật từng linh hồn giữa chủ nghĩa duy vật vô thần và tôn giáo, ngài nhận ra cuộc gieo hạt của đức tin tôn giáo sẽ gặp phải khó khăn thế nào khi phải đương đầu trước tuyên bố của Karl Marx: “Tôn giáo là tiếng thở dài của sinh linh bị áp bức, là tình cảm của thế giới vô tình, cũng giống như nó là tinh thần của chế độ không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (nt, tr.208).

Trong cuốn sách “Chút này làm tin”, ngài bàn nhiều về thần học, khoa học, học thuyết Darwin, chính trị, xã hội, cuộc sống và cái chết. Đặc biệt trong cuốn sách “Một cái nhìn về giáo huấn xã hội công giáo”, ngài vừa là chủ chăn, vừa là một thiên sứ của Tòa Thánh mang thông điệp xoay quanh trung tâm giá trị con người, và xã hội dân sự đa sắc của con người. Ngài bàn về một Giáo hội Ki-tô giáo luôn bám sát lời dạy của Chúa Jesus rằng : “Ngày sa bát được lập nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa bát”(Mc,2.27). Một Giáo hội tuyên bố “Con người là con đường của Giáo hội” giống như lời tái khẳng nhận của Giáo chủ Biển Đức XVI: Giáo hội mang trong mình một sứ vụ phụng vụ chân lý và phục vụ con người để kiến tạo “một xã hội xứng hợp với con người, với phẩm giá và ơn gọi của chính con người”. 

Ngoài ra ngài còn bàn về thị trường tự do, toàn cầu hóa, đạo đức của nền truyền thông hiện đại, môi trường sinh thái, chiến tranh và hòa bình…Tuy nhiên xuyên suốt mọi vấn đề đó là thông điệp của “Tình yêu trong Sự thật” (Caritas in Veritate). Tình yêu chỉ có thể bền vững khi nó dựa trên và bắt nguồn từ sự thật. Bởi tình yêu không thể có từ dối trá, lọc lừa hay hiếp đáp. Một gia đình, một xã hội không thể yêu thương nhau bền vững khi mà “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa” ?! 

Và kế đó ngài cũng bàn rất nhiều đến cơ cấu cũng như thông điệp của giáo hội về Ủy ban Công lý và Hòa bình. Một thế giới không thể có hòa bình khi người này là kẻ thù của người kia, nước này là kẻ thù của nước khác, mà thế giới đó chỉ có hòa bình khi yêu thương lẫn nhau, người này là tha nhân đáng quí của người kia, và nước này là bạn bè hợp tác trong tin cậy của nước khác. Muốn thế thì mọi người, mọi quốc gia phải biết sống trong tinh thần công lý. Chính thế mà ngài bỏ rất nhiều bút mực bàn về sự Công bằng, coi đó là nền tảng tiên quyết cho tình yêu nhân loại. Nhưng đi xa hơn, ngài cho rằng, tình yêu phải là cứu cánh cùng đích của công lý. Bởi vì nếu chỉ có công lý thôi, tình yêu của con người sẽ thiếu bao dung và thương xót, vì thế con người chớ dừng ở mức ăn ở phải lẽ với nhau, mà tiến xa hơn phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Chỉ có thế công lý mới mang diện mạo mới của tấm áo tình thương. 

Khi đọc, tôi đặc biệt ấn tượng nhất về phương pháp luận của ngài cũng như của Tòa Thánh về triết học cũng như thần học. Phương pháp đó được tiếp dẫn nhuần nhuyễn và nhất quán từ đầu đến cuối. Đó là phương pháp về Hữu thể luận. Hữu thể luận tức “Cái là”, nhưng do tiếng Trung Quốc không có động từ “Là”, “cái là”, nên tiếng Việt của chúng ta đã phải tạm dùng “Hữu thể” là “cái có” thay cho “cái là”. Ngài viết và dẫn chứng : “Vì sinh hoạt nhân bản phát xuất từ con người, cho nên cần qui hướng về con người (…)Con người có giá trị nơi “cái con người là” hơn là nơi “cái con người có”. Cũng vậy, tất cả những gì con người thực hiện nhằm đạt tới mức độ công bằng hơn, huynh đệ hơn và một trật tự nhân bản hơn trong tương quan xã hội, mang nhiều giá trị hơn những tiến bộ kỹ thuật”.

Cái con người là sẽ là “hữu thể tự thân” (en soi), cái con người có sẽ sản sinh sở hữu (avoir). Cái sở hữu thường dẫn đến chiếm hữu. Đức Gioan Phaolô II đã bàn như sau: “Vì bị thúc đẩy bởi khát vọng chiếm hữu và hưởng thụ hơn là hiện hữu và phát triển, con người đã tiêu thụ một cách quá đáng và bừa bãi các tài nguyên của trái đất và của chính cuộc sống” (nt, tr.461). Trong câu nói trên, cái là được hiểu là “hiện hữu”, còn cái có từ “sở hữu” đã biến thành “chiếm hữu”. Một cô gái đẹp khi cô ta mới chỉ hiện hữu cho mọi người cùng ngắm thì chưa có gì xảy ra cả, nhưng khi cô ta bắt đầu bị gả cho ai đó, tức là thuộc sở hữu của ai đó, thì dường như bi kịch ghen tuông bắt đầu. Và câu chuyện thời sự nóng hổi trên Biển Đông gần đây, cho thấy, nếu Biển Đông chỉ hiện hữu theo luật quốc tế cho mọi nước được dùng chung thì đâu có chuyện gì, nhưng một nước nào đó muốn dùng quân sự áp chế “chiếm hữu” nó thành ao nhà của mình, thì tai họa chiến tranh liền mở ra.

Trên mạch chảy của hiện hữu và sở hữu, Giáo chủ Gioan Phaolo II bàn tiếp: “Ước muốn sống tốt hơn không phải là xấu, nhưng thật là sai lầm lối sống cho rằng người ta sống tốt hơn khi hướng tới “cái có” hơn là “cái là”, và khi người ta muốn có nhiều hơn không phải để hiện hữu nhiều hơn, mà để hưởng thụ cuộc sống với niềm hoan lạc được coi như cùng đích của cuộc đời. Như thế, cần nỗ lực kiến tạo những lối sống trong đó việc kiếm tìm chân, thiện, mỹ, cũng như sự hiệp thông với người khác để tạo nên sự phát triển chung, phải quyết định những chọn lựa tiêu thụ, tiết kiệm và đầu tư” (nt, tr.472).

Trong một bài viết có dung lượng ngắn ngủi của mình, tôi không thể có hy vọng bàn thấu đáo về gía trị những tác phẩm của Đức cha Paul Nguyễn Thái Hợp, mà bài viết của tôi chỉ là cách mở một cánh cửa vào sự nghiệp tác phẩm của ngài. Trong nền mỹ học thế giới có một cách đánh giá bao trùm rằng: một tác giả đang có phong độ mỹ học cao thì không thể có tác phẩm bé và tồi. Tác giả Paul Nguyễn Thái Hợp có một trình độ rất cao về tri thức, mạnh mẽ về đức tin, nhiệt huyết về cảm xúc, lớn lao về tình cảm, và rất thôi thúc trăn trở trong tình cảnh tha hương ngày trở lại của mình, chẳng nhẽ những điều đó lại không là giá trị đáng kể cho những cuốn sách của ngài?!

Paul N.H.Đức, Hà Nội 02/08/2012
Gửi  Thanh Niên Công Giáo
Paul Nguyễn Thái Hợp - Đức Tin Nhập Thế Qua Ngòi Bút Reviewed by thanhnienconggiao.blogspot.com on 8/03/2012 Rating: 5 (Paul Nguyễn Hoàng Đức)  Tôi quả thực kinh ngạc trước hình ảnh của Đức cha Paul Nguyễn Thái Hợp. Một buổi chiều giữa hạ năm 2011, khôn...

Không có nhận xét nào: