Choáng về tư duy thượng tôn pháp luật - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
14 tháng 9, 2012

Choáng về tư duy thượng tôn pháp luật

Nguyễn Quang A - “Đe” các ngân hàng không chịu hạ lãi suất, lấy tiền đâu ra thâu tóm ngân hàng, tội thâu tóm ngân hàng,… đấy là những cụm từ nóng trên báo chí trong những ngày gần đây.

Thông tin úp úp mở mở, đăng rồi gỡ xuống, chẳng còn biết đâu mà lần. Việc ấy tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những tin đồn và không có gì hủy hoại lòng tin hữu hiệu hơn thông tin bất nhất, quanh co, mập mờ và những tin đồn.

Trong tình hình ấy những phát ngôn chưa thận trọng của những người lãnh đạo có thể rất nguy hại, đẩy nhanh việc hủy hoại lòng tin mà lòng tin là một trong những nhân tố tối quan trọng để cho thị trường và xã hội vận hành suôn sẻ, và là một trong không nhiều việc nhà nước cần tạo dựng và duy trì.

Bức xúc trước việc các doanh nghiệp lao đao, khó tiếp cận vốn, mà các ngân hàng lại chưa hạ lãi suất nhanh, nên trong một cuộc họp giữa doanh nghiệp và ngân hàng một vị lãnh đạo của một thành phố lớn được báo chí đưa tin rằng ông đã đe “những ngân hàng không giảm trần lãi suất cho vay thì trong cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố, tôi nói vài câu là người dân … rút hết tiền gửi vào ngân hàng khác, lúc đó đừng có kêu”.

Có thể hiểu được sự bức xúc của vị lãnh đạo ấy. Nhưng nếu tường thuật của báo là đúng, thì cũng thật đáng bàn về lời “đe nẹt” trên của ông.

Các ngân hàng quốc tế và các ngân hành chưa có mặt tại thành phố của ông, nghe ông “đe” như vậy chắc sẽ “vãi linh hồn” và hẳn phải cân nhắc chán xem có nên hoạt động ở đó hay không.

Bất kể ai mà “nói vài câu” khiến “người dân rút hết tiền” từ một ngân hàng để “gửi vào ngân hàng khác”, thì người đó đích thực vi phạm quyền tự chủ hoạt động của các ngân hàng được quy định tại Điều 7 của Luật các tổ chức tín dụng, là kẻ xúi giục, phá hoại và có thể làm sụp đổ hệ thống ngân hàng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đấy là chưa nói đến quy định “trần lãi suất cho vay” có hợp pháp hay không, cũng chưa nói đến ý “lạm dụng quyền lực” và tư tưởng gia trưởng độc đoán.

Phải nói cho rõ: nhà nước không phải, và các quan chức nhà nước càng không phải là “cấp trên” của các ngân hàng.

Chức càng to càng phải tuân thủ pháp luật, cách “đe nẹt” vô lối như vậy là không thể chấp nhận được.

Thế mà theo báo chí, một cựu Thống đốc lại “hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ với bài toán này” của vị lãnh đạo đó. Tuy nhiên, ông cũng do dự khi nói thêm “trong trường hợp khác, nếu ngân hàng nhà nước không có chủ trương này mà chỉ” ông lãnh đạo ấy “can thiệp vào, áp đặt thì nó sẽ khác, sai quan điểm. Nhưng trong trường hợp này, Ngân hàng nhà nước đã có chỉ đạo và” ông ấy “đã làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình”. Lạm phát tăng cao, rồi lại thiết chặt tiền tệ quá mức và không nghiêm trị các ngân hàng yếu kém đẩy lãi suất lên là nguyên nhân chính của tình hình. Đó là lỗi điều hành chính sách và cái “chủ trương”, “quan điểm” về trần lãi suất cho vay là trái quy luật và trái luật. Nên sự biện bạch vòng vo như thế cũng không che được ý định vi phạm luật và lạm dụng quyền lực.

Cả hai vị đều là các đại biểu quốc hội, người dân có thể hỏi lấy đâu ra sự thượng tôn pháp luật, bao giờ mới có nhà nước pháp quyền khi những người trong cơ quan lập pháp có tư duy như vậy?

Rồi còn nghe người ta nói “về tội phạm thâu tóm ngân hàng” về “yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh”. Theo tôi biết trong luật hiện hành của Việt Nam không có “tội thâu tóm ngân hàng”. Các nhà lập pháp hãy quy định rõ ràng về tội đó, rồi mới có thể “yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh” những kẻ vi phạm. Mua-bán (và thậm chí thâu tóm) doanh nghiệp là chuyện bình thường. Lừa đảo, không tuân thủ quy định trong mua bán cổ phần là phạm pháp nhưng là chuyện khác. Không có cái gọi là “tội thâu tóm ngân hàng”. Như thế nếu có kẽ hở, lỗ hổng luật pháp để cho một số người lợi dụng trong mua bán cổ phần thì trước tiên các nhà lập pháp phải nhìn lại lỗi của chính mình và sửa hay bổ sung luật.

Tại phiên chất vấn của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội, trả lời một đại biểu, thống đốc ngân hàng nhà nước được cho là đã nói rằng “Ai đi thâu tóm Sacombank không báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, do vậy tôi cũng không biết họ lấy tiền đâu ra… Khi nào Đại hội cổ đông chốt lại thì mới biết một cổ đông tham gia bao nhiêu cổ phần có phù hợp với quy định không. Còn tiền ở đâu, hiện nay chúng tôi đang thanh tra Sacombank, đến hết tháng 8 này sẽ hoàn thành. Khi đó sẽ … công bố kết luận thanh tra công khai.”

Ông không sai khi đá trách nhiệm sang cho cơ quan khác, nhưng cũng cho thấy kẽ hở đâu đó trong quy định hiện hành về chứng khoán và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Một số nhà đầu tư đã bị Ủy Ban chứng khoán phạt về vi phạm thủ tục (thông báo nếu sở hữu đến 5%). Nên rà lại quy chế theo hướng gộp toàn bộ cổ phần của những người có liên quan (công ty liên quan, vợ con, anh em) và thậm chí hạ ngưỡng 5% xuống (G. Soros khi mua gần 2% cổ phần tại đội bóng Anh, Manchester United, thì phải báo cáo ngay cho SEC, Ủy Ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ!). Với hệ thống lưu ký điện tử như hiện nay của Việt Nam có thể kiểm tra và phát hiện ra ngay sự vi phạm, nếu muốn.

Cũng tương tự, hệ thống thanh toán, mà Ngân Hàng Nhà nước đã xây dựng với hàng chục triệu USD tài trợ của Ngân hàng Thế giới, cho phép Ngân hàng Nhà nước kiểm tra các nghi vấn chuyển tiền rất nhanh chứ không quá phức tạp đến mức “không biết họ lấy tiền đâu ra”.

Đã hết tháng 8 từ lâu chưa rõ lời hứa “công bố kết luận thanh tra công khai” đã được thực hiện chưa?

Người dân có quyền yêu cầu các vị hãy cẩn trọng khi phát ngôn và nhất là phải gương mẫu hành động theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Choáng về tư duy thượng tôn pháp luật Reviewed by Admin on 9/14/2012 Rating: 5 Nguyễn Quang A - “Đe” các ngân hàng không chịu hạ lãi suất, lấy tiền đâu ra thâu tóm ngân hàng, tội thâu tóm ngân hàng,… đấy là những cụ...

Không có nhận xét nào: