Câu hỏi bỏ ngỏ cho Cục Điện Ảnh VN - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
29 tháng 9, 2012

Câu hỏi bỏ ngỏ cho Cục Điện Ảnh VN

Vũ Hoàng(RFA) - Quyết định tạm đình chỉ vụ án thất thoát 44 tỷ đồng của Cục điện ảnh Việt Nam lại được dư luận quan tâm về cách thức giải quyết những lãng phí tiền bạc cũng như quy kết trách nhiệm cá nhân.

Không hướng giải quyết

Quyết định ra ngày 13/8/2012 của VKSND Tối cao VN về việc tạm đình chỉ vụ án đối với ông Lê Ngọc Minh, nguyên cục phó Cục Điện ảnh liên quan đến việc để thất thoát gần 44 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh cách đây 1 năm, khiến cả những người trong và ngoài giới điện ảnh đều có chung cảm giác sự thật và công lý một lần nữa lại bị rơi vào hư không.
Vụ việc thất thoát công quỹ này diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái, cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” ông Lê Ngọc Minh – Phó cục trưởng Cục điện ảnh và bà Trần Thị Kim Phụng – Kế toán trưởng bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã để cho kế toán viên Phạm Thanh Hải giả mạo chữ ký của ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng cục điện ảnh lúc đó, rút ra hơn 44 tỉ đồng rồi chiếm đoạt từ năm 2009 đến 2011.

Sau một năm tốn không biết bao giấy mực của báo chí tìm hiểu vụ thất thoát công quỹ, rồi cơ quan cảnh sát điều tra cũng nhảy vào cuộc thế nhưng hôm 13/8, đột ngột Kiểm sát viên - Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Hiền ký quyết định với lý do “chẳng giống ai” là bị can Phạm Thanh Hải kế toán viên bỏ trốn, yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ công an phải tạm đình chỉ mọi tố tụng đối với bị can Lê Ngọc Minh.

Thất thoát tiền bạc công quỹ là câu chuyện “xưa như trái đất” không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng điều khiến dư luận nghi ngờ lại nằm ở sự minh bạch trong cách thức giải quyết vụ việc. Trong một bài viết gửi cho báo Vietnamnet có tên “thất thoát 44 tỷ: đành mũ ni che tai thôi,” nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam đã phải thốt lên “không ai muốn ai phải vào tù nhưng các nghệ sĩ cần ở đây sự minh bạch.”

Sự minh bạch mà nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhắc đến đó là “sự chìm nghỉm không chút sủi tăm” đúng như dự đoán của nhiều người là “đánh bùn sang ao dù có kêu ca mãi nhưng tất cả đều thua một cái triện đỏ, đóng toạch xuống một cái, bao nhiêu chuyện tày đình đều bị san phẳng.” Và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kết luận “… chỉ vì cái anh kế toán quèn bỏ chạy thế là trăm tội đổ lên đầu anh ta hết. Những người có trách nhiệm thành ra oan, thành ra bị lừa, thành ra vô can hết. Đến trẻ con nó cũng không tin được!” Vậy không lẽ nếu như không thể bắt được nghi phạm kia thì vụ án sẽ rơi vào quên lãng và sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng?

Mất tiền là một chuyện, cái chính bây giờ là cả một ngành xây dựng mất mấy chục năm mà bây giờ chưa tìm được một lối đi thích hợp cho nó, thành thử ra rất bế tắc. 
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát 

Quyết định trên của VKSND Tối cao cũng khiến nhiều trong giới nghệ sĩ tỏ ra thất vọng, biên kịch Trịnh Thanh Nhã không giấu nổi sự bất bình bà cho biết điều này là kinh ngạc và không thể chấp nhận được, còn biên kịch Thanh Tú thậm chí không muốn bình luận vì mọi chuyện đã rõ ràng đến thế mà giờ người phạm pháp lại có khả năng thoát tội.

Chia sẻ suy nghĩ của mình về quyết định của VKS, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho chúng tôi biết:

Cảm tưởng là buồn và tất cả các nghệ sĩ ngơ ngác, ngơ ngác nhìn nhau, hi vọng là nó có một cái gì thay đổi hơn. Mất tiền là một chuyện, cái chính bây giờ là cả một ngành xây dựng mất mấy chục năm mà bây giờ chưa tìm được một lối đi thích hợp cho nó, thành thử ra rất bế tắc.
Thực trạng điện ảnh VN

Cục Điện ảnh Việt Nam tại số 147 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, ảnh chụp hôm 28-09-2012. RFA photo

Điều mà bà Hồng Ngát cũng như các nghệ sĩ khác buồn và ngơ ngác chính là sự thiếu quan tâm của giới chức Việt Nam đối với một ngành nghề đang bị mai một tại Việt Nam. Những người hoạt động trong nghề cho rằng hậu quả của vụ thất thoát 44 tỷ đồng ở Cục điện ảnh nếu mới nhìn thì người ta chỉ nghĩ là tiền bạc, nhưng đằng sau đó nó còn nêu lên một thực trạng rệu rã của một bộ phận trong ngành điện ảnh Việt Nam, khiến các nghệ sĩ còn sống với nghề thấy như mất niềm tin vào tương lai của ngành. Vì thế, bà Hồng Ngát gióng lên tiếng chuông nhắc nhở:

Chỉ mong làm sao được các vị quản lý Nhà nước cấp cao quan tâm, thí dụ như là thủ tướng vừa mới lệnh vài hôm thì đã bắt được ông Dương Chí Dũng, bây giờ thủ tướng cũng lệnh như thế để thay đổi ngành điện ảnh Việt Nam rất là quí.

Chuyện không dừng ở đó. những người biết chuyện nói với chúng tôi rằng trường hợp thất thoát 44 tỷ đồng của Cục điện ảnh ngoài khâu minh bạch trong cách giải quyết vấn đề, còn khiến dư luận quan tâm đến trách nhiệm cá nhân trước tài sản tiền bạc của Nhà nước, và đặt câu hỏi vì sao khi sự việc đổ bể, người ta không thể quy chiếu trách nhiệm đến người điều hành cao nhất, mà chỉ viện vào lý do là một cá nhân bỏ trốn để gác lại sự việc.

Cần phải nhấn mạnh đến yêu cầu về công khai minh bạch, về trách nhiệm báo cáo và giải trình, việc bổ nhiệm cũng cần phải công khai minh bạch, cũng cần phải có những tiêu chí rõ rệt.
T.S Lê Đăng Doanh

Từ trước đến giờ, thất thoát tài sản công tại Việt Nam từng được ví như “ném đá ao bèo,” ở lĩnh vực xem là nghèo như điện ảnh thì hàng chục tỉ, ở lĩnh vực béo bở như ngân hàng thì ngàn tỉ, ở lĩnh vực quyền thế như Vinashin, Vinalines thì trăm ngàn tỉ, sự thất thoát tiền bạc nhà nước diễn ra với muôn màu, muôn vẻ. Nhưng các nhà quan sát cùng giới nghiên cứu cho rằng tựu trung lại vẫn là sự mập mờ trong cách giải quyết các bản án và truy cứu trách nhiệm. Trong một lần trao đổi với chúng tôi nói về những vấn đề trên, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương có nói đến chuyện đó và cho biết nhận xét của ông:

Cần phải nhấn mạnh đến yêu cầu về công khai minh bạch, về trách nhiệm báo cáo và giải trình, về trách nhiệm liên đới và trực tiếp của người quản lý, việc bổ nhiệm cũng cần phải công khai minh bạch, cũng cần phải có những tiêu chí rõ rệt.

Lời phát biểu của Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh và chia sẻ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát dẫn người nghe đến kết luận dường như chuyện minh bạch thông tin, truy cứu trách nhiệm tại Việt Nam vẫn là căn bệnh kinh niên, ảnh hưởng đến cả lãnh vực nghệ thuật, tới mức độ chính báo chí tại Việt Nam cũng phải lên tiếng than thở thay cho những người đang hết lòng với nghệ thuật, bảo rằng những nghệ sĩ tâm huyết với nghề ở lại với những thiệt thòi, còn kẻ chạy đi mang theo tiền bạc và những câu hỏi thì không bao giờ có lời đáp.

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/unanswered-question-f-vn-film-09282012170642.html
Câu hỏi bỏ ngỏ cho Cục Điện Ảnh VN Reviewed by Admin on 9/29/2012 Rating: 5 Vũ Hoàng(RFA) - Quyết định tạm đình chỉ vụ án thất thoát 44 tỷ đồng của Cục điện ảnh Việt Nam lại được dư luận quan tâm về cách thức giả...

Không có nhận xét nào: