Người thiểu số đã nhiều lần ra Hà Nội khiếu kiện về đất đai |
BBC - Chính phủ Việt Nam nói hai triệu người thiểu số đang thiếu đất và tình trạng này có thể không bao giờ giải quyết triệt để được.
Trang tin VietNamNet dẫn báo cáo của chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13/9 nói hơn 320.000 hộ, tương đương hai triệu người, dân tộc thiểu số "cần được hỗ trợ về đất ở và đất sản xuất".
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, vốn là người Gia Rai, được dẫn lời nói: "Đây cũng là khó khăn lớn nhất, vùng nào cũng gặp phải...
"Có những vùng nghiêm trọng đến nỗi không có nguồn đất như các vùng núi đá ở Cao Bằng, Hà Giang…"
"Trong khi ở đồng bằng sông Cửu Long, đất tốt thì nhiều nhưng đều đã có chủ, muốn lấy lại để cấp cho đồng bào có lẽ tốn rất nhiều tiền."
Về phía chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Giàng Seo Phử, bản thân là người H'Mông được dẫn lời nói rằng "vấn đề không những không thể [giải quyết được] trong một sớm một chiều mà còn không bao giờ kết thúc.
Ý nghĩa 'quốc phòng và an ninh'
Bản thân người dân tộc thiểu số đã không ít lần kéo ra thủ đô để phản đối việc mà họ gọi là chính quyền "cướp" đất của người dân để giao cho công ty tư nhân.
Hồi đầu năm nay một nhóm người M'Nông đã ở lại Hà Nội để khiếu kiệntrong nhiều ngày.
Khi đó ông Điểu Xrí, một trưởng thôn ở xã Đắk Ngo, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đăk Nông nói với BBC:
"Từ chỗ họ cưỡng chế không có gì [để] bà con [có] thu nhập hết.
"Bà con trồng mì, họ không cho thu hoạch, cướp trắng luôn."
"Chỉ có là sống lang thang, làm thuê, làm mướn, không có gì thu hoạch hết," ông Điểu Xrí nói.
VietNamNet dẫn lời ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nói cần "quy hoạch, phân bố lại đất đai" cũng như "rà soát các nông lâm trường quốc doanh hiện đang chiếm hơn bốn triệu ha đất" nhằm chuyển đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả hay sai mục đích cho người thiểu số.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước nói việc giải quyết vấn đề đất đai cho người thiểu số là "hết sức quan trọng" vì các vùng người thiểu số cư ngụ "có ý nghĩa trọng yếu về quốc phòng, an ninh".
Không có nhận xét nào: