Suy niệm phúc âm - Căn tính người tín hữu Chúa Kito - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 9, 2012

Suy niệm phúc âm - Căn tính người tín hữu Chúa Kito

Nguyễn Học Tập - SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 44); (02.09.2012); (Mc 7, 1-8.14.15.21-23)

CHÚA NHẬT XXII PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B.

1 - Trong đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Thánh Marco thuật lại cho chúng ta một biến cố xảy ra: cuộc tranh cải giữa Chúa Giêsu và các người Do Thái về truyền thống sạch sẽ hay ô uế, nhứt là thái độ phải có khi ăn uống.

Đoạn Phúc Âm được Thánh Marco kể lại, không những chỉ để nhớ lại những gì đã xãy ra lúc Chúa Giêsu còn tại thế với các Môn Đệ, mà còn ngụ ý dùng lời giảng dạy của Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề hiện hữu lúc đó: vấn đề chung sống với những đụng chạm về tập quán, luật lệ trong các Cộng Đồng Ki Tô Giáo tiên khởi, nơi quy tựu những tín hữu Do Thái với truyền thống của họ và nhiều tín hữu khác, đến từ các dân tộc lân cận.

Vấn đề tranh chấp, đụng chạm giữa những truyền thống văn hoá khác nhau, giữa các Ki Tô hữu tiên khởi cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ đặt câu hỏi, vẫn có ý nghĩa trong thời đại chúng ta: Căn tính đích thực của người tín hữu Chúa Ki Tô là gì ?
Một trong những khuynh hướng vẫn thường có của một số không ít người Ki Tô hữu là khuynh hướng xem Ki Tô Giáo lẫn lộn và đồng nhất với thực tại văn hoá và tôn giáo theo một khuôn mẫu nào đó trong quá khứ, trong đó việc thi hành bổn phận tôn giáo cũng như  các nghi thức  được xác định bằng những luật lệ và nghi thức bên ngoài một cách chính xác, tỷ mỉ  và cứng rắn, không thể sai lỗi hay thiếu sót. Nói cách khác, không ít người có khuynh hướng "hoàn hảo cực đoan" (integralismus).
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn khác: khoảng cách giữa  dự tính và thực hành, nhứt là những nghi thức hành đạo bên ngoài của con người và ý muốn của Thiên Chúa.
Điều quan trọng là "đến với Chúa Giêsu"(Ga 6, 35),  tin vào Chúa Giêsu, "ở lại với Ta và Ta ở lại trong người ấy" (Ga 6, 56) và tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, mà chúng ta đã có dịp suy niệm ở những Chúa Nhật trước, qua chương 6 của Phúc Âm Thánh Gioan.
Cố chấp gắn chặt vào truyền thống,nhứt là vào những hình thức bên ngoài, nhiều lúc khiến cho người Ki Tô hữu chỉ còn có trước mắt những thủ tục, nghi thức, luật lệ hình thưc và quên đi nội dung quan trọng bên trong của Ki Tô Giáo: kính yêu Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình.
Đó là những gì Chúa Giêsu dùng lời tiên tri Isaia để khiển trách những chú trọng quá đáng đến các hình thức thực hành tôn giáo và trống rổng bên trong, được Thánh Marco ghi lại:
   - " Dân nầy tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân" (Mc 7, 6-7).
Căn tính của người tín hữu Chúa Ki Tô không hệ tại ở những thực thi  tỷ mỉ, chính xác từng phân từng ly các thủ tục và nghi thức bên ngoài, không hệ tại ở những phô trương, rước kiệu trọng thể với hàng mấy ngàn người tham dự, Thánh Lễ đồng tế có hàng trăm Cha, cho bằng
"đến với Chúa Giêsu", "ở lại với Ta và Ta ở lại trong người ấy",
và trung thành làm theo ý muốn của Chúa Cha,
"lương thực của Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4, 34).
Đó là chưa kể ý đồ bất chính của những ai hô hào, cổ võ, cho phép hay khuyến khích những cuộc rước kiệu trọng thể, Thánh Lễ đồng tế rần rộ, nhà thờ sửa chữa và xây cất lộng lẫy để che giấu những ý đồ bất chính đàng sau.
Thái độ gian dối, lường gạt, bất chính đó đã có lần Chúa Giêsu lột mặt nạ bằng câu tuyên bố với người thiếu phụ Samaritana:
   - "Này con, hãy tin Ta: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha , không phải trên núi này hay tại GiêrusalemNhưng đã đến giờ, và chính lúc nầy đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thánh Thần và sự thật" (Ga 4, 21.23). 
2 - Nhưng điểm chính yếu bài giảng hôm nay của Chúa Giêsu đối với những người Do Thái tranh luận với Người, được Thánh Marco viết lại ở phần cuối của đoạn Phúc Âm:
   - "Người nói: điều gì từ trong con người phát xuất ra, điều đó mới làm cho con người ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng con người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong phát xuất ra và làm cho con người ra ô uế" (Mc 7, 20-23).
 Có lẽ mới nghe qua những câu Phúc Âm vừa kể, chúng ta lấy làm kỳ quặt, vì chúng ta quen với quan niệm vệ sinh  hiện nay của chúng ta trong vấn đề ăn uống. Trước khi ngồi vào bàn chúng ta rửa tay, để tránh nhiểm trùng, có thể do tay chúng ta đụng chạm vào nhiều vật, nhiều người và nhiều nơi trước khi ăn.
Người Do Thái cũng trách các Môn Đệ Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn:
   - "Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bửa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều tuân giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận. Vậy người Pharisêu và kinh sư hỏi Chúa Giêsu: Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bửa" (Mc 7, 2-3.5).
Nhưng truyền thống tiền nhân của người Do Thái không dạy họ tuân giữ thủ tục để phòng ngừa nhiểm độc hay nhiểm trùng trong khi ăn mà là rửa tay và rửa các thức ăn trước, vì quan niệm tiền nhân cho rằng các vật từ bên ngoài là những vật ô uế vào làm cho tinh thần con người bị ô nhiểm, nên cần phải được rửa  trước.
Và chính câu trả lời của Chúa Giêsu cũng không đề cập đến vấn đề vệ sinh khi ăn uống, mà là sự tinh khiết hay ô nhiểm của tinh thần. Nói cách khác, làm cho con người trong sạch hay nhơ bẫn vì tội lỗi.
Chính trên quan điểm đó, Chúa Giêsu bác bỏ những vấn nạn của các người  Pharisêu và Do Thái.
Không phải thức ăn hay những vật thể  trong thiên nhiên ngoại tại  hay ngay cả một vài cử chỉ sơ sót hay bỏ qua đối với các nghi thức tôn giáo bên ngoài làm cho con người trở nên ô uế, mang tội: "sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiến nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?".
Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, điều làm cho con người trở thành ô uế, nhơ bẩn chính là tội lỗi, những tư tưởng bất chính được suy tư và sắp xếp của một lương tâm không ngay thẳng, xếp đặt thành dự án, và thực hiện  bằng hành động, coi giới răn Thiên Chúa không ra gì, hướng dẫn con người nghiêng chiều về những gì bất chính đối với Thiên Chúa và bất công đối với người thân cận mình.
   - "tà dâm, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo"
 là gì nếu không phải là những suy tư bất chính phát xuất từ lương tâm không ngay chính, những suy tư và sắp xếp được biến thành hành động, cư xử bất công, không tôn trọng người thân cận mình và những ai có liên hệ với mình.
Tất cả những điều vừa kể là tội, phát xuất từ tâm hồn bất chính, được suy tư , sắp xếp và quyết định biến thành động tác để hành xử bất công và bất kính đối với những người thân cận, phạm giới răn của Thiên Chúa, " yêu thương anh em như chính mình" .
Hai tội cuối cùng được Chúa Giêsu kể ra trong những câu Phúc Âm trên là
   - "kiêu ngạo và ngông cuồng".
Đối với anh em, " kiêu ngạo" là tự tôn mình lên và miệt thị, khinh dễ anh em, không tôn trọng anh em, đê tiện hoá anh em. Nhưng đối với Thiên Chúa, " kiêu ngạo" là không coi Thiên Chúa ra gì, là chối bỏ Thiên Chúa, là vô thần.
Tội cuối cùng trong danh sách là tội "ngông cuồng". Đối với anh em, "ngông cuồng" là hành động không suy tính, hành động theo tính nóng nảy, thiếu hiểu biết và thiếu tình thương.
Còn đối với Chúa, "ngông cuồng" thì sao?
Một số nhà chú giải Thánh Kinh Ý quốc không ngần ngại đặt liên hệ giữa "ngông cuồng" (stoltezza), "xúc phạm"(calunnia) và "phạm thượng", plasfemia"  .
Như vậy con người "kiêu ngạo", "ngông cuồng" coi Thiên Chúa bằng không và chối bỏ Thiên Chúa, là người vô thần.
Và từ chỗ vô thần bước đến "xúc phạm", "phạm thượng", mắng chửi Thiên Chúa, chỉ là một bước đường ngắn ngủi.
Và có lẽ hai tội vừa kể trong con người, "kiêu ngạo và ngông cuồng", hay vô thần và phạm thượng, nói lộng ngôn, chối bỏ và miệt thị Thiên Chúa là hai căn cội tội lỗi của con người, đưa đến tất cả những lối hành xử bất chính đối với người khác, kể cả chà đạp nhân phẩm của người khác, đê tiện hoá người khác, làm cho cuộc sống xã hội biến thành man rợ.
Nếu họ dám mắng chủi, phạm thượng đối với Chúa, thì con người "hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa" (Gen 1, 26-27) là cái gì khiến cho họ phải kính trọng ?
 Đó là những gì  Thánh Phaolồ đã cảnh cáo cách đây gần 2000 năm:
   - "Vì họ không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ, nào là ganh tỵ, giết người, cải cọ, mưu mô, nham hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giáng hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không xót thương" (Rom 1, 28-31). 
Con người hay ý thức hệ như vừa kể, vô thần, coi Thiên Chúa bằng không và lộng ngôn đối với Thiên Chúa, là những người hay ý thức hệ, qua tội lỗi của họ, tạo ra muôn vàn bất hạnh   cho người khác, đê tiện hoá người khác, đồng bào mình cũng như người đồng loại.
Con người hay ý thức hệ vô thần có đáng cho chúng ta tin tưởng trao vận mệnh chúng ta và đồng bào chúng ta trong tay họ không ?
Có đáng để cho họ lãnh đạo, cai trị đất nước chúng ta hiện tại và các thế hệ trong tương lai hay không?
Suy niệm phúc âm - Căn tính người tín hữu Chúa Kito Reviewed by Admin on 9/01/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập - SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 44); (02.09.2012); (Mc 7, 1-8.14.15.21-23) CHÚA NHẬT XXII PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B. 1 - T...

Không có nhận xét nào: