Giáo sư Nakano Ari - Đại học Daito Bunka (Chính trị Việt Nam đương đại)
Báo Asahi Shimbun ngày 2012/09/10
Phạm Toàn dịch
Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân đã bột phát ở các thành phố lớn của Việt Nam gắn liền với tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông. Đám đông giương cờ Việt Nam và khẳng định các tình cảm dân tộc chủ nghĩa, hô các khẩu hiệu vạch mặt Trung Quốc, thế nhưng các điều họ phản đối thì cũng nhắm vào hệ thống cộng sản trong nước mình.
Cùng với việc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, điều đã khuấy động được những người biểu tình Việt Nam là dự án khai thác bauxite triển khai ở vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, mặc dù điều tranh cãi này chưa được tường trình nhiều ở Nhật Bản. Đây là một dự án do Nhà nước quản lý, nhưng công trình lại đã được tiến hành rất sớm sau khi có một ký kết giữa các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản (lãnh đạo) hai chính phủ, và Quốc hội Việt Nam cũng chẳng được thảo luận gì hết.
Nhưng những người nắm được tình hình đã lập ra trang mạng có tên Bauxite Việt Nam (boxitvn.net), cung cấp thông tin và đưa ra quan điểm về vấn đề này. Các chiến dịch thu thập chữ ký đã được tổ chức để hỗ trợ những người biểu tình phản đối, và sau vụ tai họa ở nhà máy alumin tại Hungary năm 2010, thì đã có hơn 2.800 chữ ký đòi hỏi xét lại việc triển khai dự án tại Tây Nguyên Việt Nam với đầy đủ tên, địa chỉ và chức vụ lên bản kiến nghị. Con số có vẻ như không lớn, nhưng thực sự là rất đáng kể ở Việt Nam – nơi người dân có thể bị bỏ tù vì phê phán chính phủ theo tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Đảng Cộng sản và chính phủ (Việt Nam) đã hành động nhằm bóp nghẹt những tiếng nói này bằng cách bỏ tù những người lãnh đạo phong trào, bắt giam mọi người theo tội danh hình sự, tiến hành khám xét phi pháp và tổ chức các cuộc tấn công trên mạng. Nhưng ở Việt Nam, các cuộc phản kháng của nhân dân từ nay đã không còn là chuyện không bình thường nữa. Giờ đây khi Myanmar đã bắt đầu đi vào con đường dân chủ hóa, thì những vấn đề phải giải quyết về dân chủ hóa và nhân quyền ở Việt Nam sẽ càng được chú ý nhiều hơn. Nhật Bản cần phải ủng hộ cuộc đổ bộ nhẹ nhàng của công cuộc dân chủ hóa ở Việt Nam bằng cách tích cực khuyến khích chính phủ Việt Nam hãy thực hiện nhà nước pháp quyền, quét sạch tham nhũng trong bộ máy quan liêu, và thực hiện minh bạch thông tin nhiều hơn nữa.
N.A.
Nguồn: asahi.com
Không có nhận xét nào: