Quê hương là gì hở mẹ? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 8, 2012

Quê hương là gì hở mẹ?

LH - Độ ấy cũng ngày này tháng này, Chúa đã gọi một người con bước lên bàn thánh lãnh nhận thiên chức linh mục. Người con đó hân hoan đáp lại: “Con tiến lên, lạy Chúa, dâng hiến lễ đầu mùa, mối tình siêu nhiên nở giữa tuổi đời mộng mơ” (Hải Hồ).


Ngày ấy, giữa cung thánh linh thiêng, 
“người chắp tay nằm chết, 
ôi cử chỉ tuyệt vời cao đẹp, 
của người trai nhiệt huyết đang nồng. 
Hoa thanh xuân đang dậy sắc lên hương. 
Dâng đời trai làm của lễ toàn thiêu, 
thơm tho bay tận cõi thiên triều, 
để dám nói rằng Yêu là Hiến Tế” (Tiến Lợi).

Ôi linh mục, là hiện thân của Chúa Kitô, là nguồn vĩnh phúc bao la, là tình yêu thương vô biên và quà tặng vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại!

40 năm linh mục, ngần ấy thời gian là một hành trình đầy ắp tình Chúa quan phòng chở che, giữa những nắng mưa giông tố đoạn trường của kiếp người và thế sự;

40 năm linh mục cũng là lời đáp trả tình Chúa bằng sự son sắt trung thành với ơn gọi và lý tưởng hiến dâng;

40 năm, một nửa đời người để miệt mài đó đây tìm kiếm chân lý và cố gắng không mệt mỏi để phục vụ Giáo Hội và tha nhân, nhất là những người nghèo khổ nhất, bất hạnh nhất. Nhưng dù đi đâu dù ở đâu vẫn là người Việt Nam, lá vẫn rụng về cuội!

Đúng là đông càng dài sắc xuân càng thắm, ngày 13 tháng 5 năm 2010 Chúa lại mời gọi Ngài tới một sứ vụ mới: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,17) trong vai trò Giám mục giáo phận Vinh. 

Quả thế, như lời thánh Ignatiô thành Antiochia nói: “Ở đâu có Giám mục, ở đó có Giáo Hội và Đức Kitô”.

Tất cả là hồng ân! 40 năm hồng ân Linh mục và gần 3 năm hồng ân Giám mục.

Cùng với Đức Cha Phaolô, cộng đoàn chúng ta “hãy tạ ơn Chúa nhân từ, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Hãy tạ ơn Chúa vì biết bao ơn lành Ngài thương ban cho Đức cha Phaolô khả kính và qua ngài cho chúng ta!

Đặc biệt, chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho vị chủ chăn giáo phận được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để chu toàn sứ vụ chắn dắt Đoàn Chiên Chúa trước những khó khăn và thách đố của thời đại hôm nay.

Lời dẫn vào Thánh Lễ mừng 40 năm hồng ân linh mục Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp(Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)

Nhân dịp mừng 40 năm Hồng Ân linh mục của Đức cha Phaolô, Lam Hồng xin đăng lại bài Quê hương mờ mịt nơi nao? và bài Quê hương là gì hở mẹ? của ngài để cùng với Đức cha Phaolô độc giả có thể lần tìm về những dấu ấn kỷ niệm của ngài trên quê hương, đất nước một thuở, và cùng với ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cầu cho quê hương dân tộc sớm được hưởng một nền hòa bình công lý thật sự.

Quê hương là gì hở mẹ?[1]

Quê hương, Đất nước, Tổ quốc, Dân tộc, Quốc gia, Nước nhà, Nhà nước… những từ thật quen thuộc, nhưng cũng thật phức tạp và nhiều khi dị nghĩa. Đứng trên quan điểm lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và nhất là ý thức hệ người ta có thể đưa ra nhiều lối giải thích và lập trường đối nghịch nhau[2]. Chỉ cần đọc lại một số bài viết của người Việt hải ngoại cũng như ở trong nước suốt mấy thập niên vừa qua, tất sẽ rõ cái cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” hoặc “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”. Tùy theo quan điểm và chọn lựa chính trị, người ta đã đưa ra nhiều quả quyết triệt để, đối lập và thường khi gay gắt, khai trừ nhau…

Người viết không muốn và cũng chẳng đủ khả năng để nhảy vào những cuộc tranh luận “dầu sôi lửa bỏng” đó. Những dòng dưới đây chỉ muốn nói lên cảm nghĩ của một người nhiều năm sống xa quê hương, nhưng luôn nhớ về quê cũ và vẫn thao thức về tương lai của Dân tộc. Hình như khi người ta càng đi xa và thấy nhiều, thì khi nhìn lại quê cũ nghèo đói lại càng cảm thấy ngậm ngùi và xót xa hơn!

Nhìn lại những vòng xoáy và cơn lốc lịch sử mà Dân tộc đã bị cuốn hút trong khoảng một thế kỷ qua, không ai không khỏi ngậm ngùi và chua xót. Thắng bại đã đem lại những gì cho Đất-Nướckhi tàn cuộc và đã đóng góp như thế nào vào việc làm cho người dân Việt bớt khổ đau? Nhiều vết thương hình như vẫn chưa lành! Mỗi lần động đến vẫn còn rướm máu! Truyền thống và những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ sẽ là động lực hay sức cản cho công cuộc hội nhập, cũng như hiện đại hóa Đất nước? Việt Nam sẽ can đảm đồng hành với nhân loại trong ngàn năm thứ ba, hay cứ ôm ấp mãi một thứ “chủ nghĩa dân tộc khép kín”, bế quan tỏa cảng như các vua nhà Nguyễn thuở xưa?

1. Quê hương là gì hở mẹ?

Tôi rời Việt Nam sang Thụy Sĩ năm 1972, vào giai đoạn “mùa hè đỏ lửa” và chiến cuộc tại Việt Nam ngày càng tăng tốc. Dự định sẽ trở lại quê hương khoảng 4 hay 5 năm sau đó. Nào ngờ thời cuộc xoay vần nên cứ phải đi, đi mãi, mà vẫn chưa thấy rõ ngày về! Suốt dọc thời gian dài sống nơi đất khách quê người, đã nhiều lần tôi phải thay đổi vùng văn hóa, thường xuyên bay vòng quanh thế giới và từ năm 1994 hầu như hàng năm vẫn trở về thăm quê hương. Thế mà, không hiểu tại sao mỗi lần máy bay xuống thấp và lượn vòng để chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, từ trên cao nhìn xuống thấy ruộng đồng quê hương thấp thoáng sau khung cửa hẹp, tự dưng lòng cứ nao nao, xúc động lạ thường…

Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

Thân mẫu tôi đã từ trần. Mà dù còn sống thì chắc chắn cũng không đủ khả năng và minh mẫn để trả lời những câu hỏi đó. Nhưng nhà thơ Đỗ Trung Quân đặt câu hỏi và chính ông đã đưa ra câu trả lời rất gợi hình, bằng lời thơ ngọt ngào:

Quê hương là chùm khế ngọt,
Cho con trèo hái mỗi ngày.
Quê hương là đường đi học,
Con về rợp bướm vàng bay.
Quê hương là con diều biếc,
Tuổi thơ con thả trên đồng.
Quê hương là con đò nhỏ,
Êm đềm khua nước ven sông.
Quê hương là vòng tay ấm,
Con nằm ngủ giữa đêm mưa.
Quê hương là đêm trăng tỏ,
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm.

Quê hương là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Vùng đất ghi đậm bao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, là nơi ông bà tổ tiên an giấc ngàn thu và cũng là nơi chúng ta chào đời, khôn lớn, thành người. Hơn thế nữa, Đất Nước, Quê hương nói cho cùng đâu phải chỉ là đền đài, lăng miếu, núi rừng hay danh lam thắng cảnh, mà trước hết và trên hết là những người thân yêu: cha mẹ, ông bà, tổ tiên… Quê hương đó thử hỏi có ai không yêu, không thương, không nhớ. Chính vì:

Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một mẹ thôi.

Với thời gian, đối với tôi, những năm tháng sống ở nước ngoài ngày càng nhiều hơn sống tại quê hương, cả về phẩm lẫn lượng. Hơn nữa, sau những năm dài sinh hoạt ở nước ngoài, trong thực tại cuộc sống nhiều khi có lẽ chỉ còn nối kết với quê hương bằng “dây tơ tình mỏng mảnh”. Tuy nhiên, trong tâm thức, quê hương thật xa xôi và mờ nhạt đó, làm sao vẫn luôn luôn “trói hình hài trong ý nghĩa thiêng liêng”! Dù đã sống ở nhiều vùng văn hóa khác nhau, nhưng vẫn chưa cảm thấy nơi nào có thể “trói hình hài” của mình như đất nước Việt Nam. Linh mục Trương Đình Hòebộc bạch:

Ôi quê hương!
Dây tơ tình mỏng mảnh
trói hình hài trong ý nghĩa thiêng liêng.

Có những con đường, những khu phố, làng mạc, thôn xóm hay cảnh vật… khách quan mà nói chẳng có gì đặc sắc khiến chúng ta phải thương, phải nhớ. Nhưng không hiểu sao mỗi lần đã sống hay đã ít nhiều gắn bó, thì bỗng nhiên trở thành thân thiết. Ta không thể dễ dàng rũ áo ra đi, mà không bịn rịn, nuối tiếc.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.

Hai câu thơ trên của Chế Lan Viên cứ vang vọng và lắng sâu mãi trong tâm hồn những người sống xa quê hương. Đúng vậy, nhiều vật vô tri vô giác, những vùng đất khô cằn không tên tuổi, những chiếc cầu tre, những con suối nhỏ, cây phượng vĩ, dàn hoa giấy, khu phố đìu hiu… một lúc bất ngờ nào đó, bỗng “hóa tâm hồn”, sống động và lưu luyến mãi trong lòng người ra đi.

Trong thời gian sống tại Mỹ châu Latin, một đôi lần được đón nhận những cử chỉ thân tình và sự tiếp đãi nồng hậu của người dân bản xứ đã làm tôi cảm động thực sự, đến nỗi có lần tôi đã nghẹn ngào nói với họ: tôi yêu mến vùng đất đó như “quê hương thứ hai” . Niềm tin Kitô giáo và sứ vụ dấn thân của cuộc đời linh mục đã thúc đẩy tôi lựa chọn vùng đất ấy, một vùng đất mà theo lối nói của thi sĩ César Vallejo, “đau khổ và chết chóc tăng theo tốc độ sáu mươi phút trong một giây”, nhưng rất năng động và đầy ắp tình người.

Khi hay tin tôi đã chọn lựa Mỹ châu Latin làm quê hương thứ hai, một số thân nhân và bạn hữu ầm ĩ góp ý kiến. Vài người đề cao ý thức dấn thân, nhưng đại đa số kịch liệt phản đối. Có những lần tôi đã trả lời một cách cao ngạo: “Tôi sẽ sống chết với quê hương này”. Một người bạn vong niên và từng trải, mỉm cười nói: “Anh chỉ có thể tự nguyện ở trọ dài hạn nơi đó thôi, ở trọ ngay chính trong ý thức chọn lựa của anh”. Không ngờ câu nói trên đã thành sự thực. Sau 15 năm dấn thân hoạt động, cuối cùng tôi đã giã từ Mỹ châu Latin với nhiều luyến tiếc để có thể tiến gần về Quê Mẹ hơn.

Trong bài thơ “Độ Tang Càn” (Qua sông Tang Càn), Giả Đảo, một thi sĩ đời Đường, đã diễn tả thật sắc nét nỗi lòng của kẻ tha hương bằng lời thơ giản dị, nhưng rất sâu sắc. Có lẽ phải kinh qua cuộc sống tha hương mới cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa tinh tế của nó.

Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.

Thi sĩ Tản Đà đã dịch như sau:

Tinh châu đất khách trải mươi hè,
Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê.
Qua bến Tang Càn, vô tích nữa,
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê.

Giả Đảo sinh quán tại Hàm Dương, nhưng phải lưu lạc nơi đất khách quê người. Trong mười năm sống ở Tinh Châu lòng ông vẫn canh cánh nhớ về quê cũ Hàm Dương. Nào ngờ, ngày giũ áo ra đi, đặt chân lên bến Tang Càn, lại chợt nhớ Tinh Châu, quê hương thứ hai của mười năm tha hương. Tuy nhiên, Tinh Châu ở đây chỉ là Tinh Châu của mười năm hoài vọng quê hương. Cho nên, nói cho cùng, nhớ Tinh Châu mà thực ra đâu phải là nhớ Tinh Châu. Chẳng qua chỉ là nhớ nỗi nhớ nhà khi ở Tinh Châu.

Thời gian đầu xa quê, nhiều đêm thao thức trằn trọc mãi mà không sao dỗ được giấc ngủ. Thông thường lòng hoài hương bộc lộ mãnh liệt nhất vào những dịp lễ lớn hay những lúc năm cùng tháng tận[3]. Tuy nhiên, nhiều khi nó cũng đến thật bất ngờ và bất chợt, bởi vì, như Huy Cận hay ai đấy đã viết :

Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Đầu năm 1980, tôi rời Âu châu để đi Mỹ châu Latin. Hôm đó, ngoài trời tuyết rơi man mác làm tăng thêm nỗi buồn và nỗi niềm cô đơn. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tôi mất liên lạc với mẹ già và người thân, gia đình kẻ ở người đi, lưu lạc nhiều phương trời. Bây giờ, chính bản thân tôi lại đơn thương độc mã đi đến một chân trời rất xa lạ, không thân nhân, không cả người quen. Đã từ lâu lắm tôi không khóc, nhưng hôm đó bỗng dưng nước mắt chạy quanh.

Sau này, những đêm mất ngủ, nằm nghe mưa rơi ở một nơi xa xăm nào đó của Mỹ châu Latin, tôi cảm thấy vừa nhớ nhà, vừa nhớ những tháng ngày buồn bã tại Âu châu, vì phải mòn mỏi trông chờ tin tức gia đình. Đến khi từ giã Mỹ châu Latin để đi Canada, rồi trở sang Ý thì lại càng nhớ cái “quê hương thứ hai” này hơn. Phải chăng, đó là giai đoạn có nhiều kỷ niệm đẹp và đồng thời cũng là thời gian nhớ quê hương da diết nhất? Bây giờ một đôi khi không những nhớ quê hương mà còn nhớ “những cố hương” của lòng hoài vọng quê hương. Từ đó, mỗi lần đọc lại bài thơ của Giả Đảo càng cảm thấy thấm thía. Đúng như cụ Nguyễn Du đã viết “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Hiện nay, mặc dù tóc đã ngả màu muối tiêu, nhưng ra như tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đây lập luận dễ thương của cậu bé Enricô trong “Tâm Hồn Cao Thượng”: “Tại sao anh yêu xứ sở của anh? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc tôi biết bao nhiêu câu trả lời hay sao? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy; vì nguồn máu trong mạch của tôi đều là của người; vì trong khu đất thánh kia đã chôn tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng; vì đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn sống chung với tôi, cảnh đẹp của tạo hóa bao bọc chung quanh tôi, tóm lại tất cả những sự vật mà tôi trông thấy, tất cả những gì mà tôi yêu, tất cả những cái mà tôi quí, nhất nhất đều thuộc về xứ sở tôi cả”[4].

Thi hào R. Tagore từng sống nhiều năm lưu vong và cũng đã viết lên những nhận định sâu sắc về tình hoài hương: “Với tôi, lòng hoài hương của mỗi người không phải chỉ đơn thuần nhớ về thành quách, lâu đài, non cao, bể rộng, mà chính là những mảnh hồn nhỏ, đầy ắp kỷ niệm của một thời thương nhớ”. Thật vậy, đối với nhiều người Việt Nam tha hương, những “mảnh hồn nhỏ” này có thể là quê cha đất tổ, là ngôi trường cũ, là những kỷ niệm thuở thiếu thời, là tiếng ai đó rao hàng giữa đêm khuya hay hình ảnh người mẹ già mòn mỏi trông chờ, hoặc người cha từng giờ đợi con, người vợ, người chồng, người chị, đứa em và bao nhiêu khuôn mặt yêu thương khác…

2. Đất nước, Quốc gia, Dân tộc, Nhà nước

Người Việt Nam thường gọi quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn và sinh thành của mình, bằng nhiều từ quen thuộc và rất thân thiết: Đất – Nước, Non sông, Quốc gia, Dân tộc, Quê cha, Đất mẹ…Đây là Đất nơi người dân trồng cấy và sinh cơ lập nghiệp, là Nước nuôi cây lúa của một dân tộc theo nghề trồng lúa nước. Đất – Nước này cụ thể là gò đất, mảnh vườn, thửa ruộng, bờ đê, luỹ tre, mái tranh, bếp lửa, con đường, dòng sông, dãy núi… Chính Đất – Nước này giao hoà với nhau không những đã thành nơi sinh sống, mà còn hoá thành sự sống, thành cơm gạo, xóm làng, tình nghĩa, tâm tình, bản sắc của cả một dân tộc[5].

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, Nước là một khái niệm có nội dung rất phong phú được dùng để chỉ thị tộc, bộ lạc hay dân tộc. Một đôi khi Nước cũng ám chỉ một triều đại như nướccủa nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn. Đặc biệt, Nước thường đi đôi với Nhà. Từ nhà này vừa là nơi cư ngụ, vừa chỉ những người thân yêu cư ngụ trong đó và sâu xa hơn ám chỉ nơi có ông bà tổ tiên, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mỗi người. Chính vì vậy yêu nước là yêu quê hương, yêu quê cha đất tổ, yêu cội nguồn, gốc rễ của chính mình.

Có thể nói Quê hương, Đất nước, Non sông, Nước nhà… là những từ mở rộng nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người, đi từ gần ra xa trong không gian và thời gian. Tất cả nói lên bộ mặt hiện thực của gốc rễ con người làm bằng đất đai, đồng ruộng, sông núi, mồ hôi nước mắt và xương máu của bao nhiêu thế hệ. Và một khi hàng ngàn thế hệ đã nối tiếp nhau đem chính mạng sống để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, non sông đó, thì đương nhiên chúng dễ dàng trở thành linh thiêng, biểu tượng cho Quốc gia – Dân tộc.

Như vậy, quê hương, non sông, đất nước không phải chỉ là cái gì thuần túy lý thuyết hay tinh thần, từ trên trời rơi xuống, nhưng là một thực tại khách quan, hết sức cụ thể, vật chất, máu mủ. Đây chính là Tổ quốc, nghĩa là mảnh đất do tổ tiên để lại. Đây là nơi tôi chào đời, khôn lớn, thành người, nhưng đồng thời cũng là nơi quê cha đất tổ hay quê nhà, đất mẹ. Chính nơi đây ông bà tổ tiên đã an giấc ngàn thu và rất có thể đó cũng là nơi một ngày kia chúng ta sẽ trở về khi từ trần, tạ thế.

Người ta cũng thường dùng khái niệm Quốc gia để phiên dịch chữ “nation” và mang một ý nghĩa na ná như Tổ quốc, nhưng đặt nổi khía cạnh văn hóa, xã hội và chính trị. Thật vậy, chỉ có Quốc gia khi những người sống trên cùng một lãnh thổ ý thức được gia sản tinh thần chung, một nếp sống riêng và quyết tâm tạo một Nhà nước độc lập. Như vậy, Quốc gia vừa chỉ quê cha, đất tổ, vừa bao hàm ý chí cùng nhau xây dựng một cơ cấu chính trị – xã hội riêng, mặc dù nhiều khi không có chung tôn giáo, chủng tộc hay ngôn ngữ.

Những di sản tinh thần, lễ giáo, tập quán, phong tục, đường lối ứng xử, nếp sống… hun đúc từ hàng bao thế kỷ thường được coi là gia sản văn hóa riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên không bao giờ có thể đồng hóa chúng với một bảo tàng viện. Vì vậy, một quốc gia không thể tồn tại nếu thiếu vắng tương giao quốc tế và ý chí cùng nhau xây dựng một cộng đồng thế giới văn minh. Chủ trương “bế quan tỏa cảng” đã để lại những hậu quả đau thương cho dân tộc và là một trong những nguyên nhân của tình trạng tụt hậu hiện nay.

Khái niệm Dân tộc cũng tương đồng với khái niệm Quốc gia hiểu theo nghĩa ở trên. Dân tộc là một thực tại lịch sử, chứ không thuần túy là một thực tại tự nhiên, bởi vì dân tộc chỉ khai sinh khi có một lãnh thổ và cộng đồng những con người chấp nhận vai trò của một Nhà nước thống nhất, mà có người gọi là “Nhà nước – Dân tộc”. Nói rõ hơn, dân tộc chỉ xuất hiện khi xã hội đã đạt đến một trình độ phát triển về lãnh thổ, kinh tế, chính trị, văn hóa nào đó. Các yếu tố chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục… có thể củng cố thêm tình đoàn kết và đẩy mạnh việc phát triển dân tộc, nhưng không phải là yếu tố quyết định, vì có những dân tộc xây dựng trên nguyên tắc đa chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo. Đứng trên quan điểm này, một số học giả cho rằng dân tộc Việt Nam chỉ hình thành kể từ giữa thế kỷ X, khi đất nước đã thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc và bắt đầu thời kỳ tự chủ.

Tình yêu quê hương cũng như tình tự dân tộc có thể dẫn đến chủ nghĩa ái quốc hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đây là một thứ ý hệ có chủ đích vĩnh viễn hóa các thực tại dân tộc và khuyếch đại, thần thánh hóa những gì được coi là giá trị đặc thù, bản sắc hay tinh hoa của một dân tộc. Nhà cầm quyền thường sử dụng chủ nghĩa dân tộc này theo những mục tiêu mang tính chất quyền lực: để đoàn kết nhân dân, tập hợp các lực lượng hầu thống nhất dân tộc, để đương đầu với ngoại xâm hay để đánh bại những thành phần đối lập trong nước. Trong lịch sử nhân loại hiện đại, chủ nghĩa dân tộc khép kín đã làm chảy không biết bao nhiêu máu và nước mắt. Những kế hoạch thiêu sống của Đức quốc xã trong thời đệ nhị thế chiến hay các cuộc thảm sát ở Ruganda, Kosovo, Đông Timor… vào cuối thế kỷ 20 là những dẫn chứng hiển nhiên và gần gũi nhất.

Theo Lữ Phương: “Cũng là những thực tại lịch sử, nhưng dân tộc hình thành lâu dài và ổn định hơn chủ nghĩa dân tộc. Cũng phát xuất từ một dân tộc, nhưng tùy theo mỗi thời kỳ, tùy theo những phát hiện mới về bản thân thực tại dân tộc, sẽ có những chủ nghĩa dân tộc khác nhau ra đời. Chủ nghĩa dân tộc vì thế không phải là hiện thực về dân tộc: có nhiều ý thức hệ khác nhau về dân tộc, vì vậy nó thay đổi nhanh chóng theo thời gian. Chủ nghĩa dân tộc thường ra đời vào những khúc quanh của cuộc sống dân tộc: khi dân tộc đang hình thành, đang đấu tranh bảo vệ sự tồn tại của nó, hoặc đang trên đà bành trướng, đặc biệt trong những lúc có chiến tranh với các thế lực bên ngoài. Ít khi chủ nghĩa dân tộc tồn tại riêng rẽ, nó thường quyện vào những thứ ý thức hệ về tôn giáo, về chủng tộc để tạo thêm sức mạnh”[6].

Ông cho rằng nếu so sánh cách lập luận về chủ nghĩa dân tộc của một số nhà lý luận tại Việt Nam hôm nay với “cung cách ăn nói, viết lách của những nhà cầm quyền phong kiến thời xưa[7], chúng ta sẽ thấy sự giống nhau nhiều lúc thật y như khuôn đúc: chỉ có ta là nghênh ngang một cõi, ngoài ra đều là bọn di dương, bạch quỷ, tà đạo (…). Cái ý thức hệ gọi là “Mác – Lênin” mà những nhà lý luận cộng sản coi là “tất yếu” để đưa đất nước vào con đường hiện đại hóa đích thực thật sự chỉ là một trong những sản phẩm cực đoan và ảo tưởng nhất của phương Tây, và dưới cái dạng du nhập của nó vào Việt Nam, nó không khác gì với cái ý thức hệ cầm quyền mà những nhà Nho trước đây đã mượn của Trung Hoa làm cái của mình: đó chỉ là một cái thay thế về danh nghĩa”[8].

Cuối cùng, khái niệm Nhà nước tương đối mới, được xử dụng để chỉ một cơ cấu pháp lý hay một tổ chức pháp quyền nhằm giải quyết vấn đề chung sống trong xã hội. Xét như cơ quan pháp lý tối cao của xã hội, Nhà nước cũng là một cơ quan quyền lực. Khi cần Nhà nước có quyền dùng sức mạnh hợp pháp (cảnh sát, công an, quân đội…) để thi hành luật pháp và đảm bảo công ích. Tuy nhiên, trong thế giới tân tiến hôm nay, quyền lực của Nhà nước phải là một quyền lực khách quan dựa trên yếu tố pháp lý và lấy Hiến pháp làm nền tảng. Đây là những nguyên tắc pháp lý căn bản và khách quan mà chính các nhà cầm quyền cũng phải tôn trọng.

3. Câu chuyện dài phức tạp

Trong mấy thế kỷ vừa qua, các nhà tư tưởng đã đưa ra nhiều mô hình Nhà nước nhằm trả lời cho những thách đố về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của nhân loại. Cho đến nay, chẳng ai có thể chứng minh mô hình nào hoàn hảo, lí tưởng, thích hợp cho mọi thời, mọi nơi. Nói cho cùng, tất cả chỉ là phương tiện và luôn mang tính thời gian. Trên hành trình dài của nhân loại, rất có thể vào một lúc nào đó mô hình này hay biện pháp nọ đem lại kết quả khả quan, nhưng khi hoàn cảnh thay đổi, những giải pháp cũ không còn hợp thời hay hữu dụng nữa thì đương nhiên phải thay thế. Nhà Lý, nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn đã tiếp nối nhau đi vào quá khứ. Các chủ nghĩa hay thể chế khác rồi ra cũng không thoát khỏi qui luật đào thải tự nhiên đó. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, người xưa vẫn thường nói thế.

Hiểu như vậy, chúng ta không bao giờ có thể đơn thuần đồng hóa Nhà nước với Dân tộc hayQuê hương, Đất nước. Càng không thể dễ dàng chấp nhận xác quyết cho rằng “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa”. Cũng chẳng ai có thể “độc quyền yêu nước” hay đồng hóa yêu nước với việc chấp nhận một chế độ, theo một đảng phái hoặc một tôn giáo nào đó. Tổ quốc Việt Nam là của tất cả mọi người Việt và trong thời đại dân chủ hôm nay, mỗi người có thể chân thành yêu nước bằng những cách thế và giải pháp rất khác biệt.

Nhưng mặt khác cũng không thể chấp nhận thái độ “giận cá chém thớt”: vì bất đồng quan điểm chính trị với nhà cầm quyền hiện tại, mà nhất quyết chủ trương đoạn tuyệt với quê hương. Có những người đã đi từ thái độ đối lập chính trị đến chủ trương hô hào cấm vận, chống bang giao, chống tự do mậu dịch giữa Mỹ với Việt Nam. Một vài cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã không ngần ngại liên kết chủ trương “chống Cộng” với việc tẩy chay hàng hóa của đồng bào trong nước hay tuyệt đối chống những chương trình yểm trợ cho đất nước, thay vì đáng lẽ ra cần tích cực yểm trợ và đặt ưu tiên.

Trong viễn cảnh đó, chuyện Quê hương, Đất nước, Dân tộc, Quốc gia, Nước nhà, Nhà nước… trở thành câu chuyện dài phức tạp và nhiêu khê. Đàng sau hình ảnh “quê hương”“đất nước” hiền dịu và thân thương ấy là dân tộc Việt Nam, oai hùng và bi thảm, với nhiều đau thương, gian khổ nhưng cũng rất nặng tình, nặng nghĩa. Từ đó, quê hương đâu phải chỉ là quê hương xinh xinh, êm đềm, thơ mộng của tuổi thơ, mà còn bao gồm tất cả chiều kích văn hóa, lịch sử, chính trị, xã hội, kinh tế… với bao nhiêu kinh nghiệm và kỷ niệm đau thương. Tất cả những yếu tố đó kết tụ lại, đan xéo, chồng chéo, giằng co nhau, làm cho nhiều người Việt Nam trong giai đoạn qua vừa hãnh diện vừa mặc cảm về đất nước mình.

Người nông dân Việt Nam ngày xưa thường chỉ quanh quẩn chung quanh lũy tre làng và ít ai muốn chết bên ngoài quê hương của mình. Vậy mà cuối cùng, vì hoàn cảnh và vì thời cuộc, hàng vạn, hàng triệu người phải bỏ quê cha đất tổ ra đi. Nếu như trước đây một số người cực lực lên án cuộc di cư 1954 là phản động, phản dân tộc thì làn sóng tị nạn ồ ạt sau 1975 đã làm cho nhiều người phải nghiêm chỉnh suy nghĩ về mối tương quan giữa chính trị với nhân quyền, giữa vai trò của Nhà nước với nhân phẩm và quyền lợi của người dân.

Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng trầm trọng vào 1975 –1985, chính bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng phải công nhận một thực tế đau xót về về vấn đề kinh tế – xã hội – chính trị. “Sản phẩm nông nghiệp, kỹ nghệ, tiểu công nghệ giảm sút trầm trọng, chợ đen được đặc biệt ưu đãi do cơ chế một thị trường kép –thị trường tự do song đôi với thị trường qui định theo giá cả của Nhà nước – trải rộng thật nhanh ảnh hưởng tiêu cực của nó. Lạm pháp tăng vùn vụt, một mặt gây nên tình trạng bần cùng hóa nhanh chóng của nhiều tầng lớp trong nhân dân, đặc biệt giới công chức và công nhân của các xí nghiệp quốc doanh, mặt khác làm giàu nhanh chóng cho một thiểu số buôn lậu, cán bộ thoái hóa. Dân chúng ngày càng bất mãn và tính hợp pháp của chế độ bắt đầu bị xói mòn(…) Chỉ trong mấy năm, một triệu rưỡi người bỏ nước ra đi, cộng đoàn hải ngoại tạo thành một yếu tố đích thực mới lạ trong lịch sử dân tộc Việt Nam”[9].

4. Nhãn quan thời đại

Quan niệm Nhà nước – Quốc gia, từng là nền tảng của cơ cấu chính trị trong những thế kỷ trước, hôm nay đang nhường bước cho một quan niệm chính trị mới mang tính toàn cầu hơn. Tổ chức đóng kín cố cựu dựa trên mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi văn hóa đang lùi bước trước những cơ cấu tổ chức mới có tính vùng, miền, lục địa hay hoàn cầu. Hiện tượng đa văn hóa, những tiến triển về khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, toàn cầu hóa kinh tế, việc nổ bùng phong trào di dân đang khai mở viễn tượng một “làng thế giới” và một “gia đình nhân loại”. Người dân các nước chậm tiến đang được giải thoát dần dần khỏi sự ức chế và đóng kín của “Nhà nước – Quốc gia” để trở thành công dân của vùng, của lục địa hay thế giới.

Ngày xưa, Hegel đã thần thánh hóa Nhà nước khi quan niệm nó như “tinh thần tự-phát-triểnthành hình thức và tổ chức như chúng ta đang nhìn thấy”. Nhà nước là cơ chế trong đó “đạo đức tính” được thể hiện dưới dạng thức cao nhất, nghĩa là một tổng hợp giữa luật lệ (pháp chế ngoại tại) và luân lý (luật nội tại). Do đó, Nhà nước có quyền tối cao trên mỗi cá nhân; ngược lại, nghĩa vụ tiên quyết của mỗi cá nhân chính là chu toàn bổn phận của một người dân.

Theo quan điểm của phái nhân bản, chính con người mới có giá trị tối thượng, chứ không phải Quốc gia, Dân tộc, Nhà nước hay bất cứ một cơ cấu chính trị nào khác. Nếu nhìn lại lịch sử cận đại bằng cặp mắt không định kiến, chắc hẳn người ta phải thừa nhận rằng nhờ xác tín vững mạnh và sự kháng cự kiên cường của những người tranh đấu cho nhân quyền mà hôm nay nhiều người đã chính thức thừa nhận lý tưởng nhân quyền là “chân trời đạo lý của thời đại” (Robert Balinter).

Giáo huấn xã hội của Công giáo cũng không nhìn nhận quốc gia như mục tiêu tối thượng của cuộc sống. Con người có những quyền lợi tự nhiên và một sứ mệnh vượt trên thực tại thế trần, mà chính quốc gia phải tôn trọng. Nếu người Do Thái thời xưa thần thánh hóa luật giữ ngày “hưu lễ”, biến nó thành bất khả xâm phạm và nhiều khi còn đặt nó trên cả con người, Đức Kitô, trái lại, đã thẳng thắn và cương quyết xác định mối tương quan giữa con người với lề luật như sau: “Ngày sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát”. Nói cách khác, cơ cấu chính trị, luật pháp, văn hóa… chỉ có ý nghĩa trong viễn tượng phục vụ và làm triển nở con người. Không thể đảo lộn mức thang giá trị để biến hay bắt con người làm vật hy sinh cho những cơ chế đó[10].

Giáo chủ Gioan Phaolô II đúc kết ngắn gọn như sau: “Theo truyền thống chung, người ta xếp các quyền của con người thành hai loại, một bên là các quyền công dân và chính trị, và bên kia là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Các hiệp ước quốc tế bảo đảm hai loại quyền này, cho dù với những cấp độ khác nhau. Kỳ thực, các quyền của con người liên kết chặt chẽ với nhau, vì chúng diễn tả các chiều kích đa diện của cùng một chủ thể duy nhất là con người. Cổ võ tất cả các loại nhân quyền là bảo đảm thật sự việc tôn trọng trọn vẹn mỗi một loại nhân quyền. Bảo vệ tính phổ quát và bất khả thay thế của nhân quyền là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội hòa bình và để phát triển toàn diện các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia”[11].

Bản “Tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền” của Liên Hiệp Quốc đã xác định rõ rệt: “Mọi người đều có quyền tự do đi lại, tự do chọn nơi cư trú trong mỗi nước. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, và có quyền trở về nước mình” (điều 13). Chính vì thế, khi quê hương không còn là vùng đất sống hay không đủ khả năng nuôi sống người dân, mỗi người có quyền tìm một vùng đất khác để bảo vệ mạng sống và phát triển con người toàn diện.

Trong mấy thập niên vừa qua, vì hoàn cảnh, nhiều người Việt nam phải rời quê cha đất tổ để đi tìm… đất sống. Rất có thể nhiều người là “những đứa con phải rời xa Tổ quốc”“chỉ sống nửa tâm hồn”, nhưng họ đã bắt buộc phải lựa chọn ra đi, ngậm ngùi nuốt nước mắt mà đi. Đối với một số người khác, ra đi là cơ hội ngàn vàng để thoát khỏi cảnh nghèo đói tích lũy từ bao đời. Một ông Việt kiều nào đó tại Nga mạnh dạn đặt vấn đề và thẳng thắn nói lên lý do chọn lựa của mình:

Rứa là hết chiều ni em đi mãi
Chỉ có điên mới quay trở lại Việt Nam
(…) Vinh cái chó gì cái kiếp mọi An Nam
Đi đến đâu cũng bị rầy la xua đuổi
Em mới hiểu thế nào là khổ tủi
Càng dày thêm uất hận xứ VINA
Đi đi em và ở lại tới già
Lưu luyến làm chi cánh diều, hoa cau chùm khế
(…) Đi đi em cho mau tới nước Nga
Thị trường lớn đang chờ em vùng vẫy
Đi đi em gần giờ bay rồi đấy
Ngoảnh lại làm chi, vẫy vẫy làm gì
Vĩnh biệt 65 triệu sinh linh lam lũ đói nghèo
Vĩnh biệt bãi chiến trường bốn ngàn năm gươm khua, ngựa hí, quân reo.
Hẹn tái ngộ nếu kiếp lai sinh bị phạt đầu thai trở lại.

Có lẽ nhiều người sẽ “nổi đóa” đòi xử trảm hay bỏ tù tác giả bài thơ “Đi đi em”, một thứ văn học dân gian mới, phóng tác từ thơ Tố Hữu. Mặc dù hoàn toàn tán đồng quan điểm của bài thơ, nhưng bản thân người viết suốt dọc những năm dài tha hương, rất nhiều lần đã cảm thấy thấm thía cái thân phận làm người Việt Nam “đi đến đâu cũng bị rầy la xua đuổi”. Cho dù có giấy mời, giấy giới thiệu, cộng thêm tư cách giáo sư và cái “mác” linh mục, nhưng với quốc tịch và hộ chiếu Việt Nam, suốt hai thập niên 1980 – 1990, tôi vẫn phải nhẫn nhục van xin và chờ đợi dài cổ mới xin được visa. Nhiều lần cũng bị các Sứ quán ngoại quốc từ chối khéo hay rầy la xua đuổi thực sự.

Nhưng có lẽ oan nghiệp và trắc trở còn nhiều hơn khi muốn trở về quê hương của mình. Trước đây, mặc dù có hộ chiếu Việt Nam, nhưng xin thị thực về nước là chuyện trần ai, hầu như là một ân huệ, mà Nhà nước thường ban nhỏ giọt cho một số người nào đó thôi. Bản thân tôi, vì thủ tục giấy tờ này, không thể trở về thụ tang thân mẫu. Không biết trong thế giới tân tiến hôm nay còn bao nhiêu nước đòi hỏi công dân của mình phải xin thị thực mỗi lần trở về quê hương?

Từ cuối thập niên 90’, Nhà nước đã hủy bỏ việc xin thị thực xuất nhập cảnh cho các công dân Việt Nam hiện sống tại hải ngoại. Trên nguyên tắc, các công dân Việt Nam cũng có thể xin về sống trong nước, nhưng trong thực tế mấy ai vượt qua những thủ tục phiền hà và phức tạp hiện tại? Bao giờ người công dân Việt Nam mới được tự do trở về định cư nơi chính quê hương của mình?

Hồi nhỏ, đọc Thánh Kinh và lịch sử thế giới, tôi cảm thương cho thân phận lưu đày của người Do-thái. Sau này, mỗi lần nghĩ đến số phận người Việt tha hương, tôi lại băn khoăn tự hỏi không biết người Việt tha hương có cái gì tương tự với số kiếp lang bạt của người Do-thái hay không? Và chợt nhớ bài thơ “Chuyện buồn” của Tế Hanh:

Một đêm kia, một người Do Thái
Kể lể cùng tôi nỗi nhớ nhà
Thất thểu trọn đời nơi đất khách
Ăn nhờ, sống gửi xứ người ta.
- Tôi nhớ, ông ơi, héo cả hồn!
Đời tôi, tôi chẳng muốn gì hơn
Là về cố quận, mai sau chết
Còn có bên nhà miếng đất chôn.
- Tôi cũng như ông, cũng lạc loài,
Bơ phờ như chiếc lá thu rơi;
Lang thang mang bóng nơi xa ấy,
Tôi cũng như ông, cũng nhớ hoài.
Nhưng nỗi sầu ông dễ hiểu hơn,
Chớ tôi không biết cớ sao buồn:
Chưa hề mất mát, nhưng tìm mãi,
Chẳng cách vời ai, vẫn đợi luôn.

Những rắc rối về di chuyển và cư trú nghĩ cho cùng thực ra cũng chỉ là chuyện nhỏ và phụ thuộc thôi. Còn bao chuyện lớn và đau nhức khác. Đôi lúc người viết cũng băn khoăn tự hỏi “có phải làm người Việt Nam là một kiếp nợ nần?” Giả sử phải tái sinh làm người và được tự do lựa chọn, chưa chắc tôi dám chọn làm người Việt Nam trong giai đoạn này. Nhưng dù sao mảnh đất mang hình chữ S đã là quê hương của tổ tiên và của chính bản thân, cộng thêm tư cách một tu sĩ đã cam kết dấn thân phục vụ những nơi cần đến sự hiện diện của mình hơn cả, cho nên dù khó khăn trắc trở đến đâu, tôi vẫn kiên trì giữ quốc tịch Việt Nam bao lâu có thể và sẽ nhất quyết trở về miền đất mẹ, khi hoàn cảnh cho phép.

Gm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MỪNG HỒNG ÂN
40 NĂM LINH MỤC ĐỨC CHA PHAOLÔ












[1] Trích từ Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường, Houston, 1999, với một vài bổ túc nho nhỏ.

[2] Xem chẳng hạn, B.C. Shafer, Le Nationalisme, Mythe et Réalité, Payot, Paris, 1964 ; Trần Văn Giàu, Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, NXB Văn Nghệ, Tp. HCM, 1983; Bàng Bá Lân, Hương Hoa Đất Nước, Quê Hương, Toronto, Canada, 1982; Nguyễn Khắc Viện, Kể chuyện Đất nước, NXB Thế giới, Hà Nội, 1993 ; Đỗ Mạnh Tri, «Nhà, Nước, Nước Nhà, Nhà nước», trong Tin Nhà (Paris), số 23, 3/1996, tr. 3-1; Nguyễn Thái Hợp, Một nửa hành trình của con người và quê hương, Chân Lý, Canada, 1997; Trần Kim Đoàn, Chuyện Khảo về Huế, NXB Làng Thủ đô, Cali 1997; Lữ Phương, « Chủ nghĩa Dân tộc Việt Nam », Tin Nhà (Paris), số 37, 1/1999, tr. 22-32.

[3] Tâm trạng của Đới Thúc Luân đời Đường trong quán trọ giữa đêm trừ tịch cũng là cảm nghiệm của nhiều người tha hương:
Lữ quán thùy tương vấn
Hàn đăng độc khả thân
Nhất niên tương tận dạ
Vạn lý vị quy nhân
Liêu lạc bi tiền sự
Chi li tiếu thử thân
Sầu nhan dữ suy mấn
Minh nhật hựu phùng xuân
Có người đã dịch như sau:
Quán trọ biết cùng ai
Đèn lạnh riêng mình soi
Thêm một năm đêm cuối
Vẫn muôn dặm đường dài
Thương việc đầy tan tác
Cười thân lắm ngậm ngùi
Mặt buồn trơ tóc rụng
Mai sớm lại xuân rồi.
[4] Edmond De Amicis, Tâm hồn cao thượng, Hà Mai Anh dịch, NXB Thanh Niên, Tp. HCM, 1990, tr. 76.

[5] Xc. Kim Định, Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Sài-gòn, Nguồn Sống, 1973; Đinh Gia Khánh, Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, Hà Nội, KHXH, 1993 Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tp. HCM, 1997; Thái Văn Kiểm, Việt Nam tinh hoa, NXB Mõ làng, 1997.

[6] Lữ Phương, « Chủ nghĩa Dân tộc Việt Nam », Tin Nhà (Paris), số 37, 1/1999, tr. 29.

[7] GS. Trần Văn Giàu chẳng hạn đã lý luận về “độc quyền yêu nước” như sau: “Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong khoảng thời gian ngắn ngủi khoảng mấy chục năm, chủ nghĩa Mác–Lê-nin sở dĩ đi vào nhân dân một cách mau chóng, chinh phục tâm trí của đa số, trước tiên vì học thuyết Mác–Lê-nin được đồng bào ta đánh giá là ánh sáng, là sức mạnh cứu nước không gì bằng. Trong khi đó thì Công giáo có 3, 4 thế kỷ tuyên truyền lại được các đế quốc và ngụy quyền ủng hộ, nhưng không làm sao phát triển nhanh được, ấy là vì, mãi cho đến gần đây, tôn giáo này bị dân ta xem là công cụ cướp nước, công cụ thống trị của thực dân ». Trái lại, theo ông, « chủ nghĩa Mác–Lê-nin rèn luyện người yêu nước thành người cách mạng sáng suốt, triệt để nhất… » (Triết học và tư tưởng, Nxb Tp. HCM, 1988, tr. 184 & 303).

[8] Lữ Phương, Ibidem, tr. 29 & 30.

[9] Nguyễn Khắc Viện, Vietnam, une longue histoire, Thế Giới, Hà Nội, 1993, tr. 431 & 436.
Trước thảm cảnh một số người Việt tị nạn tại Hồng Kông đã đem chính sinh mạng và “phẩm hạnh” của minh để chống lại việc cưỡng bách hồi hương bằng bạo lực, Lê Bi đã viết những lời bi đát và thê lương:

Bắn vào trại cấm này 40 trái đạn cay

Hàng trăm cảnh sát Hồng Kông lôi ra những người liều mình ở lại
Kẻ có quê hương, sao thà sống trong trại tù khóa trái
Những giọt lệ cay chắc gì vì khói đạn cay. 
[10] Xin xem Jacques Maritain, Man and the State, University of Chicago Press, 1952; J. Messner, Social Ethics, St.Louis-London, Herder Book Co., 1965; J. Moltmann, Religion and Political Society, New York,1974.
[11] Gioan Phaolô II, Bí quyết của Hòa bình chân thật là tôn trọng Nhân quyền, Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới, 1-1-1998, số 3.

Quê hương là gì hở mẹ? Reviewed by Hoài An on 8/10/2012 Rating: 5 LH - Độ ấy cũng ngày này tháng này, Chúa đã gọi một người con bước lên bàn thánh lãnh nhận thiên chức linh mục. Người con đó hân hoan đá...

1 nhận xét:

  1. Chúng tôi xin nghiêng mình kính phục Đức Cha Phaolo^ Nguye^n Thái Hợp.
    Đặc biệt sau vụ Con Cuông, chúng tôi càng ngưỡng mộ Ngài hơn, vì Ngài chính là hiện thân của Chúa Kito^. Ngài cố gắng không mệt mỏi để phục vụ Giáo Hội và tha nhân, nhất là những người nghèo khổ nhất, bất hạnh nhất.
    Chúng tôi xin kính chúc Đức Cha nhiều sức khỏe.

    Trả lờiXóa