Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - (Chúa Nhật XXIII TN B)
Loài vật vốn có tình bầy đàn. Con người thì có tính xã hội. Con người là hữu thể trong tương quan liên vị. Tôi chỉ thực sự là tôi trong tương quan với một ai đó. Chính vì thế sự tương quan liên vị là một nhu cầu sinh tồn của con người. Sự tương quan này được thể hiện rõ nét qua sự tiếp xúc. Một trong những cách thế để tiếp xúc hữu hiệu với tha nhân là đối thoại tức là nghe và nói. Thật bất hạnh cho những ai thiếu hay mất khả năng nói và nghe. Thoạt sinh ra mà bị câm điếc thì đúng là kém may mắn. Dân gian truyền miệng rằng hễ một người câm, không nói được thì trời cho điếc luôn để khỏi uất ức, tức tối khi nghe những lời không hay về mình mà không phản bác lại được. Thế nhưng y học thì cho thấy ngược lại: chính vì bị điếc nên người ta mới bị câm. Vì không nghe được nên con người không thể tập nói. Trẻ nói được là nhờ bắt chước, lặp lại những gì đã nghe.
Bài Tin mừng Chúa Nhật XXIII TN B tường thuật chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm điếc mà dịch chính xác hơn là điếc và ngọng. Đây là một trong những dấu chỉ của thời Thiên Sai mà Thánh kinh đã loan báo. Mất đi khả năng nghe và nói xét về thể lý là một khốn khổ và bất hạnh. Thế nhưng sự bất hạnh và khốn khổ ấy dường như chỉ hạn hẹp ở đương sự và có chăng là nơi vài người thân thích. Tuy nhiên nếu xét về bệnh điếc, câm hay ngọng về tinh thần thì sự khốn khổ và bất hạnh nó di hại cho nhiều người và hậu quả cũng khó mà khắc phục. Dù hai lãnh vực thể lý và tinh thần tuy khác nhau nhưng có sự trùng hợp đó là do bởi điếc (không nghe được, không chịu nghe, nghe không rõ, không đúng, không chính xác) nên người ta đâm ra điếc hay ngọng là không nói được, không đựơc nói hay nói không được những điều cần nói, nên nói và phải nói. Ở đây chúng ta đặc biệt phân tích về căn bệnh tinh thần. Với các bài Thánh Kinh được trích đọc trong Chúa Nhật XXIII TN B này, chúng ta có thể tìm ra một vài nguyên nhân chính của căn bệnh câm điếc.
1.Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế, tuy nhiên cách thế thông thường mà Người phán dạy chúng ta là qua con người. Đọc lịch sử thánh, chúng ta nhận ra điều này: ngoài những dấu lạ điềm thiêng thì Thiên Chúa thường phán dạy qua những con người bé mọn, nghèo hèn cụ thể là các ngôn sứ, những người nghèo của Giavê. Đến thời kỳ viên mãn Thiên Chúa lại phán dạy chúng ta qua Người Con. Đó là một người thợ mộc bình thường xuất thân từ Nagiaret là một xứ sở không có gì đáng nói và từ một gia cảnh không có gì đáng trọng vọng.
Chúa Giêsu chọn gọi mười hai người cộng tác đặt làm tông đồ để rao giảng Lời Thiên Chúa thì cũng là những người thấp cổ, bé phận. Thánh Giacôbê Tông đồ qua bài đọc thứ hai cảnh tỉnh ta về cái lề thói thích thiên tư, gần gủi với những người sang giàu. Đây là một trong những nguyên cớ khiến ta bị điếc về tâm linh. Rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo vẫn có nghe nhưng họ chỉ nghe lời từ những người có quyền có chức. Họ chỉ nghe thuộc hạ báo cáo và thế là có nghe cũng như không. Để khỏi bị điếc, tức là để nghe đúng, nghe chính xác thì không gì hơn là biết cúi xuống, gần dân, gần những người thấp cổ, bé phận, gần những người nghèo khổ lầm than.
2.Vẫn có đó nhiều người nghe rõ, nghe đúng, nhưng làm như không nghe, không biết. Biểu hiện nơi những người này là không dám nói, có nói thì nói không đúng hay nói kiểu nói ngọng. Bài đọc thứ nhất cho ta chìa khoá tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này đó là sự sợ hãi, thiếu can đảm. Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!”. Đức cố Gioan Phaolô II đã khai mở triều đại Giáo hoàng của Ngài với đoàn tín hữu bằng chính lời của Chúa Kitô: “Các con đừng sợ!” Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, không ít lần Chúa Kitô nhắn nhủ các môn đệ rằng hãy can đảm lên, đừng sợ! Và sau khi từ cõi chết sống lại thì hai từ “đừng sợ” vẫn được Người lặp đi lặp lại nhiều lần.
Sợ khổ, sợ bị thua thiệt, sợ bị bách hại…là những cái sợ khiến nhiều người hành xữ như chẳng thấy, chẳng nghe và họ đã không dám mở miệng bảo vệ công lý, rao truyền chân lý, nhất là không dám tố giác tội lỗi, cách riêng tội lỗi của những người đang nắm trong tay quyền cao, chức trọng, cả ngoài xã hội lẫn trong giáo hội. Ngoài ra cũng cần kể đến một vài nguyên cớ khiến người ta dù có nghe đúng hoặc thấy rõ mà vẫn sợ không dám nói. Chẳng hạn như trường hợp vì có tật thì giật mình hoặc há miệng thì sợ mắc quai. Có thể do lầm lỗi hay khiếm khuyết nào đó của ta khiến ta thấy ngượng miệng khi phải nói điều gì đó phải nói. Đây là dữ kiện không mới, vì nó không chỉ là kinh nghiệm của người xưa mà còn là chuyện hiện sinh của kiếp người. Dễ dàng thông cảm với người còn chút tự trọng và chút liêm sỉ, ngại ngần lấy cái rác trong mắt tha nhân khi mà cái xà nhà đang ở trong mắt mình. Ta cũng có thể kể đến những trường hợp “ăn xôi chùa, ngọng miệng”. Ta nói không được vì đã hưởng nhận chút lợi lộc nào đó thiếu trong sáng. Tệ nạn cũng là quốc nạn của nhiều nước hiện nay là tham nhũng – hối lộ. Và hệ quả kéo theo là những vị hữu trách “nói không được”, những điều cần nói, phải nói hay nên nói theo bổn phận và trách nhiệm của mình.
“Ephata: Hãy mở ra!” Không chỉ hãy mở tai, mở mắt để thấy và để nghe hiện trạng của đất nước, của xã hội, của giáo hội mà con phải mở lòng ra để biêt cảm thông với tha nhân trong sự liên đới trách nhiệm. Xã hội, đất nước đang chìm ngập trong sự gian dối và bất công, giáo hội nơi này nơi kia vẫn tự hài lòng trong chuyện kinh kệ hay lễ hội. Vẫn còn quá nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội vẫn chưa chu toàn chức vụ “công bộc” của nhân dân hay vẫn còn nhiều vị mục tử chưa xứng là tôi tớ của đoàn dân Thiên Chúa. Những mặt trái hay những tồn tại ấy chắc hẳn có phần lỗi của chúng ta.
Dù khuyết tật về thể lý, nhưng người câm vẫn có thể nói bằng thái độ, cử chỉ hay bằng văn tự. Là Kitô hữu, chúng ta đã được Chúa Kitô thông chia nhiệm vụ ngôn sứ. Nếu vì lẽ gì đó mà chúng ta vẫn chưa can đảm lên tiếng hoặc có nói mà như không nói, vì chỉ nói chung chung, một kiểu nói ở đâu cũng đúng, nói lúc nào cũng chẳng sai mà lại chẳng nhắm cho ai cả, thì chúng ta chưa hẳn thực sự là con người và chắc chắn không thể nào là con cái Chúa chính danh, đúng phận. Chính vì thế Chúa Kitô vẫn đang mãi phán truyền lớn tiếng: EPHATA!: HÃY MỞ RA!
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Không có nhận xét nào: