Tòa Án Hiến Pháp đưa ra một phán quyết vô tiền khoáng hậu bảo vệ "quyền sống" - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 8, 2012

Tòa Án Hiến Pháp đưa ra một phán quyết vô tiền khoáng hậu bảo vệ "quyền sống"

Mạc Khải(TNCG) - Thông tấn "Các Giáo Hội Châu Á" (EDA) ngày 27/08/2012

Ngày 23/8/2012 vừa qua, khi đưa ra một phán quyết xác nhận rằng "quyền được sống mang tính cơ bản hơn các quyền khác của con người" và rằng quyền của người đàn bà trên thân thể của mình "không thể được nêu lên như là quyền cao hơn quyền được sống của một bào thai", Tòa Hiến Pháp của Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn) đã lấy một quyết định vô tiền khoáng hậu trong một đất nước mà nạn phá thai rất là cao độ và nơi mà tính hợp pháp của các hành động phá thai dựa trên sự suy diễn tùy tiện của một bộ luật năm 1973. Giáo Hội Công Giáo đã chào mừng quyết định này, trong lúc nó bị phê phán gay gắt bởi các tổ chức nữ quyền.

Tòa Hiến Pháp đã được yêu cầu thụ lý khi một nữ hộ sinh bị truy tố vì đã thực hiện một vụ phá thai « bất hợp pháp ». Tại Nam Hàn, bộ luật năm 1973 cho phép phá thai chỉ trong trường hợp bị cưỡng dâm hoặc mang thai loạn luân, hoặc là nếu thai nhi bị một số các căn bệnh bẩm sinh hay di truyền, hoăc là nếu tình trạng sức khỏe của thai phụ bị đe dọa bởi vì mang thai. Năm 2009, một tu chính án của đạo luật này đã « xiết chặt » hơn về thời hạn pháp định cho phép phá thai từ 28 tuần lễ xuống còn 24 tuần lễ ; quá kỳ hạn này phá thai không còn được coi là hợp pháp nữa và cũng loại một số các căn bệnh ra khỏi danh sách các bệnh di truyền cho phép phá thai điều trị.

Mặc dù bộ luật này, phá thai là một thực tế nổi cộm trong nước. Năm 2005, các số liệu thống kê của chính phủ cho biết có 342 000 trường hợp phá thai mỗi năm, con số ày được giảm xuống còn 169 000 trường hợp mỗi năm vào năm 2010, nhưng theo Giáo Hội Công Giáo, con số thực sự những vụ phá thai còn cao hơn nhiều, con số 1,5 triệu vụ phá thai đã được nêu lên. Sự khác biệt về số lượng là vì phí tổn phá thai không được bồi hoàn bởi bảo hiểm xã hội và thường được trả bằng tiền mặt trao tay nên không được ghi chép bởi các cơ quan thống kê công cộng, và các vụ này thường hay được tiến hành không trong thời hạn hợp pháp. Thêm vào đó, đây cũng là một nguồn lợi nhuận thêm cho một số các bác sĩ sản phụ khoa đang ở trong thời kỳ suy thoái sinh hoạt vì sự giảm thiểu sinh sản (tỷ lệ thụ thai của phụ nữ Hàn quốc nằm ở hạng thấp nhất thế giới).

Chính trong bối cảnh này mà một nữ hộ sinh đã khiếu kiện lên Tòa Hiến Pháp, đánh giá rằng bộ Luật Hình Sự, dự trù mức án tối đa hai năm tù giam đối với các bác sĩ, nữ hộ sinh hay dược sĩ thực hiện phá thai bất hợp pháp, là trái với các luật căn bản của quốc gia. Người nữ hộ sinh nêu trên đã bị câu lưu điều tra vì đã giúp một thai phụ phá cái thai 6 tuần lễ vào năm 2010.

Với 4 phiếu thuận và 4 phiếu chống (để tu chính bộ Luật Hình Sự, cần phải có đa số tuyệt đối, tức là ít nhất phải có phiếu thuận của 6 vị thẩm phán), Tòa Hiến Pháp đã quyết định về tính hợp hiến của bộ Luật Hình Sự trên vấn đề này. Trong các phán quyết, các vị thẩm phán Tòa Hiến Pháp đã khẳng định rằng « quyền được sống là nhân quyền cơ bản nhất » và quyền của một phụ nữ trên thân thể của mình không thể được viện dẫn như là quyền cao hơn quyền được sống của bào thai. Các vị này cũng thêm rằng một người phụ nữ tìm cách chấm dứt sự mang thai của mình bằng bách gây ra hư thai là vi phạm quyền được sống của thai nhi. Các vị đã kết thúc khi nói rõ là nếu các lý do kinh tế hay xã hội được nêu ra để biện hộ cho phá thai, thì nó « chỉ đưa đến hậu quả là khiến cho phá thai trở nên bình thường và như thế, khuyến khích xu hướng tiêu diệt đời sống trong xã hội ».

Đối với Giáo Hội Công Giáo tại Nam Hàn, dấn thân từ lâu đời trong cuộc tranh đấu bảo vệ sự sống, quyết định của các vị thẩm phán của Tòa Hiến Pháp được đón chào nồng hậu, tuy rằng vẫn phải thận trọng. Theo linh mục Song Yul-sup, thư ký ủy ban Hành động bảo vệ sự sống của HĐGM Nam Hàn, thì « phẩm giá con người được xây dựng trên sự tôn trọng sự sống », các thẩm phán không thể tuyên bố khác được. Vị linh mục cũng nói rõ rằng theo định nghĩa của Tòa Hiến Pháp, sự sống bắt đầu từ lúc trứng được thụ tinh làm tổ trong dạ con của người phụ nữ. Tuy định nghĩa này khá hơn một số phán quyết của tòa án (1), nó cũng vẫn là đáng lo ngại. Thật vậy, nếu tính sự sống chỉ bắt đầu từ khi trứng thụ tinh làm tổ thì những vụ thao tác trên bào thai do thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm sẽ được coi là « hợp lý ». Đối với Giáo Hội Công Giáo, ngài nhắc nhở, sự sống bắt đầu ngay từ khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng. Ngài đã nói thêm rằng cuộc tranh đấu của Giáo hội nhằm hạn chế phá thai ở Nam Hàn còn đang tiếp diễn ; ngài còn kể là ngày 7/6/2012 Cơ quan dược phẩm quốc gia đã cho phép mua bán tự do « viên thuốc phá thai » không cần toa bác sĩ.

Về phía các tổ chức bênh vực nữ quyền, quyết định của Tòa Án Hiến Pháp được đón nhận như là đi ngược lại « quyền tự quyết và quyền tìm kiếm hạnh phúc cho mình của phụ nữ », bà Jung Seul-ah của tổ chức Korean Womenlink phát biểu. Một phán quyết như vậy « không thể làm giảm đi con số những vụ phá thai, cũng như ngăn ngừa xu hướng coi thường sự sống », bà nói thêm.

Ở Nam Hàn, nếu lập trường của Giáo Hội Công Giáo tương đối có vẻ không quan trọng trên vấn đề phá thai, dù vậy đề tài này ngày càng thường được đưa ra lại trong các buổi thảo luận công cộng, chính phủ lo ngại những hậu quả của một sự lão hóa nhanh chóng của dân chúng vì hiện tượng sút giảm lâu dài của khả năng sinh sản.


Ghi chú: 

(1) Năm 2007, trong phiên tòa phúc thẩm cuối cùng, Tòa Án Tối Cao đã tha bổng một nữ hộ sinh, bị cáo về tội giết người không chủ ý, dựa trên lý luận rằng một đứa bé sắp sinh ra không thể được coi là một con người nếu những triệu chứng lâm bồn đầu tiên không được ghi nhận nơi người mẹ. Tòa án tối cao đã thụ lý trường hợp một thai phụ, năm 2001, bà đã đi khám thai với một nữ hộ sinh, ngày sinh đã gần ; nhưng không thấy có triệu chứng lâm bồn, người nữ hộ sinh đã cho bà ta về nhà và khuyên bà nên chờ hai tuần nữa. Trong thời gian đó, thai nhi bị tử vong trong bụng mẹ vì tổn hại não bộ. Người nữ hộ sinh đã bị kiện với tội danh giết người không chủ ý vì đứa trẻ có thể được sinh ra qua phẫu thuật khi người mẹ đến khám thai. Tuy nhiên Tòa án tối cao đã đánh giá là « vì triệu chứng lâm bồn chưa khởi sự, đánh dấu sự bắt đầu củaủ việc sinh đẻ, đứa bé sẽ ra đời không thể được coi là một con người ».
Tòa Án Hiến Pháp đưa ra một phán quyết vô tiền khoáng hậu bảo vệ "quyền sống" Reviewed by Admin on 8/30/2012 Rating: 5 Mạc Khải(TNCG) - Thông tấn "Các Giáo Hội Châu Á" (EDA) ngày 27/08/2012 Ngày 23/8/2012 vừa qua, khi đưa ra một phán quyết xác...

Không có nhận xét nào: