Lamhong - I. Lịch sử Lễ Đức Mẹ sầu bi
Lm Thêôphilê
Tưởng niệm những đau khổ của Đức Maria xuất hiện hồi thế kỷ thứ XII, nhưng ý tưởng đã được khai phá trong các văn bản của các thánh như Anselme hay các tu sĩ dòng Đa Minh và dòng Xitô. Thánh lễ nhớ này được cử hành đầu tiên tại thành Cologne (Đức) vào ngày thứ sáu sau Chúa nhật thứ III mùa Phục sinh vào năm 1423. Đến năm 1727, Đức Giáo Hoàng Benoit XIII mới ghi vào lịch phụng vụ và được cử hành vào thứ sáu trước Chúa nhật lễ Lá. Sau đó lễ lại bị xóa đi khỏi lịch, nhưng các tu sĩ dòng Tôi tớ Đức Mẹ (Servites) vẫn giữ lại trong lịch phụng vụ của Hội dòng và cử hành vào ngày Chúa nhật sau ngày 14 tháng 9. Lễ lại được ghi vào lịch phụng vụ vào năm 1814 và Đức Giáo Hoàng Piô X cho cử hành vào ngày 15 tháng 9 từ năm 1913.
Bối cảnh của lễ này cử hành sau lễ Tôn kính Thánh Giá cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa muốn nêu lên. Những bức tượng Thương Khó (Pietà) hoặc những Thánh Thi như Stabat Mater diễn tả đau khổ cả Đức Maria dưới chân Thập giá. Sau đó người ta đi đến chiêm ngưỡng những đau khổ khác của Ngài, và từ thế kỷ thứ XIV được gom lại thành 7 sự thương khó : Lời tiên báo của Smêôn (Lc 2,34-35), Trốn sang Ai câp (Mt 2,13-15), Tìm thấy Đức Giêsu trong Đền thờ (Lc 2,41-52), đường lên núi Can-Vê, cuôïc đóng đinh, Hạ xác Chúa xuống và chôn xác Chúa trong mồ.
II. Phần suy niệm
Bài 1. ĐỨC MẸ SẦU BI
Nguyễn Đức Tuyên
Đức Maria là một con người được chúc phúc và có ưu quyền nhất của Thiên Chúa. Đức Maria là Mẹ người Con duy nhất. Hãy nghĩ tới niềm vui của Mẹ trong việc nuôi nấng Đấng Cứu Độ trầøn gian. Trải qua cuộc đời, Mẹ cân nhắc và trân trọng công việc Thiên Chúa trao phó và hớn hở nhìn ngắm chương trình của Thiên Chúa hé mở cho Mẹ.
Tuy vậy, Đức Maria cũng nhận biết nỗi sâu xa nhất của sự sầu bi nhân tính. Chỉ mấy ngày sau khi sinh hạ nguời Con yêu dấu, nhà thông thái Simêon đã báo hiệu cho Mẹ: "Một lưỡi đòng sẽ thâu qua lòng bà" (Lc 2: 45). Những lời này hiển nhiên có tác dụng làm Maria phân vân trong vai trò Thiên Chúa đã đặt để cho Ngài – hay ít nhất cũng giảm thiểu nhiệt tình đối với ơn gọi của mình.
Điều này có thể xẩy ra trong trường hợp Đức Maria không phải là một phụ nữ có niềm tin son sắt. Hiển nhiên là Đức Maria đã đau khổ, nhưng Mẹ lại là một người nữ hy vọng, vui tươi luôn hướng về Thiên Chúa như là nguồn lực an ủi và tín thác, giúp chống trả những nghịch cảnh. Đức Maria được gọi là Mẹ Sầu bi không phải vì những bất hạnh xảy đến cho đời Mẹ, nhưng chính là vì con đường Mẹ tiếp cận trái tim mình với trái tin Chúa. Khi Mẹ thấy Con mình chịu đựng sự thù ghét của những tư tế, khi Mẹ thấy các Tông Đồ tránh xa Con mình trong giờ lâm tử, khi thấy Con bị bắt, bị xử tội, và treo trên thập giá – trong tất cả những hoàn cảnh ấy, Maria kinh ngạc cách sâu xa khi nghĩ tới trái tim Chúa Cha bị đau đớn vì con người cứng lòng.
Maria đau đớn tột cùng dưới chân thánh giá khi chứng kiến Con Mẹ chết vì bị đóng đinh. Mẹ tỏ cho Con Mẹ biết tình yêu thương bằng chính cách thức Mẹ có thể biểu lộ là đứng dưới chân thánh giá. Nhờ ân sủng của Thánh Thần, Mẹ có con mắt đức tin phó thác nơi kế hoạch của Thiên Chúa để sinh hoa trái, dù rằng trong tăm tối mịt mù. Mẹ gào thét trước sự bất công, nhưng Mẹ tin rằng quyền lực của Thiên Chúa sẽ thắng sự chết.
Bao quanh bởi những kẻ dữ, Mẹ Maria cảm thấy chính mình được liên kết với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23:34). Nhờ ơn Chúa Thánh Thần Mẹ Maria có thể tha thứ và chúc phúc cho những con người bất công, thù hận và bạo lực. Liệu chúng ta có thể đứng dưới chân thánh giá với Mẹ Maria và tha thứ cho những ai xúc phạm tới ta chăng.
Khi đứng dưới chân thánh giá, trái tim Mẹ Maria thật sự tan nát – không phải chỉ vì Con Mẹ bị đau đớn, nhưng cũng bởi tội lỗi đã đem đến việc đền tội nhân thế của Đức Kitô. Giống như Mẹ Maria, chúng ta hãy cùng hướng tâm vào Chúa Cha và xin Mẹ chuyển cầu cho những ai còn xa Chúa Cha trên trời.
Lạy Chúa Cha, xin hãy đâm thấu trái tim con để con có thể cầu bầu cho thế giới đang đau khổ, trong tư tưởng, lời nói và việc làm của con.
Bài 2. Đau khổ và Mẹ Maria
Nguyễn Chính Kết
1. Những đau khổ của Đức Ma-ri-a
Trong những lễ kính Đức Ma-ri-a, mỗi lễ Giáo Hội đề cao một khía cạnh nào đó trong đời sống tốt đẹp của Đức Mẹ. Trong thánh lễ hôm nay, Giáo Hội đề cao và tưởng nhớ đến những đau khổ mà Mẹ phải chịu trong chức vị làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Trong xã hội con người, một tội nhân phạm một tội dù lớn hay nhỏ, thì theo sự đòi hỏi của công lý sẽ phải nhận lãnh một hình phạt là chịu đau khổ một cách tương xứng với tội mình phạm. Tội nặng nhất là tử hình, tức đền tội bằng cái chết. Và sau khi đền tội xong, tội nhân lại được coi là vô tội. Bao lâu chưa đền tội, thì tội ấy còn mãi. Cũng vậy, nhân loại phạm tội nên đã phải nhận lãnh hậu quả của tội là đau khổ. Và sau khi chịu đau khổ để đền tội, nhân loại trở nên vô tội. Như vậy, đau khổ có tác dụng đền tội hay thanh tẩy tội lỗi. Vì thế, muốn cứu nhân loại khỏi tội lỗi và đau khổ, Đức Giê-su phải chấp nhận đau khổ tột cùng và cái chết thê thảm để đền tội thay cho họ.
Sự đau khổ tột cùng của Đức Giê-su không thể không ảnh hưởng đến Mẹ Ngài là Đức Ma-ri-a. Tuy Mẹ không chịu đau khổ trực tiếp như Đức Giê-su, nhưng khi nhìn thấy người con mà mình hết lòng yêu thương phải chịu đau khổ như vậy, tâm hồn Mẹ cũng tan nát, cũng đau khổ không kém gì con. Những cha mẹ nào đã từng nhìn thấy con mình phải chịu đau khổ cùng tột mới thông cảm được nỗi đau khổ của Mẹ Ma-ri-a.
2. Đức Ma-ri-a dưới chân thập giá
Vì thế, không lúc nào Mẹ đau khổ bằng lúc đứng dưới chân thập giá nhìn con đang từ từ chết đi trong đau đớn và nhục nhã cùng tột. Tuy không khóc lóc và vật vã như bao bà mẹ khác nếu gặp hoàn cảnh ấy, nhưng lòng Mẹ Ma-ri-a đau khổ tột cùng. Có lẽ Mẹ không ngờ tình cảnh của con mình lại bi đát đến như vậy. Trong hoàn cảnh ấy, chắc chắn Mẹ sẵn sàng chết thay cho con mình, hoặc sẵn sàng chết theo con mình. Và khi không làm được điều ấy, Mẹ lại càng đau khổ hơn.
Sự đau khổ tột cùng của Mẹ Ma-ri-a chắc chắn góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu. Vì thế, Giáo Hội tôn Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại.
3. Đức Ma-ri-a được trối lại làm Mẹ các tông đồ
Trên thập giá, giữa cơn đau khổ cùng tột, Đức Giê-su vẫn nghĩ tới bổn phận làm con của mình, tới nghĩa vụ phải chăm lo cho mẹ mình. Hoàn cảnh không cho phép Ngài trực tiếp chăm lo cho Mẹ, nên Ngài phải nhờ người khác làm thay công việc ấy. Và Ngài đã giao công việc ấy cho Gio-an nói riêng, và cho các môn đệ của mình nói chung. Kể từ lời trối trăn ấy, Mẹ đã trở thành Mẹ của Gio-an và các tông đồ, và các tông đồ cũng trở thành con cái của Mẹ. Lúc ấy Giáo Hội chủ yếu là các tông đồ, nên Mẹ của các tông đồ thì cũng có nghĩa là Mẹ của Giáo Hội. Giáo Hội cũng nhận Mẹ Ma-ri-a là Mẹ của mình, cũng là Mẹ của mọi Ki-tô hữu. Mẹ rất xứng đáng với chức vị ấy vì Mẹ đã góp công rất lớn vào việc cứu chuộc nhân loại, trong đó có Giáo Hội và các Ki-tô hữu.
4. Hãy nhìn nhận công lao của Mẹ và biết ơn Mẹ
Mẹ Ma-ri-a đã chịu biết bao đau khổ để cộng tác với Đức Giê-su trong công cuộc cứu chuộc chúng ta, vì thế, bổn phận thảo hiếu buộc ta phải nhìn nhận công ơn ấy, và đối xử cho phải đạo làm con và đạo của một người thụ ân. Không gì chu toàn bổn phận ấy cho bằng sự yêu mến, phó thác cuộc đời mình vào vòng tay yêu thương của Mẹ, và sống cho xứng đáng là con cái Thiên Chúa và con của Mẹ, để ơn cứu chuộc mà Mẹ đã góp công vào không trở nên vô ích đối với ta.
Bài 3. Maria mang Khổ cứu độ
Nguyễn Đăng Trúc
Nguyễn Đăng Trúc
Đức Giêsu Kitô là Khổ Cứu Độ, là kẻ hoàn tất Nhân Tính mình nơi trần thế:
khi đau đớn toàn thân thể (xem Mt 26,38 ),
khi bị dân mình (x. Mt 26,21-23), các thầy cả của Dân được chọn (x. Mt 27,41-43), dân chúng chung quanh mình (x. Mt 27,39-40), đồ đệ bạn bè mình (x.Mt. 26,48; 26,74 ), lên án hoặc vất bỏ,
khi cầu xin, mà Chúa Cha làm thinh (x. Mt 26,39-44 ),
khi kêu lên:
Ta khát (xem Ga 19,28),
Lạy Cha sao Cha bỏ con (x. Mt 27, 46),
và chết cả sự sống thân xác mình, trao linh hồn lại cho Thiên Chúa (x. Ga 19, 30; Mt 27,50 ).
Maria đầy ơn phúc đã cộng tác với Thánh Thần Thiên Chúa để sinh ra Đấng Cứu Độ hiện thân KHỔ nầy.
Và mặt khác, Maria thông dự những khổ đau của Con mình: khổ đau thân xác, khổ đau tâm lý, tinh thần trong cuộc chiến đức tin của Ngài:
- làm sao chấp nhận được mình có thể cưu mang và sinh Con Thiên Chúa!
- làm sao chấp nhận được đứa bé nhỏ bé trong máng cỏ, trong tay mình đang ẵm bồng… ấy lại là Đấng Thiên Sai !
- làm sao kẻ bị bà con mình đuổi chạy lại là Lời đến từ Thiên Chúa !
- làm sao Đấng Cứu Độ muôn dân, Đấng trị vì Nhà Đavít… lại than thở với Thiên Chúa Cha: "Lạy Cha sao Cha bỏ Con!", rồi lại chết như một phạm nhân tồi tệ, ở trên thập giá!…
Maria đầy ơn phúc, là hiện thân một nhân loại luôn "xin vâng" với Thiên Chúa, để thông hiệp tuyệt vời với KHỔ CỨU ĐỘ.
Và chính vào giây phút hoàn thành NHÂN TÍNH của mình nơi trần gian, Đức Giêsu Kitô đã trao toàn nhân loại là anh em, bạn bè, đồ đệ, Giáo hội Ngài cho Maria, cho Người Nữ cưu mang Nỗi Khổ Cứu Độ, nuôi dưỡng, giáo dục…, để mỗi người hoàn tất nhân tính trọn đầy của mình nơi trần thế trong CƠN KHAO KHÁT THIÊN CHÚA, phó thác vào Thiên Chúa và hy vọng được thông dự vinh quang Phục Sinh.
Bài 4. ĐỨC MẸ SẦU BI!
P. Trần Đình Phan Tiến
P. Trần Đình Phan Tiến
Các tác giả có lòng sùng kính Đức Mẹ cách riêng ,đã nói về nguồn gốc cũng như chia sẽ về ngày Lễ Kính Đức Mẹ sầu bi. Thật sự, trước đây các thánh gọi là "Lễ Bảy Sự", có nghĩa là Giáo Hội kính nhớ những sự đau khổ của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ của Đấng Cứu Thế. Có ý nêu bật bảy sự kiện liên quan đến mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giêsu–Kitô. Nên gọi là "BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC BÀ", nhưng ngày nay có lẽ không những ghi nhận bảy sự mà thôi, mà cuộc đời Đức Mẹ, hầu như là THƯƠNG KHÓ. Nên chi Giáo Hội muốn tôn sùng Đức Mẹ bởi một tước hiệu gói gọn hơn, nhưng có ý trọn vẹn hơn, để chỉ về mọi nỗi đau khổ của Đức Mẹ trong cuộc đời trần thế xưa. "ĐỨC MẸ SẦU BI".
Sự thứ nhất: Tiên tri Simêong nói về nỗi đau của Đức Mẹ, ngày Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền Thánh.
Sự thứ hai: Được tin trốn sang Ai-Cập.
Sự thứ ba: Lạc mất Chúa Giêsu 03 ngày.
Sự thứ bốn: Gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá.
Sự thứ năm: Chứng kiến Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá.
Sự thứ sáu: chờ nhận xác Chúa Giêsu.
Sự thứ bảy: Táng xác Chúa Giêsu trong mồ.
Sự thứ hai: Được tin trốn sang Ai-Cập.
Sự thứ ba: Lạc mất Chúa Giêsu 03 ngày.
Sự thứ bốn: Gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá.
Sự thứ năm: Chứng kiến Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá.
Sự thứ sáu: chờ nhận xác Chúa Giêsu.
Sự thứ bảy: Táng xác Chúa Giêsu trong mồ.
Trên đây là bảy sự kiện quan trọng trong cuộc đời Cứu Thế của Chúa Giêsu, nhưng trong thiên chức làm Mẹ, Đức Mẹ đã đau đớn tột cùng. Vì Mẹ đã đồng hình đồng dạng với Đấng Cứu Thế.
Những sự kiện trên đối với bất cứ người phụ nữ nào mà được làm mẹ, một người mẹ trần thế bình thường thôi ,thì cũng đau đớn biết dường nào! Trừ phi, người mẹ ấy không chứng kiến. Còn đây là một người Mẹ của một Vị Thiên Sai, Đấng Cứu Tinh, mà bị đối xử quá bi thương! Thì Mẹ đau đớn biết là dường nào! Nhưng thật ra! Đây là một mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, nên chi Mẹ mặc nhiên có thánh ân nâng đỡ, nếu không Mẹ không thể chịu đựng nỗi ,vì Mẹ vẫn là một phàm nhân. Như vậy, rõ ràng Thiên Chúa không để điều gì xảy ra quá sức con người. Suy niệm như vậy ta thấy, nỗi đau của Đức Mẹ vô cùng lớn lao. Đức Mẹ chỉ chứng kiến những cảnh ấy, mà quá sức đau đớn, chứ Thiên Chúa gìn giữ Mẹ một cách trọn vẹn, thân xác Mẹ không hề mảy may, suy suyễn, nên chi không có thể lực nào làm tổn hại Mẹ được.
Chúng ta thấy một điều đặc biệt như vậy. Khi Chúa Giêsu chịu tử nạn, thì Người không để cho ai phải liên lụy. Đây là điều đặc biệt siêu phàm, minh chứng cuộc tử nạn của Đức Kitô-Giêsu không nằm ngoài mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, vì điều gì Thiên Chúa không muốn thì không có thế lức nào cưỡng nổi. Đây là điều cần suy nghĩ.
Suy ra nỗi đau của Mẹ là nỗi đau tự nhiên, nỗi đau của phàm nhân. Nhưng nỗi đau ấy được thánh hóa nhờ Con của Mẹ, đồng thời là Con Thiên Chúa, nhờ nỗi đau siêu nhiên mà nỗi đau tự nhiên có giá trị liên đới, hầu thông phần ơn cứu độ viên mãn của Thiên Chúa.
Như vậy bảy sự thương khó của Đức Mẹ, được thông phần vào mầu nhiệm cứu độ loài người của Đức Kitô, để trở nên hy lễ cứu chuộc. Mẹ đã Đồng Hành trong nỗi đau thương khổ nạn của Thập Gía, mà nơi đó Con Thiên Chúa đã hiện hữu, như một của lễ thật hoàn hảo để dâng lên Thiên Chúa Cha, Đấng có quyền tha thứ cho nhân loại. Như vậy, Mẹ được gọi là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người.
Lạy Mẹ Sầu Bi, nỗi đau của Mẹ con không thể suy gẫm sơ sài qua những lời nông cạn nầy, nhưng con xin dâng lên Mẹ những sự khó con chịu, để cùng Mẹ chịu thông phần cùng Chúa Giêsu trên con đường Thập giá. Con xin tôn kính những nỗi đau của Mẹ, vì những nỗi đau ấy được diễm phúc thông phần với mầu nhiệm tử nạn của Con Thiên Chúa làm Người./.
Xin Mẹ thương nhậm lời con! Amen.
Bài 5. BIẾT ƠN MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC
PM. Cao Huy Hoàng
PM. Cao Huy Hoàng
Có một bài hát về Đức Mẹ, xin được imprimatur, trong bài hát ấy có nhóm từ "Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc". Một linh mục chuyên dạy thần học trong ban xét duyệt đề nghị: 'đổi nhóm từ "Đồng Công Cứu chuộc" thành nhóm từ khác, vì Giáo Hội chưa công bố tín điều "Đồng Công Cứu Chuộc".
Tác giả ấy hơi buồn, không đổi, và cũng không phổ biến bài hát. Được hỏi, tác giả ấy trả lời:"Buồn vì nhóm từ này đã sử dụng cả thế kỷ nay, kể cả bài hát của Linh Mục Nhạc Sư Kim Long, cây Đại Thụ Thánh Nhạc Việt Nam, trong bài Mẹ Đứng Đó: "Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu, Đồng Công cùng con dấu yêu…". Không đổi vì tôi muốn giữ cho tôi cảm nghiệm sâu sắc về hai từ Đồng Công. Không phổ biến là vì chưa được phép".
Anh cảm nghiệm thế nào về hai từ Đồng Công?
Cảm nghiệm từ tấm lòng của mẹ tôi, mẹ bạn, mẹ chúng ta, những người mẹ trần gian. Tôi đơn giản đặt mình vào cuộc thương khó của Chúa Giê-su, đặt mình bị án tử hình, đặt mình hấp hối trên Thập Giá, đặt mình rùng mình trước khi tắt thở, đặt mình gục đầu xuống…chết. Và đặt mẹ tôi trong vai Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá. Tôi không biết lúc ấy Mẹ Maria đau khổ như thế nào, nhưng nếu là Mẹ tôi, chắc Mẹ tôi đứt từng đoạn ruột, xem như mẹ tôi cũng đang chết cùng tôi. Như vậy, cái chết của tôi trên thập giá, có cả cái chết của mẹ tôi kìa, đang đứng dưới chân thập giá kìa, đứt ruột! Mẹ chết đứng! Cũng thế, tôi nghĩ cha Kim Long đã đọc, đã suy, đã cầu, đã thấm đẫm nỗi đau của Mẹ Maria khi Ngài viết "Mẹ đứng đó", nhưng thực ra, có thể nói là "Mẹ đang chết đứng đó". Và cho tới hôm nay, thiết tưởng cả và thế gian này không ai hiểu nỗi việc "Đồng Công Cứu Chuộc" của Mẹ bằng chính Con Của Mẹ.
Bởi vì, Mẹ Maria đã tập chết từ lúc "Xin Vâng" hay đúng hơn đã cùng chết với Con Mẹ từ giây phút "Xin Vâng" ấy. "Xin Vâng" của Mẹ là bằng lòng cho Ngôi Hai Nhập Thể, cũng là lúc Ngôi Hai "Xin Vâng" ý của Thiên Chúa Cha mà nhập thể trong cung lòng Mẹ. Bất kỳ động thái "Xin Vâng" nào cũng hàm chứa một sự từ bỏ mình, một lần chết đi ý riêng của mình, chết đi cái tôi của mình, một lần tử vì đạo không đổ máu.
Đúng là, cả Chúa Giê-su Con Mẹ, và cả Mẹ nữa, đều vâng phục Thánh Ý của Cha: "Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người" (x. Dt 5, 7-9).
Chúng ta vẫn suy gẫm 'Bảy Sự Thương Khó" của Đức Mẹ và không nghiệm ra là bảy lần "Xin Vâng", bảy lần chết đó sao? Mỗi lần "Xin Vâng" như thế đều vì sứ mệnh cứu chuộc của Con mình, hơn là vì mình.
Mẹ đã được sinh ra để tử vì đạo. Mẹ là người được Tử Vì Đạo đầu tiên trong Tân Ước. Hơn nữa, cuộc Tử Vì Đạo không đổ máu ấy lại cùng lúc với cuộc Tử Vì Đạo Đổ Máu của Con Mẹ trên Thánh Giá kia, trước mắt Mẹ. Chắc hẳn Mẹ đã suy gẫm trong lòng điều Mẹ đã "Xin Vâng", suy gẫm cả những điều xảy ra cho Mẹ, và suy gẫm cả lời tiên tri đáng buồn: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ" (Lc 2, 34-35).
Điều Mẹ suy gẫm trong lòng hẳn phải là suy gẫm về sự chết hằng phút hằng giờ của Mẹ, chết cái riêng mình để đẹp ý Thiên Chúa Cha, để nhân loại được cứu chuộc. Mẹ đã tập chết từng phút, hay nói đúng hơn, Mẹ đã sống trong sự chết vì thánh ý của Thiên Chúa.
Đã đến hồi cụ thể cái chết của Mẹ, Thánh Gioan thuật lại cái chết của Chúa Giê-su "Đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người…" (Ga 19, 25). Và chỉ chừng ấy thôi. Tác giả không thể thuật lại nỗi đau vô hình trong lòng Mẹ, cũng không thể diễn tả bằng loại ngôn ngữ nào nói về cái chết "không thấy được" của một người Mẹ "đang chết đứng" dưới chân thi hài con mình! Cái chết do lòng quảng đại hiến dâng con mình để cứu chuộc nhân loại. Cái chết do lòng khiêm tốn thuận tình thuận ý Thiên Chúa Cha. Cái chết do lòng vâng phục tuyệt đối. Cái chết do lòng Tin hoàn toàn, Cậy vững vàng, và Mến nồng nàn dành cho Thiên Chúa Cha để Ngài thực hiện ý định Cứu Chuộc nhân loại.
Rồi Thánh Gioan kể tiếp: "Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà". Rồi Người lại nói với môn đệ: "Này là Mẹ con". Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình".
Thêm một lần "Xin Vâng" của Mẹ. Thêm một lần hiến dâng cho công cuộc cứu chuộc nhân loại. Mẹ làm Mẹ các con cái của Chúa Giê-su. Mẹ nhận lãnh trách nhiệm đem những kẻ tin vào Con mình vào Nước Hằng Sống.
Thảo nào, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, Lumen Gentium, Chương VIII, "Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Và Giáo Hội", số 61 đã viết: "Cộng tác vào việc cứu chuộc: Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta"
Trong khi chờ đợi một công bố về "Tín Điều Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc", hoặc chờ đợi một Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Mẹ Đau Thương, được đổi thành Lễ "Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc", để các tín hữu yêu mến Mẹ hơn, biết ơn Mẹ nhiều hơn, thì thiết tưởng, thời khắc nào đi nữa, mỗi chúng ta cũng có thể hát bài "Mẹ Đứng Đó" mà sẻ chia niềm đau và biết ơn Mẹ đã cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại và mỗi chúng ta.
Cũng có thể gẫm suy toàn bài Stabat Mater (Mẹ đứng dưới chân Thập Giá) của Giacopone da Todi (1360), tu sĩ dòng Phanxicô, hoặc ít là tâm niệm câu kinh nguyện này trong bài thơ ấy:
"Lạy Chúa, xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người". Amen.
Bài 6. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ
GM JB Bùi Tuần
GM JB Bùi Tuần
I. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ
Đức Mẹ phải đau khổ. Đau khổ vì con mình là Chúa Giêsu. Đau khổ vì nhân loại là đàn chiên Chúa muốn cứu chuộc.
Thực vậy, Chúa Giêsu là Tin Mừng đặc biệt cho Đức Mẹ. Nhưng Người cũng là nguyên nhân khiến Đức Mẹ phải đau đớn. Đau đớn vì cảnh nghèo nàn thiếu thốn, khi sinh con trong hang đá Bêlem. Đau đớn vì cảnh đi trốn nhọc nhằn, khi đem con lánh nạn sang Ai Cập. Đau đớn vì cảnh lạc mất con, khi từ đền thánh trở về. Đau đớn vì cảnh lao động lầm than mấy chục năm giữa xóm nghèo ở Nadarét. Đau đớn vì cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ và bị tử hình trên thánh giá ở núi Golgôta.
Những đau đớn đó phải được cắt nghĩa vì lý do cứu chuộc nhân loại. Nhân loại được Chúa đoái thương cứu chuộc. Nhiều người đã đón nhận ơn đó. Nhưng nhiều người đã từ chối ơn đó. Không những thế, họ còn xỉ vả, bắt bớ và kết án chính Đấng Cứu chuộc.
Khi thấy như thế, Đức Mẹ rất đau lòng. Mẹ nhận ra lời tiên tri Simêon xưa đã ứng nghiệm. Chúa Giêsu vừa là duyên cớ cho nhiều người được chỗi dậy, và cũng là duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã (x. Lc 2,34).
Đức Mẹ đã đau đớn thế nào? Tiên tri Simêon tả đau đớn đó bằng một câu rất tượng hình: "Còn chính Bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà" (Lc 2,35).
Khi trái tim bị gươm vật chất đâm thâu, người ta cảm thấy đau đớn như phải chết dữ dằn. Khi tâm hồn bị gươm vô hình đâm thâu, người ta cảm thấy đau khổ cũng như một thứ chết khốn cực.
Để có một cái nhìn đúng đắn về đau khổ nơi Đức Mẹ, chúng ta nên nhớ mấy điều sau đây:
Tâm hồn nào càng mến Chúa nhiều, càng cảm thấy đau nhiều, khi thấy tình yêu Chúa bị xúc phạm. Tâm hồn nào càng yêu người nhiều, càng cảm thấy khổ nhiều, khi thấy người khác rơi vào cõi khổ.
Đức Mẹ mến Chúa hết tâm hồn, và yêu thương nhân loại hết lòng. Nên Đức Mẹ dễ nhạy cảm trước bất cứ sự gì xúc phạm đến Chúa và làm hại cho phần rỗi loài người.
Nhạy cảm, nhạy bén là đặc tính cao độ của trái tim Mẹ. Lúc đó, đau khổ nơi Mẹ sầu bi là một tiếng nói sâu thẳm nhất của tình yêu.
Được mến yêu Chúa nhờ ơn Chúa ban, Đức Mẹ cảm thấy một thế giới mới. Xưa thánh Phaolô quả quyết: "Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi" (Pl 3,7-8).
Thánh Phaolô còn cảm thấy thế. Phương chi Đức Mẹ. Đức Mẹ được ơn hiểu thế nào là tình yêu thương xót Chúa, nên Đức Mẹ sẽ rất đau khổ, khi thấy tình yêu thương xót ấy bị người ta dửng dưng, xa tránh, chối từ, chống đối.
b) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói của người được ơn hiểu biết ý nghĩa sự tội
Sẽ là ảo tưởng, nếu nghĩ rằng học hỏi giáo lý về tội, nghiên cứu các sứ điệp về sám hối của những lần Đức Mẹ hiện ra, là sẽ hiểu biết thấu đáo ý nghĩa sự tội. Không đâu, ý nghĩa về tội sẽ chỉ hiểu được sâu sắc nhờ ơn Chúa ban, do cầu nguyện, tĩnh tâm, đổi mới tâm hồn thực sự. Thánh Gioan Baotixita xưa đã dành cả đời rao giảng về sự sám hối. Ngài nói: "Anh em hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối" (Lc 3,8). Ngài đã răn đe những ai coi thường tội lỗi. Vì Ngài hiểu biết rất rõ tội lỗi sẽ đưa con người xuống cõi khổ cực ghê gớm đời sau.
Chắc chắn Đức Mẹ còn hơn thánh Gioan Tiền Hô, nên Người phải rất đau đớn khi thấy bao người nhởn nhơ đi vào đàng tội.
c) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói của người biết sự quan trọng tuyệt đối của phần rỗi
Xưa cũng như nay, nhân loại để sự tự do lôi kéo mình vào những gì nguy hiểm cho phần rỗi. Phần rỗi không phải là một hạnh phúc trả bằng giá rẻ. Nhưng thực tế cho thấy vô số người không quan tâm đủ đến phần rỗi. Trước cảnh đó, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: "Nếu người ta được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16,26).
Với cái nhìn đó, Chúa Giêsu khuyên người có trách nhiệm hãy cố gắng đi tìm một con chiên lạc, hơn là quây quần với 99 con chiên ngoan (x. Mt 16,12-14).
Đức Mẹ rất hiểu thế nào là thiệt mất phần rỗi, nên Người đã rất đau khổ trước cảnh bao người không quan tâm đến phần rỗi.
Như thế, nói chung, đau khổ nơi Đức Mẹ đã giữ một vai trò hết sức quan trọng, đó là làm chứng cho tình yêu xót thương của Chúa. Đức Mẹ sầu bi vì thế sẽ là một an ủi lớn cho chúng ta, khi chính chúng ta cũng bị đau khổ trong cuộc đời.
II. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời chúng ta
Đời là bể khổ. Riêng những người con Chúa sẽ gặp trong đời mình không thiếu nỗi đau như gươm đâm thấu tâm hồn mình.
Ở đây, tôi chi xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm.
Tiên vàn, chúng ta phải có một ý hướng tốt lành về những đau khổ của ta. Ý hướng tốt lành đó là muốn những đau khổ ta chịu sẽ có sức làm chứng cho tình yêu Chúa.
Để được như vậy, hằng ngày chúng ta dâng mọi thứ đau khổ của ta cho Đức Mẹ sầu bi, xin những đau khổ của Mẹ thanh luyện những đau khổ của ta. Bởi vì rất nhiều đau khổ của ta phát xuất từ tính kiêu ngạo, ghen tương, ham hố và ích kỷ muốn theo ý riêng mình.
Khi đau khổ, chúng ta dễ có khuynh hướng đổ trách nhiệm cho người khác. Nên coi đó là nghịch với đức ái khiêm nhường, tự nó lại gây đau khổ cho chính mình và cho người khác. Ở đây xin phép nhắc lại ba lời khuyên của thánh Augustinô:
a) Chớ tự coi mình là quan toà xét xử kẻ khác.
b) Xét đoán tội người khác thì phải khiêm tốn và trọng sự thật. Rất nhiều lần ta đổ cho người khác những lỗi lầm người ta thực sự không có.
c) Nếu người ta có tội, thì cũng nên nhận người ta có thể có nhiều công phúc, công khai và âm thầm.
Để đào tạo thường xuyên trái tim ta, ta nên để ý xét mình về việc ta có chia sẻ những đau khổ đủ thứ xảy đến cho đồng bào xung quanh không? Nhất là ta có hỏi Chúa về việc Chúa cùng đau khổ với bao người. Chúa đau khổ với họ, mà ta không để ý.
Đức Mẹ sầu bi sẽ cho ta thấy: Thánh giá là duyên cớ của sự vấp ngã, nhưng cũng là căn nguyên của sự vinh quang. Mẹ sầu bi sẽ làm cho những vết thương lòng của ta trở thành dòng sông thiêng liêng chuyển ơn cứu độ đến các linh hồn.
Cầu nguyện:
Với đức tin, mỗi lần gặp đau khổ, hãy cùng Mẹ dâng lên Chúa hai tiếng "xin vâng' và thưa với Chúa: Lạy Chúa Giê su chịu đóng đinh, thương xót chúng con.
Bài 7. Đức Mẹ đồng công
Tác giả ARTHUR POLICARPIO
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ All-About-The-Virgin-Mary.com
Tác giả ARTHUR POLICARPIO
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ All-About-The-Virgin-Mary.com
Đối với nhiều người, cảnh ấn tượng và xúc động nhất trong bộ phim bom tấn "Cuộc khổ nạn của Đức Kitô" (The Passion of the Christ) của đạo diễn Mel Gibson là cảnh Chúa Giêsu mặt mũi tím bầm mà bị ngã xuống đất dưới sức nặng của cây thập tự. Rồi Đức Mẹ chạy đến nhìn Con vừa âu yếm vừa xót xa, nước mắt đầm đìa, muốn bảo vệ Con và muốn đỡ Con đứng dậy, Đức Mẹ nói lớn: "Mẹ đây!" (I am here!). Lúc này có cảnh Đức Mẹ hồi tưởng khi Chúa Giêsu còn thơ ấu…
Với Chúa Giêsu
"Mẹ đây!". Đúng là sự quan phòng của Thiên Chúa, lúc mà người ta tranh luận sôi nổi về tính khả dĩ của giáo lý tôn xưng Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ, Đấng Trung Gian và Trạng Sư (Coredemptrix, Mediatrix and Advocate), ý nghĩa đầy đủ của Đấng Đồng Công Cứu Độ được diễn tả trong câu "Mẹ đây!", một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong phim đã được hằng triệu người trên thế giới xem. Có vẻ như Chúa Thánh Thần đang chuẩn bị cho mọi người chấp nhận giáo lý đó, ngay cả phim của đạo diễn Mel Gibson cũng nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa là làm cho mọi người chân nhận Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ.
Về tính chất này, ý nghĩa đích thực của Đấng Đồng Công Cứu Độ là "cùng với Chúa Giêsu" khi Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu: "Mẹ đây!". Quả thật, Đức Mẹ luôn "cùng với Chúa Giêsu" trong suốt cuộc đời của Con, từ lời "xin vâng" khi được sứ thần Gabriel truyền tin tới "cuộc khổ nạn tâm linh" trên đồi Can-vê.
Khoảnh khắc kỳ diệu
Trong vài năm qua đã có 550 giám mục, 43 hồng y và gần 7 triệu giáo dân ở 157 quốc gia trên thế giới đồng ký tên kiến nghị Đức giáo hoàng tuyên bố tín điều thứ năm về Mẹ Thiên Chúa: Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ, Đấng Trung Gian và Trạng Sư.
Chỉ trong 10 năm mà có tới 7 triệu người kiến nghị, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử trong việc tuyên bố tín điều về Đức Mẹ. ĐGH Piô XII đã công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời vào năm 1950, với 8 triệu người kiến nghị trong vòng 95 năm.
Phong trào kiến nghị được tiến sĩ Mark Miravalle đề xuất. Ông là giáo sư khoa Thần học tại ĐH Phanxicô ở Steubenville, chủ tịch phong trào Vox Populi Mariae Mediatrici – một phong trào Công giáo quốc tế thúc đẩy thỉnh nguyện Đức giáo hoàng tuyên bố Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ, Đấng Trung Gian và Trạng Sư. Theo GS Miravalle, đáng chú ý có hai quốc gia đứng đầu về việc kiến nghị này là Mexico và Philippines.
Hơn 70% người Công giáo Mexico đã thỉnh nguyện Đức giáo hoàng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Đồng Công. Mặt khác, người Công giáo Philippine cũng đã có nhiều người thỉnh nguyện điều này. Khi còn tại chức, cựu tổng thống Cory Aquino của Philippine đã xin Tòa thánh tuyên bố tín điều này.
Tuy nhiên, nhiều thần học gia, nhiều giáo sĩ và giáo dân vẫn nghi ngờ sự thật về việc Đồng Công Cứu Độ của Đức Mẹ. Thậm chí nhiều người còn tranh luận về tôn danh Đức Mẹ Đồng Công.
Làm rõ Đấng Đồng Công Cứu Độ
Tôn danh Đức Mẹ Đồng Công có ý nghĩa gì? Tiếp đầu ngữ "co" có gốc tiếng Latin là "cum", nghĩa là "cùng với". Chữ "co" không đặt Đức Mẹ đồng đẳng với Chúa Giêsu, vì từ này không bao hàm "sự đồng đẳng" mà có nghĩa là "cùng với". Mặt khác, chữ redemptrix có gốc tiếng Latin là động từ "redimere" có nghĩa là "mua lại",' và "trix" là thể hiện "giống cái". Do đó, coredemptrix theo nghĩa đen có nghĩa là "người phụ nữ mua lại với", chính xác hơn là "người phụ nữ cùng với người cứu độ".
Không nhiều người biết rằng ngày 1-6-2001, trong số các vị lãnh đạo Giáo hội Philippine có ĐHY Sin và ĐHY Vidal, các chính khách, giáo dân, và các vị chức sắc khác như cựu tổng thống Cory Aquino, đã họp nhau tại nhà thờ chính tòa Manila để tôn vinh Mẹ Maria với tước hiệu "Đức Mẹ của mọi Quốc gia" (Our Lady of All Nations).
Người ta tưởng nhớ những lần Đức Mẹ hiện ra ở Hà Lan (được phép của giám mục địa phương), với tước hiệu "Đức Mẹ của mọi Quốc gia", đó là lời kêu gọi Giáo hội công bố tín điều Đức Mẹ là Đấng Đồng Công, Đấng Trung Gian và Trạng Sư. ĐHY Vidal giải thích rõ về Đấng Đồng Công Cứu Độ: "Đức Mẹ không ngang hàng với Đấng Cứu Độ – Đức Mẹ chỉ là một thụ tạo hữu hạn, còn Chúa Giêsu là Tạo hóa vô hạn. Nhưng Đức Mẹ đồng lao cộng khổ VỚI Đấng Cứu Thế trong việc cứu độ chúng ta. Đức Mẹ cộng tác VỚI kế hoạch cứu độ bằng cách chấp nhận làm Mẹ của Đấng Cứu Thế. Từ khi thụ thai tới lúc sinh Con, tới lúc Con làm sứ vụ và tới lúc Con chết, Đức Mẹ vẫn cộng tác VỚI Đấng Cứu Thế… Mẹ chịu đau khổ với Con để cứu độ nhân loại. Vậy Mẹ là Đấng Đồng Công".
Chân phước Mẹ Teresa Calcutta giải thích rõ: "Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ với Chúa Giêsu. Mẹ đã cho Chúa Giêsu thân thể và chịu đau khổ với Con dưới chân Thánh giá". Vì thế, tôn danh Đấng Đồng Công Cứu Độ không nâng Mẹ lên ngang hàng với Chúa Giêsu nhưng đề cập sự cộng tác thứ cấp trong công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu.
Đấng Đồng Công Cứu Độ trong Giáo hội sơ khai
Điều mà nhiều người không nhận ra là qua lịch sử Giáo hội, vai trò của Đức Mẹ là "Đấng Đồng Công Cứu Độ" với Đức Kitô đã được dạy bởi nhiều vị thánh, tiến sĩ giáo hội, thần học gia, giáo hoàng và giám mục,… ngay từ đầu thế kỷ II. Giáo lý về Đức Mẹ là người cộng tác trong sứ vụ cứu độ của Đức Kitô là điều không mới lạ. Phong trào hiện nay do Miravalle khởi xướng chỉ là đỉnh cao, là bước cuối trong cuộc chạy đua về đích đã khởi động từ thế kỷ II.
Thánh tử đạo Justinô (khoảng năm 165) là người đầu tiên nói về vai trò trung gian của Đức Mẹ trong việc cứu độ. Ngài nói rằng qua một người phụ nữ (Eva) mà cả nhân loại sa ngã, nhưng cũng qua một người phụ nữ (Đức Maria) mà nhân loại được phục hồi trong ân sủng: "Chúng ta biết rằng, trước cả mọi thụ tạo, Chúa Con nhiệm xuất từ Chúa Cha bằng quyền năng và ý muốn, và qua một Trinh Nữ mà Chúa Con hóa thành nhục thể, để sự bất tuân khởi đầu từ con rắn có thể được khôi phục".
Đầu thế kỷ III, Thánh lrênê (khoảng năm 202), giám mục GP Lyons, nói về vai trò của Đức Mẹ trong việc cứu độ: "…Đức Mẹ tuân phục và trở thành nguồn ơn cứu độ cho chính Mẹ và cho cả nhân loại…".
Thế kỷ IV, Thánh Epiphaniô, giám mục GP Salamis (403), có cách giải thích khác về vai trò cứu độ của Đức Mẹ: "Từ khi bà Eva đã đem sự chết đến với nhân loại, sự chết đã đi vào thế giới, còn Đức Mẹ đã đem đến sự sống, nhờ Đức Mẹ mà sự sống được sản sinh cho chúng ta".
Thánh Ambrôsiô, tiến sĩ giáo hội và là cha linh hướng của Thánh Augustinô, dạy rằng Mẹ của Đức Kitô "đã đem ơn cứu độ đến cho nhân loại": "Chúng ta đừng ngạc nhiên khi Thiên Chúa đến cứu thế gian, bắt đầu công cuộc của Ngài nơi Đức Mẹ, để nhờ Mẹ mà ơn cứu độ khởi đầu, và Đức Mẹ là người đầu tiên tiếp nhận Chúa Con".
Thánh Augustinô được ĐGH Gioan Phaolô II xác định là người đầu tiên nói Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ. Thánh nhân viết: "Một phụ nữ đã trao chất độc và lừa dối loài người. Một phụ nữ đã trao ơn cứu độ để loài người được phục hồi. Bằng việc sinh Chúa Giêsu, một phụ nữ đã chuộc tội của loài người mà họ bị một phụ nữ lừa dối". Nhiều vị thánh khác cũng tôn xưng Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ, trong số đó có Thánh lrênê, Thánh Giêrômiô (420), Thánh Phêrô Chrysôlôgô (450), và Thánh Gioan Chrysostom.
Đấng Đồng Công Cứu Độ khi chuyển giao thiên niên kỷ
Thánh Gioan Damascene (khoảng năm 675-749), tiến sĩ giáo hội và là một trong các giáo phụ vĩ đại Hy Lạp, dạy rằng "chính nhờ Đức Mẹ mà chúng ta được cứu độ khỏi lời nguyền rủa"và "nhờ Đức Mẹ mà cả nhân loại được phục hồi".
Tuy nhiên, đó là một tu sĩ Dòng Byzantine hồi cuối thế kỷ X tên là Gioan Geometer, ngài đã có bước đột phá về thần học khi khai sáng về tính bất khả ly (inseparability) của Đức Mẹ và Chúa Con trong việc hoàn tất công cuộc cứu độ trên đồi Can-vê. Ngài viết trong cuốn "The Life of Mary" (Cuộc Đời Đức Mẹ): "Sau khi sinh Chúa Con, Đức Mẹ không bao giờ rời xa Ngài trong mọi hoạt động và ý muốn của Ngài… Khi Con đau khổ, Đức Mẹ không chỉ hiện diện bên Con mọi nơi mà còn nhận biết sự hiện diện của Con, thậm chí Mẹ còn chịu đau khổ với Con…".
Chủ đề "bất khả ly giữa Mẹ và Con" trong công cuộc cứu độ sẽ còn được lặp đi lặp lại trong các thế kỷ tiếp theo, nhất là trong các mặc khải cho Thánh Bridget (thế kỷ IV) đã được Giáo hội phê chuẩn.
Thánh hồng y Phêrô Damian (1072), tiến sĩ giáo hội, đã kêu gọi Giáo hội cảm tạ Đức Mẹ, sau Thiên Chúa, về ơn cứu độ: "…Chúng ta hoài nghi Thánh Mẫu Thiên Chúa, và… sau Thiên Chúa, chúng ta nên cảm tạ Đức Mẹ về ơn cứu độ". Thánh Anselmô (1109), một trong các thần học gia và triết gia lỗi lạc của thời Trung Cổ, đã kêu lên: "Qua Mẹ, chúng con được đến gần Chúa Con, Đấng Cứu Độ thế gian qua Mẹ".
Thánh Bênađô Clairvaux (1153), arguably the most significant figure of the twelfth century, frequently referred to Mary as "khởi điểm của ơn cứu độ". Ngài viết: "Ôi Mẹ hồng phúc, Mẹ đã trao ban Con để hòa giải chúng con, làm chúng con thánh thiện và làm vui lòng Chúa. Với niềm vui, Chúa Cha sẽ chấp nhận sự dâng hiến này, lễ hiến tế có giá trị vô hạn".
Arnold thành Chartres (1160), luật của Thánh Bênađô, lần đầu tiên nói rằng Đức Maria cùng chịu đóng đinh (co-crucified) với Con trên đồi Can-vê và cùng chết (co-dies) với Con: "Điều họ đã làm trong thân xác của Đức Kitô với các cây đinh và lưỡi đòng, đó là sự đồng cam cộng khổ trong tâm hồn Mẹ. Mẹ cùng chết bằng nỗi đau khổ của một người mẹ".
Mặc khải thần bí của thế kỷ 14
Giáo lý về Đức Mẹ Đồng Công có nền tảng sâu xa hơn hồi thế kỷ XIV, qua sự cộng tác thần bí của Thánh Bridget của Thụy Điển (1373), và Thánh tiến sĩ Catarina Sienna (1380). Trong các lần mặc khải đó, đã ghi lại các thị kiến và những lời tiên tri được Chúa Giêsu và Đức Mẹ trao cho Thánh Bridget, không chỉ được Đức giáo hoàng và Giáo hội chấp thuận, mà còn được nhiều giáo hoàng, giám mục và các thần học gia đề cao. Trong các lần mặc khải, Chúa Giêsu nói rõ: "Mẹ Tôi và Tôi đã cứu độ nhân loại bằng một trái tim duy nhất, Tôi chịu đau khổ trong tâm hồn và thể xác, Mẹ chịu buồn sầu và yêu thương bằng trái tim Mẹ". Để xác định, Đức Mẹ nói: "Con Mẹ và Mẹ đã cứu thế giới bằng một trái tim.
Thánh Catarina Siena, nhà thần bí của các nhà thần bí, vị tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội và đồng bảo trợ Âu châu, đã gọi Đức Mẹ là "Đấng Cứu Độ của nhân loại": "Lạy Mẹ Maria, Đấng Cứu Độ của nhân loại, vì nhờ trao xác thịt cho Ngôi Lời, Mẹ đã cứu độ thế gian. Đức Kitô cứu độ bằng cuộc khổ nạn, còn Mẹ cứu độ bằng nỗi đau tâm hồn và thể lý".
Đức Mẹ Đồng công và Chân phước Gioan Phaolô II
Trong số các giáo hoàng của thế kỷ XX, chỉ có ĐGH Gioan Phaolô II thường xuyên dạy rằng Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ. Ngài đề cập Đức Mẹ là Đấng Đồng Công ít nhất 6 lần trong triều đại giáo hoàng của ngài, qua nhiều dạng giáo huấn, cùng cấu thành giáo quyền – các bài giảng, tông thư, huấn thị.
Mặc dù Công đồng Vatican II không minh nhiên nói về Đức Mẹ Đồng Công, Chân phước Gioan Phaolô II vẫn nói rằng Công đồng vẫn dạy sự thật về Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 2-4-1997, ngài nói về 70 giáo lý về Đức Mẹ trong hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), trong đó có giáo huấn của Công đồng về Đức Mẹ Đồng công:
"…Đức Mẹ chịu đựng cùng Con Yêu Dấu trong nỗi đau cực độ của Con, lòng Mẹ cũng chia sẻ sự hy sinh của Con, và bằng lòng hiến tế chính Con Yêu Dấu của Mẹ. Với những từ ngữ này, Công đồng nhắc chúng ta về "lòng trắc ẩn của Đức Mẹ"; lòng Mẹ phản ánh mọi nỗi đau thân xác và tâm hồn, nhắn mạnh sự sẵn sàng chia sẻ sự hy sinh cứu độ của Con và kết hiệp nỗi đau lòng Mẹ với việc hiến tế của Con. …Hiến chế Lumen Gentium liên kết Đức Mẹ với Đức Kitô, Đấng giữ vai trò chính trong ơn cứu độ, làm rõ việc Mẹ tự kết hợp với sự hy sinh của Con, còn Mẹ vẫn phụ thuộc Con Thiên Chúa".
Đức Mẹ có đồng công cứu độ?
Các vị đại thánh, các giáo phụ, các thần học gia và vài giáo hoàng, đã đề cập điều đó. "Đức Mẹ Đồng Công" là lời thúc giục vang dội suốt hằng trăm năm qua trong lịch sử giáo hội, ngay từ thế kỷ II, đã và đang kiến nghị vị đại diện Thiên Chúa là Đức giáo hoàng. Khi chúng ta tiếp tục đọc câu chuyện về Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Độ, Đấng Trung Gian và Trạng Sư, chúng ta hãy nhớ lời của ĐHY Edouard Gagnon, P.S.S., chủ tịch danh dự Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình và Ủy ban Giáo hoàng về các Hội nghị Thánh Thể Quốc tế: "Làm sao thánh danh Đức Mẹ Đồng Công được dùng để tôn vinh Đức Mẹ khi đã được sử dụng bởi các Đức giáo hoàng, các thánh, các chân phước, các nhà thần bí, các tiến sĩ giáo hội, và các thần học gia xuyên suốt lịch sử giáo hội, kể cả ĐGH Gioan Phaolô II…?".
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa./.
http://www.lamhong.org/le-duc-me-sau-bi-vai-tro-cua-dau-kho-trong-cuoc-doi-duc-me-8007-09-2012/
http://www.lamhong.org/le-duc-me-sau-bi-vai-tro-cua-dau-kho-trong-cuoc-doi-duc-me-8007-09-2012/
Không có nhận xét nào: