Tìm hiểu phúc âm - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
9 tháng 8, 2012

Tìm hiểu phúc âm

I - PHÚC ÂM THÁNH MARCO ( 1 ) 

NGUYỄN HỌC TẬP  - 1 - Những tư tưởng khởi đầu: 

Kitô giáo không phải là tôn giáo được đặt nền tảng trên một hệ thống tư tưởng, một ý thức hệ hay huyền thoại. 

Bối cảnh tôn giáo Do Thái, trong đó Chúa Giêsu sống, đang mong chờ một Vị được Thiên Chúa sai đến, Đấng Cứu Độ (Messia). Đấng ấy sẽ thực hiện tất cả những lời hứa cứu độ được Thiên Chúa hứa cho dân Người. 

Qua dân Do Thái Thiên Chúa đã lập nên những mối dây liên hệ thân hữu và nhiều lần đã tỏ ra ý muốn của Người. 

Điều mới mẻ của Kitô giáo đó là cùng với biến cố sinh ra của Chúa Giêsu Nazareth, Thiên Chúa tạo một khúc quanh trong lịch sử con người. 

Đối với ai sống ở Palestine thời Chúa Giêsu, đã thấy, đã nghe, đã đi theo Chúa Giêsu, kinh nghiệm đầu tiên là mình đang sống với một con người giống như mình, một con người thực sự và chính danh con người. 

Thật vậy các Phúc Âm cùng đồng thanh nhấn mạnh tính cách phi thường của con người Chúa Giêsu, đến bản tính nhân loại của Người, bằng cách làm nổi bậc lên rằng Người có những ước muốn, tình cảm và ham muốn cá biệt của chính con người: Người cũng 

- có nhu cầu đói khát (Ga 4, 7-8), 

- động lòng trước đoàn lũ dân chúng (Mc 6, 34; Mt 16, 32 ), 

- xúc động trước bệnh tật và tang chế (Mc 1, 41), 

- sợ hải như mọi người (Mc 14, 33), 

- ngạc nhiên trước những gì bất thường (Ga 3, 10), 

- quở trách tội lỗi, sai lầm, những điều không chính đáng (Mt 23, 13-33) 

- khóc lên trước tình trạng thảm đạm (Ga 11, 35). 

Nói tóm lại: 

Chúa Giêsu là một con người nhạy cảm trước những đức tính tích cực, bởi đó Người tỏ ra 

- tâm tình yêu thương và tình thân hữu đối với các môn đệ (Ga 16, 15), 

- tin tưởng đối với các vị (Mc 3, 14), 

Nhưng đồng thời Người cũng tỏ ra là con người xác quyết và quyết định, 

- xác tín về những gì mình nói và làm (Mc 8, 31-33). 

Nhưng bên cạnh những nét đặc thù của một con người như chúng ta, Người cũng tỏ ra trong các Phúc Âm bản tính Thiên Chúa của Người. 

Con người của Chúa Giêsu, với tất cả phương diện con người của Người, là nguồn gốc đức tin Kitô giáo. 

Tất cả cuộc đời Người, các lời giảng dạy và các lần thinh lặng của Người, tình cảm và các quyết định của Người, các động tác thường nhật và các phép lạ Người làm, biến cố Người được sinh ra, cái chết của Người và nhứt là cuộc phục sinh của Người, tất cả những điều đó là căn cội của Kitô giáo. 

Chính từ cuộc phục sinh của Chúa Kitô, mà các môn đệ sẽ hiểu được Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. 

Đó là khối nhân cội trung tâm của việc loan truyền Kitô giáo. 

Nhưng Chúa Giêsu làm cho thay đổi nơi con người các cách thức mong đợi đối với phương thức mà Thiên Chúa sẽ mạc khải chính Người. 

Ai mong đợi Chúa chỉ sẽ mạc khải Người cho và thông hiệp với con người bằng sức mạnh hay bằng phép lạ, thì trái lại chỉ thấy nơi Chúa Giêsu, một con người, mặc dầu thực hiện những công trình phi thường, chỉ muốn đảm nhận lấy tất cả các đặc tính đời sống con người trong cuộc sống thường nhật của Người. 

Ai nghĩ rằng mình sẽ thấy được Thiên Chúa trong Đấng Cứu Độ, họ chỉ thấy được một con người, 

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và vẫn giữ bản tính Thiên Chúa của mình, nhưng đồng thời Người cũng chọn phương thức thu hẹp mình vào tầm mức nhân loại. 

- "Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhứt quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, giống như người trần thế" (Phil 2, 6-7). 

2 - Các nguồn mạch tạo nên Tân Ước. 

Chúa Giêsu, ai trong chúng ta cũng biết, không đễ lại cho chúng ta một bản văn viết nào. Người cũng không có sáng kiến bảo đảm viết thành văn các diễn từ của Người. 

Trái lại, chính một vài môn đệ Người đã viết ra, nhưng không phải viết ra ngay sau những sự kiện đã xảy ra, mà là sau một khoản thời gian vài chục năm. 

Liền sau khi những sự kiện đã xảy ra ( tức là sau cái chết và cuộc sống lại của Chúa Giêsu) chúng ta có được bản Phúc Âm truyền miệng (từ năm 30 đến khoản năm 70 ) và chỉ có sau đó các lời truyền niệng đó được viết lại thành các Phúc Âm, được viết thành văn bản ( khoảng từ năm 70 đến khoản năm 100). 

Trên thực tế, sau khi Chúa Giêsu chết đi, đến khi viết thành bản văn Phúc Âm có khoản bốn mươi năm được trải qua, nhưng đó không phải là khoản bốn mươi năm rổng không. 

Đó là những năm mà cộng đồng Kitô hữu có những động tác năng động đấy cường độ trong việc rao giảng, cử hành phụng vụ, những lần đầu tiên thu nhận những bản văn viết lại những gì chính yếu Chúa Giêsu đã "nói lên", các dụ ngôn Người giảng dạy, các phép lạ Người làm. 

Từ các vật liệu vừa kể, các tác giả Phúc Âm đã thu nhận, múc lấy để viết thành Phúc Âm. 

Những gì được tường thuật lại bằng lời nói và băng văn bản, được gọi là Truyền Thống. 

Khoảng thời gian thu góp và viết lên thành văn bản là giữa các năm 40-50 và 70 sau Thiên Chúa Giáng Sinh, đối với Phúc Âm Thánh Matthêu, Marco và Luca; khoảng giữa năm 90 -100 sau Thiên Chúa Giáng Sinh, đối với Phúc Âm Thánh Gioan. 

Ba Phúc Âm đầu tiên được gọi là "Phúc Âm Nhất Lãm" (sGaópsis, Hy Lạp: sGa = chung nhau; ópsis = nhìn thấy: như vậy tức là các Phúc Âm có thể "đọc chung nhau", bởi vì có những dữ kiện tương tợ nhau và song song nhau. 

Phúc Âm Thánh Gioan được viết lên ở bên ngoài Palestine, hơi khác với ba Phúc Âm kia, mặc dầu cùng thuật lại những biến cố như nhau, nhưng ngài nhìn dưới một nhãn quang khác nhau. 

Sách Tông Đồ Công Vụ được Thánh Luca viết lên giữa năm 73 và 80 theo một số học giả cho biết, giữa năm 90 và 100 theo một số học giả khác. 

Nguồn gốc của các Phúc Âm phát xuất từ các lời giảng dạy của các Tông Đồ, như những gì Công Đồng Vatican II xác nhận trong Hiến Chế Tín Lý "Dei Verbum", n. 19: 

- "Các Thánh Tông Đồ, sau khi Chúa Thăng Thiên, đã truyền dạy cho những ai nghe các ngài điều mà Người đã nói và đã làm, với trí óc mà các ngài có được, được huấn dạy bởi các biến cố vinh quang của Chúa Kitô và soi sáng bởi Thánh Thần Chân Lý. Và các tác giả đã viết lên bốn quyển Phúc Âm, bằng cách chọn lựa một vài giữa các sự kiện đã được lưu truyền lại cho bằng lời nói hoạc bằng bản viết, bằng cách tổng kết một vài biến cố, chú giải những biến cố khác có liên hệ với tình trạng của Giáo Hội, tuy nhiên sau cùng vẫn tồn giữ tính cách loan báo, nhưng luôn luôn theo phương thức nhằm nói về Chúa Giêsu với lòng thành thật và chân lý". 

Như vậy, trong Phúc Âm chúng ta gặp được hoặc những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm, hoặc những gì các Thánh Tông Đồ dưới ánh sáng Phục Sinh và Hiện Xuống đã lưu truyền lại; hoặc sau cùng, công trình làm việc sắp xếp lại (redaction ) được các tác giả Phúc Âm thực hiện, tùy theo các hoàn cảnh khác nhau của các cộng đồng Kitô hữu, bằng cách lựa chọn giữa nội dung lời loan báo, các yếu tố mà các ngài cho rằng hữu ích để loan truyền đức tin, tuy nhiên không làm chuyển đổi sứ điệp của Chúa Kitô. 

Như vậy các Phúc Âm 

- không phải là một tiểu sử hay sắp xếp lại lịch sử của Chúa Giêsu, mặc dầu vẫn chứa đựng nhiều yếu tố tiểu sử có tính cách lịch sử không thể chối cải được; 

- không phải là một tổng hợp hữu lý và có hệ thống các chân lý và các giới răn được Chúa Giêsu giảng dạy (như sách Coran của Mahomet trong Hồi Giáo ); 

- không phải là bốn phương thức nhìn hoàn toàn khác nhau về một biến cố, cũng không phải là những bản văn giống hệt nhau và lập đi lập lại, bản nầy có thể thay thế cho bản kia hay cả bốn bản văn có thể tổng hợp lại thành một văn bản duy nhứt; 

- không phải là những bản văn trực tiếp ghi lại tức khắc những sự kiện đang lúc xảy ra, mặc dầu các tác giả Phúc Âm gần như là những nhân chứng trực tiếp các biến cố (trường hợp Thánh Matthêu và Thánh Gioan) hay là những môn đệ sát gần với các Thánh Tông Đồ (trường hợp Thánh Luca và Thánh Marco ). 

Điều chú tâm tiên khởi của Phúc Âm là cung hiến cho các Kitô hữu một nhãn quang đầy đủ về Chúa Giêsu: thông báo toàn diện diện mạo Chúa Giêsu chớ không phải những phương diện cá biệt (Chúa Giêsu là con người, là Vị Ngôn Sứ, là Thiên Chúa...). Ai đến gần Phúc Âm cần phải đặc tâm lưu ý đến đối tượng tôn giáo vừa kể để có thể đồng thanh tương ứng trên cùng một tầng số hiểu được các bản văn Phúc Âm. 

Thái độ đúng đắn để đọc và hiểu Phúc Âm như là những bản văn có nền tảng lịch sử không đòi buộc phải dùng lý trí hạn hẹp, nghĩa là xem các bản văn Phúc Âm chỉ là những minh chứng biến cố lịch sử, nhưng còn cả đến đặc tính trình bày của Phúc Âm, tức là Phúc Âm nhằm đưa ra giới thiệu cho biết và mời gọi người đọc hãy đi đến đức tin. 

Nhưng điều vừa kể không làm mất đi khỏi Phúc Âm giá trị lịch sử. Mặc dầu Phúc Âm là những bản văn được viết lên dưới ánh sáng đức tin, nhưng vẫn là những bản văn trung thành với các yếu tố lịch sử và tôn trọng đối với lời giảng dạy nguyên thủy của Chúa Kitô. Tuy nhiên, điều thiếu sót của Phúc Âm là không ghi lại tất cả và lập tức bằng chữ viết những gì Chúa Giêsu đã làm và nói, bởi đó khó mà trở lại được nguyên ngữ Chúa Giêsu thốt ra "ipsissima verba Jesu". 

Sau Phục Sinh, các Thánh Tông Đồ giải thích các biến cố lịch sử nhờ ơn của Chúa Thánh Thần và dưới ánh sáng đức tin, nhưng các ngài không tự tạo và biến chế các biến cố đó ra. 

Thật vậy, trong một vài đoạn văn, các tác giả Phúc Âm nhấn mạnh rằng những điều các ngài thuật lại, được đặt nền tảng trên những nhân chứng cá nhân của các ngài 

- "Người xem thấy việc nầy đã làm chứng và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật, để cho cả anh em nữa cũng tin (Ga 19, 35) 

- "Chính môn đệ nầy làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực "(21, 24), 

trong một vài đoạn khác, các ngài cho biết dựa trên các nhân chứng có nền tảng (Lc 1, 1-4): 

- "Thưa ngài Theophilo đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bàn tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đó đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc" (Lc 1, 1-4). 

Matthêu và Gioan là những Tông Đồ của Chúa Giêsu và là những nhân chứng trực tiếp đối với những gì các ngài ghi lại trong Phúc Âm. 

Marco không phải là Tông Đồ, mà là môn đệ của Thánh Phaolồ trước kia và sau đó là môn đệ của Thánh Phêrô và nhứt là từ lời giảng huấn của Thánh Phêrô, Marco thu góp những dữ kiện lịch sử để viết lên Phúc Âm. 

Thánh Luca đã xác nhận ngay từ khi khởi đầu viết Phúc Âm là người chú tâm tìm kiếm những tin tức có nền tảng và thu thập những gì đã được viết ra và đúc kết của những người đi trước mình. 

3 - Các tiêu chuẩn 

Khởi đầu từ các dữ kiện lịch sử đã đề cập, các học giả đưa ra một vài tiêu chuẩn để xác nhận tính cách lịch sử đáng tin cậy được kể lại trong Phúc Âm: 

1) Tiêu chuẩn được nhiều minh chứng. 

Khi một sự kiện hoặc một lời giảng dạy được nhiều nguồn gốc khác nhau đưa ra, yếu tố Phúc Âm đó được xem là có lý chứng vững mạnh và như vậy đáng tin cậy về phương diện lịch sử, bởi vì nhiều nhân chứng đã xác định dữ kiện đó. 

Ăp dụng tiêu chuẩn đó vào chủ đề lòng nhân từ của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi chẳng hạn, chúng ta có được lý chứng lịch sử xác nhận và đã được tất cả các Phúc Âm đều ghi lại, mặc dầu dưới nhiều thể văn khác nhau ( dụ ngôn, diễn văn, thuật lại biến cố gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các nhân vật khác nhau, tranh luận với các người Pharisêu và các vị lãnh đạo dân chúng ). Cả động tác làm phép lạ của Chúa Giêsu, lời giảng dạy của Người bằng dụ ngôn, thái độ xác nhận vị trí xác tín tôn giáo của Người đối với hình thức tôn giáo của một vài người đương thời, cái chết của Người trên thập giá, sự sống lại của Người là những gì có thể dược coi như là những sự kiện lịch sử đáng tin cậy. 

2) Tiêu chuẩn bất liên tục. 

Khi một sự kiện xảy ra đối ngược lại hoàn cảnh xã hội và tâm thức Do Thái thời Chúa Giêsu đang sống, điều đó có thể được coi là lịch sử xác đáng: ví dụ thái độ của Chúa Giêsu đối với các người Pharisêu và đối với cách thực hành ngày sabat của họ. Đó là thái độ cho thấy sự rạn nứt đối với thế giới các thầy thông thái luật; hay ngay cả từ ngữ Chúa Giêsu dùng, "Abbà, Cha ơi" để gọi Chúa Cha, cũng là những gì vượt quá quan niệm của người Do Thái đối với Thiên Chúa. 

3 ) Tiêu chuẩn thích hợp. 

Chúng ta có thể xem một sự kiện được Phúc Âm kể lại là chí lý, nếu yếu tố đó thích hợp và chính đáng đối với sứ điệp của Chúa Giêsu và lời rao giảng Nước Thiên Chúa. 

4) Tiêu chuẩn giải thích cần thiết. 

Đó là cách áp dụng nguyên tắc lý trí đủ dùng. Mỗi sự kiện xảy ra, đều có thể phải được lý trí giải thích thoả đáng. Đôi khi đó là cách giải thích trở thành yếu tố cần thiết, bởi vì các cách giải thích khác có thể đưa đến những vấn đề lớn hơn và khó khăn hơn. Đó là tiêu chuẩn cho rằng cách giải thích đơn sơ đôi khi là lối giải thích cần thiết, mặc dầu đôi khi đi ra ngoài khung thước thông thường. Ví dụ như các Tông Đồ không đến lục soát và đem thân xác Chúa Giêsu ra khỏi mộ, điều đó có thể tin được. Nếu không, làm sao các Vị có thể lẫn tránh được sự canh phòng nghiêm nhặt của các lính canh? 

Các vị đã tìm được can đảm ở đâu để dám làm chuyện đó, trong khi Phúc Âm cho biết rằng các vị khiếp đảm, nấp trong nhà, các cửa đều đóng kín ? 

Nhưng các Phúc Âm mà chúng ta có trong tay là những quyển Phúc Âm, mà các tác giả Phúc Âm đã viết ra hay không? 

Chúng ta có thể trả lời xác đinh rằng Thánh Matthêu, Marco, Luca và Gioan đã viết ra Phúc Âm. 

Bản văn tiên khởi do tay các vị viết lên được gọi là những "bản văn tự ký" (autographe). 

Kế đến những người khác dựa trên "các bản văn tự ký" của các vị để viết thành những bản sao khác, thành nhiều phó bản để phổ biến cho nhiều cộng đồng. Các "bản sao " hay "phó bản" đó được gọi là các bản văn "ký hiệu" (codes). 

Chung ta không có "bản văn tự ký" (autographe ) cổ xưa nào, trực tiếp liên hệ đến các tác giả Phúc Âm. chúng ta chỉ có được các bản sao, hay "ký hiệu" thôi. 

Ngôn ngữ: 

Ba ngôn ngữ được các tác giả dùng để viết Thánh Kinh, đó là tiếng Do Thái, tiếng Aramaico và tiếng hy Lạp. 

1 - Tiếng Do Thái cũng được gọi là tiếng "sémitique", do tên của Sem, con của Noe. Đó là ngôn ngữ được người Do Thái dùng để nói với nhau cho đến vài thế kỷ sau thời kỳ bi đày ở Babylon. Sau đó là ngôn từ chỉ được dùng trong kinh nguyện và trong văn thư. Rồi được dùng lại và cập nhật hoá, được dùng trong thế giới Do Thái hiện nay. 

2 - Tiếng Aramaico (từ gốc Aram, là một vùng sau đó được goi là Syria hiện nay), ngôn ngữ được dân chúng Do Thái ở Palestine dùng vào thời Chúa Giêsu. Một vài từ ngữ "do thái" được ghi lại trong Phúc Âm, trên thực tế đó là tiếng Aramaico: "Messia, Pascha, Golgotha, Talità cum..." 

3 - Tiếng Hy Lạp, được thịnh hành ở khắp phiá Đông Phương, từ lúc Alexandre Đại Đế (333-323 trước Chúa Giáng Sinh) và đã trở thành ngôn ngữ của hàng trí thức. Tiếng Hy Lạp được thịnh hành đến độ khi đế quốc Roma xâm chiếm cả Trung Đông, tiếng La Tinh cũng không thể thay thế được tiếng Hy Lạp. Hay nói đúng hơn, tiếng Hy Lạp nhân dịp đó đã tràn ngập sang cả Roma và trở thành thông dụng tại thủ đô của đế quốc. 

Cựu Ước, phần lớn được viết bằng tiếng Hy Lạp trong các thế kỷ III và II trước Thiên Chúa Giáng Sinh theo thể thức được gọi là "Bản Văn 70" (Versione Settanta), bởi vì đó là con số các dịch giả của Bản Văn. Bản Văn 70 đó đã được Giáo Hội dùng từ thời các Thánh Tông Đồ và hiện nay vẫn còn được các Giáo Hội Đông Phương dùng. 

Tân Ước, hoàn toàn được viết bằng Hy Lạp. Và chúng ta biết rằng bản sao chính thức Phúc Âm Thánh Matthêu được viết bằng tiếng Do Thái (hay Aramaico), nhưng chúng ta chỉ có được bản viết bằng tiếng Hy Lạp. 

Vào cuối thế kỷ IV, Thánh Girolamo dịch lại một lần nữa, bàng tiếng La Tinh, bản văn Cựu Ước trực tiếp từ tiếng Do Thái. ngài dịch cả bản văn Tobia va Giuditta từ tiếng Aramaico và duyệt xét lại các bản văn Hy Lạp. 

Bản Thánh Kinh La Tinh mới nầy là bản văn duy nhứt được dùng trong cả Giáo Hội Tây Phương và được gọi là Bản Thánh Kinh "Vulgata", tức là "được phổ biến" cho khắp dân chúng và được dùng như là bản văn chung. 
Nguyễn Học Tập - Thannienconggiao
Tìm hiểu phúc âm Reviewed by Hoài An on 8/09/2012 Rating: 5 I - PHÚC ÂM THÁNH MARCO ( 1 )  NGUYỄN HỌC TẬP  -  1 - Những tư tưởng khởi đầu:   Kitô giáo không phải là tôn giáo được đặt nền t...

Không có nhận xét nào: