Nền tu đức của các linh mục giáo phận - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 9, 2012

Nền tu đức của các linh mục giáo phận

GPVO - Trong những năm 1950, thường không mấy ai nói đến nền tu đức linh mục [1] và chính các linh mục xem ra cũng ít nghĩ rằng mình có một nền tu đức riêng. Có những linh mục ngỡ ngàng vì thấy mình đã được huấn luyện như các tu sĩ và tỏ ra băn khoăn, khi phải thi hành thừa tác vụ linh mục ở giữa đời.

Đức hồng y Marty, báo cáo viên của Ủy Ban đặc trách soạn thảo sắc lệnh Thừa tác vụ và đời sống của các linh mục (Presbyterorum Ordinis), là một trong những nhân chứng về sự thay đổi liên quan đến các linh mục trong thời Công Đồng. Năm 1982, ngài viết trong Bulletin de Saint Sulpice rằng: “Tôi tin là có một nền tu đức cho linh mục. Nhưng tôi đã không luôn luôn nghĩ tới. Chính trong khi họp Công Đồng Vaticanô II tôi mới ý thức điều đó. Người ta kể ra các việc đạo đức trong đời sống thiêng liêng và bảo linh mục lấy đó làm nguồn năng lựợng để đưa vào thừa tác vụ của mình. Nhưng tôi chẳng thấy có gì riêng cho linh mục trong các thứ đó. Bí tích Thánh Thể, các việc đạo đức như viếng Mình Thánh Chúa, các phương pháp nguyện ngắm, lần chuỗi mân côi hay xét mình mỗi ngày là những công việc của mọi Kitô hữu. Kinh phụng vụ cũng không phải chỉ linh mục và phó tế mới đọc mà cả các tu sĩ và đan sĩ cũng đọc nữa. Chính trong viễn tượng này mà chúng ta đã được được huấn luyện, đang khi mỗi lúc tôi một nghiệm thấy rằng thừa tác vụ của tôi trở thành nguồn mạch và nơi tái tạo sự gắn bó mật thiết của tôi với Đức Giêsu Kitô.” [2]

1. Phần đóng góp của Công Đồng

Cũng trong những năm 1950, người ta thường nhìn linh mục theo bản chất nội tại mà ít lưu tâm đến các mối liên hệ với giám mục, linh mục đoàn và giáo dân, thậm chí chỉ nghĩ đến linh mục như một Kitô khác, được ghi dấu hiến thánh không phai mờ và biến thành một hình ảnh của Đấng Cứu Thế. Chúng ta nên biết rằng chính trong hiến chế về Hội Thánh mà sự suy nghĩ về thừa tác vu được phát triển. Sau khi nhìn nhận Mầu Nhiệm Hội Thánh (ý định cứu độ của Thiên Chúa), Dân Thiên Chúa và việc thực thi chức linh mục chung của các tín hữu, chương III trong hiến chế bàn về việc thành lập phẩm trật trong Hội Thánh, đặc biệt là chức giám mục. Cũng trong chương này, thừa tác vụ được định nghĩa trong tương quan với giám mục. “Các linh mục là những cộng sự viên đắc lực của giám mục, là sự trợ giúp và dụng cụ được kêu mời để phục vụ Dân Thiên Chúa. Linh mục cùng với giám mục của mình làm nên một linh mục đoàn có nhiều nhiệm vụ khác nhau”[3] . Như vậy, linh mục không còn được nghĩ tưởng một cách riêng rẽ nữa, mà phải theo, chiều kích tương quan và chiều kích này là điểm trung tâm trong thừa tác vụ của linh mục.

Căn tính linh mục cũng như căn tính của mọi Kitô hữu đều bắt ngưồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã mặc khải và thông truyền chính mình cho loài người trong Đức Kitô.[4] Nhờ sự hiến thánh do bí tich Truyền chức ban cho, linh mục là người được Đức Giêsu sai đi, được nên đồng hình đồng dạng với Người một cách đặc biệt như Người là Đầu và Mục Tử của Dân mình, để sống và hành động trong Chúa Thánh Thần, hầu phục vụ Hội Thánh và cứu độ trần gian. Tông huấn Pastores do vobis nói về điểm tương quan cốt yếu của căn tính linh mục trong mối hiệp thông với giám mục để phục vụ Dân Thiên Chúa và đưa mọi người đến với Chúa. Chiều kích tương quan này cũng là một cách thế ở đời với người khác, và có những ảnh hưởng quan trọng trong cách thế sống thừa tác vụ, với những đòi hỏi đặc biệt về sự thánh thiện.

Công Đồng quả quyết rằng linh mục nhận được hai lời mời nên thánh. Một đàng do sự hiến thánh của phép rửa, đương sự được mời gọi nên thánh như mọi tín hữu. Ơn gọi chung này bám rễ trong bí tích thánh tẩy, làm cho linh mục thành người anh em giữa các anh em trong Dân Thiên Chúa, nhận được ân sủng và ơn gọi nên thánh như mọi Kitô hữu, dù bản tính loài người yếu đuối: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5,58)[5]. Đàng khác, được hiến thánh do bí tích truyền chức, linh mục đươc kêu gọi cách riêng phải nên thánh. Tông huấn Pastores do vobis nói về ơn gọi đặc thù do sự hiến thánh mới của bí tích Truyền Chức, làm cho linh mục thành dụng cụ của Đức Kitô, linh mục đời đời. Khi thay thế con người của Đức Kitô, linh mục được ban cho một ơn đặc biệt làm cho mình có thể hành động như dụng cụ của Đức Kitô trong chức linh mục.

2. Đức ái mục vụ

Năm 1950, khi soạn thảo thông điệp Menti nostrae cho các linh mục trên thế giới, ĐGH Piô XII, dành chương I để nói về sự thánh thiện của linh mục. Ngài nhấn mạnh rằng việc tìm kiếm sự thánh thiện là một bổn phận thường xuyên của linh mục, và trình bày cách chi tiết các điều kiện, nhất là việc thực hành các lời khuyên của Tin Mừng để thực hiện sự thánh thiện này. Trong chương II, ngài cho thấy các linh mục có nhiệm vụ phân phát các mầu nhiệm thánh, phải tổ chức công việc tông đồ và sống kết hợp với Đức Kitô như thế nào. Các phương thế được đề nghị trong Menti nostrae để phát triển đời sống thiêng liêng của các linh mục trưng dẫn rõ ràng địa vị trung tâm của bí tích Thánh Thể, việc đọc sách nguyện, suy gẫm Lời Chúa, xét mình và xưng tội, sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.

Công đồng Vaticanô II cũng nhắc lại rải rác đó đây những phương thế này. Nhưng đã có sự thay đổi viễn tượng rất lớn. Thoạt tiên, Công Đồng đề cập đến việc theo đuổi sứ mệnh của Đức Kitô trước khi nói đến ơn gọi chung phải nên thánh của tín hữu, và ơn gọi riêng phải nên thánh do bí tích Truyền Chức của các linh muc. Công Đồng nối tiếp bàn luận bằng cách nhìn vào mấy yếu tố liên quan đến đời sống riêng của các linh mục. Tông huấn Pastores do vobis chia những yếu tố này thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những người liên hệ đến sự thánh hiến làm cho mình nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Thủ lãnh và Mục tử, tức các linh mục. Nhóm thứ hai gồm những người liên hệ đến sứ mệnh, tức giáo dân và nhóm thứ ba gồm những người sống để làm chứng cho tính triệt để của Tin Mừng, tức các tu sĩ trong các dòng tu.

Ở đây chỉ đưa ra một vài yếu tố trong đời sống thiêng liêng của các linh mục để nhấn mạnh đến chiều kích tương quan của thừa tác vụ. Chiều kích này cho thấy sự thay đổi trong cách suy tưởng và lối sống của các linh mục liên quan đến việc suy gẫm Lời Chúa, cách hành quyền và đức vâng lời.

2.1. Thực thi quyền bính và bác ái mục vụ

Đời sống thiêng liêng của linh mục phải được nhào nặn, uốn nắn cho nên giống hình ảnh Đức Kitô là Thủ Lãnh. Hình ảnh này được ghi dấu bởi tác phong của chính Người. Nơi Người, quyền binh được thực thi như một dịch vụ và một sự dấn thân. Câu trả lời của Người cho mẹ con bà Dêbêđê rất tiêu biểu (Mc 10,43-45). Quyền hành nơi Đức Kitô trùng hợp với dịch vụ và dấn thân. Thái độ chạnh lòng thương của Người đối với đám đông dân chúng bị bỏ rơi không có người chăm nom dạy dỗ là nguồn mạch và mẫu gương cho đức bác ái mục tử. Về vấn đề này, ĐGH Gioan Phaolô II viết: “Đời sống thiêng liêng của các thừa tác viên Tân Ước phải được thấm nhuần và ghi dấu ấn của thái độ phục vụ Dân Chúa và gạt bỏ ra ngoài mọi kiểu cách hống hách thống trị đối với đoàn chiên đã được giao phó cho mình. Hình ảnh Đức Kitô Mục Tử và Phu Quân gương mẫu sẽ giúp tăng cường thái độ này nơi linh mục, người được kêu mời sống tình yêu của Đức Kitô Phu Quân đối với Hiền Thê là Giáo Hội. Linh mục có thể yêu mến dân được giao phó cho mình bằng một tình yêu rộng rãi, quãng đại và vô vị lợi, chịu đựng các cơn thử thách mà không sờn lòng. Nguyên lý nội tại linh hoạt nhân đức và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của linh mục là đức ái mục vụ.[6]

Đức ái đó đòi các linh mục phải hiến thân hoàn toàn cho Giáo Hội theo hình ảnh hiến thân của Đức Kitô bằng cách kết hiệp với Người. Đức ái mục vụ là động cơ hoạt động thúc đẩy toàn thân con người linh mục thành người phục vụ. Không phải chỉ có việc chúng ta làm mà còn cả sự hiến thân của chính chúng ta mới bày tỏ tình yêu của Đức Kitô cho đoàn chiên của Người. Đức ái mục vụ định hình cho cách suy nghĩ và hành động của chúng ta, cách chúng ta liên lạc tiếp xúc với người khác. Theo gương Đức Kitô, đức ái mục vụ của mục tử nhân lành lo lắng cho mọi “con chiên”, kể cả những con không thuộc về ràn, không đặt giới hạn. Có như thế chiều kích truyền giáo mới hiện tỏ.

Muốn cho Đức ái mục tử này thành đích đáng thì phải hiệp thông với giám mục và các linh mục trong giáo phận. Phân biệt tiếng gọi của Chúa, xác định xem những sáng kiến loan báo Tin Mừng có đi đúng tinh thần của Chúa không, tất cả những điều ấy đòi phải được cứu xét lại trong sự cầu nguyện với Chúa, hiệp thông với giám mục và các anh em linh mục.

Nhưng trên hết, Thánh Thể là nguồn mạch của đức ái mục vụ. Chính trong bí tích này chúng ta thấy được sự hiến thân của Đức Kitô cho Giáo Hội, sự hiến dâng Mình và Máu của Người để cứu độ trần gian. Cũng chính trong Thánh Thể, linh mục nhận được ơn tự hiến cùng với Đức Kitô.

2.2. Đời sống thiêng liêng gắn liền với sứ vụ

Hiến thân là vì sứ vụ. Hiến thân tự nó không phải là mục đích mà là vì sứ vụ ; nó làm cho linh mục trở thành sứ giả theo hình ảnh Đức Kitô. Lập luận mới này đưa ra một cái nhìn khác về thừa tác vụ. Bao lâu chỉ nhìn sự thánh thiện ở góc độ nội tại thì thừa tác vụ có thể bị coi như một mối nguy hiểm. Năm 1950, ĐGH Piô XII viết trong thông điệp Menti nostrae: “Tuy vẫn khen ngợi một cách chính đáng những ai đã cống hiến tất cả sức lực của mình để nâng đỡ, làm vơi nhẹ biết bao nỗi khốn khó về vật chất cũng như tinh thần, chúng tôi không thể bỏ qua mà không nhắc đến hay bày tỏ mối bận tâm và lo lắng của chúng tôi đối với những người vì hoàn cảnh đặc biệt và thời gian, thường quá lao mình vào cơn lốc hoạt động đến xao lãng và coi thường nhiệm vụ hàng đầu của linh mục là thánh hóa bản thân.” [7]

Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis cũng ghi dấu quan niệm thần học qui hướng về Đức Kitô và sự thánh thiện mang tính cá nhân mà không mấy chú trọng đến chiều kích thừa tác vụ. Như vậy, linh mục phải chu toàn bổn phận nên thánh để phục vụ Dân Thiên Chúa và không bao giờ được làm tổn thương đến sự thánh thiện của mình bởi quá hăng say nhiệt thành với những công việc bên ngoài. Công Đồng lưu ý linh mục phải gắn liền thừa tác vụ với đời sống. Sự thánh thiện của linh mục hệ tại việc rập khuôn đời mình theo Đức Kitô, Đấng đã được Chúa Cha sai xuống trần gian. Đó cũng là nỗ lực để hết tâm trí lắng nghe Thần Khí khi thi hành chức vụ. Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis số 12 viết: “Điểm qui hướng linh mục về sự hoàn thiện là những công việc phục vụ mỗi ngày, là tất cả thừa tác vụ được thi hành trong mối hiệp thông với giám mục và các linh mục trong giáo phận.” Số 13 cũng nói: “Chính việc trung thành thực thi không mệt mỏi chức vụ của mình trong Thần Khí của Đức Ki-tô là phương thế đích thực giúp linh mục đạt tới sự thánh thiện.”

Xin đưa ra đây một thí dụ để khai triển ý tưởng này, đó là vị trí của việc suy gẫm Lời Chúa. Năm 1950, ĐGH Piô XII viết: “Để thúc đẩy chúng ta mỗi ngày một hăng hái hơn trong việc đạt tới sự thánh thiện, Giáo Hội tha thiết khuyên mời chúng ta, ngoài việc cử hành thánh lễ và đọc sách nguyện, siêng năng làm các việc đạo đức. Xin nói tới ở đây và đề nghị vài ý tưởng để suy nghĩ: Giáo Hội đặc biệt khuyên nguyện ngắm. Nguyện ngắm đưa tâm trí chúng ta về những thực tại siêu nhiên, những sự trên trời, những gương mẫu và lời dạy tuyệt vời của Tin Mừng. [8]

Các nghị phụ khuyên các linh mục đọc Kinh Thánh hàng ngày để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình hầu có thể giảng giải cho người khác. Kinh nghiệm dạy cho chúng ta rằng khi tìm cách đón nhận Lời Chúa vào lòng mình, rồi lại tìm cách tốt nhất để truyền thông cho người khác thì chính chúng ta cũng được biến đổi như số 13 trong tông huấn Presbyterorum Ordinis viết: “Khi tìm cách tốt nhất để truyền thông cho người khác điều mình đã chiêm niệm, các linh mục sẽ nếm cảm sâu xa hơn sự phong phú vô biên của Đức Kitô. Khi nói đến chiêm niệm, điều ấy có nghĩa là đọc, suy niệm Lời Chúa cho thâm nhập lòng mình để cho lời ấy ở trong chúng ta và biến đổi chúng ta. Như vậy không nên coi nguyện ngắm chỉ là một việc đạo đức giúp cho việc nên thánh mà đó chính là thành phần của thừa tác vụ. Không thể thi hành thừa tác vụ theo Thần Khí của Đức Kitô, nếu hàng ngày chúng ta không nghe Lời Chúa và lo truyền thông lời ấy cho kẻ khác.”

2.3. Những đòi hỏi của công việc mục vụ làm nổi bật tính triệt để của Tin Mừng

Mỗi tín hữu dù ở hoàn cảnh hay bậc đời nào cũng được kêu mời nên thánh. Việc đáp ứng lời mời gọi này của Đức Kitô mang tính triệt để của Tin Mừng. Tính triệt để này được đặt ra cho mỗi người. Nó là một đòi hỏi biến mọi người đã chịu phép Rửa thành chi thể của Đức Kitô linh mục, ngôn sứ và quân vương. Sự đòi hỏi này áp dụng cho linh mục dưới hai danh nghĩa: người chịu phép Rửa và người được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thủ Lãnh và Mục Tử.

Tính triệt để của Tin Mừng này cần nhiều đức tính nhân loại mới nên hoàn chỉnh. Các lời khuyên trong Tin Mừng là một biểu hiện rõ nét nhất. Các lời khuyên ấy là vâng lời, khiết tịnh, nghèo khó gắn kết chặt chẽ với nhau và không chỉ dành riêng cho linh mục. Công Đồng khuyên các linh mục sống những lời khuyên đó theo những cách thế và hơn nữa theo các mục tiêu và ý nghĩa nguyên thủy căn bản của căn tính linh mục, hay nói cách khác, theo những đòi hỏi thiêng liêng trong đời sống linh mục.

Ở đây, chỉ xin nói về vâng lời. Vâng lời là noi gương Đức Kitô hiền lành và khiêm nhường. Thông điệp Menti nostrae có ý nói về các bề trên trong đạo và dạy rằng vâng lời các vị là vâng lời chính Đức Kitô: “Ở một thời đại như thời đại chúng ta, nguyên tắc quyền bính bị lung lay. Các linh mục cần phải gắn chặt đời mình với các huấn lệnh của đức tin mà nhìn nhận vâng lời chẳng những như hàng rào bảo vệ tôn giáo và xã hội mà còn như nền tảng của sự thánh thiện nơi cá nhân mình.” [9]

Công Đồng kêu mời sống đức vâng lời trước hết như tuân hành Lời Chúa, vâng phục Thần Khí đã được trao ban theo gương Đức Kitô: “Lương thực của Thày là làm theo ý Đấng đã sai Thày và hoàn thành công trình của Người.” (Ga 4,34) Đó là sẵn sàng tìm kiếm, không phải ý riêng mình, nhưng là ý vị đã sai mình. Thông điệp Menti nostrae đưa ra bốn đặc tính của đức vâng lời là tông đồ, cộng đoàn, liên đới và mục vụ.

2.3.1. Tông đồ

Đức vâng lời mang tính tông đồ là vì có liên quan đến Giáo Hội, nghĩa là không có thừa tác vụ linh mục ngoài sự hiệp thông với đức giáo hoàng, giám mục đoàn, đặc biệt giám mục giáo phận. Trong ngày chịu chức, linh mục cam kết sống hiệp thông và vâng lời trong sự trọng kính giám mục của mình. Đó là sự cam kết trong tự do của người chấp nhận những đòi hỏi sống đời sống có cơ cấu trong Giáo Hội và nhìn nhận quyền cai quản và thẩm định của giám mục.

2.3.2. Cộng đoàn

Đức vâng lời mang tính cộng đoàn vì không phải là sự vâng lời của một cá nhân đơn độc trước vị bề trên của mình, mà là của một thành viên trong linh mục đoàn hoạt động ăn khớp với giám mục trong tư cách cộng sự viên hiệp thông với ngài và cùng với ngài, hiệp thông với giám mục đoàn.

2.3.3. Liên đới

Đức vâng lời mang tính liên đới vì cùng với linh mục đoàn, biểu lộ các định hướng và lựa chọn chung trong phạm vi mục vụ. Chân phước Gioan Phaolô II nhìn nhận rằng khía cạnh vâng lời của linh mục đòi phải có một sự hy sinh rất lớn, một hình thức khổ chế, vì một đàng linh mục phải tập cho quen đừng quá bám víu vào các sở thích hay quan điểm riêng, một dàng phải dành cho các bạn đồng liêu một khoảng không gian vừa đủ để họ phát triển tài ba và khả năng của mình. Và như vậy cần phải loại bỏ những kiểu cách “ganh tị” hay tranh giành ảnh hưởng.[10]

2.3.4. Mục vụ

Đức vâng lời mang tính mục vụ vì hướng về việc phục vụ Dân Thiên Chúa theo gương Đức Kitô, Đấng chạnh lòng thương đám dân vất vưởng như chiên không có người chăn, mà sẵn sàng đáp ứng khát vọng của những ai đói khát Lời Chúa và tình thương của Người, với thái độ hiền từ và không phân biêt đối xử.

Các nghị phụ nhắc nhở các linh mục rằng cùng với sự cung ứng các phương tiện thích hợp của Giáo Hội, các vị phải sống thánh thiện mỗi ngày một hơn hầu trở thành những dụng cụ đích đáng để phục vụ toàn thể Dân Thiên Chúa.[11]

Các phương tiện được đề nghị là những phương tiện theo Truyền thống, cộng thêm một vài phương tiện khác như chiều kích tương quan vàthừa tác vụ được trình bày theo quan niệm mới.

Kết luận

Trên đây là bài thuyết trình của linh mục Jacques Akonom, Giám đốc liên chủng viện Lille (Pháp) trong cuộc hội thảo ngày 1-2.6.2010 cũng tại Lille đề là Entre tensions et passions, quel prêtre pour aujourd’hui et demain? (Giữa các căng thẳng và ham mê, linh mục nào cho hôm nay và ngày mai?)

Bài này được đăng tài trong Documentation catholique số 2492 ngày 17.6.2012 trang 576-580 dưới tiêu đề La spiritualité du prêtre diocésain. Nội dung bài viết trên dựa theo nội dung của bài này nằm đưa ra một đường hướng tu đức dành riêng cho linh mục giáo phận mà bấy lâu như bị chìm khuất, nay được phơi bày ra ánh sáng để giới thiệu một mẫu linh mục cho hôm nay và ngày mai.

_________________________

Chú thích:

[1] Jacques Akonom: La spiritualité du prêtre diocésain trong Documentation catholique số 2492 ngày 17.6.2012 trang 575-580
[2]HY F. Marty: Pour une vie spirituelle spécifiquement sacerdotale trong Bulletin de Saint Sulpice số 8 năm 1983 trang 77
[3] Lumen Gentium số 28
[4] Gioan Phaolô II: Pastores do vobis số 12, 1992 ; DC 1992, số 2050 trang 457-458
[5] Pastores do vobis số 19. Ibid. trang 462
[6] Pastores do vobis số 8
[7] Menti nostrae trong Do
[8] cuments pontificaux de S.S.Pie XII, năm 1952 trang 415
[9] Ibid. trang 409
[10] Pastores do vobis số 28
[11] Presbyterorum Ordinis số 12

Tác giả: LM Jacques Akonom

Dịch giả: LM Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

Nền tu đức của các linh mục giáo phận Reviewed by Admin on 9/19/2012 Rating: 5 GPVO - Trong những năm 1950, thường không mấy ai nói đến nền tu đức linh mục [1] và chính các linh mục xem ra cũng ít nghĩ rằng mình có m...

Không có nhận xét nào: