BBC - Chính quyền thành phố Bạc Liêu nói đang “lo cho tang lễ” của bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu blogger Tạ Phong Tần, trong khi gia đình cáo buộc họ bị ‘giám sát chặt chẽ’.
Các blog và trang tin phi chính thức nói bà Liêng đã châm lửa vào mình ngay trước trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu vào sáng thứ Hai ngày 30/7. Do vết thương quá nặng, bà đã tạ thế vào buổi chiều cùng ngày khi đang trên đường chuyển viện, hưởng dương 64 tuổi.
Bà Liêng qua đời trong khi con bà là Tạ Phong Tần chỉ còn vài ngày nữa là ra tòa về tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Hiện nguyên nhân khiến bà Liêng có hành động này vẫn chưa được rõ vì người thân trong gia đình không ai hay biết ý định của bà Liêng.
‘Khung cảnh đau thương’
Khi được BBC liên lạc chiều nay, ông Nguyễn Thanh Chinh, chủ tịch thành phố Bạc Liêu, nói chính quyền 'đang lo cho tang lễ' của bà.
Ông nói hiện giới chức chưa có tuyên bố chính thức và phải chờ sau tang lễ.
Tang lễ bà Liêng ở nhà riêng tại thành phố Bạc Liêu đã diễn ra trong lặng lẽ với sự giám sát chặt chẽ của công an địa phương, người thân và bạn bè bà Tần cho biết.
Một người bạn của Tạ Phong Tần là bà Lã Thị Thu Trang là nằm trong nhóm những người đầu tiên từ thành phố Hồ Chí Minh về Bạc Liêu chia buồn với gia đình và giúp đỡ chuẩn bị hậu sự cho bà Liêng.
Bà Trang nói với BBC rằng bà đến nơi đúng lúc thi thể của bà Liêng cũng vừa mới về đến nhà vào khoảng 10 giờ tối ngày 30/7.
Khi đó thì bà Trang đã ‘phát hiện rất nhiều an ninh xung quanh nhà’. Bà mô tả là ‘tất cả các ngã đường vào nhà đều bị bao vây’.
Bà mô tả khung cảnh lúc đó ‘rất là đau thương’ mà ‘không thể nào diễn tả được nỗi đau’.
“Cô Phụng (con gái bà Liêng) gào khóc không còn thiết gì đến bản thân,” bà kể, “Mấy đứa bé đòi bà nội bà ngoại rất thương tâm.”
Theo lời bà kể thi thể bà Liêng khi chuyển về nhà đã được ‘bó hết phần dưới chỉ chừa phần mặt’ và bà suy đoán rằng nhà thương đã xử lý thi thể ‘bằng hóa chất và đánh phấn lên những phần da cháy dộp’ trong khi tóc thì ‘bị cháy hết’.
Bà Trang cũng thuật lại lời các con bà Liêng cho biết là chính quyền địa phương đã sắp xếp hết mọi việc hậu sự từ khi thi thể bà về đến Bạc Liêu, từ áo quan, nơi an táng cho đến thỉnh chư tăng tụng kinh cầu siêu cho bà (bà Liêng là Phật tử).
Mặt khác, chính quyền yêu cầu gia đình ký cam kết là ‘bà Liêng tự sát do uất ức’ và gia đình sẽ không khiếu nại.
Gia đình bà Liêng cũng đành chấp nhận yêu cầu của chính quyền ‘vì sức yếu thế cô’ và vì ‘trong lúc bối rối không thể đối phó được’, bà Trang thuật lại.
‘Sách nhiễu khách viếng’
"Đoàn chúng tôi 8 người mà có cả mấy chục người theo. Họ ở khách sạn suốt đêm để bám sát chúng tôi."
(Lã Thị Thu Trang, khách viếng tang)
Riêng đoàn đi viếng tang của bà Trang cũng bị công an Bạc Liêu 'sách nhiễu', bà cáo buộc.
“Đoàn chúng tôi 8 người mà có cả mấy chục người theo,” bà nói, “Họ ở khách sạn suốt đêm để bám sát chúng tôi.”
Bà kể lại công an đã yêu cầu chủ khách sạn thu giữ đủ giấy tờ của cả 8 người và phải làm giấy cam kết với trường hợp quên chứng minh thư.
“Họ ngắt điện trong phòng, wifi bị chặn, tiện nghi bị hạn chế,” bà nói.
“Sáng đến phụ giúp gia đình (tang quyến) thì họ dùng điện thoại di động chụp thẳng ngay mặt chúng tôi,” bà nói thêm.
Một số bà con lối xóm đến phụ giúp việc tang cũng ‘dè chừng’ vì bị ‘an ninh ở ngoài chụp hình hết’, bà cho biết.
Vào lúc BBC gọi đến vào chiều ngày 31/7, bà Trang cũng cho biết một nhóm khác cũng từ thành phố Hồ Chí Minh về Bạc Liêu về viếng tang hiện bị công an giao thông chặn lại ở Tiền Giang.
Trong nhóm này có bà Bùi Thị Minh Hằng, nhân vật biểu tình chống Trung Quốc từng bị chính quyền đưa vào trại xã hội, bà Trang nói.
Trước đó cũng đã có một đoàn các ‘dân oan’ ở Tiền Giang đến viếng và một đoàn các blogger trẻ khác cũng đang trên đường đến Bạc Liêu, bà cho biết.
Xô xát trên xe
Con cháu bà Liêng rất đau thương |
Trong khi đó, bà Tạ Khởi Phụng, một trong các con gái của bà Liêng, cho biết tang lễ diễn ra bình thường và đã thỉnh quý thầy đến tụng kinh vào sáng 31/7. Lễ an táng sẽ diễn ra vào ngày rằm tới (2/8).
Bà Phụng nói rằng ‘nhìn cũng biết’ là có công an mặc thường phục canh chừng sáng đêm.
Theo lời bà Phụng thì sau khi đưa thi thể bà Liêng về đến Bạc Liêu thì giữa bà và tài xế xe cứu thương đã xảy ra xô xát.
“Kêu đưa về nhà mà không cho về mà đưa vô bệnh viện lại còn rầy lộn nữa. Mệt mỏi lắm,” bà nói và cho biết bà đã cãi nhau và ‘vật qua vật lại’ với tài xế bên tay lái và hai người nữa cùng đi trên xe để bắt phải chở thi thể bà Liêng về nhà.
“ở trong (xe cứu thương) mình la hét làm um sùm nhưng nó cứ chạy ùn ùn vô tới bệnh viện,” bà nói.
Sau mấy tiếng ‘cù cưa’ với chính quyền thì gia đình bà đã ký vào giấy cam kết không khiếu nại để mang thi thể mẹ về, bà nói thêm, vì ‘làm quá thì cũng phải ký chứ làm sao bây giờ’.
Theo bà Phụng thì chính quyền cũng yêu cầu khám nghiệm tử thi nhưng anh trai bà không cho vì ‘mẹ đã như vậy rồi mà mổ tùm lum tùm la thì đau lòng quá’.
"Mẹ nói thì thào......Mẹ nói mẹ gần chết rồi... Con ở lại nuôi con."
(Tạ Khởi Phụng, con gái bà Liêng)
Bà nói khi bà nhận được tin vào đến nhà thương Bạc Liêu thì mẹ bà đã cháy ‘đen hết rồi’ làm bà ‘rất nóng ruột’.
“Mẹ nói thì thào...,” bà Phụng nghẹ ngào kể đứt quãng, “...Mẹ nói mẹ gần chết rồi... Con ở lại nuôi con.”
Cả gia đình không ai hay biết gì về ý định tự thiêu của bà Liêng và bà vẫn sinh hoạt bình thường mọi ngày, bà Phụng nói.
Tranh chấp đất đai
Tuy nhiên, bà Phụng kể gần đây mẹ bà có làm đưa thưa gia đình hàng xóm vì ‘chiếm đất nhà bà’ nhưng ‘đi thưa hoài mà hổng có ai xử’.
Theo bà thì người hàng xóm đó ‘mượn đất hai mươi mấy năm rồi mà hổng trả’ mà ‘bây giờ Nhà nước cho làm sổ đỏ’.
“Mẹ em qua nói chuyện với nó... Nó nói nó hổng có mượn đất và đất của nó nhà nước làm sổ đỏ rồi. Mẹ em tức quá nên mới đi thưa,” bà nói.
Khi được hỏi làm sao để báo cho Tạ Phong Tần tin mẹ mất, bà Phụng trả lời ‘Không biết sao!’.
Về phiên tòa sắp tới, bà nói là gia đình ‘không biết gì hết’ vì ‘không có ai thông báo hết’.
“Mọi người thành phố xuống (viếng tang) nói mới biết. Nhà em nghèo lắm đâu có mua mạng (Internet) gì ấy đâu nên không biết cái gì hết,” bà nói.
Không có nhận xét nào: