Không ai, cái gì có thể làm cũ Nguyên Ngọc - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 9, 2012

Không ai, cái gì có thể làm cũ Nguyên Ngọc

Nguyễn Quang Tuệ - Không ai, cái gì có thể làm cũ Nguyên Ngọc, kể cả thời gian! Đó là khẳng định của nhà văn Trung Trung Đỉnh trong lời phát biểu vo mà khúc chiết của ông tại buổi TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC, Pleiku, hôm qua, 4/9/2012. Nhưng...

Mình là người đầu têu ra và chủ công làm chuyện này, giờ việc đã xong, ngồi thuật lại những gì đã xảy ra (và thể nào cũng sẽ tự khen mình mấy câu), thì quả thực là điều không nên. Nhưng một vài bạn bè, anh em không dự cuộc được cứ bảo: nghe hay hay mà chả hiểu ra làm sao, ông phải thông tin cho chúng tôi chứ... Thì đành viết sơ sơ vậy nhé. Nó thế này:

Anh Trung Trung Đỉnh là người đến Pleiku sớm nhất. 4/9 mới có lễ nhưng 30/8 đã ngất ngưởng cùng bạn bè ở Gia Lai rồi. Được mệnh danh là cây bút chủ lực của Tây Nguyên sau Nguyên Ngọc, ông anh này cũng nhiễm máu đi làng. Thế là, dù bận bịu, anh em (có thêm CĐA, MD nữa) vẫn cứ cùng nhau xuống Kông Chro, ngủ một đêm. Chiều hôm sau, anh về Pleiku ngủ một đêm rồi lại ngược Kon Tum ngủ đêm, cho đến trưa mùng 3/9, khi đưa đoàn Hà Nội gồm GS Chu Hảo, GS Phạm Duy Hiển, anh Phạm Xuân Nguyên (nhà văn Nguyên Ngọc đến Pleiku từ 2/9, trước lễ hai ngày, lí do lên sớm: không có chuyến bay ngày 3/9), lên đó chơi, mình đón luôn anh về.

Có lẽ, với mình thôi nhé, Pleiku chưa bao giờ được cùng lúc đón những người nổi tiếng như thế. Bên lề 5 con người này, mình đã viết một chút và sẽ viết vào một dịp khác. Chỉ muốn nói thêm một điều rằng: Tất cả họ đều giản dị, am tường văn hóa và yêu Tây Nguyên như nhà văn Nguyên Ngọc vậy!

Chuẩn bị cả mấy tháng trời nhưng đến buổi sáng hôm ấy vẫn có vài chuyện trục trặc nho nhỏ. Có những việc do chủ quan, như: mình vừa làm MC lại kiêm luôn chân phó nháy nên nhiều lúc rôi rối; có việc do khách quan, như: đã thuê mướn, kê đặt 250 ghế, khách có giấy mời chỉ hơn 150 người nhưng thực tế lên đến gần 400, kể cả những người phục vụ nên quá tải, đành phải thuê thêm ghế để người hâm mộ ngồi ra ngoài, nghe qua loa và thỉnh thoảng nhón gót nhìn vào trong.v.v. Dù vậy, có lẽ tình yêu Nguyên Ngọc đã khiến mọi người trật tự, thực sự làm cho cuộc gặp gỡ này trở nên thành công. Không có ý định khoe khoang, nhưng nhìn cảnh người người chen vai nhau, cố tìm lấy một ghế ngồi hay thậm chí là một chỗ đứng, mình cảm động vô cùng.

Trước giờ khai mạc. Triển lãm ảnh về Nguyên Ngọc của NQT.

Nhiều người đã phải đứng hoặc ngồi ngoài hành lang vì hội trường hết chỗ.

Rất ít khi mình thấy một cuộc gặp gỡ nào mà khách đến sớm như vậy. Mới 7 giờ sáng, các cô cậu học trò đã tới với hoa trên tay. Chưa vào hội trường vội, các em tranh thủ coi triển lãm ảnh về Nguyên Ngọc dọc hành lang. Mấy chục tấm hình khổ lớn, ép gỗ phần lớn là ảnh tư liệu lần đầu được công bố, giới thiệu những mốc chính trong cuộc đời nhà văn thực sự đã hấp dẫn người xem.

Mình cũng rất ít khi thấy một cuộc giao lưu nào mà nhân vật chính và người tham dự thân tình đến như vậy. Nguyên Ngọc đã không cầm được nước mắt khi nói về tình cảm của Tây Nguyên đối với mình, về sự gắn bó của ông đối với miền đất này. Ông đã khiến bao người nhòa lệ khi cho rằng: đây là nơi đã làm nên ông - một con người như hôm nay, hơn là một nhà văn - và ông thực sự suốt đời biết ơn vì điều đó.


Trong hội trường, cả người nói và người nghe đều xúc động. Ngồi cạnh GS Chu Hảo, GS hàng đầu về hạt nhân nguyên tử Phạm Duy Hiển (75 tuổi) cố giấu những giọt nước mắt. 

Rất nhiều người đã khóc, đã bồi hồi xúc động khi nghe ông nói và chắc chắn trong giây phút ấy, họ càng thêm thương mến, cảm phục ông về sự dấn thân. Chẳng phải ai cũng có thể làm được như Nguyên Ngọc, nhất là khi người ta đã sang tuổi 80!

Tại buổi gặp gỡ, nhớ có những lời nói bỗng dưng bật ra từ lồng ngực trẻ, xoáy sâu vào tình cảm yêu nước mãnh liệt của nhà văn Nguyên Ngọc, những người đồng hành cùng ông và bao người xung quanh. Hóa ra, chẳng gì có thể bưng bít được mãi. Lớp trẻ có thể ở đâu đó, một đôi lúc phải nói và viết khác đi, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn họ (cũng như cha mẹ, anh em, xóm làng họ) đều rất hiểu lẽ phải trái ở đời. Có lẽ đó chính là lý do khiến Nguyên Ngọc nói rằng ông hoàn toàn tin tưởng vào lớp trẻ, những người nắm vận mệnh đất nước trong tay mai này.

GS Chu Hảo đã dành những lời tốt đẹp nhất để nói về Nguyên Ngọc. Anh Phạm Xuân Nguyên cho rằng, phẩm chất Nguyên Ngọc tựu trung trong một chữ "đi" đa nghĩa. Anh Trung Trung Đỉnh phát biểu rất hay về nhiều mặt, có một ý thật mới: ở Việt Nam mình, tác phẩm đứng được trên 50 năm như "Đất nước đứng lên" hiếm lắm. Thế mà người Bahnar quê hương của Núp lại chưa từng được đọc nó bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Vậy thì tại sao "các cơ quan chức năng" lại không dịch nó để "phục vụ" đồng bào?

Pleiku là nơi được làm sinh nhật sớm nhất cho Nguyên Ngọc (4/9); sau đó một ngày, ở Hội An có thêm hai cuộc và nếu không có thay đổi, 9 giờ sáng ngày 7/9 tại một quán café trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội, một hoạt động tương tự cũng sẽ được diễn ra. Như vậy là trước, trong và sau ngày 5/9, đã và sẽ có ba buổi gặp gỡ thân mật, ấm cúng. Nhưng mình tin rằng, khắp nơi trên đất nước này, đã và đang có hàng nghìn người dõi theo từng bước chân Nguyên Ngọc và cầu chúc ông chân cứng đá mềm, trong mọi công việc mà ông đang dấn thân vì dân tộc.

Nguyễn Quang Tuệ

Nguồn: pleikucafe.com
Không ai, cái gì có thể làm cũ Nguyên Ngọc Reviewed by Admin on 9/08/2012 Rating: 5 Nguyễn Quang Tuệ - Không ai, cái gì có thể làm cũ Nguyên Ngọc, kể cả thời gian! Đó là khẳng định của nhà văn Trung Trung Đỉnh trong lời p...

Không có nhận xét nào: