Nguyệt Quỳnh - Chúa ôi, ai còn ngủ trong máng cỏ ngày xưa của Người?
Ở dưới thế này chúng tôi chỉ còn lại những con thú và chuồng thú.
(Ai - HORIA BĂDESCU)
Những câu thơ của thi sĩ người Rumani tên Horia Bădescu như một tiếng than, mà sao nó lại vẽ đúng cảnh đời của người dân oan trên đất nước ta đến vậy. Đất của họ bị cướp trắng. Người chồng uống thuốc trừ sâu, tự tử ngay trước sự chứng kiến của lực lượng cưỡng chế. Một năm sau, cũng trên mảnh đất đó, tuyệt vọng, cùng đường, vợ và con gái ông khoả thân để giữ đất. Hai người đàn bà bị lôi xềnh xệch giữa đất cát, cỏ gai và vật tư xây dựng như những con vật, giữa buổi trưa nắng chói chang.
Đó là hình ảnh những con người, đối đầu một cách tuyệt vọng với sự cai trị hung bạo của một bầy thú!
Nhưng đất của họ và của bao nhiêu con người cùng khổ khác vẫn tiếp tục bị cướp. Bởi đất nước đang nằm trong tay bọn cường quyền, nhung nhúc những lãnh chúa, sứ quân. Đất của họ bị cướp trắng trợn giữa ban ngày, ban mặt. Luôn bắt đầu bằng nhân danh “phát triển” - gọi là “để xây dựng các khu kinh tế, khu đô thị thương mại”- nhưng biến dần thành những vụ bán đất cho hãng tư lấy tiền tỉ bỏ túi các quan chức.
Vụ cướp đất ở Văn Giang có cả đến hàng ngàn công an được trang bị dùi cui và lựu đạn cay. Chúng đánh đập, bắt bớ, rượt đuổi những nông dân nghèo khổ, đói rách, mong manh ra khỏi mảnh đất hương hoả của họ. Và rồi giữa những khu nhà hoành tráng mới mọc lên, những thiên đường hạ giới của các đại gia, cô chiêu cậu ấm, những sa hoa phung phí của lớp người ăn trên, ngồi trốc; đoàn người bị cướp, rách rưới, đói khổ, dắt dìu nhau đi kêu oan cứ lớn dần, lớn dần…
Chị Trần thị Thuý là một người trong đám đông cùng khổ đó. Cha mẹ chị có 20ha đất ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, đang canh tác thì bị đám quan chức ở đây cưỡng chiếm và chia nhau xử dụng. Rồi cha chị qua đời, gia đình càng lâm sâu vào cảnh túng quẫn. Mẹ chị làm đơn khiếu nại đòi đất để canh tác nuôi con. Đơn khiếu nại chưa giải quyết xong, thì tai hoạ khác lại giáng xuống cuộc đời của họ. Lịnh trên đưa xuống, 1700m2 đất thổ cư của gia đình lại bị quy hoạch làm khu thị tứ. Giá đền bù cho gia đình chị như trò đùa so với cái giá người ta mua bán đổi chác trên mảnh đất mồ hôi nước mắt ấy. Bị cướp mấy tầng đã sạch trắng tài sản, họ chỉ còn lại vỏn vẹn một nền nhà 50m2 để ở và một ao nuôi cá. Người con gái Trần Thị Thúy lớn lên, thay mẹ đi đòi đất. Cuộc đời của chị bước vào một khúc quanh định mệnh khác.
Do làm đơn khiếu kiện đòi đất với đám cầm quyền tại địa phương, gia đình chị liên tục bị sách nhiễu. Người anh trai nằm viện bị công an ngăn chận không cho bác sĩ chữa trị đã chết trong nhà thương. Người em trai tên Trần Thanh Tuấn bị công an hành hung, đánh đập đến tổn thương sọ não, tổn thương lồng ngực. Chúng còn trắng trợn hăm doạ gia đình: “Tao là Công an chìm nè! Nếu mày la tụi tao giết cả gia đình mày. Anh mày bị tụi tao giết rồi mà chưa biết sợ hả? Tao không để yên cho gia đình mày đâu? Cho mày thưa đến Liên Hiệp Quốc cũng không làm gì tụi tao. Đất nước này là đất nước của tụi tao …” Chuyện nghe cứ tưởng như không hề có thật trên cuộc đời!
Nhưng không riêng gì gia đình chị Thuý. Cứ thử đem mảnh đời của bất cứ người dân oan nào ra kể lại sẽ thấy những cảnh cùng khổ tương tự của những con người bị dồn đến chân tường. Chưa kể đến hàng loạt những cái chết oan khuất của những người dân vô tội bị đánh đập trong đồn công an. Chẳng ai biết. Vì đó chỉ là “mạng của một dân oan”!
Ai còn có thể tiếp tục sống trong một đất nước như vậy? Một đất nước bị cai trị bởi một nhóm hung đồ thiếu nhân tính. Mạnh Tử nói rằng ai không có lòng trắc ẩn thì kẻ đó không phải là con người. Triết gia Francois Julien lại bảo lòng trắc ẩn là nền tảng của đạo đức, lòng trắc ẩn là bằng chứng hùng hồn chứng tỏ sự hiện hữu của Thượng Đế. Tiếc rằng Thượng đế không thể làm gì hơn khi cụ bà 64 tuổi Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu ngay trước trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu để phản đối. Thượng đế cũng sẽ không thể làm gì hơn trên cả nước nếu chúng ta tiếp tục im lặng chấp nhận cho cái ác hoành hành.
Khi đất nước rơi vào vòng nô lệ, khi cả dân tộc bị khuất phục bởi sợ hãi từ những hình phạt khắc nghiệt, tàn ác của quân đô hộ; đã từng có những người phụ nữ Việt Nam đứng lên nhận trách nhiệm. Theo gương những anh thư của dân tộc, từ đó cho đến cả ngàn năm sau, dân ta đã liên tục đứng lên đấu tranh để giải phóng chính mình và đồng bào mình. Nếu bạn đang đi tìm một Xuân Nương, một Đàm Ngọc trong lịch sử Việt, rất có thể bạn đang gặp hình ảnh của các vị này qua những con người bình dị thời nay như Trần thị Thuý. Chị Thuý không phải là người có tên tuổi, có học vị cao, chị chỉ là một người nông dân bình thường. Nhưng qua chị người ta tìm thấy phẩm cách của một dân tộc không chấp nhận cúi đầu làm nô lệ. Chị Thúy không chỉ đòi lại quyền của chính mình mà còn dốc lòng hướng dẫn, giúp đỡ những người dân oan cùng khổ khác quanh chị.
Vì những hành động thương người đó, người phụ nữ kiên cường này lãnh bản án 8 năm tù — bản án nặng nhất trong vụ xử những dân oan ở Bến Tre. Trong thời gian điều tra, chị Thuý bị công an đánh, đạp gây nội thương ở vùng bụng. Vết thương chưa qua, những cơn choáng váng té xỉu còn đang xảy ra thì chị bị quản trại ném vào khâu nô lệ lao động của những tù nhân bị cưỡng bức sản xuất hạt điều. Kỹ nghệ này đã đem lại cho giới lãnh đạo Việt Nam 1.5 tỉ Mỹ kim mỗi năm. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã cảnh báo thế giới về tội ác này. Được biết khi hạt điều đem rang lên, chất dầu trong vỏ sẽ biến thành một chất acid khá đậm đặc. Chất acid này khi chạm vào mắt có thể làm mù hoặc khi dính vào tay chân sẽ gây nên lở loét, dẫn đến ghẻ lở khắp người. Các tù nhân bị ép làm hạt điều không được đeo găng tay vì đeo găng tay sẽ làm giảm năng xuất.
Những kẻ cai tù nói thẳng thừng: Đây là cách để buộc những tù nhân “cứng đầu” như chị Thuý phải nhận tội.
Vẫn chưa đủ, quản lý trại giam còn ra lệnh cho nhiều tù nhân hình sự thay nhau khủng bố tinh thần chị ngày đêm. Họ chuyển chị đến những trại giam nổi tiếng “ác ôn” và tịch thu hết áo quần. Giữa không khí ẩm thấp của mùa mưa, họ chỉ cho chị Thúy vỏn vẹn hai bộ quần áo. Mủ hạt điều trong tình trạng áo quần luôn ẩm ướt khiến chị Thúy bị ghẻ lở toàn thân. Các bệnh tật từ trong nội tạng đến da thịt khắp người, từ khủng bố tinh thần đến thiếu thốn ăn uống đã khiến chị ngất xỉu giữa chừng khi đang lao động đạp hạt điều. Chị yêu cầu được đưa đi điều trị nhưng hoàn toàn bị làm ngơ. Người phụ nữ can đảm đó đang bị giết dần trong bóng tối của những trại giam tại quê nhà. Xử dụng những hình phạt tàn tệ. Kẻ cầm quyền mong muốn đẩy lùi người phụ nữ ấy trở lại xó tối của sợ hãi. Tuy nhiên, trong lần gặp gỡ người em trai tại trại giam K5 Long Khánh vừa qua, trước mặt công an quản giáo, chị căn dặn: “Hãy nói cho cả thế giới biết dù chết chị cũng không nhận tội. Chị không làm gì sai cả!”
Điều gì đã khiến người phụ nữ đơn độc ấy không quị ngã giữa cả bầy ác ôn? Tôi tin cũng chính điều ấy đã giúp dân tôi thoát khỏi ách nô lệ. Chính cái đảm lược của người dân bình thường đã giúp dân tộc tôi giữ vững được biên cương lãnh thổ suốt 5000 năm qua. Và cũng chính cái đảm lược ấy mới giúp ta đứng thẳng làm người tự do. Tôi chắc ai cũng mơ ước được sống trong một xã hội tươi đẹp, tự do, công bằng và nhân bản. Ước mơ ấy sẽ không đến với nhân dân Ai Cập nếu không có một ngày hàng triệu con người cùng nói to, cùng khẳng định ước muốn của mình giữa Quảng trường Tahrir. Ngày ấy chắc chắn sẽ không đến với nhân dân Việt Nam nếu chúng ta cứ im lặng ngồi chờ, nếu chúng ta tiếp tục đặt vận mệnh mình, đất nước mình và các thế hệ tương lai vào tay những kẻ lãnh đạo bất xứng.
Lịch sử Việt Nam chắc chắn sẽ dành một chỗ đứng thật trang trọng cho những người phụ nữ hôm nay: Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Bùi Minh Hằng, Huỳnh Thục Vy… và Trần Thị Thuý. Sự đảm lược của các chị đang giúp nhiều người xoá dần sợ hãi.
Tới ngày nào dân tộc chúng ta mới lại thấy những Trần Thị Thuý thanh xuân, tươi đẹp trên cánh đồng của chị? Tươi đẹp như hai câu thơ Lưu Quang Vũ viết về đất nước đàn bầu của ông:
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông”
Không có nhận xét nào: